Chính sách bảo tàng ở Anh

Người Anh nói rằng: “Nhà nước không có chính sách chung về bảo tàng”[1]. Thật vậy, trên thực tế, họ luôn quan tâm đến bảo tàng thông qua các chính sách cụ thể.

Bảo tàng ở Anh được phân loại bởi hai cách: Phân loại theo chuyên ngành và phân loại theo cơ quan chủ quản, cấp kinh phí cho bảo tàng. Với nguyên tắc phân loại bảo tàng theo chuyên ngành và sưu tập hiện vật có liên quan, Từ điển Bách khoa toàn thư Anh (Britainica Encyclopedia năm 2001) đã chia các bảo tàng thành 5 loại chính: Bảo tàng Tổng hợp (General Museums); bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Khoa học tự nhiên (Natural History Museums and Natural Science Museums); bảo tàng Khoa học Kỹ thuật (Science and Technology Museums); bảo tàng Lịch sử (History Museums); bảo tàng Nghệ thuật (Arts Museums). Sau đó người ta còn phân loại tiếp thành các nhóm bảo tàng khác nhau.

Trong loại bảo tàng Lịch sử có các bảo tàng về hình thái kinh tế xã hội, bảo tàng khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng văn hóa dân gian, bảo tàng lịch sử cận hiện đại, bảo tàng về các cuộc nội chiến và chiến tranh thế giới, bảo tàng sự kiện… Trong loại bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Khoa học tự nhiên có bảo tàng về lịch sử tiến hóa, phát triển của thế giới tự nhiên, bảo tàng về các bộ môn khoa học tự nhiên như địa chất, sinh vật học, động vật học, hải dương học….Trong loại bảo tàng Khoa học và Kỹ thuật có bảo tàng ngành giao thông, bảo tàng công nghiệp, bảo tàng nông nghiệp, bảo tàng y học…

Khó thống kê chính xác số lượng bảo tàng ở Anh bởi sự đa dạng và phong phú về chủ đề, quy mô của các sưu tập cũng như số lượng cơ quan chủ quản và tài trợ cho bảo tàng. Nói như vậy để chấp nhận các thông số tương đối: Có 2500 bảo tàng (theo báo cáo của Cục Bảo tàng, Lưu trữ và Thư viện, thuộc Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao), có hơn 3000 bảo tàng (theo thống kê của Hội Bảo tàng Anh năm 2004) và có 1860 bảo tàng (theo danh sách của Resource [2] năm 2001). Ở Anh, thành lập và hoạt động bảo tàng không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, song để vào được danh sách các bảo tàng nhà nước công nhận thì bảo tàng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khá khắt khe về quản lý, bảo quản sưu tập, hoạt động và dịch vụ công cộng. Mọi bảo tàng phù hợp với định nghĩa bảo tàng [3] của Hội Bảo tàng Anh, tồn tại để mang lại lợi ích cho công chúng và hoạt động với mục đích từ thiện đều có thể nộp đơn để xét. Theo báo cáo của Resource, bảo tàng được phân loại theo cơ quan quản lý như sau: Các bảo tàng độc lập, thành lập bởi những tổ chức ủy thác và hội nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 39%; các bảo tàng địa phương chiếm 37%; các bảo tàng thuộc các tổ chức ủy thác quốc gia về di sản là National Trust và English Heritage có 11% ; bảo tàng thuộc quân đội có 9%; bảo tàng thuộc trường đại học có 2% và bảo tàng quốc gia có 2%.

Có ý kiến cho rằng ở Phương Tây hầu hết các bảo tàng là của tư nhân, hoặc đã tư nhân hoá và đó là biểu hiện của xã hội hoá hoạt động bảo tàng. Xem xét mô hình quản lý bảo tàng ở Anh, điều này không đúng. Khi người Anh nói rằng: “Bảo tàng của chúng tôi không phải của nhà nước, chúng tôi là charity (từ thiện), là public (công hoặc công cộng)” là họ nói về sở hữu bảo tàng theo nghĩa hẹp và không phủ nhận sự lãnh đạo, trách nhiệm của nhà nước đối với các bảo tàng. Về mặt sở hữu, ngoại trừ các bảo tàng tư nhân không được tham gia vào danh sách đăng ký nói trên, bảo tàng ở Anh là sở hữu của toàn dân, của cộng đồng và nhóm cộng đồng. Các bảo tàng lớn, nhỏ đều có hội đồng quản trị. Giám đốc bảo tàng được hội đồng quản trị chỉ định. Giám đốc lãnh đạo, điều hành hoạt động bảo tàng căn cứ vào các chính sách mà hội đồng quản trị đã quyết định. Ở Bảo tàng Anh (Bristish Museum), hội đồng quản trị có 25 người, trong đó 15 người do Thủ tướng bổ nhiệm (có sự tư vấn từ Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao), 1 người do Nữ hoàng Anh chỉ định, 4 người do Hội đồng Hoàng gia, Viện Hàn lâm Hoàng gia, Viện Hàn lâm Anh, Hội đồng cổ vật London tín nhiệm giới thiệu và được Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Anh ra quyết định bổ nhiệm. Nhà nước cấp cho bảo tàng một khoản tiền tương xứng với hoạt động (đảm bảo từ 75-85%) và có điều kiện kèm theo. Hội đồng quản trị của bảo tàng phải căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu của nhà nước mà hướng chính sách của bảo tàng phục vụ mục tiêu đó. Mối quan hệ này được ràng buộc bởi các biên bản ghi nhớ và các quyết định tài chính hàng năm giữa Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao với bảo tàng.

Vương quốc Anh là đất nước có nhiều bảo tàng nổi tiếng và đặc biệt nhất thế giới.Mở cửa năm 1683, Bảo tàng Ashmolean, Oxford là bảo tàng mở cửa phục vụ  công chúng đầu tiên trên thế giới. Bảo tàng này cũng là bảo tàng lâu đời nhất trong số hơn 300 bảo tàng và sưu tập thuộc các trường đại học ở Anh.
Bristish là bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới về số lượng hiện vật. Bảo tàng này có trên 7 triệu cổ vật của Ai Cập, Trung Cận Đông, Hy Lạp, La Mã, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ… tại đây có trên 20.000 cổ vật Châu Á, trong đó có 160 hiện vật của Việt Nam. Bảo tàng đang phát triển sưu tập gốm, một chậu gốm Chu Đậu đã được mua cuối năm 2002 với giá 30.000 pounds (khoảng hơn 57.000 USD). Mặc dầu có cơ chế khá linh hoạt, giúp cán bộ sưu tầm chủ động hơn trong việc mua hiện vật, song quy định tiêu chuẩn pháp lý đối với hiện vật rất chặt chẽ. Bảo tàng không mua những hiện vật bất hợp pháp và xuất khẩu trái phép, không chấp nhận các hiện vật được coi là quà tặng, thừa kế nếu không chứng minh được đầy đủ các thông tin hợp pháp về chủ sở hữu. Chính sách sưu tầm của bảo tàng tuân thủ tuyệt đối Công ước của UNESCO năm 1970 về chống thất thoát và buôn bán trái phép cổ vật, Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế – ICOM, Quy tắc Đạo đức của Hội Bảo tàng Anh và các luật pháp có liên quan.
Bảo tàng mang tên Nữ hoàng Anh Victoria và Albert (còn gọi là Bảo tàng V & A) là bảo tàng nổi tiếng và có uy tín nhất thế giới về nghệ thuật ứng dụng và nghệ thuật trang trí.
Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh dẫn đầu thế giới về số lượng mẫu vật thiên nhiên là 70 triệu. Ngôi nhà bảo tàng là một kiệt tác, một dẫn chứng tuyệt vời về sự kết hợp nghệ thuật kiến trúc và tư tuởng nội dung của bảo tàng.
Mặc dầu, ở cách trung tâm thành phố gần một giờ đi bằng tàu điện ngầm và tàu hỏa và là bảo tàng cấp địa phương, nhưng Horniman lại là “hiện tượng” khá nổi bật, là một trong hai bảo tàng địa phương duy nhất được nhà nước trực tiếp cấp kinh phí hoạt động hàng năm (3 triệu pounds, tương đương 6 triệu USD). Giới bảo tàng học và các nhà nghiên cứu đánh giá cao phương thức tổ chức hoạt động, xã hội hóa và đặc biệt là chương trình giáo dục của bảo tàng này. Horniman còn được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học biết đến bởi bộ sưu tập 6000 nhạc cụ đặc sắc của nhiều dân tộc trên thế giới.
Bảo tàng Đường sắt của quốc gia ở thành phố York là niềm kiêu hãnh của nước Anh. Với trên 150 đầu máy xe lửa các loại đầu tiên, bằng chứng lịch sử của những phát minh vĩ đại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, bảo tàng này là bảo tàng lớn nhất và đầy đủ nhất thế giới về ngành Đường sắt.
London có tới 242 bảo tàng, song Bảo tàng thành phố London (Museum of London) là một ấn tượng khó quên với những du khách đã từng một lần đến đây. Cách trưng bày giản dị nhưng không đơn điệu. Lịch sử London được trình bày bằng nhiều phương pháp từ giới thiệu lịch sử xã hội theo biên niên sự kiện đến tổ hợp hiện vật, tài liệu theo vấn đề; từ việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật số đến các bảng thông tin chi tiết cho thấy sự công phu trong việc nghiên cứu để giới thiệu các sưu tập về đời sống cư dân ở London, thành phố lớn nhất thế giới. Lịch sử kể lại bằng lời (Oral History) là loại tư liệu bảo tàng đặc biệt, khiến người xem kinh ngạc và thán phục công tác sưu tầm và nghiên cứu khoa học của bảo tàng này.
Mới khánh thành tháng 5/2002, Bảo tàng Hackney là một ví dụ của hình thức bảo tàng cộng đồng, ra đời nhằm góp phần giải quyết những vấn đề xã hội. Dân nhập cư chiếm một tỷ lệ đáng kể của dân số Anh. Ngoài người Ấn Độ, Trung Quốc và người Châu Phi nhập cư đến Anh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, dòng người nhập cư đến nước Anh vào nửa cuối thế kỷ XX cũng khá đông. Họ là những người thuộc Trung Cận Đông, Châu Á và Đông Âu. Mặc dầu việc nghiên cứu, xác định bản sắc văn hóa của cư dân nhập cư còn phiến diện và thiếu khách quan song điểm tốt của bảo tàng này là đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Anh tới những người mới nhập cư và giúp họ gắn kết với cộng đồng.
Năm 1988, ở thời kỳ của bà Thủ tướng Thatcher, Chính phủ Anh đã thực hiện chính sách mới đối với bảo tàng, thông qua việc sửa đổi pháp luật, cho phép bảo tàng giữ lại thu nhập, không phải nộp cho tài chính nhà nước, đồng thời cũng yêu cầu bảo tàng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với việc bảo tồn công trình kiến trúc, bảo quản hiện vật và thuê nhân công. Hiện nay, Nhà nước đầu tư cho bảo tàng thông qua năm cơ quan lớn: Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao; Bộ Quốc phòng; các Văn phòng của vùng Scotish, Welsh và Bắc Ireland. Nhà nước cũng cấp tiền cho một số bảo tàng thuộc trường đại học thông qua Bộ Giáo dục, số còn lại do địa phương cấp. Nhà nước chỉ trực tiếp cấp kinh phí thường xuyên cho 20 thiết chế trong đó có 14 bảo tàng quốc gia; 2 sưu tập quốc gia; 2 bảo tàng địa phương và 2 bảo tàng tư nhân diện đặc biệt, đã đăng ký hoạt động từ thiện. Bảo tàng được công nhận là bảo tàng quốc gia phải đạt được các tiêu chí sau: Có sưu tập lớn tầm cỡ quốc gia, có chính sách sưu tầm mang tính quốc gia; được quản lý bởi những hội đồng quản trị đại diện cho quốc gia; có đội ngũ chuyên gia giỏi không những để làm việc cho bảo tàng mà còn có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ về các lĩnh vực chuyên môn đó và có thể được Chính phủ điều động, sử dụng; có các dịch vụ phục vụ công chúng đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Bảo tàng thuộc trường đại học được Nhà nước cấp kinh phí thông qua Bộ Giáo dục, trực tiếp là Hội đồng tài trợ của các trường đại học (Universities Funding Council). Có trên 200 bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang được nhận kinh phí từ Nhà nước thông qua Bộ Quốc phòng.
Các bảo tàng địa phương ở Anh có nhiều hiện vật đặc thù, là bảo tàng liên ngành, đóng vai trò quan trọng gìn giữ và giới thiệu bản sắc của cộng đồng, trong hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch và phát triển kinh tế của địa phương. Ví dụ: Trung tâm dịch vụ bảo tàng của thành phố Glasgow tuyển dụng tới 423 nhân viên và hàng năm đón được 2,5 triệu khách tham quan. Trên danh nghĩa, chính quyền địa phương có trách nhiệm với các bảo tàng này, tuy nhiên, do điều kiện tài chính không được chính quyền địa phương cung cấp đầy đủ, nhiều bảo tàng đã không còn trực thuộc Hội đồng thành phố mà chuyển hướng sang tổ chức dịch vụ của địa phương hoặc tư nhân hóa.
Các bảo tàng độc lập không nhận được kinh phí thường xuyên từ Nhà nước cũng như địa phương, song đặc điểm của họ là khá tích cực và sáng tạo, luôn cố gắng thay đổi hoạt động trên cơ sở nắm bắt những nhu cầu của khách và họ cũng thu được sự ủng hộ đáng kể của các tổ chức và cá nhân tình nguyện. Các bảo tàng độc lập cũng lập hội bảo tàng và có tạp chí chuyên môn riêng.
Bảo tàng ở Anh vốn có truyền thống mở cửa cho công chúng tham quan miễn phí, đến những năm 90 của thế kỷ XX, truyền thống này bị lung lay bởi kinh tế thị trường và do sức ép của kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng. Hầu hết bảo tàng quốc gia buộc phải thay đổi phương thức, tiếp tục thu phí tham quan với giá vé trung bình là 5 pounds/người. Tuy nhiên, đến tháng 12/2001, Chính phủ Anh quyết định các bảo tàng thuộc Nhà nước (cả trung ương, địa phương và những bảo tàng được nhận tài trợ của Nhà nước) không thu phí tham quan nữa. Tuyên bố này làm công chúng nước Anh sửng sốt, các hãng du lịch quốc tế hân hoan và giới bảo tàng lo lắng, xôn xao. Mỗi năm, các bảo tàng nói trên có 77 triệu lượt khách, nguồn thu từ vé tham quan là rất lớn. Thiếu hụt một khoản kinh phí khổng lồ, hoạt động bảo tàng chắc hẳn sẽ khó khăn? Trên thực tế, quyết định này bắt nguồn từ chủ trương đổi mới chính sách văn hoá của Anh. Đây là một chính sách tiến bộ vì mục tiêu nâng cao tri thức khoa học và văn hóa, thực hiện cam kết với UNESCO về “đa dạng văn hoá” [4]. Chính sách này nhằm đưa di sản văn hoá đến với công chúng, tạo điều kiện để công chúng tiếp cận thường xuyên di sản của nhân loại. Đến nay, số lượng khách mỗi năm tăng 30 triệu. Để bù đắp kinh phí cho bảo tàng, Nhà nước Anh đã sử dụng một phần ngân sách thu được từ thuế và Quỹ Xổ số di sản (Heritage Lottory Fund). Quỹ này được lập ra để hỗ trợ và khuyến khích các bảo tàng và di tích thực hiện các dự án nâng cao chất lượng sưu tập, trưng bày và hoạt động, các chương trình giáo dục cộng đồng được ưu tiên xem xét. Bảo tàng được quyền thu phí một số trưng bày chuyên đề và hoạt động đặc biệt. Những đóng góp từ Hội Bạn bảo tàng, từ tài trợ của cá nhân và tập thể được ghi nhận là nhà hảo tâm, nhà tài trợ, từ dịch vụ bảo tàng, từ đóng góp tự nguyện của cá nhân trích từ thuế đóng cho nhà nước, từ nguồn thu bán đồ lưu niệm và đồ ăn uống tại bảo tàng tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng khách tăng lên đột ngột do chính sách miễn vé…đã tạo nên nguồn kinh phí đa dạng và hỗ trợ thiết thực cho bảo tàng. Mọi tài trợ của các công ty cho bảo tàng được coi là kinh phí từ thiện và không bị đánh thuế phần tài trợ đó. Từ năm 1988, Chính phủ ban hành chính sách tạo điều kiện cho bảo tàng thực hiện hoạt động thương mại. Điều này đã đặt các nhà quản lý bảo tàng ở Anh vào một cuộc cải cách chưa từng có. Người quản lý bảo tàng không những phải là nhà quản lý khoa học tài năng mà còn phải là người tổ chức có đầu óc kinh doanh. Nhiều bảo tàng lớn thành lập công ty thương mại riêng. Các công ty này là cánh tay buôn bán của bảo tàng, toàn bộ lợi nhuận nộp cho bảo tàng, vì vậy được miễn thuế. Phạm vi kinh doanh chủ yếu của công ty bao gồm 5 lĩnh vực: Sản xuất hàng hoá đồ lưu niệm bảo tàng; cấp giấy phép phục chế, tái tạo tác phẩm nghệ thuật; bán hàng qua bưu điện, internet; cho thuê địa điểm và xuất bản.
Bên cạnh những bảo tàng đẹp nhất, nổi tiếng nhất và thuận lợi, nhiều bảo tàng địa phương ở Anh đang gặp khó khăn. Công trình nghiên cứu đánh giá thực trạng bảo tàng của Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao năm 2001 [5] đã chỉ ra những điểm yếu đang cản trở sự phát triển của hệ thống bảo tàng Anh. Đó là: thiếu chiến lược quốc gia cho bảo tàng địa phương; thiếu định hướng và lúng túng trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ bảo tàng, thiếu quan hệ hợp tác và khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động; sự đầu tư của nhà nước còn ít, mới chỉ tập trung vào một số sưu tập nghệ thuật và một vài bảo tàng cụ thể; công tác sưu tầm yếu, bỏ lỡ các cơ hội, đội ngũ cán bộ chuyên môn còn chưa đủ, thiếu các curator [6] và thiếu tính tác nghiệp… Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Anh đã nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ Anh định hướng chiến lược mới nhằm kiện toàn, thúc đẩy hoạt động bảo tàng nói chung và hỗ trợ bảo tàng địa phương nói riêng. Chính sách này đã được Chính phủ phê duyệt trong dự án lớn: “Thời kỳ Phục hưng ở các địa phương: một cái nhìn mới đối với các bảo tàng Anh”.
Theo dự án này, nước Anh có 9 vùng, mỗi vùng sẽ có một “hub”. “Hub” có nghĩa là trung tâm. “Hub” không phải là một bảo tàng đơn lẻ, mà đó là một nhóm tối đa 4 thiết chế bao gồm bảo tàng hoặc cơ quan có liên quan như sở văn hoá, sở du lịch, cơ quan nghiên cứu, đào tạo bảo tàng học. Bảo tàng được lựa chọn phải là bảo tàng đã được nhà nước công nhận, khá nhất vùng về sưu tập, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, có đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực nghiên cứu và tổ chức tốt hoạt động bảo tàng, bảo tàng đó phải ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc liên kết hoạt động, có mối quan hệ rộng rãi với các bảo tàng trung ương, bảo tàng địa phương, bảo tàng trường học, công ty du lịch và các thiết chế văn hoá khác trong vùng. Nhà nước thông qua vai trò chỉ đạo của các “hub” để thực hiện yêu cầu đối với bảo tàng đó là: Bảo tàng phải trở thành tiềm năng quan trọng và đi đầu trong công tác giáo dục; tăng cường sự tiếp cận của khách tới bảo tàng và sưu tập (trong đó vai trò của công nghệ thông tin là rất quan trọng); phải đóng góp vào sự phát triển kinh tế của vùng; phải luân chuyển, khai thác, phát huy các sưu tập bảo tàng cho mục đích giáo dục và thưởng thức; phải nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ công chúng. Nhà nước đầu tư cho các “hub” để chỉ đạo và giúp cho các bảo tàng khác trong vùng trên năm lĩnh vực: quản lý và bảo quản sưu tập; nghiên cứu và đào tạo; triển lãm, trưng bày và giới thiệu di sản; marketing; phát triển khách tham quan. Theo kế hoạch từ năm 2003 đến năm 2006, Chính phủ đầu tư cho chương trình này 29,2 triệu pounds. Đây là điểm mới trong chính sách bảo tàng của Nhà nước Anh, là biện pháp tích cực và thực tiễn để thúc đẩy, phát huy vai trò của các bảo tàng thực hiện chính sách văn hóa của quốc gia.
Bàn về vị trí, ý nghĩa quan trọng của bảo tàng đối với quốc gia, dân tộc, trong bài phát biểu “Các bảo tàng và bản sắc văn hóa“, tại Đại hội toàn quốc Hội Bảo tàng Anh, GS. Patrick J. Boylan, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế Bảo tàng học của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế – ICOM, đã khẳng định:
Tôi nhấn mạnh ý kiến rằng nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia độc lập đã quyết định là có bốn biểu tượng sống động nhất của một dân tộc độc lập và bốn công cụ có sức sống nhất để liên kết mọi người, để xây dựng một quốc gia thực sự, được sắp xếp trong thứ tự ưu tiên như sau: 1, lực lượng quốc phòng hùng mạnh; 2, phương tiện truyền thông quốc gia; 3, bảo tàng quốc gia; và 4, trường đại học quốc gia.

Các bảo tàng nhất định sẽ, và trong nhiều trường hợp đã là hiện thân và là biểu lộ sâu sắc nhất bản sắc văn hoá của mọi dân tộc, quốc gia. Tôi kêu gọi mọi người, những người bình thường, những cán bộ bảo tàng và những người làm việc cho chính phủ ở các cấp hãy hiểu bảo tàng, yêu mến bảo tàng và làm việc như một đối tác chân tình và tích cực với cộng đồng bảo tàng quốc gia và địa phương để gìn giữ, phát huy và giới thiệu di sản và bản sắc văn hoá đó
” [7]./.

Lê Thị Minh Lý

(Tạp chí Di sản văn hóa số 9 – 2004)


 

[1] The museum scene (Cảnh tượng của bảo tàng). Museum and Galleries Commission. Gaynor Kavanagh (ed), Museum Provion and Professionallism, Routledge. 2002, pp.97
[2] Resource (Council for Museums, Archives and Libraries) là cơ quan nghiên cứu các vấn đề chiến lược về bảo tàng, lưu trữ và thư viện nhằm xác định, đánh giá thực trạng, đề xuất, tư vấn các giải pháp có tính chiến lược để phát triển các thiết chế này. Ngoài ra tổ chức này còn có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho bảo tàng vùng và bảo tàng địa phương.
[3] “Bảo tàng là một thiết chế thu thập, tư liệu hoá, gìn giữ, trưng bày và giới thiệu các bằng chứng vật chất và thông tin liên quan vì lợi ích của công chúng”. Museum provision and profesionalism (Quy định về bảo tàng và tính chất nghề nghiệp), Gaynor Kavannagh (ed), Routledge, 2002, pp.15.
[4]Tuyên ngôn của UNESCO về đa dạng văn hóa, (Unesco Declaration on Cultural Diversity) thông qua tại phiên họp thứ 31 Đại hội đồng UNESCO, Paris, ngày 2 tháng 11 năm 2001.
[5] Renaissance in the Regions: A new vision for Englands museums. (Thời kỳ Phục hưng ở các địa phương: Một cái nhìn mới đối với các bảo tàng Anh)
[6] Curatorlà một chức danh quan trọng trong hệ thống bảo tàng Châu Âu, Châu Mỹ. Mỗi Curator là một chuyên gia trong một lĩnh vực khoa học liên quan đến sưu tập bảo tàng. Họ có vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng. Curator có trách nhiệm trực tiếp quyết định và xem xét tất cả chính sách cũng như quá trình liên quan đến sưu tập và việc mượn hiện vật. Họ làm việc rất gần gũi với các bộ phận khác của bảo tàng như kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền giáo dục, xuất bản và cả bộ phận sản xuất hàng hoá bán trong bảo tàng…
[7] Museums: A place to work. Planning museums careers (Các bảo tàng: Một vị trí làm việc. Lập kế hoạch nghề nghiệp bảo tàng). Jane R. Glaser with Artemis A. Zenetou, Routledge, 2000, pp. 205.
Nguồn: http://baotang.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=1040eaf9-6d8b-49e3-836c-b5621b43f727

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.