Archive | Tháng Sáu 2017

Đọ độ khủng của các “vua cổ vật” khắp Việt Nam

Ở Việt Nam có rất nhiều người chơi cổ vật nhưng được khâm phục về chuyên môn, đạo đức và những món đồ độc nhất chỉ có thể là “Vua cổ vật”.

Đoàn Anh Tuấn – “Vua” cổ vật hào hiệp

Ông Đoàn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam, người hiến tặng cổ vật nhiều nhất hiện nay được mệnh danh là “Vua từ thiện cổ vật”.

Dòng họ Đoàn của ông ở phố cổ Hà Nội nổi tiếng với thú mê cổ vật. Có lẽ vì thế mà “máu” cổ vật đã ngấm vào con người ông Tuấn từ khi còn rất trẻ. Năm 1998, khi Nhà nước ban hành Luật di sản thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về cổ vật, ông Tuấn đã bán căn nhà mặt phố Trương Định để dồn tiền mua cổ vật. Thậm chí, ông còn từng hành nghề bơm vá, sửa xe đạp, xe máy, mò lên các bãi vàng để kiếm tiền mua cổ vật.

Ông Đoàn Anh Tuấn ngồi giữa căn phòng ngập cổ vật

Cổ vật được ông Tuấn bày biện khắp nhà theo niên đại. Lâu đời nhất là chiếc tủ bày các công cụ lao động sản xuất, vũ khí của người xưa, kế đến là các trang sức của nền văn hóa Đông Sơn, nhà bằng đất nung từ thời kỳ đầu công nguyên, chum, thạp thời Lý, Trần,… Những chiếc trống đồng Đông Sơn, ấm rượu đồng rèn đầu rùa thế kỷ I – III; tượng Quan âm đồng thế kỷ I được chất đầy trong căn phòng ngót nghét trăm mét vuông trên tầng 2.

Ông Tuấn cho biết, ông mua đồ cổ chỉ để chơi và hiến tặng chứ chẳng bao giờ tính đến chuyện lời lỗ. Máu cổ vật là vậy, nhưng Đoàn Anh Tuấn không bao giờ “chơi” đồ trục vớt. Ông cũng “kỵ” cổ vật Trung Quốc, chỉ thích chơi những thứ đồ mà các cụ người Việt từng dùng.

Những cổ vật được trưng bày một cách gọn gàng ngăn nắp

Được phần đông giới chơi thừa nhận là một trong những người có nhiều cổ vật nhất, nhưng Đoàn Anh Tuấn chưa bao giờ nhận mình là “vua cổ vật”. Với ông, cổ vật chính là vật chứng lịch sử, phải mang lại lợi ích văn hóa cho cộng đồng, mới là chơi cổ vật, chứ không phải cứ lao vào những món đắt tiền. Vì thế, ông liên tục mua cổ vật rồi liên tục hiến tặng lại cho các bảo tàng. Theo ông, thực chất, khi tặng – cũng như khi giúp các bảo tàng tổ chức trưng bày, là chúng tôi gửi di sản về với cuộc sống để mọi người chiêm ngưỡng, bổ sung kiến thức văn hóa truyền thống. Như vậy thì có gì phải tiếc!

Nguyễn Thanh Đạm – “Vua cổ vật” đồ đồng

Nguyễn Thanh Đạm, sinh năm 1952, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là “vua” đồ đồng miền Trung. Hiện ông đang sở hữu nhiều cổ vật bằng đồng, trong đó có 200 chiếc mâm đồng đúc liền với những tuyệt tác được chạm khắc hết sức tinh vi, điêu luyện; bộ tượng bằng đồng, chuông đồng, khánh đồng, lư hương, đèn… có niên đại hàng trăm năm.

“Vua” đồ đồng Nguyễn Thanh Đạm luôn ý thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc

Ông Đạm cho hay, gia đình ông có “vật gia bảo” lưu truyền qua 5 đời đó là những chiếc mâm đồng, lư hương mà bố ông trước khi mất có căn dặn: “Dù có đói, có chết, con cũng không được bán, đổi nó đi”. Cũng chính từ đó, trách nhiệm thiêng liêng đã đánh thức ông Đạm về việc gìn giữ, bảo quản và bổ sung thêm cho bộ sưu tập đồ đồng. Thời gian ông làm công nhân hóa chất ở Nghệ An, ngoài đồng lương ít ỏi, ông còn dành dụm tiền “săn lùng” cổ vật khắp mọi miền đất nước.

Tránh kẻ xấu đánh cắp, ông Đạm đã xếp gọn đồ đồng trong hòm sắt giấu kỹ trong hầm kín bởi hiện giờ, tường rào nhà ông không thể đảm bảo an toàn cho những hiện vật quý hiếm này.

Hơn 40 năm gìn giữ, sở hữu số lượng lớn bộ đồ đồng, ông Đạm rất tự hào và hãnh diễn về tài sản quý giá này. “Tôi không dám nói trong tay có tiền tỉ, hoặc hàng trăm triệu đôla. Tôi dám khẳng định rằng giá trị cổ vật đổi ra bằng tiền ít đại gia nào theo kịp tôi. Nhưng tôi không bao giờ bán hay đổi lấy một thứ gì”.

Hồ Tấn Phan – “Vua cổ vật” xứ Huế

Người dân xứ Huế gọi ông là “nhà nghiên cứu Huế”, hay “vua cổ vật”. Nhưng, ông chỉ nhận mình là “người tiên phong tìm đồ cổ trên dòng Hương Giang”… Ông “vua cổ vật” ấy là Hồ Tấn Phan, năm nay ngoài 70 tuổi, ở phường Phú Hiệp, TP Huế, người sở hữu một kho sách cùng hàng ngàn cổ vật quý có niên đại hơn 2.500 năm.

Ông Phan kể, cuộc hành trình đi tìm đồ cổ ấy khiến ông phải sớm chia tay với bục giảng. Năm 49 tuổi, cuộc truy tìm cổ vật được ông đầu tư công sức hơn bao giờ hết. Để có được những cổ vật như bây giờ, ông Phan phải săn lùng ở khắp nơi và nhiều khi bỏ ra số tiền lớn để có được cổ vật mong muốn.

Cổ vật mà mấy chục năm qua ông Phan cất công tìm kiếm đến giờ này đã chất đầy từ trong nhà ra đến ngoài vườn

Theo ông Phan, để sở hữu một kho tàng cổ vật không dễ chút nào. Riêng chuyện phải “đối phó” với những tay anh chị chuyên đi buôn đồ cổ đã rất khó khăn. Song, sau nhiều năm gắn bó với người dân vạn đò, khi vớt được thứ gì họ cũng đem bán cho ông với giá vừa phải.

Ông Phan khẳng định, mỗi khi tìm được cổ vật mới là ông phải thức ngày thức đêm để nghiên cứu giá trị của triết lý văn hóa và niên đại của cổ vật

Những cổ vật của ông được trưng bày khắp nơi, vì trong nhà không còn chỗ để nên ông đành để ngoài vườn. Ông Phan tiết lộ, hiện ông có nhiều loại cổ vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử và khoa học. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.

Ông Phan khẳng định, người chơi cổ vật không chỉ cần tiền, cần sự nhẫn nại mà còn cần cả cái duyên, cũng giống như trai gái yêu nhau, sống với nhau cũng cần cái duyên vậy.

Hoàng Văn Cường – “Vua cổ vật” Sài thành

Dòng máu của đại gia đình buôn bán đồ cổ giúp Hoàng Văn Cường sớm nhận biết giá trị của cổ vật. Từ rất sớm, ông đã đam mê thú chơi tao nhã nhưng đầy giá trị nhân văn trên. Những ngày còn làm thầu phế liệu, Hoàng Văn Cường có cơ hội được tiếp xúc với những bảo vật mà không phải ai cũng có thể nhìn ra giá trị không tưởng của chúng. Dần dần, Cường nhận ra rằng, trong đám phế liệu mình thu gom có những thứ không thể bán đi mà phải cất giữ.

Ông “vua” đồ cổ cùng chiếc long sàng dành cho vua chúa thời Nguyễn

Khi căn nhà nhỏ 3 tầng trên phố Đông Du, (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) của ông chật cứng cổ vật, ông mua một căn nhà mới ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh để lưu giữ cổ vật ở đó. Hiện căn nhà này đang chứa tới 2.000 cổ vật. Các món cổ vật gốm sứ, từ những vật dụng bé ly ti đến kích thước lớn đều có tuổi thọ lên đến cả mấy ngàn năm. Ngoài ra, còn có những tượng phật, ống điếu, bình vôi và vô số ngọc ngà châu báu vô giá như cành vàng lá ngọc, ngọc bội, bình ngọc, có tuổi đời không dưới mấy trăm năm.

Ông thường tâm niệm: “Cổ vật là những di sản văn hóa ngàn đời của dân tộc. Nó không phải để bán mà để ngưỡng vọng, lưu giữ như một minh chứng cho nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Căn nhà của ông bây giờ trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, trong đó có cả những vị nguyên thủ quốc gia của các nước.

Trần Quốc Đoàn – “Vua cổ vật” miền Tây

Giới chơi đồ cổ gọi Trần Quốc Đoàn, người đang sở hữu hàng trăm món đồ cổ quý giá là “Vua bình vôi cổ đất miền Tây”. Đặc biệt, ông có bộ sưu tâp bình vôi cổ độc nhất vô nhị.

Ở tuổi 54, ông Đoàn như một nhà nghiên cứu về các các món đồ cổ đủ loại: từ bình đất nung cho đến gốm men xanh, nâu, vàng, trắng, từ bình Bát Tràng cho đến bình Trung Quốc, bình Chăm,…

Hiện nay bộ sưu tập “ông bình vôi” của ông Đoàn có trên 230 cái với đủ loại kích cỡ, màu sắc và chất liệu, hầu hết được sản xuất từ thế kỷ 18 và 19 ở Việt Nam, Trung Quốc, Chăm, Khmer,… Hầu hết các “ông bình vôi” đều có quai xách, được chạm vẽ họa tiết nhiều loài hoa, long, lân quy, phụng, hổ,… Bình vôi nào cũng có cái miệng để đổ vôi vào và lấy vôi ra ăn bằng cây chìa vôi (được làm bằng đồng, phía trên có nút gù, vừa để cầm, vừa để bịt kín miệng bình vôi không cho gió lọt vào làm đông vôi).

Ngoài ra, ông Đoàn còn sở hữu trên 100 tấm Sắc phong là những tấm văn bản do vua chúa triều Nguyễn phong thưởng cho các vị quan thần, bộ men Lâm Quế trên 100 món gồm: tô, chén, đĩa, tách,… có từ thời vua Gia Long, cùng vài trăm món cổ vật khác từ các loại chóe rượu, bình hoa, mặt rồng, đèn Tây.

Ông Đoàn chỉ có một nguyện vọng là sưu tầm và lưu giữ lại những cổ vật, kỷ vật gia truyền của người Nam Bộ xưa, góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống để con cháu thế hệ sau này biết đến.

Nguồn: baomoi.com

Đồ gốm Bắc thuộc

Nghề sản xuất gốm thời Bắc thuộc tiếp tục phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống và tiếp thu ảnh hưởng gốm Trung Hoa.


Gạch xây mộ khai quật tại thôn Vũ Xá, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách năm 1996



Bình gốm Bắc thuộc hình Con Tiện (TK 1-3) sưu tầm tại Kinh Môn năm 2011

Ngoài đồ đất nung mang nhiều dấu ấn Đông Sơn còn có các đồ gốm phủ men. Những đồ gốm hiện còn trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân thuộc giai đoạn này thường có nguồn gốc từ các ngôi mộ gạch xếp, mộ thuyền, mộ cũi. Niên đại các mộ khoảng thời kỳ Đông Hán, TK 1-3, Lục triều – Đường, TK 6 -7 hoặc cuối Đường, TK 9-10. Các ngôi mộ gạch xếp thường được xây dựng bằng loại gạch hình chữ nhật và hình múi bưởi, hoa văn in nổi trên rìa một cạnh: hình ô trám lồng, hình thoi, hình chữ S …Dấu tích của loại mộ gạch xếp mang phong cách Hán nên thường gọi là mộ Hán.

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, nơi đây còn lưu  giữ nhiều di chỉ mộ Hán. Trong những năm qua Bảo tàng Hải Dương đã tiến hành khai quật các ngôi mộ Hán như: Ngọc Lặc, Toại An, Minh Đức (Tứ Kỳ) đống Dom, đống Cà, Kim Chi (TP hải Dương), An Sinh (Kinh Môn)… thu về nhiều hiện vật gốm thời Hán có giá trị.

Loại hình đồ gốm Bắc thuộc có men chủ yếu: ấm, âu, bát, đĩa, bình, âu, lọ, chén 2 tai (nhĩ bôi) … Đồ đất nung có: mô hình nhà, mô hình bếp, gạch xây mộ.

Đặc điểm chính của đồ gốm Bắc thuộc: không có đồ gốm loại kích  thước lớn, xương gốm dày, men mỏng thường không phủ trùm hết, màu men vàng ngà, xanh nhạt hay xám. Loại hình vò, hũ gốm thời Hán thường in nổi văn ô trám lồng, hình thoi, chữ S… Một số ấm có trang trí hình đầu gà, đĩa có hoa văn vòng tròn tiếp tuyến giống như trên trống đồng Đông Sơn. Nhiều loại hình đồ gốm tạo dáng tương tự đồ đồng cùng thời như ấm đầu gà, chén 2 tai, bình con tiện, bình có quai, bát chân cao… Đặc biệt là đồ gốm có minh văn trên gạch xây mộ đống Dom, đầu ngói ống có chữ Cúc Bồ đã được bổ sung cho sưu tập gốm Hán phong phú và đa dạng.

Nguyễn Thị Liên

Nguồn: http://sovhttdl.haiduong.gov.vn/baotanggom/Pages/chitiettin.aspx?newsId=4c93819d-5a6a-483d-b569-19f4116280bb

Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (905): Chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc!

Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ năm 905:

Triều đại nhà Đường sắp sụp đổ, Trung Quốc rơi vào thời kỳ đại loạn sử cũ gọi là thời kỳ Ngũ đại Thập quốc (5 đời 10 nước) (*). Việc cai trị ở An Nam trở nên lỏng lẻo. Năm này, có lệnh bãi chức Tiết độ sứ Chu Toàn Dục vì sự bất lực của y. Độc Cô Tổn, trọng thần của hoàng đế Chiêu Tông nhà Đường cử sang An Nam thay Chu Toàn Dục, là người nhiều tham vọng và gian tham nổi tiếng là “Ngục Thượng thư” (tên Thượng thư độc ác).

Cuộc tranh giành phe phái trong hàng ngũ thống trị khiến Độc Cô Tổn bị biếm chức. Viên Tiết độ sứ cuối cùng của nhà Đường phải bỏ trốn ra đảo Hải Nam và bỏ mạng ở đấy.

Nhân cơ hội ở An Nam không có viên quan cai trị vì nhà Đường đang trong cơn hấp hối, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng có thế lực lâu đời ở đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương), đã nhanh chóng đứng ra lãnh đạo nhân dân nổi lên đánh đuổi bọn đô hộ nhà Đường, chiếm thành Đại La, dựng quyền tự chủ cho đất nước. Khúc Thừa Dụ cũng tự xưng là Tiết độ sứ.

Ngày 11 tháng giêng (tức 7/2/906), trước hành động quyết liệt của nhân dân Giao Châu, nhà Đường buộc phải phong chức “Đồng bình chương sự” cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt cai quản đất Việt.

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Con ông là Khúc Hạo lên kế vị. Dù ông không xưng vương xưng đế, nhưng đời sau nhớ ơn và gọi ông là Khúc Tiên chủ


Chú thích:

(*) 5 triều đại là: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn và Hậu Chu nối tiếp nhau từ 907 đến 960. 10 nước gồm: Tiền Thục, Hậu Thục, Ngô, Nam Đường, Ngô, Việt, Mân, Sở, Kinh, Nam, Bắc Hán và Nam Hán.

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 47-48.

Nguồn: http://www.maxreading.com/sach-hay/su-kien-lich-su-viet-nam/905-906-khoi-nghia-khuc-thua-du-thang-loi-gianh-quyen-tu-chu-cho-dan-toc-8352.html

Khởi nghĩa Lý Bí (542)

Mùa xuân năm 542, Lý Bí phát động cuộc khởi nghĩa toàn dân.

Chưa đầy ba tháng cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã quét sạch bộ máy chính quyền đô hộ nhà Lương, châu thành Long Biên (Bắc Ninh) được giải phóng. Nhà Lương đã hai lần đưa quân sang đánh chiếm lại châu Giao nhưng đều bị nghĩa quân đánh tan.Lý Bí (còn gọi Lý Bôn) xuất thân trong một gia đình đời đời có vị thế ở Long Hưng (Thái Bình). Ông là người có tài kiêm văn võ, yêu nước thương dân, ấp ủ kế sách đánh đuổi bọn thống trị, giành độc lập cho dân tộc. Hào kiệt bốn phương hội tụ cùng Lý Bí chuẩn bị khởi nghĩa.

Các địa phương vùng Bắc Bộ gần đây vẫn còn đến hơn hai trăm đền miếu thờ Lý Bí và các tướng lĩnh cuộc khởi nghĩa.

Tháng giêng năm 544, Lý Bí tuyên bố độc lập, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông lên ngôi hoàng đế xưng là Nam đế (Hoàng đế nước Nam), đặt niên hiệu riêng là Đại Đức (đức lớn), tổ chức một triều đình riêng có hai ban văn võ.

Lý Nam Đế

Ông cho dựng điện Vạn thọ (bền vững lâu dài), xây một chùa lớn là chùa Khai Quốc (mở nước), ban sắc phong thần cho Bà Triệu.

Với kết quả của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, nước Vạn Xuân ra đời, một triều đình Lý Nam Đế hoàn toàn độc lập có ý nghĩa lớn. Đó là sự trỗi dậy và khẳng định ý chí độc lập tự chủ của dân tộc, ngang nhiên phủ định bá quyền của hoàng đế phương Bắc.

Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.

Nguồn: http://vietnamdefence.com/Home/quansuvietnam/khoinghiachientranh/Khoi-nghia-Ly-Bi-542/20099/48718.vnd

Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: Những dấu tích văn hóa vật chất

BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC: NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT

 Nguyễn Quang Ngọc

                          ( Bài tham luận tại Hội thảo Khảo cổ học Đức -Việt  ngày  1-2/3/2012 )

  1. KHÁI QUÁT 10 THẾ KỶ BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC

Năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ trước cuộc tiến công xâm lược của Triệu Đà, Âu Lạc bước vào đêm trường Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.

Triệu Đà chia Âu Lạc ra làm hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân và sát nhập vào nước Nam Việt. Quận Giao Chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ và quận Cửu Chân tương đương với các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, chính quyền Nam Việt cắt đặt 2 viên sứ thần coi giữ và trong thực tế mới chỉ cai trị một cách lỏng lẻo thông qua hình thức thu nộp cống vật.

Năm 111 TCN, Nam Việt bị Tây Hán thôn tính. Trên lãnh thổ Nam Việt cũ, Tây Hán chia ra làm 9 quận là Đam Nhĩ, Châu Nhai (thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (đều thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương với vùng từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Đến năm 106 TCN, nhà Tây Hán đặt châu Giao Chỉ thống suất 7 quận lục địa (trừ Châu Nhai và Đam Nhĩ) và đặt Châu trị tại quận Giao Chỉ. Bộ máy cai trị của nhà Tây Hán tại Giao Chỉ được thiết lập chặt chẽ hơn so với nhà Triệu. Thứ sử đứng đầu châu và đóng trị sở tại Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), dưới cấp quận có Thái thú coi quản việc dân sự và Đô uý coi việc quân sự. Bên dưới cấp huyện, Tây Hán vẫn tiếp tục cho Lạc tướng được trị dân theo chế độ cha truyền con nối.

Từ thế kỷ II TCN cho đến đầu Công nguyên, dưới chính sách cai trị lỏng lẻo của nhà Triệu và nhà Hán, cơ cấu tổ chức truyền thống của Âu Lạc mặc dù chịu sự kiềm chế, kiểm soát của chính quyền đô hộ, song về cơ bản không bị xáo trộn nhiều. Nền văn minh Việt cổ dựa trên mô hình kinh tế văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Đây là nền tảng quan trọng, là sức sống nội tại để người Việt vượt qua những thử thách của các chính sách nô dịch và đồng hoá ngày càng có quy mô, hệ thống của các chính quyền đô hộ trong những giai đoạn sau.

Năm 43, sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã thắt chặt chính sách cai trị tại Giao Chỉ. Về tổ chức bộ máy đô hộ, nhà Đông Hán vẫn đặt chức Thứ sử đứng đầu châu Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Dưới cấp quận, viên quan đứng đầu vẫn là Thái thú. Tuy nhiên, lúc này Thái thú kiêm coi cả việc dân sự và việc quân sự của một quận. Chức Đô uý chuyên trách việc quân sự trước đây không còn nữa. Ngoài ra, để giúp việc cho Thái thú, một số chức quan chuyên trách các phần việc cụ thể cũng được đặt ra.

Đặc biệt, chính quyền Đông Hán là chính quyền đô hộ đầu tiên đã cố sức vươn xuống cai quản cấp huyện. Danh hiệu Lạc tướng bị xoá bỏ, thay vào đó, mỗi huyện do một viên Lệnh trưởng được chính quyền Đông Hán bổ nhiệm trực tiếp cai quản. Để thuận lợi hơn cho Lệnh trưởng cai trị các huyện đồng thời triệt tiêu dần quyền lực của các Lạc tướng cũ của người Việt trên đất bản bộ của mình, nhà Đông Hán đã tiến hành điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách và đặt thêm một số huyện mới. Mã Viện sau khi đánh bại Trưng Vương đã quyết định chia cắt huyện Tây Vu cũ thành 3 huyện mới là Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải và cắt bớt diện tích huyện Mê Linh…

Ách cai trị thắt chặt của nhà Đông Hán còn thể hiện rõ qua việc tăng cường các chính sách bóc lột, nô dịch và đẩy mạnh hàng loạt biện pháp đồng hoá có hệ thống với quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, của ngon vật lạ để cống nạp về triều đình trung ương, các quan lại tại Giao Châu còn ra sức bóc lột người dân bằng nhiều loại tô thuế và lao dịch. Nhiều diện tích đất đai của công xã người Việt ở Giao Chỉ đã bị các nhóm địa chủ, quan lại, sĩ phu từ phương Bắc di cư xuống chiếm đoạt để lập trang trại, đồn điền. Chính quyền cai trị nắm độc quyền nhiều ngành sản xuất như rèn sắt, mua bán muối… Nhà Đông Hán cũng ra sức áp dụng luật Hán trên đất Việt, bắt nhân dân ta phải tuân theo lễ giáo phong kiến Hán, đồng thời cố gắng xóa bỏ tận gốc truyền thống “dùng tục cũ mà cai trị” của người Việt.

Cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ III, nhà Đông Hán suy yếu rồi sụp đổ, Trung Quốc liên tục trong tình trạng hỗn chiến, loạn lạc. Nhiều triều đại được lập lên, tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lại sụp đổ. Chịu tác động của những biến động đó, từ đầu thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Giao Châu lần lượt phụ thuộc một cách lỏng lẻo vào các thế lực phong kiến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (giai đoạn nội thuộc Lục triều).

Năm 264, nhà Ngô cũng tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính tại Giao Châu. Ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, tách hẳn khỏi Giao Châu trở thành Trung Quốc nội địa. Tại Giao Châu, nhà Ngô lại tiến hành chia đặt nhiều quận, huyện nhỏ. Quận Giao Chỉ được tách ra thành 3 quận nhỏ là Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình; quận Cửu Chân được chia thành 2 quận là Cửu Đức và Cửu Chân. Lúc này, trên địa bàn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước đây đã bao gồm 6 quận nhỏ và 45 huyện. Các huyện cũng được chia lại với diện tích nhỏ hơn so với quy mô huyện dưới thời Đông Hán. Các chính quyền đô hộ Lục triều về sau vẫn cơ bản giữ nguyên cách chia đặt quận, huyện như dưới triều Ngô, chỉ tiến hành điều chỉnh nhỏ tại các huyện, như bỏ hoặc đặt thêm một số huyện mới, đổi tên huyện…

Chính sách cai trị thực thi từ thời Đông Hán tiếp tục được các chính quyền đô hộ Lục triều đẩy mạnh. Sản vật quý, của ngon vật lạ từ khắp mọi miền đất nước đều bị vơ vét, thu gom về phương Bắc. Việc thu gom cống phẩm không theo quy định mà được tiến hành hết sức tùy tiện, vô hạn độ càng làm dân ta khốn khổ. Dưới thời Ngô, hàng vạn người Việt còn bị bắt bổ sung vào quân đội để tham gia vào các cuộc hỗn chiến phong kiến, hàng nghìn thợ thủ công tài hoa cũng bị bắt sang xây dựng các công trình tại Trung Quốc.

Hoạt động chiếm đất lập trang trại đồn điền của địa chủ, quan lại gốc Hán ngày càng phổ biến khiến nhiều thành viên công xã người Việt phá sản, không còn tư liệu sản xuất và trở thành nô tì, nông dân lệ thuộc của giới địa chủ quan lại. Chính sách di dân, đồng hoá cũng được đẩy mạnh thông qua biện pháp thâm độc là di dân người Hán sang ở lẫn với người Việt. Quân lính trong các đội quân chinh phạt Giao Châu, tù binh khổ sai người Hán hay đội ngũ quan lại, địa chủ vì loạn lạc đã chạy sang định cư lập nghiệp tại Giao Châu, họ ở lẫn với người Việt, góp phần đẩy mạnh thêm xu hướng Hán hoá đang gia tăng trong lòng cơ cấu kinh tế xã hội cổ truyền của người Việt.

Nhìn chung, từ cuối thời Đông Hán đến Lục triều, mặc dù các chính quyền đô hộ đã ra sức đẩy mạnh hàng loạt chính sách bóc lột, nô dịch và đồng hoá nhân dân ta, song trên thực tế các chính sách này chỉ được thực thi tại các khu vực trung tâm – trị sở cai trị hay những địa điểm đóng quân đồn trú của chính quyền đô hộ. Còn tại các miền xa xôi, các vùng nông thôn, chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ “ràng buộc” lỏng lẻo.

Đầu thế kỷ thứ VII, Giao Châu bị nhà Tuỳ cai trị trong một thời gian ngắn và sau đó rơi vào ách thống trị của nhà Đường cho đến đầu thế kỷ thứ X. Bộ máy cai trị nhà Đường có nhiều khác biệt so với các chính quyền đô hộ trước đó. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ để thống suất 10 châu là Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu và Long Châu – tức bao gồm toàn bộ Bắc Bộ hiện nay cho đến Đèo Ngang. Năm 622, Giao Châu đại tổng quản phủ được đổi thành Giao Châu đô hộ phủ, rồi An Nam đô hộ phủ vào năm 679. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên Đô hộ hoặc Kinh lược sứ; đứng đầu các châu là chức quan Thứ sử.

Tiến xa hơn một bước so với các chính quyền đô hộ trước đó, nhà Đường đã tìm mọi cách thiết lập hệ thống cai trị xuống tận các xóm làng của người Việt. Giao Châu đại tổng quản đầu tiên của nhà Đường là Khâu Hoà đã tiến hành cải cách chia đặt các vùng nông thôn thành các tiểu hương, đại hương, tiểu xã, đại xã với quy định cụ thể về số hộ cho từng cấp nhằm phục vụ cho công việc tổ chức quản lý hành chính cấp cơ sở. Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu ki mi do tù trưởng cai quản. Tổng cộng An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu.

Chính quyền đô hộ nhà Đường đã thực thi tại An Nam các hình thức và thủ đoạn cai trị hà khắc, thâm độc. Nhân dân An Nam phải chịu thuế má, lao dịch rất nặng nề. Phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Đường tại đây là bóc lột thông qua các hình thức tô thuế. Bên cạnh đó, phương thức bóc lột bằng cống nạp vẫn được duy trì. Các châu quận tại An Nam hàng năm phải tiến cống những sản vật địa phương, lâm thổ sản quý, sản phẩm thủ công… Ngoài việc bị bóc lột tô thuế, chịu lao dịch để khai thác sản vật làm cống phẩm cho triều đình, người dân An Nam còn phải đóng rất nhiều phú liễm khác… khiến tình cảnh của họ đã khốn khổ lại càng cùng quẫn hơn. Hiện tượng bần cùng hoá gia tăng nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn. Mâu thuẫn giữa người Việt và chính quyền đô hộ ngày càng gay gắt và đã bùng lên thành nhiều phong trào đấu tranh lớn của dân chúng vào thế kỷ VIII-IX, làm cơ sở đi đến công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập hoàn toàn vào đầu thế kỷ X.

Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chính sách cai trị của các triều đại phong kiến và quá trình giao lưu tiếp xúc Việt – Hoa theo cả hai hình thức cưỡng bức và ôn hoà đã tạo nên những chuyển biến lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hoá của người Việt.

Khu vực hạ châu thổ sông Hồng đã mở rộng vươn xa về phía biển. Người Việt đã không ngừng khai hoang lập ấp, biến hầu như toàn bộ vùng châu thổ thành đồng ruộng và xóm làng. Diện tích đất canh tác được mở rộng, hệ thống đê điều ngăn lụt đã xuất hiện tại nhiều nơi. Toàn bộ vùng châu thổ đã trở thành những cánh đồng chuyên canh trồng lúa và hoa màu. Từ đầu Công nguyên, đồ sắt đã bắt đầu được sử dụng phổ biến, cày cuốc đã trở thành phương thức canh tác chủ yếu thay cho phương thức “hoả canh”, “thủy nậu”. Kỹ thuật dùng cày và bón phân, thâm canh tăng vụ đã thúc đẩy năng suất cây trồng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh trồng lúa nước truyền thống, người Việt đã đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Cây đay, bông, gai cũng được trồng phổ biến để làm nguyên liệu dệt vải. Nghề làm vườn cũng không ngừng được đẩy mạnh. Chăn nuôi cũng phát triển với nhiều giống gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, ngỗng, vịt, chim bồ câu…

Quá trình tiếp xúc văn hoá Hoa – Việt lâu dài đã đem đến những thay đổi quan trọng trong ngành thủ công nghiệp. Bên cạnh những nghề truyền thống, người Việt đã phát triển những nghề thủ công học từ người Hán như rèn sắt, làm gốm, làm gạch ngói, làm đường, làm giấy, chế tạo thủy tinh, sản xuất đồ mỹ nghệ, thuộc da, sơn then… Trong từng nghề, người Việt tiếp thu không chỉ kỹ thuật mà cả phong cách nghệ thuật Hán. Đồ gốm làm ra trong thời kỳ này đã thấy xuất hiện nhiều loại hoa văn Hán rất đặc thù. Người Việt từ sản xuất các loại gốm thô đã tiến tới làm ra các sản phẩm gốm tráng men. Nghề làm vật liệu xây dựng đặc biệt phát triển nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc thành quách, chùa tháp, mộ táng… của chính quyền cai trị. Nghề làm giấy học được từ Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể; nghề chế tạo thủy tinh cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng với nhiều loại sản phẩm thuỷ tinh có nhiều màu, tinh xảo.

Trong thời kỳ này, chủ yếu có hai luồng giao thương buôn bán là hàng hoá, tiền đồng từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam và nguồn nông, lâm, thổ, hải sản, sản phẩm thủ công từ Việt Nam chuyển sang Trung Quốc. Hệ thống thuyền buôn Trung Quốc hoạt động mạnh đã nối kết Việt Nam với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hệ thống giao thông, giao thương đã phát triển, nối liền các địa phương trong một huyện, quận và nối thông cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Về văn hoá xã hội, dưới tác động của chính sách đồng hoá, các yếu tố văn hóa Hán ngày càng ảnh hưởng sâu đậm tại nước ta. Xen kẽ và hoà cùng với các xóm làng người Việt ở châu thổ sông Hồng, lúc này cũng bắt đầu xuất hiện một số thị trấn, xóm làng của người Hoa và đồn điền, trại ấp của quan lại, địa chủ gốc Hán. Trải qua quá trình cộng sinh lâu đời, nhiều người Hoa đã dần dần Việt hoá và trở thành một bộ phận trong cộng đồng người Việt.

Với việc xoá bỏ chế độ Lạc tướng và cơ cấu bộ lạc, nhiều truyền thống của công xã, bộ lạc người Việt đã bị phá vỡ, phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc hơn với những mối quan hệ xã hội mới ra đời. Tầng lớp hào trưởng người Việt ngày càng có vai trò to lớn trong xã hội, trong khi đó họ lại bị quan lại đô hộ chèn ép và phân biệt đối xử về cả kinh tế và chính trị nên mâu thuẫn giữa họ với chính quyền đô hộ càng ngày càng trở nên sâu sắc. Họ dần trở thành thủ lĩnh đại diện cho phong trào đấu tranh chống lại ách nô dịch và đồng hoá của chính quyền đô hộ.

Văn hoá, luật tục và thiết chế cổ truyền của người Việt dần dần bị xoá bỏ và bị cải tổ theo phong hoá Hán. Thậm chí tên họ người Việt đến đây cũng đã được thống nhất đặt theo cách gọi chung của người Hán. Tuy nhiên nhiều truyền thống vẫn được bảo tồn bền bỉ như tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng có công với cộng đồng, tục xăm mình, nhuộm răng đen hay các hình thức tín ngưỡng dân gian khác của cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ đã đưa đến sự du nhập của các luồng tư tưởng, tôn giáo lớn như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Nho giáo vào Việt Nam cùng với chính sách nô dịch, đồng hoá của chính quyền cai trị nên ít có điều kiện đi sâu vào đời sống dân chúng, mà dường như mới chỉ dừng lại ảnh hưởng ở những tầng lớp trên trong xã hội. Trái lại, Phật giáo ngay khi mới vào Việt Nam đã có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa một cách tự nhiên. Đây là tôn giáo phát triển nhanh nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại nước ta trong thời Bắc thuộc. Sự phát triển mạnh của tôn giáo này đã dẫn đến sự hình thành trung tâm Phật giáo Dâu – Luy Lâu phồn thịnh ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Một tôn giáo khác cũng theo bước chân người Hán du nhập vào nước ta là Đạo giáo. Khoảng cuối thế kỷ II, Đạo giáo đã chính thức được truyền bá và vượt xa Nho giáo về mức độ ảnh hưởng trong dân chúng. Với tinh thần xuất thế, vô vi, thoát tục, thuận theo tự nhiên, Đạo giáo đã được người Việt đón nhận nhanh chóng. Sự xuất hiện và phát triển đồng thời của nhiều tư tưởng, tôn giáo đã tạo nên sắc thái đa nguyên hỗn hợp trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Việt.

Như vậy, mặc dù phải chịu đựng ách cai trị tàn bạo và chính sách đồng hoá khốc liệt của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng người Việt đã biết tiếp thu, học hỏi những yếu tố tiến bộ trong văn hoá Hán, tạo nên những chuyển biến to lớn trong nền kinh tế, xã hội, văn hoá. Lối sống và văn hoá Việt tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hoá Hán, đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hoá Hán và dần dần biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới: Việt – Hán.

Các chính quyền phong kiến phương Bắc, mặc dù đã cố gắng tìm mọi cách để đồng hoá người Việt, song về căn bản trong suốt thời Bắc thuộc vẫn không thể nào trực tiếp với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của người Việt. Các xóm làng dựa trên cơ sở công xã nông thôn vẫn tồn tại như thế giới riêng của người Việt, là nơi nuôi dưỡng và phát huy những tinh hoa của văn hoá truyền thống làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá.

Trong dọc dài 1000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất, sào huyệt của các chính quyền đô hộ Tuỳ – Đường, và vì thế cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước, chứng kiến đầy đủ và tiêu biểu nhất các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hoá, không ngừng không nghỉ, lúc âm thầm, sâu lắng, lúc bùng lên dữ dội như các cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722), khởi nghĩa Phùng Hưng (791), khởi nghĩa Dương Thanh (819-820), các cuộc đấu tranh giành khôi phục quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương… và cuối cùng là cuộc trung hưng vĩ đại của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền năm 938.

  1. DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA 10 THẾ KỶ CHUYỂN ĐỔI

Chúng tôi vẫn theo quan niệm truyền thống chia toàn bộ thời kỳ Bắc thuộc ra thành 3 giai đoạn là Bắc thuộc lần thứ nhất (từ sau thất bại của An Dương Vương đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chính quyền Trưng Vương); Bắc thuộc lần thứ hai (từ sau thất bại của Trưng Vương đến khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân) và Bắc thuộc lần thứ ba (từ sau thất bại của nhà nước Vạn Xuân đến chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền). Sự phân chia giai đoạn như thế này này là hết sức tương đối và còn phải tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên nó vẫn phản ánh được diễn trình lịch sử – văn hóa của hơn mười thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong mỗi thời kỳ, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một vài dấu tích văn hóa vật chất tiêu biểu và được xem là đặc trưng cho diễn trình văn hóa của giai đoạn lịch sử đó.

2.1. Bắc thuộc lần thứ nhất: Vai trò chủ đạo của văn hóa Đông Sơn cổ truyền

Âu Lạc rơi vào ách thống trị của Nam Việt trong bối cảnh hóa Đông Sơn đang phát triển đến đỉnh cao, tiêu biểu là trống đồng Cổ Loa (loại I) bên trong có gần 200 hiện vật đồng gồm vũ khí (giáo, lao, mũi tên đồng, rìu xéo), công cụ sản xuất (lưỡi cày đồng, dao nhỏ); khuôn đúc mũi tên 3 cạnh và hàng vạn mũi tên đồng… tìm được trong lòng đất Cổ Loa. Thời kỳ này văn hóa Đông Sơn vẫn phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong dòng chẩy văn hóa trên địa bàn Âu Lạc cũ, tuy nhiên cũng đã có sự tiếp xúc với văn hóa Hán và cũng bắt đầu có sự dung hợp văn hóa Hán – Việt.

Trong một số ngôi mộ Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã nhận ra bên cạnh đồ đồng “kiểu Đông Sơn” đã có một ít đồ đồng kiểu Hán. Mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngoài những đồ đồng dáng vẻ Đông Sơn như trống đồng loại I, rìu lưỡi xéo… là một số đồ đồng Trung Quốc như đỉnh đồng, chuông đồng nhỏ có chữ triện. Đáng chú ý là ở Thiệu Dương, Đông Sơn (Thanh Hóa), Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) có nhiều ngôi mộ cổ thuộc thời kỳ cuối Tây Hán, đầu Đông Hán được khai quật có nhiều công cụ và vũ khí bằng đồng, gương đồng, tiền Ngũ Thù… về hình loại có nhiều nét tương tự như các đồ đồng phát hiện được trong các mộ cổ quách gỗ tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bên cạnh đồ đồng ở các di chỉ Đông Sơn và Thiệu Dương, khảo cổ học còn tìm được một số đồ sắt như rìu, dao, kiếm. Những đồ sắt này có thể do người Trung Quốc mang sang, do mua bán, trao đổi, nhưng chắc chắn không ít trong đó là được chế tạo tại chỗ mà chứng tích còn có thể tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hóa Đường Cồ như Gò Chiền Vậy, Cổ Loa… Kỹ thuật rèn đúc sắt bắt đầu phát triển đánh dấu một bước chuyển biến rất quan trọng của nền văn hóa vật chất và kinh tế vùng Giao Chỉ, Cửu Chân.

Tư liệu khảo cổ học cho phép hình dung trong hơn hai thế kỷ Bắc thuộc lần thứ nhất trên đất Âu Lạc cũ, bên cạnh những xóm làng của người Việt là những nhà sàn dựng dọc theo bờ một con sông hay cụm lại ở khu vực ngã ba sông cổ còn có thành quách với nhà cửa, giếng nước, bếp lò, chuồng trại của người Hán. Bên cạnh những mộ đất, mộ quan tài hình thuyền với những đồ tùy táng thuộc loại hình văn hóa Đông Sơn và những mộ đất, mộ quách gỗ với những hiện vật chôn theo thuộc văn hóa Hán hoặc mang những nét đặc trưng của văn hóa phương Bắc. Các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí trong các mộ Việt như đồ gốm Đường Cồ, Đông Sơn, rìu lưỡi xéo, trống đồng và trong các mộ Hán như đỉnh, bình miệng vuông, kiếm, dao, sắt, cốc đốt trầm, móc đai lưng, gương đồng, các hiện vật thuộc văn hóa Hán được chôn cùng với các hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn trong mộ Việt và các hiện vật Đông Sơn hay mang kiểu dáng đặc trưng Đông Sơn trong mộ Hán… không chỉ xác nhận sự tồn tại song song của hai lối sống, hai phương thức sinh hoạt, mà bước đầu đã có sự thâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau giữa hai khu vực Việt – Hán. Như thế lúc này trên cơ tầng văn hóa Việt đã vận hành một cơ chế Hán, trong đó lối sống và văn hóa Việt do tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hóa Hán đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hóa Hán và đang biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới Việt – Hán.

Trong khi đó trên địa bàn duyên hải miền Trung từ Quảng Bình kéo vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, khảo cổ học cũng phát hiện được một số hiện vật như đồ sắt mô phỏng đồ sắt, đồ đồng Tây Hán, tiền Ngũ Thù ở Hội An, Duy Xuyên, gương đồng và bộ đồ nghi lễ bằng đồng Tây Hán ở Quế Sơn, Duy Xuyên… Đây là chính là hình ảnh của sự tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh – Hán trong những thế kỷ trước, sau Công nguyên[1]. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này còn hết sức mờ nhạt, thậm chí còn mờ nhạt hơn khu vực phía Bắc, vì trong thực tế từ sau năm 111 trước Công nguyên cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Tây Hán, nhưng Nhật Nam xa xôi và cách trở hơn nên mức độ ảnh hưởng của văn hóa Hán không ngang bằng khu vực các quận Giao Chỉ và Cửu Chân[2].

Nhìn một cách tổng thể thời kỳ từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên cho đến đầu Công nguyên vẫn là thời kỳ tồn tại của cơ cấu văn minh Đông Sơn với mô thức kinh tế-văn hóa nông nghiệp lúa nước cổ truyền sơ kỳ thời đại đồ Sắt Việt Nam. Nền văn minh Việt cổ vẫn thể hiện đầy đủ sức sống mãnh liệt của nó và là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cuộc đồng khởi toàn dân do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào mùa xuân năm 40, kết thúc 2 thế kỷ đô hộ của phương Bắc, “rửa sạch nước thù”, “nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Tuy nhiên, không đầy 3 năm sau, năm 43, trước sức tấn công của quân đội nhà Hán do Mã Viện chỉ huy, Hai Bà Trưng thất thủ, đất nước lại rơi vào ách cai trị của Đông Hán, mở đầu giai đọan Bắc thuộc lần thứ hai.

2.2. Bắc thuộc lần thứ hai: Mô thức văn hóa Việt – Hán

Sau khi đánh bại khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính một số huyện, thay thế hoàn toàn tầng lớp Lạc tướng, cử các Lệnh trưởng thay mặt cho chính quyền đô hộ trực tiếp đứng đầu cai quản các huyện. Tại mỗi huyện, hệ thống thành luỹ được xây dựng làm nơi đóng trị sở của Lệnh trưởng. Huyện thành Phong Khê (Kiển Thành) được xây dựng ngay trên thành đô của An Dương Vương, mà nhiều người tin đấy chính là vòng thành Nội của thành Cổ Loa hiện nay[3]. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là cấu trúc của vòng thành này giống thành Trung Quốc, chu vi 1.650 m, với nhiều hoả hồi cân xứng, có tử giác, khác với cấu trúc uốn lượn tự do của hai vòng thành Trung và thành Ngoại. Tại khu vực bên trong thành Nội đã khai quật được rất nhiều di vật đặc trưng văn hoá Hán như giếng gạch, tiền Ngũ thù, đồ gốm trang trí hoa văn ô vuông, trám lồng, văn thừng, xương cá… được coi là các loại hoa văn điển hình của thời Đông Hán. Ở Cổ Loa và khu vực lân cận khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn mộ gạch Hán[4]. Sự xuất hiện những ngôi mộ gạch ở khu thành này chứng tỏ từ thời Đông Hán, quan lại người Hán đã sống và trực tiếp cai quản vùng đất bản bộ của vua Thục xưa.

Quận trị Giao Chỉ vẫn đặt tại Luy Lâu. Thành Luy Lâu được khởi đắp từ thời Hán, nhưng tòa thành 2 vòng khép kín (thành ngoài hình chữ nhật, chu vi 1848 m; thành trong hình vuông chu vi 454 m) tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn lại đến ngày nay chủ yếu là dấu vết thời kỳ này. Đây là tòa thành quy mô và kiên cố nhất trong quận. Đô thị Luy Lâu tiếp tục phát triển không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, mà còn là trung tâm văn hóa lớn nhất.

Thái thú Sĩ Nhiếp “có học vấn sâu rộng lại thông hiểu về chính trị” mở trường dạy học và đẩy mạnh truyền bá Nho giáo ở Luy Lâu. Ngôi trường dạy học của ông ở trong thành Luy Lâu sau này trở thành đền thờ Nam Giao học tổ (ông tổ Nho học của nước Nam). Bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo từ Trung Quốc (mà chủ yếu là đạo Dân gian – đạo Phù thủy) cũng được truyền sang khu vực Luy Lâu từ khoảng cuối thế kỷ thứ II. Đặc biệt Phật giáo từ Ấn Độ được truyền bá trực tiếp vào Luy Lâu (sau đó lại từ Trung Quốc truyền dội sang vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên). Ngay từ khi mới vào Luy Lâu, Phật giáo đã có sự kết hợp một cách tự nhiên và hài hòa với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa, hình thành Phật tổ Man Nương chùa Tổ (làng Mãn Xá) và Tứ pháp: Pháp Vân (chùa Bà Dâu), Pháp Vũ (chùa Bà Đậu), Pháp Lôi (chùa Bà Giàn) và Pháp Điện (chùa Bà Tướng) nay vẫn còn tại khu vực xung quanh thành Luy Lâu.

Nhìn chung dù là Nho, Phật hay Đạo được truyền vào Luy Lâu bằng con đường nào, trong hoàn cảnh nào thì khuynh hướng thích nghi và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt vẫn là khuynh hướng chủ đạo. Khuynh hướng này đã tạo nên săc thái đa nguyên và hỗn hợp trong cuộc sống tôn giáo và tín ngưỡng ở Luy Lâu và ở Giao Châu. Đây cũng chính là hình ảnh thể hiện sự dung hợp và xác lập mô thức Việt – Hán.

Suốt mấy thế kỷ liên tục tính từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hầu như­ không có thế kỷ nào là không có khởi nghĩa của nhân dân. Phong trào đấu tranh của dân chúng Giao Châu, nhìn một cách tổng thể, đang chuyển dần vai trò lãnh đạo từ các quý tộc bộ lạc cũ sang các hào tr­ưởng. Vào giữa thế kỷ thứ VI, phong trào đã tiến lên đỉnh cao, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập Nhà n­ước Vạn Xuân.

Lý Bí xuất thân từ một hào tr­ưởng địa phư­ơng ở huyện Thái Bình, trong một gia đình tổ tiên người gốc phương Bắc, nhưng qua nhiều đời định cư ở phương Nam và trở thành người Nam. Ông là người có tài văn võ, đã từng nhận một chức quan nhỏ của nhà Lương ở Cửu Đức. Bất bình với chính quyền đô hộ, Lý Bí trở về quê phối hợp với Tinh Thiều (đại diện của trí thức bản địa) m­ưu tính việc khởi nghĩa. Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo đã bùng nổ và không đầy 3 tháng sau đã giành được thắng lợi. Lý Bí còn tổ chức lực lượng đánh tan các cuộc tấn công của quân Lương và quân Lâm Ấp, nắm quyền làm chủ đất nước. Vào đầu năm 544, ông tuyên bố dựng n­ước Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng đế (Nam Việt Đế), phế bỏ niên hiệu của nhà Lư­ơng, đặt niên hiệu mới là Thiên Đức, tự coi mình ngang hàng với các Hoàng đế phương Bắc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị trí trung tâm bờ cõi của vùng đất Hà Nội và chọn làm đất đóng đô. Tại đây ông cho dựng điện Vạn Thọ, xây đài Vạn Xuân làm nơi văn võ bá quan triều hội[5] và chùa Khai Quốc là trung tâm Phật giáo quốc gia, bệ đỡ tư tưởng của Vương triều[6].

Đây là lần đầu tiên ng­ười Việt phương Nam tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nư­ớc mới theo chế độ tập quyền trung ương. Tuy đang còn là một sự thể nghiệm, nhưng triều đình Vạn Xuân là thành quả của một nửa thiên niên kỷ dung hợp văn hóa Việt – Hán, đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa.

2.3. Bắc thuộc lần thứ ba: Phục hưng văn hóa Việt

Năm 602, nhà nước Vạn Xuân bị Lưu Phương nhà Tùy đánh bại. Năm 607, nhà Tùy tiến hành chia đặt lại quận huyện và chuyển trị sở quận Giao Chỉ về Tống Bình. Từ đây, miền đất trung tâm Hà Nội chính thức trở thành thủ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc. Hơn một thập kỷ sau, nhà Đường thay thế nhà Tùy, lập Giao Châu đô hộ phủ rồi sau đó đổi thành An Nam đô hộ phủ. Trị sở của An Nam đô hộ phủ vẫn đóng tại Tống Bình.

Nhà Đường đã liên tiếp cho xây dựng tại Tống Bình nhiều thành luỹ để làm lỵ sở của chính quyền cai trị. Toà thành đầu tiên do Khâu Hoà xây dựng với tên gọi Tử thành. Năm 767, Trương Bá Nghi cho đắp La Thành là toà thành quân sự kiên cố có quy mô lớn đầu tiên được xây dựng tại trung tâm nội thành Hà Nội. Trong những năm 791 và 801, Triệu Xương, Bùi Thái đều tiến hành sửa đắp La Thành. Năm 808, Trương Châu sửa lại thành Đại La và gọi tên là An Nam La Thành. Năm 824, Lý Nguyên Hỷ cho đắp một thành mới bên bờ sông Tô Lịch, cũng gọi là La Thành. Các năm 843, 858 Vũ Hồn và Vương Thức cho sửa đắp lại phủ thành. Năm 866, Cao Biền tổ chức đắp lại La Thành chu vi 1980 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 6 thước, xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc, dựng 55 địch lâu, 5 môn lâu, 6 ủng môn, đào 3 đường nước, đắp 34 đạp đạo, ngoài đắp đê bao quanh dài 2125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 3 trượng, dựng hơn 5.000 gian nhà.

Như vậy, có nhiều toà thành khác nhau của An Nam đô hộ phủ thời Đường cùng được gọi là La Thành hay thành Đại La. Những toà thành này vào các đời sau đã nhiều lần được cải tạo, thay đổi nên hầu như không còn để lại dấu tích trên mặt đất khiến cho các nhà nghiên cứu thật khó có thể xác định được số lượng cũng như cấu tạo của hệ thống thành luỹ đã từng được dựng lên trong thời thuộc Đường tại trung tâm Hà Nội. Những dấu tích mới phát hiện tại 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên xây dựng Hội trường Ba Đình từ năm 2002 đến nay không chỉ có giá trị kiểm chứng các nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam mà còn cho phép có những nhìn nhận cụ thể, chính xác hình ảnh của khu trung tâm Đại La Thành. Đó là những móng trụ kiến trúc, bó nền nhà, nhiều viên gạch có in nổi ba chữ “Giang Tây Quân”, dấu tích kiến trúc, nhà cửa, giếng nước, cống thoát nước, một số đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Tây Á… có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX nằm ở lớp cuối cùng của di tích.

Trong hơn 3 thế kỷ thuộc Đường, chính quyền đô hộ phải liên tiếp cho xây dựng, gia cố thành luỹ vì chúng luôn phải đối phó với những cuộc nổi dậy quy mô ngày càng lớn của dân chúng.

Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở Hoan Châu xây dựng lũy Vạn An dọc theo bờ sông Lam rồi kéo đại quân đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền đô hộ ở thành Tống Bình.

Phùng Hưng là người hào trưởng đất Đường Lâm nổi dậy làm chủ quê hương rồi tiến quân bao vây, đánh chiếm phủ thành Tống Bình, tổ chức việc cai trị. Khu vực nội thành Hà Nội và phụ cận có đền thờ và lăng Phùng Hưng ở Triều Khúc, Phùng Khoang, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Quảng Bá (quận Tây Hồ), Kim Mã, Hào Nam (quận Đống Đa) là phản ánh hoạt động của Phùng Hưng ở đây. Làng Đường Lâm vốn có truyền thống rất lâu đời, nhưng chỉ đến Phùng Hưng mới thực sự trở thành làng quê tiêu biểu nhất của lịch sử chống Bắc thuộc, chống đồng hóa của Việt Nam.

Đầu thế kỷ thứ X, nhân cơ hội chính quyền trung ương nhà Đ­ường đang đứng tr­ước nguy cơ sụp đổ, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi dậy đánh chiếm La Thành, lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng chính quyền tự chủ.

Năm 907 Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai cả là Khúc Hạo nối nghiệp, tiếp tục đóng đô ở La Thành, thi hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân và chăm lo xây dựng nền độc lập dân tộc. Khúc Hạo qua đời, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay đã hoàn toàn thất bại trước cuộc tấn công tái xâm lược của nhà Nam Hán. Đất nước lại bị rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.

Năm 931, Dư­ơng Đình Nghệ, tư­ớng cũ của họ Khúc, đem quân từ vùng châu Ái (Thanh Hóa) tiến ra đánh chiếm thành Đại La và đánh tan đoàn quân tiếp viện của Nam Hán, một lần nữa giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Dư­ơng Đình Nghệ vẫn đóng đô ở thành Đại La, cắt đặt tướng lĩnh nắm giữ các vùng trọng yếu, chăm lo củng cố chính quyền, tiếp tục công cuộc tự chủ của họ Khúc.

Đầu năm 937, ông bị viên thuộc tư­ớng phản bội là Kiều Công Tiễn giết chết. Ở khắp mọi nơi, dân chúng dư­ới sự lãnh đạo của các t­ướng lĩnh cũ của D­ương Đình Nghệ đã liên tục nổi dậy chống lại Kiều Công Tiễn và tập hợp xung quanh Ngô Quyền.

Cuối tháng 10 năm 938, nhận thấy nguy cơ xâm lư­ợc của quân Nam Hán đã đến gần, Ngô Quyền từ vùng châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn, củng cố thành Đại La và kéo đại quân ra cửa biển Bạch Đằng chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền của quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông vư­ợt biển tiến vào cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân khiêu chiến để dụ quân Nam Hán tiến nhanh vào phía trong hàng cọc đã được bố trí sẵn. “Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nư­ớc triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu”[7]. Quân Nam Hán ở trư­ớc mặt, sau lư­ng, d­ưới nước, trên bờ đều bị đánh quyết liệt. Số lớn thuyền chiến của địch đã bị cọc sắt đâm thủng, bị va vào nhau mà chìm đắm. Chủ tư­ớng địch là Hoằng Tháo đã bị bắt sống và giết tại trận.

Trong khí thế chiến thắng, đầu mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền xư­ng Vư­ơng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nư­ớc đời Hùng Vư­ơng – An Dư­ơng V­ương. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với n­ước ngoài, xây dựng một vư­ơng quốc độc lập đàng hoàng.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một vũ công hiển hách, đời đời bất diệt, một cột mốc bản lề chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phư­ơng Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX đã gọi Ngô Quyền là vị Tổ Trung hưng của nước Việt Nam ta, chỉ đứng sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương. Khẳng định này đồng nghĩa với việc xác nhận sự nghiệp của Ngô Quyền là kết tinh sức mạnh phục hưng kỳ diệu của văn hóa Việt.

 

[1] Lâm Mỹ Dung, Yếu tố Hán ở miền Trung Việt Nam những thế kỷ trước, sau Công nguyên trongMột chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 59-75.

[2] Cuộc đấu tranh chống Hán hóa ở đây diễn ra chậm hơn ở khu vực phía Bắc, nhưng từ đầu thế kỷ thứ II cũng đã phát triển mạnh, làm cơ sở cho sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp độc lập ở huyện Tượng Lâm vào thập kỷ cuối của thế kỷ thứ II. Chính quyền đô hộ phương Bắc nhièu lần tổ chức lực lượng đàn áp, nhưng Lâm Ấp đã biết dựa vào địa thế xa xôi, hiểm trở này mà đã bảo vệ thành công nhà nước non trẻ của cư dân và văn hóa Sa Huỳnh, là tiền thân của vương quốc Chămpa  độc lập sau này.

[3]Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề Kiển Thành, song phần lớn các ý kiến đều cho rằng toà thành do Mã Viện xây dựng ở vào vị trí Loa Thành cũ của An Dương Vương. Trương Hoàng Châu trong bài Chung quanh vấn đề toà thành cổ trên đất Cổ Loa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 128, năm 1969 viết: “Toà thành đất hiện nay tồn tại ở khu vực Cổ Loa được xây dựng bắt đầu từ thời Mã Viện sang nước ta”; Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời lại cho rằng Mã Viện bị quân Hai Bà Trưng tại thành Cổ Loa chống cự quyết liệt nên sau khi chiến thắng đã chia nhỏ huyện Tây Vu, đồng thời nhân thành cũ của An Dương Vương mà xây thêm và đặt tên mới để giữ huyện Phong Khê mới lập; Đỗ Văn Ninh trong Thành cổ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983 khẳng định: “Vòng thành trong Cổ Loa là kiến trúc thuộc Hán, nói rõ hơn đây là Kiển Thành do Mã Viện cho đắp sau khi lập huyện Phong Khê và cũng là trị sở huyện Phong Khê”.

[4] Những ngôi mộ này có niên đại từ Đông Hán đến Đường như mộ gạch ở cánh đồng Trung Thôn (Tiên Hội) khoảng thế kỷ I-III, mộ gạch tại gò Đống Mây, Đống Trọc, Đống Trong Đường (Dục Tú) khoảng từ thế kỷ III-VI; mộ gạch tại Bãi Mèn niên đại Đông Hán; mộ gạch tại Mạch Tràng có những viên gạch ghi niên đại Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị thái (năm 99) hay Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (năm 111); mộ gạch tại Trại Xóm Vang (Cổ Loa) khoảng thế kỷ II-III…

[5] Dựa vào những kết quả khảo sát và nghiên cứu mới hiện nay, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để xác định kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế được xây dựng trên vùng đất Hà Nội cổ.

[6] Chùa Khai Quốc do vua Lý Nam Đế cho xây dựng ở khu vực thôn Yên Trì, phía bãi sông Hồng, ngoài đê Yên Phụ, Hà Nội. Chùa sau này trở thành trung tâm Phật giáo và Phật học lớn, có nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì. Năm 1615, vì bãi sông Hồng sụt lở, dân phường Yên Hoa (Yên Phụ) dời chùa vào phía trong đê, tức là chùa Trấn Quốc hiện nay.

[7] Đại Việt sử ký toàn th­ư, Q. V-19b-20a, bản dịch Sđd, T. I, tr. 203-204.

Nguồn: http://chuyencuachi.blogspot.com/2012/03/bac-thuoc-va-chong-bac-thuoc-nhung-dau.html

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40)

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý (40 Công nguyên) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc ở đầu Công nguyên.

Cuộc khởi nghĩa ấy do bà Trưng Trắc phát động cùng em gái là Trưng Nhị, người có công lao cùng chị và của rất nhiều các vị nữ tướng, nữ binh trong hàng ngũ đội quân của Hai Bà.

Đó là cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lập nên một Nhà nước vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ thời kỳ ấy. Chấm chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm (207 TCN – 39 CN).

 

Hai Bà là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, hậu duệ đời thứ 25 của Vua Hùng – họ Lạc. Thân mẫu của Hai Bà tên là Trần Thị Đoan (tục danh là bà Man Thiện), có nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ.

Ngày 01 tháng 8 năm Giáp Tuất (14 CN) bà Man Thiện sinh một lần được hai con gái. Vì là nhà tằm tơ, nên 3 năm sau, mới đặt tên cho cô chị là Trắc (lứa đầu – ”lứa chắc” theo cách tính của nhà nuôi tằm), cô em là Nhị (”lứa nhì”- lần thứ hai)

Năm 19 tuổi, cha mẹ gả cô chị là Trắc, lấy con trai quan Lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách tức là năm Canh Thìn (32 CN). Vợ chồng đoàn tụ mới được vài năm thì Thi Sách bị Tô Định giết chỉ vì con hai nhà tướng kết hôn với nhau, trở thành một lực lượng lớn, không có nơi cho sự thống trị của nhà Hán.

Căm giận quân giặc bạo ngược, vì nợ nước nay lại thêm mối thù nhà, bà Trắc đã cùng với em là Nhị phát động trong toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên cùng đánh giặc. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam được tin quận Giao Chỉ khởi nghĩa đều nổi lên hưởng ứng.

Cuộc khởi nghĩa ấy chia ra các giai đoạn như sau:

I – THỜI KỲ TRƯỚC NGÀY TUYÊN BỐ KHỞI NGHĨA

Sau khi ông Thi Sách bị giết, bà Trắc quyết chí phục thù trả oán. Bà tiến hành tổ chức chứa tích lương thực, vận động thu dùng các anh hùng hào kiệt trung thiên hạ, những người cùng chí hướng, chiêu binh tuyển tướng ở các địa phương, nên người theo về ngày một đông.

Để đảm nhận công việc trọng đại ấy, bà Nhị được chị gái cất nhắc làm chức ”Bình khôi” sau khởi nghĩa phong làm ”Bình khôi công chúa” – tức là vị công chúa đứng đầu thu phục thiên hạ. Rồi gửi tờ hịch chiêu dụ mọi người trong toàn quận Giao Chỉ, bởi vậy các nướng, nữ quân chiếm đa phần trong tổng số lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Tháng Giêng năm Canh Tý (40CN), tất cả các tướng ở mọi vùng đều đã tiến quân về họp lại ở thành Phong Châu sông Bạch Hạc để khao thưởng các quân sĩ.

II – KHỞI NGHĨA Ở CỬA SÔNG HÁT

Sau cuộc tổng tập hợp quân đội ở Phong Châu, Hai Bà đã cho quân đội vượt sông sang lập đàn thề ở bãi cát dài cửa sông Hát.

Nơi ấy nay thuộc xã Hát Môn huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây. Địa điểm cách đê hữu sông Hồng 6 km, gần chỗ cửa Hát tách ra từ sông Hồng. Tại Hát Môn, Hai Bà cho quân sĩ dựng đàn tế cáo trời đất, tuyên bố khởi nghĩa. Lời tuyên như sau:

”Trời sinh một người làm tông chủ của vạn vật trong trời đất. Muôn vật ràng buộc vào đấy, cỏ cây quan hệ về đấy. Trải các triều trước các vị đương thiên tử đều là bậc thánh minh, khiến cho triều đình có đạo Yên dân lo việc nước, đức hoá mở mang, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Nay có người hơ khác tên là Tô Định, lòng dạ chớ dê, hăm doạ 4 phương, tham tàn bạo ngược, trời, đất, thần, người đều căm giận.

Thiếp là cháu gái của Vua Hùng thuở trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, dấy nghĩa trừ tàn nguyện xin các vị thần linh hội họp tại đàn này chứng giám và phù hộ cho thiếp. Thiếp là Trưng Nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thú phục lại muôn vật cũ của tổ tông. Không phụ ý trời, thoả nguyện nơi đền miếu của các bậc đương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối”

 

Sau đó bà Trắc cùng các tướng sĩ bái lạy trời đất, thống lĩnh quân dân, tiến quân về thành Long Biên đánh Tô Định.

III – CUỘC TIÊN QUÂN MÙA XUÂN NĂM CANH TÝ (42.CN) ĐẠI THẮNG

Trên đường tiến quân, Hai Bà dẫn toàn bộ quân đội về làng Hạ Lôi dựng đồn đóng quân.

Đêm đó ở Hạ Lôi, (tên thời nội thuộc Hán là Kỳ Họp) có hơn 10 vị tướng dưới quyền được chọn làm tướng ”thủ túc” (thân cận, gần gũi như tay chăn), và có 17 nữ tướng có tài trí ngày đêm thường trực ở bên cạnh Trưng Vương. Ngày 07 tháng Giêng, bà Trưng mở tiệc lớn khao quân ở Hạ Lôi 10 ngày, rồi chia quân làm 5 đạo. Tất cả cùng tiến về thành Long Biên đánh Tô Định.

Cảnh tượng ngày xuất quân thật oai hùng: ”Cờ xí đầy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng”. Trước sức mạnh như vũ bão của đội quân Hai Bà, quân Hán không kịp tổ chức nghênh chiến, chống đỡ, nên khi quân đội của Hai Bà tấn công, quân của Tô Định chỉ còn biết thua chạy và bị giết ”máu chảy thành ao, xương tụ thành gò”, xác giặc chồng chất làm cho ”dựng sông nghẽn chảy”, Tô Định bị đao chém sát thương. Cuối cùng thì Tô Định nhanh chóng rút chạy về Trung Quốc, chịu tội với triều đình nhà Hán. Chẳng bao lâu, trong toàn quận Giao Chỉ, nghĩa quân tổng công kích, thu phục được 65 thành.

IV – VƯƠNG TRIỀU HỌ TRƯNG

”Đại Việt sử ký toàn thư” chép là ”Trưng Nữ Vương Kỷ”

Đất nước giải phóng, Hai Bà thu quân về thành Phong Châu. Bà Trưng Trắc lên ngôi Vương, đứng đầu bộ máy nhà nước độc lập tự chủ. Tiến hành phong thưởng thứ bậc công thần cho các tướng sĩ. Cắt cử một số tướng sĩ trở về nơi căn cứ cũ của mình xây dựng doanh điện phòng vệ làm hậu cứ cho triều đình.

Ở trung ương, xây dựng bộ máy nhà nước vương triều gồm có 2 ban ”văn – võ”. Tất cả đều có chữ ”tiết ché’ (nghĩa là ”chỉ huyết), đặt quan chia chức đảm nhận công việc Nhà nước. Lại xây dựng 1 ”Sở hành cung” ở xứ đầu voi làng Hạ Lôi làm nơi ”Sở thiết triều” (nơi bàn việc nước lưu động). Phía sau xây thành bảo vệ, đời sau gọi là ”thành ống”. Đồng thời bà Trưng Nhị dựng hai luỹ ở Cư An, đắp thành Đền, tất cả đều nằm ở phía Tây Bắc ”hành cung” Hạ Lôi trưng sự bố phòng bảo vệ.

Sau đó, bà Trưng Trắc đời đô về Hạ Lôi, định trị sở việc nước chính thức là ”hành cung” xứ đầu voi. Nay là đền Hai Bà. Đất ấy đời Hán là làng Kỳ Hợp huyện Chu Diên. Từ đó chính trị ổn định, việc nước trong sáng êm đềm, lòng dân theo phục.

V – CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MÃ VIỆN NĂM 42.CN

Năm 41.CN, vua Hán Quang Vũ được tin triều đình Lĩnh Nam đã được xác lập, do Bà Trưng Trắc làm tôn quân, nên tức tốc hạ lệnh cho các quận, châu, huyện phía nam là Trường Sa, Hợp Phố và một số nơi thuộc Giao Chỉ sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, mở đường thông các núi khe, chứa thóc lương để dự phòng cho cuộc xâm lăng sắp tới. Ngay sau đó, Hán Quang Vũ lại sai Tô Định dẫn 5 vạn quân đi trước trở lại Giao Chỉ. Mã Viện vui mừng được Hán Vũ Đế cử làm Phục Ba tướng quân, cho tổng chỉ huy cùng với phó tướng là Phù Lạc Hầu Lưu Long, đốc xuất bọn Lâu thuyền tướng quân đem 30 vạn quân tiến vào nước ta để đánh Trưng Vương.

Quân Hán qua cửa ải Ngọc Quang.

1 – Cuộc Chiến ở thành Lạng Sơn

Được tin bái về, ở thành Hạ Lôi, Trưng Trắc cử Trưng Nhị và hai đại tướng đem quân lên đánh chặn giặc, giết chết được Tô Định ngay từ trận đầu giao chiến. Thấy tình thế thất lợi, sau khi qua ải Ngọc Quan, Mã Viện và Lưu Long dẫn quân đến thành Lạng Sơn lập doanh luỹ cố thủ thanh thế rất to.

Để chặn đánh quân địch từ ngoài biên ải, Trưng Trắc dẫn toàn bộ đại quân lên thành Lạng Sơn cự chiến Mã Viện là viên tướng già (lúc này Viện đã ngoài 70 tuổi) giảo quyệt, biết Trưng Trắc đã đem hết quân đội lên đánh thành Lạng Sơn nên ra lệnh cho quân sĩ cố ý trì hoãn, kéo dài thời gian tiếp chiến, khiến đại quân của Hai Bà Trưng gặp bất lợi. Mã Viện chơ Lưu Lang coi giữ 25 vạn quân ở lại cố thủ thành Lạng Sơn, cầm chân quân đội của Hai Bà Trưng dưới thành, bố phòng ở những nơi hiểm trọng, không chịu ra đánh. Đại quân của Hai Bà do vậy phải kìm lại vây thành.

2 – Âm mua của Mã Viện

Trong khi tình thế chiến trận kéo dài im ắng, thì Mã Viện dẫn 5 vạn quân bí mật xuất phát, không kể ngày đêm, cướp đường mà đi, cấp tốc chỉ trong 5 ngày sau đã đến khu Thanh Trước, dựa vào địa hình núi mà đồn binh, tích trữ lương thảo. Rồi Mã Viện trước hết tấn công kho quân lương ở Nội Phật do bà Thánh Mẫu Dưỡng quản lĩnh, đánh tan cơ sở hậu cần của quân đội Hai Bà. Sau đó Mã Viện tấn công thành Cự Triền.

Cự Triền là một thành lớn do Bà Trưng Nhị tổ chức xây đắp để phòng thủ ở mặt tây bắc cho đô thành Mê Linh. Ở mặt trận này tuy quân đội của Bà Trưng đã tiến lên Lạng Sơn, nhưng do thành được xây đắp kiên cố nên Mã Viện không dễ dàng hạ nổi. Địa hình lại hoàn toàn bất lợi cho quăn Hán, vì thành được xây đắp trên gò Dền giữa cánh đồng Dền, bốn bề đồng không nước ngập, địa hình trở nên phức tạp. Để lấy điểm tựa tập kết quân sĩ tấn công thành Dền, Mã Viện đã phải hấp tấp đưa vàơ địa thế sẵn có của một quả gò nhỏ, gọi là gò Viên (dân đã quen gọi là gò Vượn) thuộc cánh đồng Vượn đắp trong một đêm phải xong.

Một trận chiến quyết liệt đã diễn ra, cuối cùng thì thành Dền cũng bị hạ. Sau khi hạ thành Cự Triền, Mã Viện không mấy khó khăn khi tiến về đánh thành Hạ Lôi, đào mộ cha mẹ Hai Bà, yết cung điện. Kinh đô Mê Linh phút chốc chìm trong máu. Sau đó, Mã Viện lại kéo quân lên thành Lạng Sơn, trong đánh ra, ngoài hợp chiến cùng tiến đánh Hai Bà Trưng từ hai phía.

3 – Trận chiến ở Lãng Bạc

Sau khi bị tổn thất ở thành Lạng Sơn, lại bị quân Hán bức bách ở mặt trận phía trước và phía sau, nên Bà Trưng rút quân trở về. Đội quân hai bên gặp nhau ở Lãng Bạc, địa điểm ở vùng 2 huyện Tiên Du – Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Một trận quyết chiến đã xảy ra. Sử ”Toàn thư” chép: ”Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui về giữ Cấm Khê”

4 – Công cuộc cố thủ cấm Khê

Sau khi rút khỏi mặt trận Lãng Bạc, Trong Vương biết là thành Cự Triện và kinh đô Mê Linh đã bị thất thủ, Hai Bà tiến lên vùng Cấm Khê thủ hiểm, tính kế lâu dài. Cấm Khê (sử cũng chép là Kim Khê) là vùng đất ngập nước bên bờ sông Cà Lồ từ làng Gia Phúc (xã Xuân Đài), qua làng Cẩm La, Phúc Lộc, Đống Cao của xã Vân Đài, xã Tiên Đài của tổng Vân Đài huyện Yên Lạc, phủ Vĩnh Tường triều Nguyễn, đến xã Can Bi tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên. Trong đó các làng Cẩm La, Phúc Lộc, Yên Nội, Đống Cao đời Lê trở về trước thuộc xã Vân Đài hoặc Quan Đài cùng với các xã Xuân Đài Tiên Đài là nơi tập trung nhất về di tích thờ cúng Hai Bà Trưng.

Ở cấm Khê, quân Hai Bà bị vây hãm mấy tháng liền. Phía trước không còn đường tiếp lương, cỏ ngựa, phía sau không có quân cứu viện lại biết thành trì lăng mộ ở nhà (Hạ Lôi) đã bị Mã Viện phá hết, nhưng không thể tự phá trận để thoát khỏi vòng vây. Biết rằng cơ nghiệp do chị em gây dựng bấy nay sẽ khống còn, Bà Trưng Trắc tự khẳng định với mình rằng:

Sinh ra làm người, thà làm quỷ nước Nam, há chau đã bị trói tay bắt sống, bị người Hán phương Bắc làm nhục?

Thế là Bà chỉ huy toàn quân quyết đánh một trận, quân – thần – tướng – tá đều bị vây, bị giết ở Cấm Khê. Số còn lại trở về nơi doanh địa cũ rồi lần lượt bị Mã Viện đánh bại.

Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương

Hán sai Mã Viện lên đường tấn công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Hai Bà thất thế cùng liều với sông!

Trước là nghĩa, sau là trung

Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Nguồn: http://www.maxreading.com/sach-hay/su-kien-lich-su-viet-nam/3-40-khoi-nghia-hai-ba-trung-8312.html

Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo

Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo

Văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII và sau đó được bảo lưu như một truyền thống ở nơi đây. Dấu tích cư trú của cư dân cổ được tìm thấy khắp lưu vực các con sông Cửu Long, Vàm cỏ, Đồng Nai. Di vật phổ biến trong các di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn là đồ gốm. Không có vẻ rực rỡ tinh xảo như các loại đồ trang sức, không có vẻ hoành tráng mà diễm lệ như những pho tượng thờ bằng đá, đồ gốm trong văn hóa Oc Eo mang một vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần độc đáo vì đã thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người và phản ánh nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này.

Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo

Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo có thể chia làm 3 loại hình chính:

Vật liệu xây dựng – kiến trúc (gạch, ngói, điêu khắc, phù điêu trang trí…), công cụ sản xuất (bàn xoa, chì lưới, dọi se sợi, nồi nấu kim loại…), đồ gia dụng (bếp lò, đèn, hũ, bình, nồi lớn nhỏ), đồ thờ cúng (bình Kendi, ly chân cao…). Về chất liệu, gốm Óc Eo hầu hết là đất nung xương gốm khá mịn, gốm màu đỏ hay nâu hồng hoặc xám đen, trừ các chén nhỏ và nồi nấu kim loại cứng chắc như sành do xương gốm pha nhiều sạn sỏi nên có màu xám. Ở đây chỉ xin được giới thiệu một vài loại di vật gốm phản ánh nhiều mặt đời sống của cư dân cổ ở Nam bộ – chủ nhân của nhiều công trình kiến trúc đền tháp đồ sộ mà nay chỉ còn là phế tích.

Phổ biến nhất là các bàn xoa – một dụng cụ của kỹ thuật làm gốm cổ. Dụng cụ hình nấm làm bằng chất liệu sét lọc kỹ khá mịn, màu trắng ngà hay hồng nhạt, cầm không có cảm giác chắc nặng, tay cầm hình trụ hơi thon ở giữa tạo núm cầm ở đầu, một số tiêu bản có những đường gờ ren để cầm cho chắc chắn. Mặt xoa hình tròn cong lồi có hoa văn khắc chìm khá sắc nét kiểu chân chim, dấu nhân haỳ những đường tròn đồng tâm cách đều nhau từ 1mm đến 2-3mm, cũng có tiêu bản mặt để trơn láng. Một lỗ nhỏ 0,5 cm xuyên dọc chính giữa tay cầm đến tâm mặt xoa. Công cụ này được sử dụng để “xoa” làm nhẵn láng bề mặt đồ gốm vì những đường “hoa văn” rất nhỏ có tác dụng khi xoa sẽ làm bề mặt đồ gốm nhẵn đều, mặt cong lồi và lỗ xuyên tâm làm giảm ma sát của mặt tiếp xúc, động tác nhẹ nhàng và nhanh hơn. Những tiêu bản mặt xoa không có hoa văn có chức năng làm nhẵn bóng áo gốm, tăng thêm vẻ đẹp cho sản phẩm. Kích thước phổ biến là chiều cao và đường kính mặt xoa xấp xỉ nhau: 6-8cm. Cá biệt có tiêu bản lớn khoảng 10-12cm nhưng chất liệu cứng chắc gần như sành, màu đỏ nâu hoặc xám đen, không có hoa văn, đó là các bàn dập làm các loại đồ gốm lớn như lu, khạp, nồi lớn… cho xương gốm chắc và mỏng đều. Loại dụng cụ này đến nay vẫn còn được sử dụng tại các lò sản xuất lu gốm ở Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) và nhiều nơi khác.

Bếp lò (cà ràng): Đây là di vật tiêu biểu được tìm thấy trong nhiều di tích. Tuy chỉ còn các mảnh vỡ nhưng có thể nhận dạng di vật này qua sự so sánh với loại bếp lò bằng gốm hiện nay vẫn phổ biến ở Nam bộ. Di vật này có một số kiểu dáng:

– Ở giai đoạn sớm: Bếp lò hình chảo đáy rộng và khá bằng, trong lòng có 3 giá kê (hình trụ đầu hơi nhọn như sừng bò).

– Ở giai đoạn muộn: Bếp lò hình khay thắt ở giữa giống số 8. Có chân đế và thành lò cao, từ thành lò nhô ra 3 giá kê. Phần ngoài có thể để than tro nướng thức ăn.

Bếp lò đất nung – Văn hóa Óc Eo

Dù hình thức nào thì bếp lò gốm đều giống nhau ở chỗ cấu tạo phù hợp để có thể đặt trên nhà sàn hay ghe xuồng mà vẫn an toàn, lại có thể di chuyển dễ dàng. Điều đặc biệt là loại bếp lò gốm này đã được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai thời tiền sử (niên đại từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay) vừa là vật dụng tìm thấy tại nơi cư trú, vừa là đồ tùy táng trong các ngôi mộ. Như vậy loại bếp lò gốm (cà ràng) này đã tồn tại và phổ biến trong đời sống cư dân vùng sông nước, cư trú trên nhà sàn hay ghe xuồng, suốt từ thời xa xưa. Vì vậy, việc gọi nó là “cà ràng” như cách gọi của người Khmer Nam bộ không có nghĩa là nó là di vật của người Khmer, mà chỉ là sự ghi nhận tên gọi hiện nay của loại bếp lò này.Các loại nắp vung bằng gốm khá đặc biệt vì là nắp đậy ngửa (núm cầm trên mặt lõm của nắp). Loại nắp này đặc biệt thích hợp đậy nồi, bình hũ sử dụng trên ghe xuồng, khi di chuyển tròng trành không bị rơi bể.

Đèn gốm: làm bằng chất đất chắc nặng, đế hình đĩa có vành và đường kình lớn hơn đĩa đèn để hứng tàn bấc. Chân cao để tiện cầm nắm và tạo độ cao cho đèn. Phía trên đặt một đĩa đèn đường kính nhỏ hơn đế, dĩa này có chỗ lõm để gác bấc đèn. Khi cần thì có thể đặt chiếc đĩa đèn này trên sàn nhà, sàn ghe xuồng hay trên bàn cũng được.

Đồ dùng nghi lễ tôn giáo:

Bình kiểu Kendi là loại bình có vòi thân hình cầu, phình tròn ở giữa, thu nhỏ ở cổ và đáy bình. Miệng bình loe cong. Kích thước của bình khá lớn, nhiều chiếc có hoa văn khắc vạch tam giác hay sóng nước ở thân. Có chiếc tô màu đỏ (thổ hoàng) hay tô màu đen chì rất đẹp. Điều đáng lưu ý là những bình bình Kendi thường được tìm thấy trong các phế tích đền tháp, hầu hết bị gãy vòi, dấu vết cho thấy sự “cố ý” đập gãy rời vòi khỏi thân bình. Vì vậy nhiều khả năng cho biết đây là di vật dùng trong các nghi lễ tôn giáo Bàlamôn, những chiếc vòi bình mang bóng dáng ngẫu tượng Linga – tượng trưng cho thần Siva.

Được tìm thấy cùng với những chiếc bình là nhiều chiếc ly chân cao trông giống ly uống sâm-banh, kiểu dáng khá “hiện đại”. Ngoài ra còn có những chiếc nắp gốm hình tháp có trổ lỗ, dùng để đậy bình “xông hương”.

Nắp gốm – văn hóa Óc Eo

Những loại đồ gốm tiêu biểu trên đây của văn hóa Óc Eo chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng đồ gốm của văn hóa này. Di vật gốm cổ cho ta nhận biết về đời sống của chủ nhân văn hóa Óc Eo, những yếu tố văn hóa bản địa Đồng Nai – Cửu Long và những yếu tố văn hóa ngoại sinh từ vùng biển và hải đảo mang đến. Tuy nhiên, cũng như “số phận” của những di vật gốm – đất nung trong nhiều nền văn hóa cổ, dù mang vẻ đẹp bình dị mà sâu lắng hồn đất, cổ vật gốm của văn hóa Óc Eo chưa được nhiều người dành sự quan tâm tìm hiểu như đối với cổ vật bằng đá và kim loại quý.

Nguồn: https://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/05/11/d%E1%BB%93-g%E1%BB%91m-trong-van-hoa-oc-eo/

Vài nét về nền Văn hóa Óc Eo

Là tên một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, Óc Eo đi vào lịch sử khảo cổ học Việt Nam như một vùng đất văn hóa khảo cổ đầy hấp dẫn. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước – con người ở vùng đồng bằng – châu thổ hạ lưu sông Mê công; đồng thời, nó còn có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ.

Núi Ba Thê (An Giang)

Vùng này phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang (Óc Eo – Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am…) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau). Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở các cuộc khai quật vào năm 1944, Louis Malleret cho rằng cánh đồng Óc Eo là một thành thị cổ và đặt tên là thành thị Óc Eo hay thị cảng Óc Eo, có diện tích rộng tới 450 ha với một tiền cảng có tên là Tà Keo, cách Óc Eo 12 km về phía Tây Nam. Vùng này không chỉ có hình ảnh của một đô thị quy củ mà còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo – văn hóa lớn với 3 cụm quần thể kiến trúc: Vùng Linh Sơn Tự, vùng Đông Bắc núi Ba Thê và vùng Giồng Cát, Giồng Xoài.

 Khu di chỉ Óc Eo

Trong các cuộc khảo sát và khai quật đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, công cụ bằng đồng và bằng đá; các loại hiện vật bằng đất nung như dọi xe sợi, bếp lò, đĩa đèn, chậu, nồi, vò v.v…

Các sưu tập hiện vật của Óc Eo thể hiện tính phong phú và đa dạng của nền văn hóa này; tính bản địa, sự giao thoa và đan xen giữa các nền văn hóa trong khu vực cũng như với các vùng khác. Sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Óc Eo rất đậm nét, biểu hiện qua các đề tài trang trí, qua kiểu mũ hay tư thế ngồi của các pho tượng, qua con dấu với dòng chữ viết bằng các kiểu văn tự Ấn Độ v.v…

Cổ vật Óc Eo

Tính bản địa của nền văn hóa này được thể hiện qua đồ gốm, qua nồi nấu kim loại, khuôn đúc và các công cụ chế tác.

Nguồn gốc xuất xứ của văn hóa Óc Eo bắt nguồn từ trong văn hóa Đồng Nai. Mối liên hệ tiếp nối văn hóa Đồng Nai – Óc Eo được minh chứng bởi sự hiện diện ở văn hóa Óc Eo hàng loạt loại hình hiện vật đã có mặt trong văn hóa Đồng Nai. Đó là các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng gốm, dụng cụ thủ công (bàn xoa, bàn dập, bàn mài…); đồ đồng, đồ sắt (lục lạc, mũi dùi, rìu); đồ trang sức (hạt chuỗi thủy tinh, mã não); nhà sàn trên cọc gỗ…

Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, hoa văn chạm chìm, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, hoa văn trang trí, hình chạm chìm, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã, hình tượng vua Ba Tư…); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ).

Tượng Phật thế kỷ thứ V tìm thấy ở Óc Eo

Óc Eo là một di tích rất lớn, một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Do đó, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo – một di sản văn hóa – lịch sử quan trọng của Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Lê Khiêm tổng hợp

Nguồn: Lưu Trần Tiêu, Văn hóa Óc Eo – Nhận thức và vấn đề. NCVHNT 1992, số 3; tr. 11-14.

Nguồn: http://ditichquocgia.angiang.gov.vn/oceo/index.php/gi-i-thi-u/12-vai-net-v-n-n-van-hoa-oc-eo

Đồ gốm Đồng Nai qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học

1. Ở Đồng Nai, công tác nghiên cứu khảo cổ học đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này. Những di tích, di vật khảo cổ học ở Đồng Nai được phát hiện, nghiên cứu rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với công lao của của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Hơn một thế kỷ với hàng trăm cuộc điều tra, thám sát, khai quật, khảo cổ học đã đưa ra ánh sáng hàng trăm di chỉ với hàng chục vạn hiện vật: công cụ sản xuất, sinh hoạt, đồ trang sức, đồ thờ, nhạc cụ… rất đa dạng, phong phú và những cấu trúc địa tầng văn hoá đã cung cấp một nguồn cứ liệu, thông tin quan trọng về niên đại, trình độ văn minh, hình thái xã hội của những lớp cư dân cổ Đồng Nai.

Từ những phát hiện lẻ tẻ lúc ban đầu vào những thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến việc nghiên cứu hệ thống khoa học các di tích, di vật trên địa bàn Đồng Nai hiện nay, các nhà khoa học đã đưa đến những nhận định về một nền văn hoá cổ từng hình thành được định danh “ Phức hệ văn hoá Đồng Nai “ hay ” Văn hoá Đồng Nai “. Đồng Nai được biết đến với tư cách là một trong những trung tâm của buổi bình minh xã hội loài người. Nơi đây, từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của cộng đồng người cổ thời tiền sơ sử cho đến những thế kỷ sau công nguyên, trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI. Hàng loạt các di tích, di vật khảo cổ học đã góp phần làm sáng tỏ một nền văn hoá cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên vùng đất này. Các di tích khảo cổ gồm các loại hình: cư trú, công xưởng, mộ táng, đền tháp… của cư dân cổ trải đều trên các địa hình đặc trưng của Đồng Nai từ vùng núi đồi tiếp giáp cao nguyên đến vùng đất đứt gãy phun trào đất đỏ ba – zan và cả vùng phù sa cổ các bồn trũng, vùng ngập nước cận sông, biển.

            Bên cạnh những chủng loại hiện vật đa dạng từ nhiều chất liệu khác nhau như đồ đá, đồ gỗ thì đồ gốm Đồng Nai được phát hiện chiếm số lượng khá nhiều trong các di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở Đồng Nai. Điều này cho thấy, các cư dân cổ vùng Đồng Nai trong tiến trình phát triển của mình đã biết chế tác và sử dụng đồ gốm. Dựa trên những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, chúng tôi mong được giới thiệu một số những di chỉ khảo cổ đã từng được phát hiện những hiện vật gốm tiêu biểu để người đọc có cái nhìn khái quát về đồ gốm cổ trên vùng đất Đồng Nai.

2. Một số di chỉ di chỉ khảo cổ học tiêu biểu trong văn hóa Đồng Nai:

            – Di chỉ Bình Đa ( thuộc phường An Bình, thành phố Biên Hoà ). Năm 1979,  di chỉ được khai quật lần thứ nhất. Rất nhiều hiện vật bằng đá, gốm được phát hiện, trong đó có hàng chục ngàn mảnh gốm Đồng Nai. Riêng trong hố khai quật số 1, các nhà nghiên cứu thu nhặt 38.000 mảnh gốm. Gốm Đồng Nai được làm bằng bàn xoay và nặn bằng tay, có độ nung cao, áo gốm được miết láng. Có 4 loại gốm ( phân loại theo màu sắc và chất liệu ): gốm đỏ và đỏ nhạt, gốm xám, gốm đen và gốm thô. Số lượng gốm được tranh trí hoa văn chiếm tỉ lệ cao. Hoa văn  được tạo bằng cách dập ( hình nan chiếu ), chải, vạch và miết láng. Đồ án thường thấy là các đường thẳng song song, lượn hình sóng, nửa đường tròn quay ( phiá trong có những hình nửa đường tròn nhỏ hơn, đồng tâm quay cùng một hướng ), hình răng sói và hình chữ nhật.

            Mặc dù, không có đồ gốm Đồng Nai nào còn nguyên vẹn hình dáng nhưng cũng có thể nhận dạng được một số loại hình như kiểu bát bồng có chân đế cao hình ống hoặc choãi ra, nhiều kiểu nồi, vò có đáy tròn, đáy lõm và đáy bằng.

            Năm 1992, đợt khai quật lần thứ hai thu thập được 105 đồ đất nung và 9.389 mảnh gốm vỡ thuộc các loại hình đồ đựng khác nhau. Trong đó, đồ gốm Đồng Nai còn nhận được dạng như: bình ( số lượng 1, dạng con tiện, được chế tạo bằng bàn xoay, xương màu nâu, vỏ phủ màu nâu gạch); hũ ( số lượng 2,  bị vỡ, chất liệu bằng đất sét pha cát thô, độ nung cao, xương cứng, áo phủ màu nâu sành, miệng loe vành ); đĩa ( số lượng 4, chất liệu sét pha nhiều bả thực vật, vỏ nhuyễn thể nghiền nát và cát thô, độ nung cao, xương gốm dày); gốm hình trụ ( còn gọi là “ gốm sừng bò ”, số lượng 5, chất liệu sét pha cát mịn, độ nung cao, xương rất cứng, đầu trụ thon tròn và nhọn ); bi gốm ( số lượng 49, đường kính trung bình của bi từ 1,8 – 2,6 cm ); gốm tròn ( số lượng 11 mảnh, trên thân có trang trí hoa văn thừng và chải mịn ); nồi nấu đồng ( số lượng 3, dạng tròn và bóp lại kiểu chuôi muỗng, thành gốm dày, đường kính rộng trung bình từ 11 – 14 cm, cao 5 – 8 cm ). Những mảnh gốm vỡ có 9.547 mảnh, trong đó có 3215 mảnh phần miệng, 63 mảnh nắp đậy, 411 mảnh đáy đế, và 3.858 mảnh thân. Trong số các mảnh thân  có 343 tiêu bản có gờ, 4.438 tiêu bản  trơn và 1077 tiêu bản có hoa văn.

Gốm Bình Đa đựơc chế tạo bằng tay ( chiếm tỉ lệ thấp ) và bàn xoay ở trình độ khá tiến bộ. Chất liệu gốm từ đất sét được lọc kỹ, pha cát mịn, bột vỏ nhuyễn thể, bã thực vật và một ít bột đá trắng, xám. Phần lớn hiện vật gốm Bình Đa có độ nung cao, xương có màu đen nhạt, xám, nâu và cứng chắc. Aó gốm có hai loại. Loại phủ màu bề mặt có màu như: nâu, nâu đỏ, xám vàng, xám nhạt, vàng nhạt, trắng đục, đen ám khói và đa màu; loại bôi màu trang trí trước khi nung với trình độ kỹ thuật cao có các màu chủ đạo là đỏ tươi, đen, nâu. Những tiêu bản hiện vật gốm Bình Đa các loại cho thấy cư dân cổ đã xử dụng những thao tác kỹ thuật như nặn vuốt, miết láng bằng tay, bàn đập – hòn kê, dải cuộn, gắn kết chân đế hay gờ nổi để tạo hình tuỳ theo chức năng của đồ dùng. Hoạ tiết trang trí trên gốm Bình Đa khá đa dạng như: văn chải, văn thừng, văn khắc, văn in, răng cưa, khuông nhạc, đường cung, sóng nước, hình tam giác, hình bầu dục, đường cắt chéo…

– Di chỉ Cầu Sắt ( xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh ): Di chỉ được khai quật tháng 12/ 1976. Niên đại đoán định 5000 – 4000 năm cách ngày nay. Di chỉ là loại hình cư trú của cư dân nông nghiệp sớm và là xưởng chế tác đồ đá và đồ gốm Đồng Nai. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được hầu hết bị vỡ, không phục nguyên được. Số lượng gồm 15.786 tiêu bản, trong đó có 2.041 mảnh  miệng, 206 mảnh đáy, đế, 13.539 mảnh thân. Số tiêu bản gốm có hoa văn là 2.176 mảnh ( tỉ lệ 16% ), 11.363 mảnh trơn ( tỉ lệ 84% ). Gốm được chế tác bằng tay và bằng bàn xoay, hoa văn trang trí bằng bàn dập, lăn thừng và khắc vạch, lớp áo gốm mịn, có màu sắc khác với xương gốm. Có các loại gốm: gốm trắng, đỏ mịn; gốm đen thô; gốm đỏ thô và gốm đen mịn.Một số loại hình như: chậu và nồi ( có kích thước lớn, miệng loe, đáy tròn ), bát ( miệng loe, đế ghép, thấp ), “ đậu “ – còn gọi là bát chân cao, trên dạng hình đĩa, chân đế choãi cao; gốm tròn ( một số mảnh gốm được mài tròn, được dùi lỗ ở giữa ).

– Di chỉ Gò Me ( phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà ). Niên đại đoán định khoảng 3000 – 2500 năm cách ngày nay. Hiện vật gốm Đồng Nai thu được hàng trăm mảnh trong bề mặt và các địa tầng văn hoá. Có ba loại gốm: gốm trắng ( chiếm số số lượng ít ), gốm đen và gốm đỏ. Hoa văn được tạo bằng kỹ thuật chải, dập và in thừng. Một số loại hình thu thập được như dọi xe sợi, bi gốm, chén rót đồng ( miệng phẳng, thành dày, đáy tròn ),  dạng bát mâm có chân đế cao, choãi rộng.

– Di chỉ Suối Linh thuộc địa phận phân trường 3,lâm trường Hiếu Liêm ( huyện Vĩnh Cửu ). Năm 1985, di chỉ Suối Linh được khai quật. Hiện vật gốm thu thập được gồm 39 chiếc bàn xoa, 1 mảnh gốm tròn, 1 thỏi gốm hình trụ; ngoài ra còn có 15.780 mảnh gốm vỡ của đồ đựng và 397 mảnh vỡ từ các bàn xoa. Gốm Suối Linh thuộc loại gốm thô, pha nhiều cát, bã thực vật và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn. Aó gốm có màu nâu đỏ, nâu sẫm, xương gốm có màu nâu nhạt hoặc cùng màu với áo gốm. Loại gốm có xương đen không nhiều; gốm mịn có màu xám nâu hay xám vàng chiếm tỉ lệ khoảng 15% tổng số gốm thu nhặt được. Những mảnh gốm vỡ cho thấy các các loại đồ đựng dạng nồi, vò có miệng loe, hông và đáy tròn khá phổ biến trong cư dân cổ từng cư trú tại đây. Một số ít đồ gốm có miệng khum, phía dưới có đế. Khoảng 14% mảnh gốm trong tổng số thu nhặt có hoa văn, chủ yếu là văn chải ( tỉ lệ khoảng 90% ), số còn lại là các loại văn miết, in, khắc vạch và đắp nổi. Di chỉ Suối Linh là địa điểm đầu tiên thu nhặt được số lượng bàn xoa gốm khá cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể di chỉ là công xưởng sản xuất đồ gốm nói chung hay bàn xoa gốm nói riêng của cư dân cổ để trao đổi với các khu vực khác. Niên đại di chỉ được ước định khoảng 4.500 năm – 2.500 năm cách ngày nay.

– Di chỉ Suối Chồn thuộc địa phận xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh. Tại di chỉ, đồ gốm Đồng Nai thu nhặt qua các đợt đào thám sát và khai quật khá phong phú. Đồ gốm có dọi xe sợi, bi gốm, núm gốm và nhiều mảnh vỡ; đặc biệt có các nồi gốm ( chum ) dùng để chôn người chết. Nồi gốm dùng làm quan tài này có chiều cáo 50 cm, đường kính thân 60 cm, đường kính miệng 45 – 50 cm, miệng loe, đáy lồi tròn, có văn chải trên thân nồi. Đồ gốm di chỉ Suối Chồn có nhiều loại thô, min và xốp. Hầu hết, chúng được làm bằng đất sét pha cát, có bàn xoay, độ nung khá cao. Gốm có các loại màu xám, đỏ gạch, xanh xám, hồng nhạt. Loại hình nồi gốm có miệng loe, nồn miệng thấp. Hoa văn trang trí là văn chải, văn khắc vạch hình tam giác cân có vạch đường song song, loại hoa văn này phổ biến ở di chỉ Cái Vạn ( Nhơn Trạch ). Niên đại ước định khoảng nửa sau Thiên niên kỷ I trươc Công nguyên.

Cụm di chỉ Hàng Gòn là tên gọi chung cho nhiều địa điểm mà các nhà nghiên cứu đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 10 – nay thuộc địa phận thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ. Trên khu vực rộng lớn của Nông trường Hàng Gòn, các nhà nghiên cứu phát hiện rất nhiều hiện vật khảo cổ  thuộc các thời đại trong thời kỳ tiền sử. Tại địa điểm Hàng Gòn 1( còn có tên Núi Gốm, đồi đất đỏ ba zan giữa Suối Râm và Suối Sâu ), những mảnh gốm Đồng Nai phát hiện chủ yếu là các dạng nồi, bát, tô, đĩa ( một số bát, tô có đế và có dấu khoan thủng ở đáy hoặc gần miệng ). Loại xương gốm đen làm bằng đất sét trộn với bả thực vật và loại xương gốm trắng có trộn cát thạch anh, phen phát, sạn sắt, Các loại gốm đều mịn, áo gốm có màu nâu, đỏ, độ nung cao. Địa điểm Hàng Gòn 3 ( cách trung tâm Nông trường Hàng Gòn khoảng 1 Km về phía đông ) thu thập được những mảnh thân gốm mỏng từ các loại nồi, vò và 1 bi gốm.  Xương gốm màu đen, áo màu nâu vàng, hồng và nâu đỏ, độ nung kém. Một số mảnh dạng miệng cốc, bát chân cao đáy bằng và nắp đậy có núm. Hoạ tiết trang trí là những đường song song, chéo nhau được in hoặc dập. Địa điểm Hàng Gòn 4 ( phía bắc chân núi Cẩm Tiêm ) có những tiêu bản gốm mỏng, có xương đen, xám, đỏ, vàng và được làm từ sét pha thạch anh, phen phát. Hoa văn răng lược hoặc đan. Địa điểm Hàng Gòn 5 ( cách chân núi Cẩm Tiêm 3,5 km về phía Bắc ) phát hiện nhiều mảnh gốm với các màu đa dạng. Gốm màu vàng đỏ, xương xám pha nhiều cát, hạt phen phát  chủ yếu từ các đồ đựng như nồi, vò, có mảnh miệng có đường gờ để đậy nắp. Gốm màu đen pha thạch anh, độ nung cao; chủ yếu là các đồ đựng kích thước nhỏ, trang trí văn thừng, văn đan và dấu in vải. Gốm có xương màu xám pha cát mịn, dáng nồi nhỏ hay lọ có miệng xiên, độ nung cao. Hầu hết được chế tác bằng bàn xoay. Niên đại khoảng 3000 năm cách ngày nay.

– Di chỉ Cái Lăng thuộc địa phận xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Di chỉ được khai quật năm 2000. Niên đại khoảng 2900 – 2700 năm cách ngày nay. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được trong đợt khai quật chiếm số lượng lớn gồm: những đồ gốm còn nguyên dáng có 1 dọi xe chỉ, 7 bi gốm, 10 mảnh cà ràng, 1 bát, 1 đĩa, 1 bàn dập, 11 chân đế, 1 nắp đậy; mảnh gốm có 172.383 tiêu bản. Có hai nhóm gốm: gốm thô và gốm mịn. Gốm thô có độ nung thấp, thành phần phôi gốm có trộn nhiều cát, sạn và một số ít chất phụ gia như tro mùn, bã thực vật và cả nhuyễn thể đã được nghiền vụn. Lớp áo gốm mỏng, có màu nâu, vàng nhạt hoặc màu đỏ. Kỹ thuật chế tạo bằng bàn xoay kết hợp  với nắn sửa bằng tay, dụng cụ bằng tre, gỗ. Nhóm gốm mịn có chất liệu đất sét mịn, chất phụ gia như cát cũng được lựa chọn kỹ. Lớp áo gốm thường có màu nâu, có khả năng được tạo từ lớp phủ quét hay tráng lớp bột mịn, sau đó được xoa và miết nhẵn. Độ nung cao và được tinh luyện nên chắc, cứng. Hầu hết, những mảnh gốm vỡ Cái Lăng là những vật dụng của con người cổ như đĩa, bát, vò có đáy tròn, đáy bằng và có chân đế.

Gốm Đồng Nai có hoa văn thu thập tại Cái Lăng ít nhưng đa dạng về loại hình. Các loại hoa văn được thể hiện như: đường vạch ngắn, đường viền và những đường viền ngang song song, các đường sóng kết hợp với đường vạch, hoạ tiết các hình tam giác, hình sao, hình chữ V, đường chéo, đường vạch lõm, mảnh nhọn, hình hạt đậu ấn lõm, miết vạch ô lưới hay đường cong… để  trang trí. Phần lớn, hoa văn được khắc vạch trên nền văn chải.

– Di chỉ Cái Vạn thuộc xã Long Thọ huyện Nhơn Trạch. Di chỉ được đào thám sát năm 1977 và khai quật lần thứ nhất vào năm 1978. Đồ gốm Đồng Nai thu thập được trên 1.000 mảnh. Hầy hết, đồ gốm được làm từ đất sét pha cát, hạt thạch anh và bả thực vật. Có hai nhóm gốm: loại gốm mịn có xương màu xám đen và xám hồng, lớp áo mịn màu xám đen và xám vàng; loại gốm xốp có khoảng 20%, xương gốm màu đen, nhiều bả thực vật, thường dày và thô. Đa số các mảnh miệng gốm thuộc loại loe với nhiều kiểu dáng. Chân đế có 3 loại: đế thấp, đế hình chóp ( loe xiên ), và đế hình trụ cao có phần dưới hơi choãi. Khoảng 30% mảnh gốm có hoa văn, được tạo bằng cách chải, dập thừng, khắc vạch và chấm dải. Văn khắc vạch có những đồ án khác nhau như hình tam giác nối nhau, hình sóng…Phần lớn các mảnh gốm bị vỡ từ những loại đồ dùng để đựng của cư dân cổ, ngoài ra còn có một số mảnh chân kiềng giống sừng bò và bi gốm.

Năm 1996, di chỉ Cái Vạn được khai quật lần thứ hai. Đồ gốm thu thập được trên 17.854 mảnh, gồm các loại: dọi xe chỉ ( số lượng 1), bi gốm ( số lượng 70, đường kích trung bình từ 1,2 – 2 cm, một bi gốm lớncó đường kính 5,3 cm ), núm và bàn xoa gốm ( số lượng 32, núm được vuốt nhọn với mặt cắt ngang hình tròn, bàn xoa có chuôi cầm gần thẳng hoặc cong, mặt phẳng hoặc hơi lượn cong ), mảnh cà ràng ( số lượng 736 ), gốm tròn ( số lượng 22), được ghè hoặc mài tròn, đường kính trung bình từ 3 – 5,5 cm ); mảnh gốm vỡ ( số lượng trên 15.953 ). Chất liệu gốm làm từ đất sét phù sa sông pha nhiều cát, bã thực vật và  bột vỏ nhuyễn thể. Có hai nhóm gốm: gốm cứng và gốm xốp trong đó, gốm cứng chiếm tỉ lệ cao. Hoa văn gốm khá phong phú như văn chải ( văn chải thô và mịn ) thường dùng que có rãnh tạo thành; văn thừng thường kết hợp với văn chải; văn khắc vạch và in ấn thường được tạo với các kỹ thuật chải, đập, miết. Những mô típ hoa văn như hình mũi giáo ( răng sói ), đường sóng nước, đường vạch chìm song song  được thể hiện trên đồ gốm Cái Vạn. Một số lượng lớn tiêu bản gốm được bâo phủ nhiều màu có tính chất trang trí, thể hiện trên nhiều vị trí của đồ đựng. Niên đại di chỉ Cái Vạn đươc xác định 3.360 + 80 năm cách ngày nay.

Di chỉ Bình Xuân thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, cách núi Chứa Chan khoảng 3 Km về phía Tây Bắc. Nhiều hiện vật của cư dân thời tiền sử được phát hiện, trong đó có nhiều mảnh gốm vỡ. Gốm Bình Xuân có chất liệu tố, pha nhiều cát và bả thực vật; trong đó có nhiều mảnh có lẫn những hạt thạch anh màu trắng, độ nung cao, độ cứng chắc. Xương gốm có màu đen hoặc xám nâu; mặt ngoài bị bào mòn khá nhiều, gồm ba loại cơ bản: đỏ nhạt, vàng và xám nâu. Một số mảnh gốm còn in dấu văn chải mịn. Đồ gốm chủ yếu là từ các loại miệng loe khum, mép nhọn; phần cổ thường được chế tác kiểu có gò nổi cao làm cho thành miệng lõm cong hình lòng máng. Một số ít mảnh thuộc các dạng miệng gốm loe phẳng hay ưỡn cong; một số miệng có mép đáy vo tròn – loại hình này thường xuất hiện phổ biến trong các di chỉ khác ở Đồng Nai. Niên đại đoán định khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trứớc Công nguyên.

Di chỉ Đồi Mít thuộc ấp Bình Lộc xã Xuân Bình, thị xã Long Khánh ( cách di chỉ Suối Chồn khoảng 3 km về hướng nam và di chỉ Cầu Sắt  2 Ka Mài về hướng đông ). Đồ gốm Đồng Nai phát hiện tại Đồi Mít là những mảnh gốm vỡ vụn, có chất liệu tương đồng với gốm tại di chỉ Bình Xuân. Trong một số xương gốm thường có lẫn nhiều mảnh thạch anh, sạn sỏi. Loại gốm đỏ nhạt chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với gốm vàng xám nâu. Các mảnh gốm dạng mịeng chủ yếu có hình loe đơn giản, mép miệng dày, được vuốt thành gờ phía ngoài và mỏng dần xuống phía cổ. Một số ít miệng gốm dáng đứng thẳng, cổ thắt thành ngấn; một số mảnh miệng gốm mép ve tròn và loe khum dáng hình lòng máng. Niên đại tương đồng di chỉ Bình Xuân.

Di chỉ Rạch Lá thuộc ấp Quới Thạnh, xã Phước An huyện Nhơn Trạch được khai quật năm 2002. Bên cạnh hiện vật đá, gỗ, đồ gốm Đồng Nai thu thập gốm các loại: bi gốm ( số lượng 8 ), mảnh cà ràng ( số lượng 1 ) và 508 mảnh gốm vỡ. Các mảnh gốm vỡ gồm nhiều loại, trong đó, gốm miệng ( số lượng 135 tiêu bản, miệng loe, mép vê tròn hoặc có gờ mái,  dáng miệg đứng ); chân đế ( số lượng 51 tiêu bản, gồm loại chân cao và chân thấp, đáy bằng); mảnh thân ( số lượng 322, kích thức nhỏ do bi phân rã ). Phần lớn là gốm thô, chất liệu sét pha nhiều cát, một số mảnh pha bả thực vật. Aó gốm màu nâu và xám nhạt. Độ nung cao và xương gốm cứng. Hoa văn trên các mảnh gốm chiếm tỉ lệ thấp, văn chủ yếu là văn thừng, khắc vạch, chấm dải với hoạ tiết các đường song song, gấp khúc chữ chi, đường cong lượn sóng, hình tam giác. Niên đại đoán định di xhỉ Rạch Lá vào khoảng 3.200 năm cách ngày nay.

Di chỉ Phước Tân nằm trên ngọn đồi thấp, có độ cao khoảng 25 m ở hữu ngạn sông Lá Buông thuộc địa phận xã Phước Tân huyện Long Thành. Bên canh hàng ngàn hiện vật đá có 615 hiện vật gốm Đồng Nai được phát hiện trên diện tích 2 héc ta. Đồ góm ở Phước Tân có một số loại như gốm đỏ thuần, đỏ nâu, đen và gốm xám vàng. Xương gốm có màu đen, trộn lẫn sạn latêrít, thạch anh, phen phát hoặc cát mịn. Hoa văn trang trí phần lớn là văn in hoặc những đường song song và cắt chéo nhau, hình tam giác hay răng sói (rất hiếm ) và những đường chấm dải; loại văn thừng có nhưng chiếm tỉ lệ thấp. Những mảnh gốm vỡ ở di chỉ là từ các loại nồi đáy tròn, bát bồng (loại nhỏ còn được gọi là cốc có đế loe ), bát tô…và hai bi gốm. Niên đại  của  chỉ Phước Tân được nhà nghiên cứu H.Fontaine đoán định vào khoảng 3.500 – 3000 năm cách ngày nay ( thời đại đồng thau ).

Di chỉ Hưng Thịnh thuộc địa phận xã Hưng Lộc huyện Thống Nhất. Đồ gốm Đồng Nai phát hiện qua các cuộc thám sát gồm có hai loại khác nhau về chất liệu. Loại bằng sét mịn, xương mỏng, đều, nhẵn; màu nâu đỏ, nâu hồng; miệng loe ( khum hoặc xiên ), chân đế thấp dạng hình trụ, hoa văn được in dập văn thừng mịn. Loại  bằng sét mịn pha nhiều hạt đá nhỏ màu trắng xám, áo gốm màu nâu nhạt, nâu đỏ, miệng loe khum hình lòng máng, loe khum và xiên, đế thấp hơi choãi cao, dáng tròn. Niên đại Hưng Thịnh được đoán định thuộc thời kỳ kim khí, vào khoảng 3.500 – 4000 năm cách ngày nay.

Di chỉ Suối Đá ( còn gọi là Hàng Gòn 9 ) thuộc địa phận Nông trường Hàng Gòn, cách thị trấn Xuân Lộc 10 km về hướng Tây Nam. Đây là khu mộ chum, nằm trên vùng đất đỏ ba zan, cạnh suối Gia Liêu. Di chỉ do nhà ngiên cứu E.Saurin phát hiện vào những năm 60 của thế kỷ XX. Tại đây có trên 60 chum gốm Đồng Nai, chiều cao từ 20 đến 150 cm. Chum gốm được phân thành 3 loại: loại có hông gần đáy, vành mép rộng, miệng loe; loại chum hình quả trứng được tạo do kỹ thuật dải cuộn, có hoạ tiết đường song song trên nền văn chải hình răng lược; loại chum có đát trũng, miệng loe, không có hoa văn. Ngoài ra còn có các hiện vật  gốm khác như: bình ( nhiều đáy bằng, đáy trũng, miệng hẹp và rộng, mép mỏng ), nồi ( miệng loe, vành mép thấp, có hoa văn ), cốc ( miệng tròn, đáy phẳng ), đĩa, chân đèn, nắp đậy, dọi xe sợi ( hình chóp cụt ), khoanh gốm ( dạng hình ống ). Niên đại 2.300 + 150 năm cách ngày nay.

Di chỉ Phú Hoà cách thị trấn Xuân Lộc 3 km về phía Nam, ven quốc lộ I. Trong thập niên 70, thế kỷ XX, nhà nghiên cứu H. Fontaine phát hiện 46 mộ chum bằng gốm Đồng Nai. Chum cao có chiều cao 75 cm, đường kính thân 40 – 80 cm, đáy hơi cong. Chất liệu làm chum từ sét pha cát hạt lẫn khoáng vật. Aó gốm được miết láng màu đỏ hồng, một số trang trí hình xoắn ốc tạo thành dải các chữ S nghiêng nối tiếp hoặc cách đều nhau. Ngoài 46 chum, hiện vật gốm còn có: nồi ( số lượng 7, đáy tròn, hoa văn trang trí hình răng sói ), bình cổ thắt ( dáng tròn và hình quả trứng ), đĩa ( số lượng 38, kích cỡ khác nhau, đáy bằng và uốn cong ), bát mâm bồng ( vỡ phần trên, hình trụ giữa và đế nón ), bi gốm ( số lượng 2, hình cầu và hình đĩa ), ống chỉ và một số mảnh chân đèn. Hoa văn gốm Phú Hoà được tạo bằng cách in dấu vải, chấm dải, miết láng hoặc những đường khắc vạch sâu ( phần đáy, bụng, cổ ); các hoạ tiết là đường băng song song, đường cong và nét gạch nhỏ, hình răng sói, đường xiên, đường lược sóng, hình chữ S. Niên đại trong khoảng 2.500 năm cách ngày nay.

Di chỉ Dầu Giây địa phận huyện Thống Nhất do E. Saurin phát hiện năm 1965. Bên cạnh số hiện vật đá thu được còn có 2 chum gốm không nắp và một số gốm vỡ. Dạng gốm từ các nồi có miệng loe đáy cong, bình cổ loe có vai, đĩa đáy phẳng hơi lõm, lọ nhỏ, chum bụng nở. Chất liệu gốm từ sét pha cát, than, bột tro bả thực vật và một số khoáng vật. Gốm được nung ở nhiệt độ cao, tạo dáng và trang trí bằng văn thừng, khắc vạch vơí các hoạ tiết vòng tròn, đường sóng nước, khuông nhạc, răng sói, xoắn ốc.

3. Tổng quan về đồ gốm Đồng Nai qua kết quả khảo cổ học

Loại hình: Trong những di chỉ khảo cổ học được thám sát, khai quật, hiện vật gốm Đồng Nai được phát hiện chiếm số lượng rất lớn. Trong đó, các tiêu bản gốm còn nguyên dạng chiếm tỉ lệ thấp, số mảnh gốm vỡ chiếm tỉ lệ cao. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã định dạng được nhiều loại hình. Hầu hết, các hiện vật gốm là từ những đồ dùng phục vụ cho cuộc sống của cư dân thời tiền sử.

            Các loại bình, hủ, vò: Loại bình, hủ còn nguyên dạng tìm thấy được trong các di chỉ khảo cổ rất hiếm.  Tại di chỉ Bình Đa, một chiếc bình phát hiện trên bề mặt di tích còn khá nguyên vẹn với dáng hình con tiện ( cao 22cm ), được chế tác bằng bàn xoay, độ nung cao. Nhiều mảnh vỡ gốm tại các di chỉ được định dạng là từ các đồ đựng như bình, hủ, vò chiếm số lượng khá nhiều. Các loại bình, hủ có nhiều kích cỡ, được làm từ sét pha bột nhuyễn thể, bả thực vật, cát và một số phụ gia khác với tỉ lệ vừa phải. Bình, hủ, vò thường có thân hình cầu dẹt hay quả trứng, đáy tròn, đáy bằng, đáy lõm; thân bình phình ở giữa, đôi khi có gờ ngấn, miệng loe. Riêng phần tạo dáng miệng rất đa dạng như: miệng khum, miệng loe, miệng loe xiên, loe choãi với các gờ đủ kiểu. Phần chân đế được tạo dáng đế bằng, đế choãi cao hoặc thấp.

            Nồi: Các mảnh gốm vỡ từ các loại nồi tìm thấy nhiều trong các di chỉ khảo cổ được thám sát, khai quật. Phần lớn chúng có kích cỡ vừa và nhỏ. Nồi có hai loại: loại miệng loe, mép tròn hoặc vuông, cổ thắt, bụng nở và thu hẹp dần về phía đáy, hoặc gãy khúc tạo thành phần hông; loại miệng loe hơi khum, cổ thẳng đứng, thân tròn đều hoặc gãy khúc tạo thành phần vai, đáy tròn, xương không dày. Nồi dùng trong việc đun nấu phục vụ nhu cầu ăn uống và dùng để nấu đồng nấu đồng ( di chỉ Gò Me : 1, Bình Đa: 3).

Chum: Hầu hết những chum gốm ( hay vò lớn ) được tìm thấy trong các di chỉ mộ táng thuộc thời đại kim khí như Dầu Giây, Hàng Gòn 9 ( Suối Đá ), Suối Chồn…Các tiêu bản chum thường có dáng hình cầu dẹt hay quả trứng, thân bụng nở, cổ thắt hẹp, miệng rộng, đáy hơi lồi tròn và gần phẳng. Chum có nhiều kích cỡ, chiều cao khoảng 40 – 60 cm, rộng ngang thân 40 – 50 cm. Màu sắc các loại chum khá đa dạng, xương có màu nâu, đen, lớp áo màu đỏ, hồng. Chất liệu từ sét pha cát thô thuộc laọi nham thạch thạch anh, phen xpát. Chum thường được cư dân cổ dùng để chôn người chết và đồ đựng sinh hoạt.

Bát: Các mảnh gốm vỡ trong nhiều di chỉ có một số được định dạng từ các loại bát. Loại bát nhỏ tìm thấy ở di chỉ Cầu Sắt, Phước Tân. Chúng có màu đỏ, đen; chất liệu gốm mịn, miệng loe, đế ghép thấp. Loại bát bồng ( còn gọi là “đậu”, bát chân cao) có ở một số di chỉ như Cầu Sắt, Bình Đa, Phước Tân, Gò Me…Chất liệu từ loại sét mịn, màu trắng hoặc đỏ. Phần trên có dạng hình đĩa, loe rộng, miệng hơi khum, đáy hơi lồi; phần trụ tròn cao nối với đế có hình chóp hơi choãi cong. Một số tiêu bản có văn đắp dải hay khắc vạch. Một số bát bồng tìm thấy trong di chỉ thời đại kim khí có hai cặp lỗ thủng gầm mép miệng; chiều cao từ 8 – 11 cm, đường kính miệng 15 – 22 cm, có loại nhỏ với kích cỡ cao 6- 8 cm, rộng miệng 10 – 13 cm .

Đĩa: Một số đĩa nhận dạng qua các gốm vỡ tìm thấy tại các di chỉ như Cái Lăng ( số lượng 1), Bình Đa ( số lượng 4 ), Phú Hoà… Chúng không còn nguyên vẹn nhựng phục dựng được từ các mảnh vỡ. Chiếc đĩa ở di chỉ Cái Lăng có miệng rộng, đáy nông, miệng loe xiên, mép miệng có trang trí hoa văn dày hơn phần thân, giữa miệng và thân có đường gấp khúc. Những chiếc đĩa tìm thấy ở di chỉ Bình Đa có hai loại: đáy nông và đáy sâu. Một chiếc đáy sâu có miệng tạo thành vành bẻ gần như nằm ngang, xương dày, đáy cong đều, giữa thân và đáy có sóng nổi tạo thành ngấn, bề mặt đĩa có phủ lớp áo mỏng màu nâu. Ba chiếc đáy nông đồng dạng, đáy gần bằng, miệng được vuốt tròn và gần nhọn, đế trơn. Hầu hết các đĩa được làm từ chất liệu sét pha nhiều bả thực vật, bột vỏ nhuyễn thể và cát thô, độ nung cao.

Một số đĩa là đồ tuỳ táng, được chôn trong các mộ chum. Số đĩa nguyên vẹn tìm thấy khá nhiều, được xem là sản phẩm đặc trưng của di tích mộ chum ở Đồng Nai. Riêng tại di chỉ Phú Hoà, theo thống kê của H.Fontaine có 36 đĩa, chia làm ba loại: loại nhỏ có miệng gần thẳng đứng hoặc hơi loe, gần đáy có đường gờ nổi, đáy hơi lồi, miệng rộng; loại vừa có vành miệng rộng, gần mép thường có` cặp lỗ tròn đối xứng nhau; loại lớn có thành miệng gần thẳng đứng, đáy hơi lồi hoặc phẳng.

            Bi:  Hầu hết các bi gốm có dạng hình cầu, được làm từ sét mịn, độ nung vừa, thường có màu đỏ nhạt hay nâu. Đặc biệt, tại di chỉ Cái Vạn có một bi gốm vơí đường kính đến 5,3 cm được xem là lớn nhất trong số những tiêu bản bi được phát hiện ở vùng Đông Nam Bộ. Bi gốm được phát hiện tại một số di chỉ như: Bình Đa ( số lượng 50 ), Cái Vạn ( số lượng 78 ), Rạch Lá ( số lượng 8 ), Cái Lăng ( số lượng 7 ), Gò Me ( số lượng 3 ), Phước Tân ( số lượng 2 ), Phú Hoà ( số lượng 2 )…Các bi gốm này còn được xem là đạn mà các nhà nghiên cứu cho rằng cư dân cổ dùng trong việc săn thú nhỏ.

Dọi xe chỉ: Số lượng tiêu bản loại hình dọi xe chỉ được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ ở Đồng Nai rất hiếm. Theo các tài liệu công bố trước đây, một số dọi xe chỉ được phát hiện tại, Gò Me ( số lượng 1 ), Cái Vạn ( số lượng 1), Suối Chồn ( số lượng 2 ), Hàng Gòn 9 ( số lượng 2 ), Cái Lăng ( số lượng 1). Hầu hết các dọi xe chỉ có màu hồng nhạt xen lẫn với màu xám đen, hình nón cụt, có lỗ nhỏ xuyên qua chính giữa, mặt cắt ngang thân hình thang dẹt, không có hoa văn. Chất liệu làm từ đất nung pha nhiều cát. Các dọi xe chỉ là dụng cụ cho thấy cư dân cổ Đồng Nai đã biết đến nghề xe sợi, dết vải.

Bàn xoa gốm: Đây là dụng cụ được sử dụng trong việc tạo dáng cho các sản phẩm là đồ đựng bằng gốm. Bàn xoa gốm được phát hiện khá nhiều tại các di chỉ như Bình Đa, Cái Vạn ( số lượng 32 ), Suối Linh ( số lượng 39, 60 chuôi cầm và trên 300 mảnh vỡ ), Cái Lăng, Suối Chồn…Bàn xoa gốm có dáng hình chiếc nấm, gồm có chuôi và bàn xoa. Phần chuôi là hình trụ dạng núm được vuốt nhọn hoặc hơi loe ( một số tiêu bản có lỗ thủng chính giữa ), phần bàn xoa hình cầu, mặt tương đối trơn nhẵn, hơi cong lồi; rìa mép có gờ hoặc vê tròn. Bàn xoa có nhiều kích cỡ khác nhau. Công dụng của bàn xoa làm khi tạo dáng sản phẩm làm cho bề mặt trong đều, phẳng, nhẵn và phôi gốm dược nén cứng. Bàn xoa thường được làm bằng sét pha nhiều cát hạt lớn, bột vỏ nhuyễn thể, bã thực vật, sỏi sạn và lẫn vẩy mica. Chúng được làm bằng tay, độ nung cao, xương cừng chắc.

Mảnh gốm tròn: Trong số hàng nghìn mảnh gốm vỡ được phát hiện tại nhiều di chỉ khảo cổ trên đất Đồng Nai, trong đó có những mảnh gốm tròn với một tỷ lệ nhỏ. Hầu hết các mảnh gốm này từ những mảnh gốm vỡ của đồ đựng được đem mài, ghè tạo dáng hiình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Trên bề mặt những mảnh gốm tròn vẫn còn giữ nguyên những áo gốm và hoa văn trang trí. Có mảnh được khoan thủng lỗ chính giữa. Các di chỉ phát hiện mảnh gốm tròn gồm: Suối Linh ( số lượng 1), Bình Đa ( số lượng 11 ), Cầu Sắt  ( số lượng 16 ), Cái Vạn ( số lượng 39 )…Cho đến nay, chưa xác định công dụng của loại di vật này. Có thể, các mảnh gốm tròn được dùng để trang trí vàv các mảnh có khoan lỗ để trang sức như đeo vào người hay vật.     

Cà ràng: Đây là một dạng bếp của cư dân cổ. Mỗi “ cà ràng ” có ba chân gắn với một bàn đế. Bàn đế thường có hình tròn, đáy hơi lồi, xung quanh có bờ che vừa. Các chân “ cà ràng “ được tạo dáng trụ tròn, thân hơi cong hoặc dẹt, đầu gắn đế tròn bằng, đầu trên hơi vuốt nhọn giống cái sừng bò( cho nên chúng còn có tên gọi là gốm sừng bò. Các chân “ cà ràng ” gắn lên chân đế theo kiều kiềng ba mà vị trí cách đều, thân hơi ưỡn ra, phía đầu chum vào vừa phải để nâng vật đun nấu mà chủ yếu là các loại nồi. Loại di vật “ cà ràng “ được tìm thấy ở một số di chỉ như: , Rạch Lá ( số lượng 1 ), Phước Tân ( số lượng 1), Suối Chồn ( số lượng 10 ), Cái Lăng (số lượng 10 ), Bình Đa ( số lượng 12 ), Cái Vạn ( 762 )…Các chân “ cà ràng ” có nhiều kích cỡ khác nhau, có lẽ tương thích với các bàn đế mà cư dân cổ chủ đích tạo dáng. Chất liệu làm từ sét pha nhiều bả thực vật, xương màu xám, đen hoặc xám đen. “ Cà ràng “ được xem là một loại vật dụng độc đáo của cử dân cổ ven sông nước.

Chất liệu và kỹ thuật chế tác: Trong các loại sản phẩm gốm được tạo nên qua các thời đại phát triển của con người, mọi vùng lãnh thổ, thành phần nguyên liệu chính yếu vẫn là đất sét. Hầu hết, các loại sản phẩm gốm của cư dân cổ Đồng Nai được chế tác từ chất liệu đất sét sẵn có trên địa bàn. Phụ thuộc vào địa bàn cư trú của cư dân cổ mà họ khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm nên sản phẩm gốm dùng trong sinh hoạt. Với đặc điểm này, chúng ta có thể nhận thấy hiện vật gốm phát hiện tại các di chỉ cùng trên địa bàn cư trú có những nét tương đồng về sử dụng chất liệu sét, các chất phụ gia có trong từng sản phẩm gốm các loại. Các địa bàn cư trú khác nhau thì chất liệu sét dùng làm gốm phụ thuộc vào yếu tố thành phần hoá học sét tại chỗ. Cũng chính từ yếu tố này và phụ thuộc vào kỹ thuật chế tác, chủ đích làm sản phẩm mà tỉ lệ các loại gốm trong từng di chỉ có sự khác biệt. Mặc dầu, có những di chỉ được xem là loại hình di chỉ xưởng – nơi chế tác đồ đá, đồ gốm, thì sự trao đổi giữa các địa bàn rộng chưa đáng kể, chỉ phục vụ cho cộng đồng, nhu cầu của một địa bàn với quy mô vừa phải. Vì qúa trình trao đổi, giao lưu còn phụ thuộc nhiều vào đặc điểm địa lý của môi trường và điều kiện phát triển kinh tế mỗi cộng đồng cư dân cổ.

Chúng ta có thể hình dung về chất liệu để chế tác nên sản phẩm gốm cổ ở Đồng Nai chủ yếu gồm các thành phần sau: đất sét là thành phần chính; các chất phụ gia thường thấy là: bả thực vật, bột vỏ nhuyễn thể, bột tro, cát, sỏi sạn và các khoáng vật tự nhiên. Riêng về nguồn nguyên liệu chính là đất sét thì phụ thuộc vào nơi chúng được khai thác.

Đồ gốm di chỉ Cầu Sắt ( xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh ) được nhìn nhận như là đồ gốm cổ nhất ở Đồng Nai và cả vùng Nam Bộ. Nguồn nguyên liệu  để làm nên các sản phẩm gốm Cầu Sắt thuộc nhiều loại, chủ yếu từ đất sét núi và phù sa sông ( yếu tố vi lượng kẽm là 0,01%, phốt pho 0,1%), có loại sét cao lanh với thành phần chính là thạch anh, phen –xphát, một số khoáng vật như caolinit hiện diện trong sản phẩm khi chế tác nhưng bị huỷ trong quá trình nung; chất phụ gia gồm có cát, bã thực vật, hạt đá. Các di chỉ trên địa bàn vùng đồi núi, đất đỏ ba zan như Cầu Sắt, Núi Gốm, Hàng Gòn, Dầu Giây, Phú Hoà…thì nguồn nguyên liệu chính là sét núi ( chiếm tỉ lệ 70 % ), chất phụ gia là sa thạch khá đa dạng. Đồ gốm di chỉ Bình Đa làm từ đất sét lọc kỹ, có pha thêm cát mịn, vỏ nhuyễn thể được nghiền nát, một tỉ lệ nhỏ bột đá màu trắng và bã thực vật. Tại di chỉ Suối Linh, Suối Chồn, Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá, Phước Tân… hầu hết  đồ gốm cũng có những nét tương đồng về chất liệu với gốm Bình Đa, đặc biệt có thêm chất phụ gia như trò bùn; có thể chất này có sẵn trong sét phù sa sông ( khu vực hạ lưu sông Đồng Nai ) hay được cư dân thêm vào trong chế tác.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, phương pháp quang phổ về chất liệu gốm cổ ở Đồng Nai, một số nhà nhà khoa học cho biết những khoáng vật phụ gia trong gốm cổ Đồng Nai có thể khai thác từ nhiều doi cát phù sa ven các sông, suối bắt nguồn từ hướng Đông Bắc của địa hình chảy qua những vùng có hoặc không phủ ba zan đến Xuân Lộc – Long Khánh. Phụ gia bắt nguồn từ nhiều nguồn khoáng vật như: khoáng gốn ba zan ( gồm olivine, fero-magésien, spinelle liménite ); khóng gốc granit ( gồm hornbleinde, zircon, mica, rulite, micro-granit, rhyolite/ quartz, corrodes ); đá biến chất ( staurtile); đá trầm tích ( grès, latérite- écomicte ferrogineux, felsat…). Phụ thuộc vào nguyên liệu và tỉ lệ pha chế các chất phụ gia và trình độ kỹ thuật chế tác mà tạo nên độ bền của một sản phẩm gốm.

Gốm cổ Đồng Nai trong các di chỉ khảo cổ học được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay chiếm vai trò chủ đạo và phối hợp với các thao tác kỹ thuật bằng tay trong nhiều công đoạn. Những loại hình hiện vật gốm chế tác thuần bằng tay chiếm tỉ lệ nhỏ. Dấu vết của kỹ thuật chế tác bằng bàn xoay thể hiện rõ nét từ vết mờ hay đường chỉ viền ngang phần đáy, miệng của những trên nhiều tiêu bản hiện vật gốm được phát hiện. Ngoại trừ các thao tác trong khâu chọn nguyên liệu, phụ gia thì các kỹ thuật thao tác bằng tay như dải cuộn ( tạo phôi ), nặn vuốt ( dáng mép miệng, tạo gờ, xoa bề mặt, miết láng… ), kỹ thuật hòn dập – bàn kê, kỹ thuật gắn kết chân đế, chải, khắc, tô màu…trong chế tác sản phẩm gốm thể hiện ở công đoạn tạo hình, tu chỉnh bề mặt, trang trí hoa văn.

Trên góc độ chính từ chất liệu và kỹ thuật chế tác, các nhà nghiên cứu đã phân ra làm các loại gốm chính trong các di chỉ khảo cổ học là gốm mịn,  gốm thô và gốm xốp. Điều này phụ thuộc vào khâu chọn nguyên liệu chính, tỉ lệ chất phụ gia và độ nung. Loại gốm mịn được chế tác với khâu nguyên liệu được tuyển chọn kỹ với chất liệu sét mịn, chất phụ gia chủ yếu là cát hay hoặc một số chất khác cũng được sàng lọc kỹ ( hạt mịn, nhỏ ), độ nung cao nên có độ cứng chắc đảm bảo. Loại gốm thô thì chất liệu không tuyển chọn kỹ ( kích cỡ hạt lớn ) và độ nung thấp; loại gốm xốp thì tỉ lệ chất phụ gia như bã thực vật, tro mùn…chiếm tỉ lệ khá lớn, độ nung thấp nên chúng dễ bị thấm nước, không có độ bền.

Hoa văn: Hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm cũng là  một tiêu chí để phân loại gốm: gốm có hoa văn và không có hoa văn ( gốm trơn ). Tại các di chỉ khảo cổ học Đồng Nai, hai loại gốm này đều được phát hiện nhưng tỉ lệ giữa chúng trong các di chỉ khác nhau. Hoa văn được thể hiện trên bề mặt của nhiều loại tiêu bản gốm và với chủ đích của người chế tác. Có những tiêu bản thể hiện nhiều hoa văn phong phú nhưng cũng có những tiêu bản được thể hiện một dạng hoa văn trang trí.

            Văn chải: được tạo nên từ những que dẹt dập tua đầu hay nhiều răng khá đều để chải bề ngoài phôi gốm tạo thêm độ cứng và tăng độ bám của áo gốm phủ ngoài. Vết rãnh chải thường sâu, chạy theo nhiều chiều ( dọc, xiên, cắt ngang hay chéo nhau ).

            Văn thừng: được tạo từ những bàn dẹt có cuốn dây thừng có nhiều kích cỡ khác nhau đập, lăn lên phôi gốm và bề mặt để tạo độ cứng, chắc cho sản phẩm. Văn thừng thể hiện trên gốm theo nhiều chiều khác nhau và thường bố trí kết hợp  văn chải.

Văn khắc vạch: được tạo nên từ các que, thẻ đầu nhọn hay tròn hoặc tạo răng với kích cỡ nhỏ, vừa. Văn khắc vạch thường thể hiện trên nền văn thừng, khá đa dạng với các đồ án trên nhiều phần bề mặt của sản phẩm.

            Văn in chấm, in dải: Tạọ nên từ các que hay thẻ hoặc đầu ngón tay được sử dụng theo chủ đích của người thợ như in từng chấm rời, nối tiếp nhau hay từng dải vạch chấm hay các dải đường ngang, thẳng, chéo, xiên nhau, song song hoặc các hình học…vào phôi gốm.

            Văn dập: được tạo nên từ các vật phẩm như tấm nan tre, nan chiếu có sẵn những đường gờ nổi, hay các hình hình học. Người thợ dùng dập vào phôi gốm. Một số ý nhiều ý kiến cho rằng văn dập là vết tích của việc  gốm khi vừa tạo dáng ( còn ướt ) được phơi trên những vật phẩm nói trên.            

            Văn đắp nổi: được tạo từ những dải đất sét tạo thành gờ, dải băng dài hay ngắn với nhiều kích cỡ, chế tác rời và đắp vào mặt gốm. Văn đắp nổi thường được gắn vào  mặt gốm chủ yếu ở  vai gốm thường thấy ở các laọi chum, vò.

Văn khoét – miết: được tạo bằng que dẹt có đầu bằng hay chỉ đơn thuần bằng ngón tay người chế tác ấn lên mặt trong của cổ gốm ( nơi tiếp giáp gữa phần cổ và thân, vai ) trên nền văn chải, văn thừng. Những rãnh hình lòng máng, những băng miết láng song hành với các dạng văn khác có tính chất trang trí cho sản phẩm.

Những đồ án, hoạt tiết hoa văn trên gốm cổ Đồng Nai rất phong phú, đa dạng. Chúng được thể hiện trên các bề mặt của sản phẩm như: các đường vạch, chỉ chìm hay chấm ( thẳng, song song, xiên, chéo nhau, cong, đường xoáy trôn ốc, đường lượn sóng, đường gãy rời nối tiếp nhau…), hình hình học ( tam giác/ răng sói, hình thoi, hình vuông / dạng ô lưới, nửa hình tròn, hình khuôn nhạc, hình bầu dục, hình răng cưa, hình hoa thị, hình sao…); hình chữ ( chữ V, chữ S ). Các đồ án, hoạ tiết được phối kết với nhau  từ một đến nhiều các loại văn, hoạ tiết được được thể hiện bằng nhiều kiểu ( nổi, chìm, lồi hay lõm, liên kết, cách rời…) tạo nên những mảng trang trí rất độc đáo trên bề mặt của sản phẩm gốm.

Ngoài các hoa văn được dùng trong trang trí gốm, trong gốm cổ Đồng Nai có xuất hiện loại gốm phủ màu hoặc bôi màu trang trí. Những dạng loại gốm này chiếm tỉ lệ vừa phải trong tỉ lệ các tiêu bản gốm phát hiện được tại các di chỉ khảo cổ. Riêng về loại gốm phủ màu để xử lý bề mặt trước khi nung chiếm tỉ lệ cao hơn dạng gốm bôi màu trang trí. Những bề mặt sản phẩm gốm phủ màu thường thấy rất đa dạng như màu nâu, nâu đỏ, đỏ nhạt, xám nhạt, xám sẫm, vàng, vàng nhạt, trắng đục, đen…Về màu phủ áo gốm có những ý kiến cho rằng đó là một dạng nhựa thực vật hoặc một loại khoáng chất được hoà vào trong nước pha đất loãng để xử lý trên bề mặt. Về dạng gốm có bôi màu trang trí chiếm tỉ lệ vừa phải trong số tiêu bản gốm và di chỉ khảo cổ được khai quật mà trong đó tiêu biểu là số tiêu bản thu thập được tại di chỉ Bình Đa. Về mặt kỹ thuật, lớp màu áo gốm trang trí cũng được thực hiện trước khi nung, có tác dụng làm bóng láng bề mặt sản phẩm bên trong và bên ngoài nhưng chủ yếu là thể hiện nét thẩm mỹ của sản phẩm. Những sản phẩm gốm bôi màu trang trí thì bề mặt thường để trơn, rất hiếm sự kết hợp với các thủ pháp tạo hoa văn. Loại gốm bôi màu trang trí có những nét khác biệt là chúng được thể hiện có thể trên khắp bề mặt trong và ngoài hay từng bộ phận của sản phẩm. Màu sắc của màu bối trang trí cũng đa dạng nhưng chủ yếu là nâu, đen, đỏ tươi với các sắc độ khác nhau. Ngoài tính chất trang trí mỹ thuật thì màu bôi trang trí còn tác dụng tăng thêm độ bền của sản phẩm gốm.

***

Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học nói chung, có thể thấy rằng vùng đất Đồng Nai là một trong những địa bàn hình thành và phát triển của những cộng đồng cư dân cổ. Trong quá trình tồn tại, cư dân cổ Đồng Nai đã thích ứng với môi trường địa – sinh thái và không ngừng sáng tạo để phát triển. Cư dân cổ Đồng Nai đã biết đến những nghề thủ công mà trong đó có nghề làm gốm với một trình độ kỹ thuật nhất định để thích ứng trong những điều kiện phát triển theo chiều hướng tích cực. Những di chỉ khảo cổ với số lượng hiện vật gốm được phát hiện trên các tiểu vùng địa lý đặc trưng cho thấy một sự phát triển về nghề làm gốm để phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội nguyên thuỷ kể từ khi con người biết đến chăn nuôi và trồng trọt. Những sản phẩm từ nghề làm gốm với những công năng, công dụng đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho cư dân cổ từ vùng đồi núi hay đồng bằng, vùng cận biển trong chu kỳ vòng đời người của cá nhân cũng như sự tồn tại nói chung của cộng đồng. Tính chất đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng và sự trao đổi, liên hệ giữa các cộng đồng thể hiện qua những di chỉ được đánh giá là di chỉ xưởng chế tác công cụ đá, gốm. Điều này phản ánh những bước tiến về trình độ nhận thức, khả năng sáng tạo và chiều kích kinh tế, xã hội của cộng đồng cư dân cổ.

Với niên đại đoán định của di chỉ Cầu Sắt từ 5.000 – 4.000 năm cách ngày nay thì có thể thấy rằng cư dân cổ Đồng Nai đã biết chế tác đồ gốm từ thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên. Đồ gốm phát hiện tại di chỉ Cầu Sắt rất đa dạng và được xem là hoàn thiện về các thao tác kỹ thuật chế tác gốm của con người cổ. Qua xem xét các sưu tập hiện vật gốm trong các di chỉ khảo cổ theo trục thời gian và mở rộng trên các địa bàn khác nhau: từ Cầu Sắt, Suối Linh, Núi Gốm…ở vùng cao cho đến Bình Đa, Gò Me…ở vùng ven sống hay Cái Vạn, Rạch Lá, Cái Lăng…vùng cận biển và ngược lên vùng đất đỏ ba zan Xuân Lộc, Phú Hoà, Dầu Giây, Suối Chồn… các nhà nghiên cứu ghi nhận được sự biểu hiện đa dạng, phong phú trong giai đoạn đầu và dần về sau hình thành một truyền thống gốm khá ổn định bắt đầu từ thời đại đá mới – đồng của cư dân cổ Đồng Nai / nghĩa là có một truyền thống chế tác gốm mang phong cách của cộng đồng người cổ Đồng Nai. Đặc trưng của truyền thống gốm Đồng Nai thời cổ là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, sự phong phú về, kiểu dáng, rắn chắc về chất lượng, mộc mạc trong trang trí, ổn định trong loại hình và dồi dào về số lượng. Đồng thời, ngoài những đặc trưng chung đã ổn định thành biểu hiện của truyền thống những đồ gốm cổ Đồng Nai có những sắc thái khác lạ tạo nên những nét chấm phá và sự sáng tạo cũa những nghệ nhân chế tác gốm như gốm được tô hay vẽ màu.

 Ths. Phan Đình Dũng

Tài liệu tham khảo

1. Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng. Khảo cổ Đồng Nai, Nxb Đồng Nai 1991.

2.Viện KHXH tại Tp.HCM, Bảo tàng Đồng Nai. Báo cáo khai quật di tích Khảo cổ học Cái Vạn.

3. Viện Khảo cổ học , Bảo tàng Đồng Nai. Báo cáo khai quật di tích Khảo cổ học Rạch Lá, Hà Nội 2002.

4. Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Văn Long. Điều tra và khai quật lần thừ hai di tích khảo cổ học Bình Đa, Năm 1993.

5. Trần Văm Dũng , Hà Văn Cẩn. Báo cáo điều tra thám sát khảo cổ học ở một số tỉnh miền Đồng Nam Bộ năm 2000 – 2001.

6. Lưu Văn Du, Nguyễn Đăng Hiệp Phố. Đồ gốm di chỉ Cái Vạn qua tài liệu khai quật lần II, năm 1976. T/c Khảo cổ học số 4/ 1998.

7. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học. Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Cái Lăng lần thứ nhất, năm 2000, Hà Nội 2001.

8. Lê Xuân Diệm. Điều tra di tich khải cổ học Hưng Thịnh, năm 1977. Tài liệu Bảo tàng Đồng Nai.

9.Vũ Quốc Hiền, Phạm   Quốc Quân, Lưu Thành Mỹ. Khai quật di tích Suối Chồn đợt II ( tháng 4/ 1979 ), năm 1979. Tài liệu Bảo tàng Đồng Nai.

10. Địa chí Đồng Nai, tập III, Lịch Sử, Nxb Tổng hợp Đồng Nai 2001.

Nguồn: http://dongnai.vncgarden.com/van-hoa-dhong-nai/4-dho-gom-tien-so-su-dhong-nai-qua-ket-qua-nghien-cuu-khao-co-hoc

Văn hóa Sa Huỳnh nhìn từ văn hóa Đồng Nai

Hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai đều có niên đại khỏang 3500 đến 2000 năm cách ngày nay. Cùng với văn hóa Đông Sơn, ba nền văn hóa này đã trở thành 3 trung tâm văn hóa thời Kim khí trên đất nước ta, vừa có những nét chung nhưng đồng thời cũng có những đặc trưng khác biệt, làm nên sự đa dạng của những khu vực văn hóa tộc người trong bối cảnh Đông Nam Á thời cổ.

Bát gốm – Văn hóa Sa Huỳnh

Từ những nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai giai đoạn sơ kỳ sắt, bài viết nhìn lại sự tương đồng và khác biệt cơ bản nhất về các di tích mộ chum của hai nền văn hóa này, góp phần làm rõ hơn sự phong phú đa dạng của các nền văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam.

Bài viết gồm 2 phần:

– Khái quát về văn hóa Đồng Nai và văn hóa Sa Huỳnh

– Mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai: những tương đồng và khác biệt.

1. Khái quát về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai

1.1  Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở khu vực miền Trung

phát triển từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, từ khoảng 3500 năm đến những thế kỷ trước sau Công nguyên. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, vò suốt từ giai đoạn sớm đến muộn, tuy ở một vài địa điểm vẫn có sự hiện diện của mộ huyệt đất. Các khu mộ phân bố tập trung ở những cồn cát ven biển, lan dần ra các đảo ven bờ, ngoài ra còn phân bố ở vùng đồng bằng và miền núi phía tây. Di tích là những khu mộ táng rộng lớn gồm hàng chục, hàng trăm chum, vò gốm chôn đứng trong địa tầng. Loại hình chum, vò chủ yếu hình trụ, hình trứng, hình cầu đáy bằng có nắp đậy hình nón cụt hay hình lồng bàn. Đặc biệt trong các mộ táng chum, vò thuộc văn hóa Sa Huỳnh ít tìm thấy di cốt hay than tro hỏa táng, vì vậy theo các nhà nghiên cứu táng tục của cư dân Sa Huỳnh có thể là “chôn tượng trưng”.

Mộ chum – văn hóa Sa Huỳnh

Trong chum/vò chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng về loại hình: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức… Đặc trưng về di vật là sự phổ biến của công cụ lao động và vũ khí bằng sắt, đồ gốm tô màu trang trí nhiều đồ án hoa văn khắc vạch, đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú… Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có nền kinh tế đa thành phần, gồm trồng trọt trên nương rẫy và khai thác sản phẩm rừng núi, trồng lúa ở đồng bằng, phát triển các nghề thủ công, đánh bắt cá ven biển và trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn, với Trung Quốc và Ấn Độ. Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ven biển đã có thể từng là những “tiền cảng thị” (như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá chẳng hạn).

Đồ gốm – văn hóa Sa Huỳnh

Có thể nhận biết trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền – sơ sử mới được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích và di vật ở khu vực này chưa nhiều lắm song đã thể hiện tính chất và diện mạo của “văn hóa Sa Huỳnh” có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chămpa. Văn hóa khảo cổ ở đây có những nét độc lập nhất định so với vùng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh. Ngay từ giai đoạn đồ đồng ở  khu vực Khánh Hòa đã phân lập được một văn hóa khảo cổ là “văn hóa Xóm Cồn”. Đến giai đoạn muộn sơ kỳ thời đại Đồ Sắt, ở một số di tích mộ vò ở Nam Trung bộ như Hòa Diêm (Cam Ranh, Khánh Hòa), Hòn Đỏ, Bàu Hòe (Bình Thuận) có nhiều yếu tố khác biệt mộ chum vò Sa Huỳnh điển hình và thậm chí còn có những yếu tố gần gũi với văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam bộ như hình dáng chum, vò mai táng, hiện tượng di cốt và than tro hiện hữu trong chum, vò táng…

Như vậy, văn hóa Sa Huỳnh với giai đoạn đỉnh cao là “Sa Huỳnh cổ điển” vào sơ kỳ đồ sắt cần được hiểu là kết quả hội tụ sự phát triển của từng khu vực trong các giai đoạn thuộc thời Đồng thau trước đó (khoảng 1.500 – 500 trước công nguyên). Ngoài ra những phát hiện khảo cổ học ở Tây Nguyên gần đây cũng góp phần chứng minh cho sự phát triển “văn hóa đa tuyến” ở khu vực miền Trung: văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng (Kon Tum), những di tích ở Đăk Lắk, Đăk Nông… đều thể hiện những đặc trưng riêng biệt đồng thời vẫn có “yếu tố Sa Huỳnh” trong di tích và di vật, nhất là về mộ chum, cách thức mai táng và đồ tùy táng chôn theo. Những nhóm di tích hay văn hóa khảo cổ này có sắc thái văn hóa rất đa dạng từ biển và hải đảo đến núi và rừng, vừa độc lập với nhau vừa có mối giao lưu, cùng tham gia vào quá trình đưa văn hóa Sa Huỳnh phát triển lên đỉnh cao trong thời đại sơ kỳ Đồ Sắt (khoảng 500 năm trước Công nguyên đến đầu công nguyên).

Đây cũng là hiện tượng và quy luật chung của các văn hóa thời đại kim khí như văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc với các tuyến phát triển ở lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, văn hóa Đồng Nai với các tiểu vùng phù sa cổ Đồng Nai, lưu vực Vàm Cỏ và vùng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ.

1.2.Văn hóa Đồng Nai phân bố ở miền Đông Nam bộ

địa giới hành chánh ngày nay là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Đồng Nai, TP.Hồ Chí` Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Về mặt địa lý-địa hình đây là vùng đất cao trải dài từ cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thấp dần xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy phạm vi phân bố của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các con sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông-tây. Trên một địa bàn rộng lớn đó các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai tập trung trong 3 khu vực địa hình:

– Khu vực đồi đất đỏ bazan và cao nguyên đất xám phù sa cũ: Các di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá. Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc – Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh – Bình Phước.

– Khu vực phù sa cổ hạ lưu sông Đồng Nai: nhiều di tích phân bố dày đặc như nơi cư trú, nơi chế tạo các loại công cụ và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang…(Long An).

– Khu vực ven biển Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng ngập mặn, chịu ảnh hưởng thường xuyên của chế độ bán nhật triều, phần lớn diện tích là rừng sác. Di tích cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di vật ở đây rất đa dạng và độc đáo thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi. Độc đáo nhất là hệ thống di tích ở huyện Cần Giờ – TP.HCM trong đó có di tích mộ chum Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng Tàu như Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi, Gò Me, Giồng Lớn…

Những cuộc khai quật khảo cổ học từ sau năm 1975 đã đưa lên từ lòng đất hàng trăm ngàn di vật với nhiều chất liệu khác nhau. Đồ đá là di vật phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ, vũ khí tồn tại lâu dài đến cả giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại. Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên, … được chuyên môn hóa về chức năng. Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo tay, đeo tai. Đặc sắc nhất vẫn là những bộ đàn đá được tìm thấy trong địa tầng di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại của loại nhạc cụ cổ truyền  này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay.

Di vật kim lọai phổ biến gồm đồ đồng chế tạo bằng phương pháp đúc trong khuôn hai mang “liên hoàn”: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu, lao có ngạnh… Tại di tích Long Giao (Đồng Nai) còn tìm thấy một kho “qua đồng”- một loại vũ khí  cổ phổ biến cả trong văn hóa Đông Sơn. Gần đây còn tìm thấy một số trống đồng “kiểu Đông Sơn” được sử dụng làm nắp đậy những ngôi mộ chum bằng gỗ ở di tích Bưng Sình- Phú Chánh (Bình Dương). Đồ sắt không nhiều chủ yếu là vũ khí như giáo, lao… thường tìm thấy trong mộ táng.

Đồ gốm và nghề làm gốm rất phát triển, các loại đồ dùng trong sinh hoạt như nồi, bát đĩa chân cao, bình, bếp lò… có mặt trong tất cả các di tích khảo cổ. Ngoài ra còn có nhiều dụng cụ bằng gốm như bàn xoa, dọi se sợi, chì lưới… Ngoài các chất liệu chủ yếu trên trong văn hóa Đồng Nai còn tìm thấy những di vật bằng gỗ, xương, sừng hay mai rùa… làm công cụ và đồ trang sức.

Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai xuất hiện những di tích mộ táng với táng thức chủ đạo là “mộ chum”: di cốt được chôn  nguyên vẹn hoặc than tro hỏa táng trong những chum, vò lớn bằng gốm hay bằng gỗ, cùng nhiều đồ tuỳ táng có giá trị như trang sức đá ngọc, mã não, thủy tinh, giáo sắt, đồ gốm minh khí… nổi bật là bộ sưu tập 32 “khuyên tai hai đầu thú” tại di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ, số lượng nhiều nhất được tìm thấy trong các “văn hóa mộ chum” ở Việt nam và Đông Nam Á.

Phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai  là nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, tại vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần Giờ-TP.HCM. Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng là một “cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine, Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ đã thể hiện rõ nét từ rất sớm.

Trong thời đại kim khí lưu vực Đồng Nai là một trung tâm nông nghiệp sầm uất, nơi quy tụ lượng tài vật khá lớn của cả phần nam bán đảo Đông dương. Hàng chục di tích khảo cổ học phân bố dày đặc dọc đôi bờ Đồng Nai, trên cả những cù lao và kéo dài đến vùng ven biển. Dấu tích cư trú lâu dài, ổn định và phong phú của con người thể hiện trên số lượng di vật rất lớn, nhiều loại hình và phản ánh được các đặc trưng văn hoá, đặc trưng kỹ thuật của các cộng đồng người ở đây. Những xưởng thủ công lớn sản xuất nhiều loại vật dụng cho cuộc sống của con người như đồ gốm, công cụ đá, khuôn đúc và công cụ kim loại, đồ trang sức bằng đá mà số lượng sản phẩm đã vượt qua mức độ tự cung tự cấp. Miệt Vàm Cỏ cư dân cổ cũng tạo lập cuộc sống định cư trên những “núi đất” giữa vùng lầy trũng, tại đó  phong phú công cụ sản xuất bằng đá, đồ dùng bằng gốm, đặc biệt nhiều loại công cụ xương thú và vỏ nhuyễn thể. Dù mối quan hệ giao lưu giữa Vàm Cỏ và Đồng Nai phát triển trên quy mô lớn và đã rất thường xuyên, nhưng cư dân Vàm Cỏ vẫn có lối sống và sản phẩm văn hoá mang bản sắc riêng. Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I-II trước Công Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử kế tiếp– thế kỷ I-VII sau Công nguyên.

2. Di tích mộ chum trong văn hóa Đồng Nai, những tương đồng và khác biệt so với văn hóa Sa Huỳnh.

Những đối sánh sau đây trên cơ sở tìm hiểu giai đọan phát triển cao nhất của hai văn hóa này, giai đọan sơ kỳ đồ sắt từ nửa sau thiên niên kỷ I trước CN đến đầu CN. Tiêu biểu là nhóm mộ chum ở Cần Giờ – TPHCM.

2.1 Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam và là cửa ngõ đi ra biển Đông của TP Hồ Chí Minh

là một phần của miền Đông Nam Bộ thành tạo do dòng chảy của sông Cửu Long cổ. Với diện tích khoảng gần 700 km2 được bao bọc bốn phía bởi sông và biển ( phía Bắc là sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, phía Tây là sông Soài Rạp và phía Nam là biển Đông). Trên vùng đất sình lầy ven biển này đã có một thảm thực vật kiểu rừng nước mặn phát triển phong phú – nổi danh với địa danh Rừng Sác. Từ đầu nguồn chảy xuống, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hợp lưu ở Nhà Bè rồi lại tách ra làm hai đổ xuôi ra biển: từ đây, sông Sài Gòn được gọi là sông Lòng Tàu đổ ra biển bằng cửa chính là cửa Cần Giờ ở vịnh Rành Gái; sông Đồng Nai được gọi là sông Soài Rạp, hợp lưu với sông Vàm Cỏ ( Đông – Tây)  đổ ra biển bằng cửa Soài Rạp ở vịnh Đông Tranh. Cả hai sông Sài Gòn và Đồng Nai đều có một hệ thống chi lưu, phụ lưu và các con sông rạch nhỏ, Khí hậu ở khu vực Cần Giờ vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô kéo dài và mùa mưa đến chậm , lượng mưa cũng ít hơn những nơi khác ở miền Đông Nam Bộ.

Phân bố trên vùng đất ven biển có địa hình hết sức phức tạp này, nhóm mộ chum Cần Giờ gồm 2 di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ có những đặc trưng cơ bản sau:

– Là một nhóm di tích cư trú và mộ chum phân bố trên những giồng đất đỏ hoặc đất nâu đen. Mộ chum phân bố dày đặc không có qui luật ngay trên tầng văn hóa của di chỉ cư trú. Bên cạnh số lượng mộ chum lớn còn có cả mộ đất. Loại hình chum mai táng tuyệt đại đa số là hình cầu đáy tròn, miệng hơi khum được mài khá nhẵn. Chum được đặt đứng trên một lớp đất gia cố đặc biệt, hoàn toàn không có nắp đậy. Trong chum di cốt còn khá nguyên vẹn thể hiện tục hung táng (Primary burial) Truyền thống mộ táng ở Cần Giờ có sự chuyển biến về táng thức: Mộ huyệt đất sét – mộ chum gốm đặt trong huyệt đất sét – mộ chum gốm – mộ huyệt đất. Có thể nhận biết truyền thống này qua các di tích Khu Bao Đồng – Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt. (Đặng Văn Thắng…, 2006).

– Tầng văn hóa gồm mộ táng và một hệ gốm di chỉ có lọai hình và kỹ thuật sản xuất riêng biệt “gốm Cần Giờ”. Đây là lọai gốm do cư dân cổ Cần Giờ sản xuất, nguyên liệu tại chỗ, lọai hình riêng biệt, kỹ thuật đặc thù, diễn biến liên tục qua các di tích KCH ở đây từ khỏang 3000 năm đến khỏang 1500 năm cách nay. Lọai hình đặc trưng là bình thân cầu miệng khum có rãnh, bình đáy hình trứng cổ thắt miệng loe vành miệng gập vào trong có rãnh, bình đáy chỏm cầu cổ thắt vành miệng vê tròn. Hoa văn in đập xương cá thô “lá dừa nước” hay ô vuông, ô trám. Kỹ thuật nặn tay, gắn chắp. Xương gốm pha cát khá mịn, độ nung cao. Đáng chú ý là các lọai chum gốm mai táng cũng cùng chất liệu và kỹ thuật sản xuất.

– Hiện vật trong mộ chum, mộ đất và trong tầng văn hóa có cùng loại hình và chất liệu, thể hiện mối giao lưu vô cùng rộng rãi và mật thiết với nhiều vùng khác nhau, như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo và của cả những vùng xa hơn như Thái Lan, Campuchia và nhất là Philippin.

– Nhóm di tích này có khung niên đại khoảng từ 3000 năm đến 2000 năm cách ngày nay, niên đại C14 của lớp mộ táng Giồng Cá Vồ 2480 ± 50 năm cách ngày nay và Giồng Phệt là 2100 +/-  50 năm,  tương đương giai đoạn Hậu kỳ của Văn hóa Sa Huỳnh.

Từ những đặc trưng này đã có ý kiến kiên trì phân lập nhóm di tích này thành một văn hóa mới: “Văn hóa Giồng Phệt” (Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng, 1995, 2006)

2.2 Nếu coi đặc trưng đầu tiên của Văn hóa Sa Huỳnh

là “trừ mộ huyệt đất ở địa điểm Bình Châu, tất cả các di tích mộ táng Văn Hóa Sa Huỳnh từ giai đoạn Sơ kỳ đến gia đoạn Hậu kỳ đều được mai táng bằng những chum gốm lớn” thì một số một đất, nằm ở vùng địa tầng và có cùng loại đáy tròn và chum có vai gãy đáy bằng của Văn hóa Giồng Phệt khá khác biệt 3 loại chum hình trụ hay hình ống, hình trứng và hình cầu dùng mai táng trong Văn hóa Sa Huỳnh. Mộ chum ở Sa Huỳnh thường không tìm thấy xương răng người chết, nên có thể đó là những chum dùng để cải táng ( secondary buribal). Trong khi đó tuyệt đại đa số mộ chum ở Cần Giờ còn di cốt người như: sọ, răng, sương ống, xương chi.. trong nhiều mộ, di cốt còn khá nguyên vẹn cho thấy cư dân cổ nơi đây đã chôn nguyên thi thể người chết trong chum bằng cách bó ngồi (Nguyễn Lân Cường, 1995). Tục cải táng hay chôn ở mộ đất chỉ là những ngoại lệ. Với số lượng mộ chum nhiều đến kinh ngạc ( di tích Giồng Cá Vồ tìm thấy 339 mộ/225 m2 ), với sự đồng nhất của loại hình chum mai táng và sự thống nhất trong táng tục, ta thấy cư dân ở đây đã có một tập tục hung táng lâu dài, ổn định và độc đáo. Đây là yếu tố đầu tiên giúp ta phân biệt “Văn hóa Giồng Phệt” với những văn hóa khác có cùng tục mai táng bằng chum gốm.

Di tích chum mộ tại Giồng Cà Vồ

Đồ gốm tùy táng ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ dễ dàng nhận thấy những yếu tố của gốm Sa Hùynh về lọai hình và hoa văn: các loại nồi gãy góc ở thân, bình Sa Huỳnh, bát đĩa chân cao…, với số lượng không nhiều. Các hiện vật kiểu Sa Huỳnh ấy được tìm thấy trong mộ chum, mộ đất và trong tầng văn hóa. Thủ pháp trang trí gốm các của cư dân Sa Huỳnh là khắc vạch kết hợp in mép sò và tô màu ( chủ yếu là tô đen ánh chì) cũng chính là thủ pháp trang trí gốm của chủ nhân nhóm mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt. Hoa văn gốm uốn lượn mềm mại kết hợp với in mép sò, ấn chân chim vào một số họa tiết đệm khác như tam giác, những vạch chéo…tạo nên những đồ án chữ S kép nối nhau chạy ngang thanh gốm với những vạch xiên chéo kiểu “sóng biển, mưa rào”, hay những chữ S gấp khúc nằm xiên móc vào nhau có tam giác đệm… Dù là đồ án nào thì nét khắc vạch cũng rất phóng khoáng, nhịp nhàng, nhiều biến thể, nhưng không chặt chẽ, cân đối như hoa văn gốm Sa Huỳnh. Ngoài ra, ta có thể nhận thấy ở đồ gốm “kiểu Sa Huỳnh” ở đây hoàn toàn vắng mặt thủ pháp tô đen ánh chì, mà chỉ có một số tiêu bản được tô thổ hoàng.

Ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ đã tìm thấy 32 khuyên tai hai đầu thú (Giồng Phệt 5 chiếc bằng đá ngọc và Giồng Cá Vồ 27 chiếc, trong đó có 19 chiếc bằng đá và 8 chiếc bằng thủy tinh (Nguyễn Thị Hậu 2006). Đặc biệt, ở Giồng Cá Vồ còn tìm thấy một chiếc khuyên tai hai đầu thú bằng đá hình chiếc khánh, đây là tiêu bản độc đáo nhất của loại hình này và cho đến nay là tiêu bản duy nhất đã tìm thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tại Giồng Cá Vồ, đã tìm thấy 4 cặp khuyên tai 2 đầu thú bằng đá giống nhau trong mộ chum. Quan trọng hơn, trong mộ chum di cốt còn khá nhiều hộp sọ còn nguyên với 2 hàm đầy đủ có một khuyên tai hai đầu thú bằng đá màu xanh nằm áp sát vào tay trái rất ngay ngắn. Móc đeo và hai cặp sừng quay lên trên, hai miệng ở phía dưới đúng tư thế và vị trí của một khuyên tai. Như vậy, việc phát hiện những khuyên tai hai đầu thú ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ đã cung cấp thêm những tư liệu để xác định chức năng của nó. Chủ nhân văn hóa Giồng Phệt đã sử dụng đồ trang sức này ở cả nam và nữ, đeo ở một hay cả hai bên tai, cả chủ nhân mộ chum và mộ đất. Cùng tượng hình “hai đầu thú”, ở Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ còn tìm thấy nhiều tượng hình chim bằng đất nung có 2 hoặc 3,4 đầu. Những tượng hình chim này được gắn lên đỉnh mộ hình tháp bằng đất nung có 4 mặt, hoặc đơn giản hơn, gắn trên một đoạn gốm hình trụ có chân đế choãi cao. Loại hình đồ gốm độc đáo này tìm thấy trong cả mộ táng và trong tầng văn hóa. Rõ ràng hình tượng hai ( hay nhiều) đầu chim, đầu thú thể hiện trên đồ trang sức và đồ gốm ở đây có mối quan hệ với nhau, theo chúng tôi, chúng đều là biểu tượng của một hình thái tôn giáo – tín ngưỡng, có thể coi loại hình hiện vật có hình tượng đầu chim, đầu thú là một đặc trưng văn hóa của văn hóa Giồng Phệt (Nguyễn Thị Hậu, 1997).

Ngoài khuyên tai 2 đầu thú ở đây còn phổ biến một số loại hình trang sức quen thuộc của văn hóa Sa Huỳnh như: khuyên tai 3 mấu, hạt chuỗi mã não có số lượng nhiều nhất với nhiều hình dáng và kích cỡ. Đồ trang sức thủy tinh: Ngoài khuyên tai 2 đầu thú và khuyên tai 3 mấu, còn có rất nhiều loại hạt chuỗi và vòng đeo. Có thể nói đồ trang sức của Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt đã thể hiện khả năng “hội tụ” những yếu tố đặc trưng của nhiều nền văn hóa trong Sơ kỳ Thời đại sắt ở Đông Nam Á và vùng xa hơn, trong đó ảnh hưởng của Văn hóa Sa Huỳnh là khá đậm nét.

Trong Văn hóa Sa Huỳnh công cụ bằng sắt khá phong phú như rìu, cuốc, thuổng, dao, liềm. Nhưng trong Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt lại phổ biến các loại vũ khí như giáo, kiếm, lao kích thước khá lớn, thường được bẻ cong hoặc gấp đôi để đặt vào mộ chum. Chủ nhân của những mộ chum này chắc chắn là người có địa vị cao trong xã hội; công cụ sản xuất nông nghiệp rất ít, chỉ là sự “góp mặt” bên cạnh số lượng lớn các loại dao dùng trong sinh hoạt và nhiều loại lưỡi câu để đánh bắt hải sản. Một số hiện vật sắt được bọc nhiều lớp vải. Một số hiện vật sắt được bọc nhiều lớp vải ( có loại vải thô nhưng cũng có loại khá mịn) cho thấy giá trị cao của chúng. Công cụ vũ khí bằng sắt ngoài chất năng thông dụng còn là biểu tượng cho quyền lực của chủ nhân chúng trong một xã hội đã có sự phân hóa khá sâu sắc. Yếu tố của nông nghiệp trồng trọt khá mờ nhạt trong văn hóa Giồng Phệt; cảnh quan môi trường sinh thái ở đây đã không cho phép cư dân sống bằng nghề nông chứ chưa nói đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp! Chỉ có nghề khai thác biển là khá phát triển.

Như vậy, những yếu tố của Văn hóa Sa Huỳnh trong “văn hóa Giồng Phệt” khá rõ nét trên đồ gốm tùy táng và đồ trang sức, là những loại hình hiện vật thể hiện tư duy thẩm mỹ và đời sống tâm linh của cư dân cổ. Chính vì vậy, đồ gốm và đồ trang sức thường xuyên được trao đổi giao lưu về cả sản phẩm và kỹ thuật. Như trên đã nói, đã tìm thấy những bằng chứng chế tạo đồ trang sức tại Giồng Cá Vồ, và kỹ thuật nặn tay, gắn chắp làm gốm di chỉ cũng sử dụng trong làm đồ gốm tùy táng (các tượng gốm, chân đế…). Khu vực Cần Giờ thể hiện hiện rõ sự tiếp nhận kỹ thuật từ những vùng xung quanh và phát triển thành một đặc trưng riêng biệt.

2.3 Di tích mộ chum Hòa Diêm

(xã Cam Thịnh, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và nhóm di tích mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ, TP.HCM)

Qua diễn biến tầng văn hóa, đối sánh với các di tích trong khu vực và xa hơn, bước đầu những người khai quật cho rằng niên đại di tích Hòa Diêm có thể kéo dài trong khoảng thế kỷ 1-2 TCN đến thế kỷ 2-3 sau CN, trong đó lớp sớm có quan hệ chặt chẽ với văn hóa Xóm Cồn – văn hóa sơ kỳ kim khí ở Khánh Hòa, lớp văn hóa muộn có quan hệ với giai đoạn sớm của văn hóa Chăm, còn giai đoạn Hòa Diêm tương đương với văn hóa Sa Huỳnh cổ điển ở ven biển miền Trung Việt Nam. Ngoài ra di tích Hòa Diêm còn có mối quan hệ rộng hơn với các di tích liền kề cũng như một số văn hóa cùng thời ở khu vực phía Nam. Con đường phát triển và quan hệ văn hóa của di tích Hòa Diêm đã góp phần tạo nên một khu vực văn hóa tiền sử mang những đặc điểm riêng ở Nam Trung bộ.

Tầng văn hóa di tích Hòa Diêm còn khá nguyên vẹn và chứa nhiều hiện vật đồ đá, gốm, vỏ nhuyễn thể, kim loại… Sự diễn biến từ sớm đến muộn với các giai đoạn văn hóa khác nhau, kể cả địa tầng gốm và cả địa tầng mộ táng cho biết tính chất của di tích là nơi cư trú đồng thời là khu mộ táng có nhiều táng thức như hung táng, cải táng, mộ đất, mộ chum/ vò gốm, mộ tượng trưng. Đặc trưng nổi bật của di tích Hòa Diêm là mộ chum: mật độ phân bố dày đặc, chum hình cầu có một chum khác đậy lên trên, chum dưới ghè rộng miệng để dễ sắp xếp di cốt và hiện vật. Do cải táng và hỏa táng rồi cho xương vào chum nên di cốt trong chum không theo quy luật nào cả, có mộ có tới 3 cá thể, nhiều mộ có 2 cá thể, mộ số 1 có 1 cá thể và nhiều mộ chỉ có vài mẩu xương vụn, thậm chí có mộ không còn di cốt. Trong các mộ chum có di cốt người lớn và cả trẻ em. Phần di cốt được bảo quản cẩn thận nhất là sọ, thường có mảnh gốm lớn kê ở dưới. Nhiều mộ chum có hiện tượng nắp vỡ sụp xuống lòng chum, vị trí một số đồ gốm tùy táng có chức năng như kê, che cho di cốt quan trọng như sọ, hàm (Nguyễn Công Bằng, 2005).

Qua những nét tổng quan về di tích, mộ táng và đồ tùy táng của di tích Hòa Diêm, có thể thấy rằng, nếu chỉ nhìn Hòa Diêm từ một chiều “theo quán tính” là cứ di tích nào có mộ chum thì thuộc văn hóa Sa Huỳnh thì ta buộc phải nhận thấy “mộ vò Hòa Diêm còn chứa đựng biết bao nhiêu điều khó hiểu”. Hình dáng vò táng, táng thức, nhiều loại hình gốm và cách tạo hoa văn… “tất cả những cách đó đều không thấy ở Sa Huỳnh, không chắc là Champa, mà cũng không phải là ai cả ở gần đây hơn”. Và, “nói Hòa Diêm sau Xóm Cồn thì không có nghĩa là Hòa Diêm lại đến gần Sa Huỳnh hơn. Ngược lại, nó cũng xa Sa Huỳnh cũng như Xóm Cồn vậy” (Lương Ninh, 2001).

Như vậy, mộ táng trong di tích Hòa Diêm đã thể hiện những đặc trưng gần với Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt thuộc khu vực văn hóa Đồng Nai hơn là văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, các mộ đất có hiện tượng rải, phủ gốm, loại hình rìu đồng tùy táng, đá cuội trong mộ chum và mộ đất ở Hòa Diêm đều là những hiện tượng đã gặp và khá phổ biến trong văn hóa Đồng Nai. Tất nhiên không thể vì vậy mà mở rộng phạm vi của “văn hóa Giồng Phệt” hay văn hóa Đồng Nai đến Nam Trung bộ – một vùng cảnh quan/ sinh thái tương đối khác biệt. Với những bằng chứng trên, Khánh Hòa – rộng hơn là khu vực Nam Trung bộ với nhóm di tích Bàu Hòe – Hòn Đỏ – Mỹ Tường ở Bình Thuận mà các mộ vò ở đây “với phong cách mai táng, hình dáng và kích thước gần gũi với cụm di tích Suối Chồn – Đồng Nai và khác lạ với cụm vò lớn hình trụ hay hình trứng điển hình của văn hóa Sa Huỳnh”, đã thể hiện rõ tính chất vùng giao thoa/ vùng đệm của hai trung tâm văn hóa thời đại kim khí trong thời gian so kỳ đồ sắt sôi động giai lưu văn hóa qua buôn bán và các luồng di dân ven biển ĐNA (Phạm Đức Mạnh,… 1984). Nếu không đặt các di tích mộ chum ở niềm Nam Việt Nam trong bối cảnh đó thì rất khó xác định nội dung văn hóa của từng khu vực cũng như tìm ra bản chất của các mối quan hệ, liên hệ giữa chúng.

Là một trong những văn hóa tiền sử được phát hiện và nghiên cứu sớm nhất ở VN và ĐNA, văn hóa Sa Huỳnh có vị trí quan trọng trong việc định vị và đối sánh các văn hóa cùng thời, nhất là những văn hóa ven biển và hải đảo có mối quan hệ giao lưu mật thiết với nó. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa cùng thời, cùng trình độ phát triển, địa  bàn kề cận nhau là hiện tượng văn hóa mang tính quy luật. Ở khu vực giáp ranh Nam Trung bộ tùy từng giai đọan mà văn hóa ở đây sẽ ảnh hưởng đậm nét các yếu tố văn hóa Sa Huỳnh hay văn hóa Đồng Nai.

Những đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh ngày nay đã tìm thấy trong nhiều nền văn hóa ở những địa hình môi trường khác nhau. Điều này càng cho thấy rõ hơn mối quan hệ qua biển, bằng biển của cư dân cổ Đông Nam Á: yếu tố văn hóa Biển mang lại những nét tương đồng còn yếu tố lục địa làm nên nét khác biệt cho các nền văn hóa cổ, Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa và từ văn hóa Đồng Nai đến văn hóa Óc Eo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

NGUYỄN CÔNG BẰNG, 2005. Di tích Hòa Diêm – Khánh Hòa nhìn từ văn hóa Đồng Nai. Tạp chí Khảo cổ học số 4/2005. Tr 48 – 54.

NGUYỄN LÂN CƯỜNG, 1995. Nghiên cứu các di cốt người cổ tại Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ – TPHCM). Tạp chí KCH số 2/1995.

NGUYỂN THỊ HẬU  1997.Khuyên tai hai đầu thú trong các di tích mộ chum Cần Giờ (TPHCM) . Tạp chí VHNT số 8/1997 trang 23 – 26.

NGUYỄN THỊ HẬU, 2006. Di tích KCH ở Cần Giờ – TPHCM, những tư liệu mới. NPHVKCH 2006

NGUYỄN THỊ HẬU , ĐẶNG VĂN THẮNG 1995. Về những yếu tố Sa Huỳnh trong văn hóa Giồng Phệt. Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An – Kỷ yếu HTKH, Hội An 2004. Tr.262 – 281.

LƯƠNG NINH, 2001. Xóm Cồn – Hòa Diêm – Sa Huỳnh. Tạp chí Khảo cổ học số 2/ 2001. Tr 72 – 80.

PHẠM ĐỨC MẠNH, BÙI CHÍ HÒANG. 1984. Cụm di tích mộ vò miền đông Nam bộ. Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ĐBSCL, Long Xuyên 1984, trang 128- 131.

VŨ CÔNG QÚY, 1995. Văn hóa Sa Huỳnh trong thời đại kim khí Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An – Kỷ yếu HTKH, Hội An 2004. Tr 283 – 296.

ĐẶNG VĂN THẮNG, NGUYỄN THỊ HẬU, 2006. Khai quật di tích Khu Bao Đồng (Cần Giờ – TPHCM). Tạp chí KCH số 5/2006, tr. 38 – 49.

Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-co-trung-dai-o-viet-nam/1694-nguyen-thi-hau-van-hoa-sa-huynh-nhin-tu-van-hoa-dong-nai.html