Tag Archive | men trắng vẽ hoa nâu

MÙA XUÂN, LỄ HỘI & ĐI SĂN!*

Từ ngàn xưa, Mùa Xuân đã từng là mùa của lễ hội và săn bắn. Từ làng quê tới phố thị, đâu đâu cũng rộn ràng lễ hội để vui, để cầu chúc và bù đắp những tháng ngày vất vả mưu sinh…Mùa Xuân cũng là mùa ” yêu đương ” của chim muông và hoang thú khiến những tay thợ săn nổi ” hứng ” vào…rừng!…
Những cảnh sinh hoạt thời bình đó đã được người xưa khắc họa sinh động trên những chiếc thạp gốm hoa nâu thời Trần mà nay vẫn còn được lưu giữ, nhưng rất hiếm hoi!

Continue reading

SEN VÀ RỒNG*

SEN là loài hoa của Phật giáo, gắn liền với Văn hoá Phật giáo thì đã quá rõ. Còn RỒNG thì sao? Hình tượng RỒNG trong văn hoá Việt Nam xuất hiện khi nào? Có người cho rằng hình tượng Rồng có từ thời Đông Sơn, trên họa tiết trống đồng. Nhiều người cho rằng đó là hình cá sấu và giảo long. Phần lớn học giả đều cho rằng hình tượng RỒNG trong Văn hoá VN chỉ phổ biến từ thời LÝ, gắn liền với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn gặp rồng vàng bay lên khi rời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Các nhà mỹ thuật đương thời sáng tác các hình tượng rồng trong thế đang bay theo ý tưởng của nhà vua.

Continue reading

VĂN HOÁ, NGHỆ THUẬT THỜI LÝ TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI!*

Đánh giá cao nghệ thuật gốm thời Lý, tiến sỹ Kenson Kwok, giám đốc Bảo tàng Văn minh châu Á, Singapre nhận định: Nghệ thuật thời Lý hiện diện ở rất nhiều công trình kiến trúc của các quốc gia châu Á. Đặc biệt ở Indonesia, rất dễ bắt gặp các hoa văn thời Lý của VN ở các SP gốm, bình vôi, lục bình…cho thấy sự sáng tạo của người thợ gốm Việt Nam rất tinh tế và có sức lan toả rộng.

Continue reading

PHẬT SEN*

Thời Đại Việt LÝ – TRẦN, Phật giáo là quốc giáo. Vậy nên Sen là Quốc hoa. Sen hiện diện khắp nơi, đặc biệt trong đời sống tâm linh, văn hoá nghệ thuật, kiến trúc…

Continue reading

Đồ gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 1)

Gốm men trắng cùng các loại men khác tạo nên sự độc đáo của gốm thời Lý Trần:

Bên cạnh loại đồ gốm đất nung mang tính chất trang trí kiến trúc, thời Lý –Trần còn có nhiều loại hình thuộc các dòng gốm men khác như gốm men trắng, men ngọc, men nâu mà phần lớn là đồ gia dụng. Đây chính là loại sản phẩm lưu hành rộng khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của các tầng lớp cư dân, từ cung đình đến bình dân. Những đồ gốm này cũng thể hiện một trình độ cao, tiêu biểu về kỹ thuật cũng như chất lượng mỹ thuật trong khâu tạo hình và trang trí của nghề gốm ở nước ta.

Tại kinh thành Thăng Long, bên cạnh những lò gốm chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc còn có những lò gốm sản xuất đồ gốm men. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày nhiều loại phế vật lò gốm, trong đó có nhiều chồng dính bát đĩa gốm men ngọc, men trắng và nâu. Dựa trên các hiện vật đã thu thập được, có xuất xứ từ các di tích của thành Thăng Long, chúng ta hãy cùng xem về dòng gốm men trắng độc đáo này.

Gốm men trắng ngà:

có thể coi là một dòng gốm đặc sắc, loại hình và trang trí có nhiều trường hợp tương đồng với loại men nâu và men ngọc, niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Loại hình chính gồm có ấm, bát, bình, chén, đài sen, đĩa, khuôn đúc, hũ, lọ, liễn, thạp, thống,… Hoa văn trang trí thể hiện kết hợp giữa chạm đắp nổi và khắc chìm. Đề tài trang trí phổ biến có băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, băng hoa nổi, rồng giun uốn khúc kiểu thắt túi, hoa dây, hoa chanh, hình tháp, tiên nữ, phượng, sóng nước, vòng tròn nhỏ, vạch đứng song song, mây hình khánh.

Những đại diện tiêu biểu là loại ấm rượu men trắng ngà, cao 21,1 cm, miệng viền tròn, thân chia múi hình cánh hoa, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen đều đặn, cánh to xen cánh nhỏ.

Ấm rượu khác lại có dáng quả dưa, cao 20,4 cm, miệng loe cổ eo cao tạo nhiều ngấn, vòi ngắn, vai đắp nổi cánh sen, thành ngoài chạm khắc chìm hoa dây và chạm nổi băng sóng nước quanh chân, đáy lõm để mộc, men ngà rạn. Đây cũng là một trong số mẫu ấm thời Lý kết hợp tài khéo giữa tạo dáng và trang trí.

Chiếc ấm rượu khác lại có nắp đầy đủ, cao 22 cm, nắp có chỏm búp sen, còn ấm có gờ miệng tròn, thân hình cầu, đáy mộc, chân tạo ngấn con tiện, vòi ấm hình đầu rồng, quai hình chim vẹt, nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

Ấm trà chất liệu gốm men trắng ngà:

Chiếc ấm trà nhỏ thể hiện dáng tròn dẹt, cao 11,3 cm, thân tạo 8 múi nổi, chắc khoẻ tựa dáng quả bí ngô, vai và nắp chạm nổi băng cánh sen, men phủ trắng ngà. Cũng có loại ấm rượu với kích thước nhỏ, chỉ cao 7,6 cm, có miệng uốn, thân chia 8 múi dọc, chân đế thấp và rộng, vòi ngắn, quai hình chim vẹt, vai đắp nổi băng cánh sen, men trắng ngà.

Ngoài các dáng ấm kể trên còn xuất hiện loại ấm đặc biệt, tương đồng với ấm gốm hoa nâu cùng thời. Loại ấm này được tạo dáng giống như ghép một đĩa cao chân với một bát sâu lòng. Miệng ấm hình đĩa, cổ cao hình trụ với các đoạn hình đốt trúc, thân chia múi tạo hình bông sen nở, các đầu cánh vượt lên vai, uốn cong đều đặn. Vòi cao, quai cong hình khuyên, mặt nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

 

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.