Thư mục tập hợp cổ vật Việt Nam thuộc các dòng khác nhau như đá, đồng, gốm v.v.
Trong kho tàng di sản văn hoá của bất cứ quốc gia, dân tộc nào, cổ vật luôn luôn giữ một vị trí quan trọng. Nước Việt Nam ta, trong dậm dài phát triển mấy nghìn năm, cổ vật cùng với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khác càng có ý nghĩa thiết thực và lớn lao trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật truyền thống của cha ông, trong từng giai đoạn thăng trầm của dân tộc, đặc biệt là ở các giai đoạn con người còn ở thủa hồng hoang, quốc gia dân tộc ở buổi sơ khai.
Cổ vật Việt Nam là một bộ phận của di sản văn hoá Việt Nam. Trong thế giới muôn vẻ của di sản văn hoá, cổ vật thật gần gũi với đời sống đương đại. Không phải đợi đến bây giờ, mà từ thủa xa xưa biết bao tao nhân mặc khách đã chìm đắm trong niềm đam mê cổ ngoạn. Tiếp cận với cổ vật, ta có thể nhận ra một phần chân dung lịch sử nước nhà. Cổ vật được phát hiện qua những cuộc khai quật khảo cổ, những chuyến điền dã sưu tầm ở các miền quê; cổ vật hiện diện trong các di tích đình, chùa, đền, miếu, từ đường dòng họ; trong các sưu tập tư nhân; trong các con tàu đắm cổ ở biển Việt Nam…
Định nghĩa về cổ vật (Theo Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001): Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.