Archives

SO VỚI ÔNG BÀNH…VẪN THIẾU NIÊN*

Với những màu men óng ả, đa sắc, lối tạo dáng đột phá, sáng tạo, lối vẽ thanh thoát, huyền ảo…của các dòng gốm và cổ vật các triều đại phong kiến VN từ nghìn năm trở lại đây vẫn còn quá ” non trẻ ” so với thời Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, và xa hơn nhiều nữa là văn hoá Sơn Vy, Hoà Bình, Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun,…Nhưng, văn hoá thời nào thì cũng mang đậm tính thời đại và mục đích là phục vụ NHÂN SINH!


Một kỳ nghỉ, có thời gian để lục tìm quá khứ và ngắm nhìn những hiện vật còn sót lại từ những nền văn hoá xa xưa…

 

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=505568499786479&id=100010000008701

 

Văn hóa Gò Mun!

Văn hoá Gò Mun lấy tên địa danh đầu tiên phát hiện được là Gò Mun- xã Tứ Xã- huyện Lâm Thao- tỉnh Phú Thọ.

Văn hoá Gò Mun có niên đại cách ngày nay 2500-3000 năm, là nền văn hóa hậu kỳ thời đại đồng thau và tiền Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt). Phân bố ở miền Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trùng với địa bàn phân bố của văn hoá Đồng Đậuvăn hóa Phùng Nguyên. Đó là các địa điểm Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm…thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội. Trên địa bàn Phú Thọ có 14 địa điểm di tích văn hoá Gò Mun như các di chỉ: Gò Mun, Gò Chiền, Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới… phân bố trong các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng….

Sự thống nhất và tương đồng về các mặt như cảnh quan nơi cư trú, phạm vi địa tầng, các di tích và di vật… đều phản ánh một cộng đồng cư dân tồn tại thực sự trong không gian và thời gian ở lưu vực sông Hồng. Điều đó trái với một số nhận định trước đây cho rằng văn hoá Gò Mun chỉ như một “bản lề”, một “khâu chuyển tiếp” hay một điểm “giao thời”, “đệm” cho văn hoá Phùng Nguyên – Đông Sơn.

Các hiện vật thu được tại di chỉ khảo cổ Gò Mun:

Tại di chỉ khảo cổ Gò Mun tiêu biểu nhất cho văn hóa Gò Mun, qua 4 lần khai quật vào các năm 1961, 1965, 1969, 1971 các nhà khảo cổ học đã thu được hàng vạn hiện vật bao gồm: đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm với đủ loại các loại hình khác nhau.

Hiện vật đá: qua 4 lần khai quật đã thu được 231 tiêu bản trong đó đáng chú ý là các loại hiện vật như rìu, đục, bàn mài, chì lưới, vòng tay, khuyên tai, khánh…;

Hiện vật đồng với tổng số 340 hiện vật là các loại hình như rìu, liềm, đục, mũi tên, mũi lao, giáo, lưỡi câu…; hiện vật gốm thời kì này có dọi se sợi, nồi, vò, mảnh gốm, chân chạc…

Hiện vật văn hóa Gò Mun khá đa dạng về loại hình và chất liệu như:

hiện vật công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến đấu, tác phẩm nghệ thuật; được làm từ chất liệu đồng, gốm, đá…Trong số đó các công cụ và vũ khí bằng đồng chiếm số lượng chủ yếu. Giai đoạn này, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã tìm thấy các loại mũi tên, mũi giáo, rìu lưỡi xéo, kim, dùi đục, lưỡi câu… qua đó cho chúng ta biết được người Gò Mun không chỉ có các công cụ phục vụ sản xuất mà còn có công cụ phục vụ chiến đấu, săn bắn. Giai đoạn Gò Mun lần đầu tiên xuất hiện mũi tên được làm bằng đồng thau, đa dạng về loại hình và giàu có về số lượng.

Thông quá đó cũng cho chúng ta thấy sự khéo léo của cư dân người Việt cổ trong kỹ thuật chế tác kim khí và cũng là tiền đề cho truyền thống nghệ thuật quân sự (sử dụng cung nỏ trong chiến đấu) mà các giai đoạn sau tiếp thu trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Nghề luyện kim đồng thau phát triển trong văn hóa Gò Mun:

Hơn thế nữa ở giai đoạn này còn ghi nhận sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau so với các giai đoạn trước. Đồ đồng trong văn hóa Gò Mun khá phong phú, gồm nhiều loại hình khác nhau.  Nguyên liệu chủ yếu là đồng và thiếc trong thành phần hợp kim. Ngoài ra còn có một số tạp chất khác. Do kỹ thuật luyện đồng của người Gò Mun chưa cao, chưa phân huỷ được những chất có tác dụng ăn mòn và ôxy hóa nên nhiều hiện vật bị hỏng, gỉ và thường mềm hơn so với hiện vật đồng của văn hóa Đông Sơn.

Cách chế tác đồ đồng chủ yếu là đúc bằng khuôn hai mang đối với hiện vật có kích cỡ lớn, cấu tạo phức tạp, nhiều chi tiết như: rìu, giáo, lao, mũi tên, tượng, nhạc… và sử dụng kỹ thuật gia công nguội, giũa đối với hiện vật nhỏ, đơn giản như: lưỡi câu, lao mũi nhọn nhỏ, kéo thành sợi.

Những sản phẩm bằng đồng của người Gò Mun do chính bàn tay, khối óc của họ tạo ra. Điều đó đã được minh chứng bằng sự có mặt của những khuôn đúc bằng đá, bằng đất nung, nồi nấu, bát rót và lò luyện tìm thấy trong tầng văn hóa với nơi họ cư trú mà họ để lại.

Tượng đồng thuộc Văn hóa Gò Mun

Sự đa dạng về loại hình đồ đồng là yếu tố quan trọng phân biệt văn hóa Gò Mun và văn hóa Đồng Đậu:

Trong giai đoạn văn hóa Gò Mun loại hình công cụ đồng đã bắt đầu đa dạng hóa. Nhiều loại hình mới xuất hiện và chức năng được xác định rõ ràng. Chính việc ổn định kiểu dáng đã dẫn đến việc sử dụng chuyên hóa chức năng công cụ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và chiến đấu. Song dù sao người Gò Mun vẫn chưa thể đạt tới trình độ điêu luyện về kỹ thuật, đa dạng phong phú về loại hình và nhất là về nghệ thuật trang trí, như trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn.

Hầu hết những công cụ và vũ khí bằng đồng của người Gò Mun: rìu, liềm, giáo, mũi tên, lao, búa… đều có họng, chuôi, hoặc khâu để lắp cán. Đây là những c«ng côcơ bản nhất đóng vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất, săn bắt và bảo vệ cuộc sống của cư dân Gò Mun thời bấy giờ.

Thông qua những hiện vật như lưỡi hái bằng đồng thau phát hiện ở nhiều nơi nói lên sự phát triển và hoàn thiện của nghề trồng lúa nước. Lưỡi hái cong, có gỗ tra cán cho thấy bước tiến bộ hơn trong nghệ thuật chế tác so với các giai đoạn trước.

Cư dân Gò Mun không chỉ dùng đồng để chế tác công cụ sản xuất, vũ khí mà người Gò Mun còn sáng tạo ra đồ trang sức làm bằng đồng thau như vòng tay làm từ dây đồng.

Bên cạnh hiện vật đồng thau, giai đoạn văn hóa Gò Mun cũng được ghi nhận sự phát triển mang tính tiếp nối của các hiện vật đồ gốm.

Hoa văn trang trí trên đồ gốm trong văn hóa Gò Mun:

Hoa văn trang trí trên đồ gốm Gò Mun rất phong phú và đa dạng. Người Gò Mun đã dùng đồ gốm để thể hiện tư duy thẩm mỹ của mình. Vị trí trang trí hoa văn trên đồ gốm dùng để đựng hoặc đun nấu của người Gò Mun chủ yếu ở mặt miệng, trong lòng, ngoài cổ, vai, thân hoặc ngoài chân đế.

Hoa văn gốm Gò Mun chủ yếu là văn thừng, văn nan chiếu, in ô vuông, chải được tạo nên do những bàn dập, bàn chải trong quá trình tạo xương gốm. Ngoài ra còn có hoa văn khắc vạch, in ấn, đắp nổi được trang trí sau khi kết thúc khâu tạo hình, cần cho đồ gốm có thẩm mỹ. Cả hai loại hoa văn này được người Gò Mun kết hợp một cách hài hòa trên một số đồ gốm cơ bản. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đó có từ giai đoạn Đồng Đậu. Miệng gốm bẻ loe ra nằm ngang, rộng bản.

Nếu như gốm Phùng Nguyên được nung ở nhiệt độ thấp khoảng 6000C và có lẫn nhiều tạp chất hữu cơ nên có gốm thường nhẹ, dễ thấm nước và bở hơn  thì đến giai đoạn này, gốm được nung ở nhiệt độ cao, tỉ lệ ôxít silic cao và được nung ở nhiệt độ từ 8000C đến 9000C vì thế mà gốm có độ cứng hơn, có những mảnh gốm như mảnh sành, ít thấm nước và màu gốm cũng thay đổi cơ bản, màu gốm chuyển sang màu xám tro, xám mốc chứ không tươi đỏ như thời kì trước.

Mảnh gốm – Văn hóa Gò Mun

Loại hình gốm trong văn hóa Gò Mun rất phong phú:

Sự đa dạng về loại hình đồ gốm bao gồm cả đồ dùng cho sản xuất và đồ đựng như: nồi, vò, âu, bát, bi, dọi xe chỉ, chì lưới cho thấy bước phát triển lớn trong đời sống sinh hoạt của cư dân Gò Mun.Qua đó  phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Gò Mun giúp ta khắc được họa bức tranh toàn cảnh về sự tụ cư thời đó. Đó là sự quần cư trong các xóm làng của các gia đình người Việt cổ, tiêu biểu như các làng Tứ Xã, Thanh Đình,  …, là sự hình thành tổ chức sản xuất theo hộ gia đình là chính…và sau này trải qua hàng ngàn năm đã hình thành nên văn hóa làng xã độc đáo ở Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng: giai đoạn này xã hội người Việt đã có những bước chuyển biến sâu sắc và rõ rệt. Người Gò Mun sinh sống bằng nghề trồng lúa nước là chính, người dân sống chủ yếu bằng sản phẩm của mình làm ra chứ không phải khai thác trong tự nhiên như trước kia nữa; bên cạnh đó còn chăn nuôi và săn bắt đánh cá. Chính vì có bước tiến bộ trong kĩ năng canh tác cũng như tổ chức cuộc sống mà người dân Gò Mun ngày càng dư giả, góp phần thúc đẩy sự ra đời nhà nước sơ khai đầu tiên của người Việt.

Với các giá trị quan trọng về khoa học và lịch sử, năm 2008, di chỉ Gò Mun – xã Tứ xã- huyện Lâm Thao đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Hiện nay tại bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật thuộc văn hóa Gò Mun như đồ đồng, gốm, đá thuộc loại hình công cụ sản xuất, vũ khí như: rìu có vai, rìu tứ giác, rìu tứ diện, bàn mài được làm từ chất liệu đá; một số mũi lao, mũi giáo làm từ chất liệu đồng; chân chạc gốm… tuy số lượng hiện vật còn hạn chế so với các giai đoạn lịch sử khác nhưng qua đó đã giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể và sinh động hơn về một thời kì có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình dựng nước của dân tộc. Đó cũng chính thời kỳ tạo cơ sở chủ yếu  cho nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/hien-vat-dac-sac/401-van-hoa-go-mun