SEN là loài hoa của Phật giáo, gắn liền với Văn hoá Phật giáo thì đã quá rõ. Còn RỒNG thì sao? Hình tượng RỒNG trong văn hoá Việt Nam xuất hiện khi nào? Có người cho rằng hình tượng Rồng có từ thời Đông Sơn, trên họa tiết trống đồng. Nhiều người cho rằng đó là hình cá sấu và giảo long. Phần lớn học giả đều cho rằng hình tượng RỒNG trong Văn hoá VN chỉ phổ biến từ thời LÝ, gắn liền với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn gặp rồng vàng bay lên khi rời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Các nhà mỹ thuật đương thời sáng tác các hình tượng rồng trong thế đang bay theo ý tưởng của nhà vua.
Còn biểu tượng SEN kết hợp với RỒNG thì sao? Lật giở lịch sử Phật Giáo ta sẽ rõ: Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập Phật Giáo, khi sinh ra có 9 con Rồng phun nước cho Ngài tắm, rồi Ngài bước lên 7 đoá sen, một loài hoa của Phật… Vì vậy trong văn hoá Phật giáo, con Rồng thường được trang trí cùng hoa sen, như Rồng dâng Sen lên Phật, Rồng trên bệ đá hình hoa Sen, Rồng trong lá Sen, và đặc biệt là SEN hoá RỒNG!
Trên gốm thời Lý Trần, biểu tượng hoa sen ( liên hoa ), đặc biệt là sen dây khá phổ biến. Trên một số thạp kích thước đồ sộ ta còn bắt gặp hình tượng hoa SEN hoá RỒNG ( đầu là bông sen, thân hình rồng đang bay ). Phải chăng hình tượng này gắn với truyền thuyết RỒNG BAY ( THĂNG LONG ) thời ĐẠI VIỆT?!
Xin giới thiệu một chiếc thạp hoa nâu thời Lý, cao 50 cm, vòng vai 1,30 m, tầng hoa văn ở giữa vẽ sen dây, hai tầng hoa văn trên và dưới vẽ sen hoá rồng theo thế đang bay theo hai chiều âm dương rất khỏe và sinh động. Rất may mắn, chiếc thạp còn nguyên vẹn dù đã được chế tác gần ngàn năm trước!
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=389907591352571&id=100010000008701