Đồ gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 1)

Gốm men trắng cùng các loại men khác tạo nên sự độc đáo của gốm thời Lý Trần:

Bên cạnh loại đồ gốm đất nung mang tính chất trang trí kiến trúc, thời Lý –Trần còn có nhiều loại hình thuộc các dòng gốm men khác như gốm men trắng, men ngọc, men nâu mà phần lớn là đồ gia dụng. Đây chính là loại sản phẩm lưu hành rộng khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của các tầng lớp cư dân, từ cung đình đến bình dân. Những đồ gốm này cũng thể hiện một trình độ cao, tiêu biểu về kỹ thuật cũng như chất lượng mỹ thuật trong khâu tạo hình và trang trí của nghề gốm ở nước ta.

Tại kinh thành Thăng Long, bên cạnh những lò gốm chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc còn có những lò gốm sản xuất đồ gốm men. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày nhiều loại phế vật lò gốm, trong đó có nhiều chồng dính bát đĩa gốm men ngọc, men trắng và nâu. Dựa trên các hiện vật đã thu thập được, có xuất xứ từ các di tích của thành Thăng Long, chúng ta hãy cùng xem về dòng gốm men trắng độc đáo này.

Gốm men trắng ngà:

có thể coi là một dòng gốm đặc sắc, loại hình và trang trí có nhiều trường hợp tương đồng với loại men nâu và men ngọc, niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Loại hình chính gồm có ấm, bát, bình, chén, đài sen, đĩa, khuôn đúc, hũ, lọ, liễn, thạp, thống,… Hoa văn trang trí thể hiện kết hợp giữa chạm đắp nổi và khắc chìm. Đề tài trang trí phổ biến có băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, băng hoa nổi, rồng giun uốn khúc kiểu thắt túi, hoa dây, hoa chanh, hình tháp, tiên nữ, phượng, sóng nước, vòng tròn nhỏ, vạch đứng song song, mây hình khánh.

Những đại diện tiêu biểu là loại ấm rượu men trắng ngà, cao 21,1 cm, miệng viền tròn, thân chia múi hình cánh hoa, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen đều đặn, cánh to xen cánh nhỏ.

Ấm rượu khác lại có dáng quả dưa, cao 20,4 cm, miệng loe cổ eo cao tạo nhiều ngấn, vòi ngắn, vai đắp nổi cánh sen, thành ngoài chạm khắc chìm hoa dây và chạm nổi băng sóng nước quanh chân, đáy lõm để mộc, men ngà rạn. Đây cũng là một trong số mẫu ấm thời Lý kết hợp tài khéo giữa tạo dáng và trang trí.

Chiếc ấm rượu khác lại có nắp đầy đủ, cao 22 cm, nắp có chỏm búp sen, còn ấm có gờ miệng tròn, thân hình cầu, đáy mộc, chân tạo ngấn con tiện, vòi ấm hình đầu rồng, quai hình chim vẹt, nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

Ấm trà chất liệu gốm men trắng ngà:

Chiếc ấm trà nhỏ thể hiện dáng tròn dẹt, cao 11,3 cm, thân tạo 8 múi nổi, chắc khoẻ tựa dáng quả bí ngô, vai và nắp chạm nổi băng cánh sen, men phủ trắng ngà. Cũng có loại ấm rượu với kích thước nhỏ, chỉ cao 7,6 cm, có miệng uốn, thân chia 8 múi dọc, chân đế thấp và rộng, vòi ngắn, quai hình chim vẹt, vai đắp nổi băng cánh sen, men trắng ngà.

Ngoài các dáng ấm kể trên còn xuất hiện loại ấm đặc biệt, tương đồng với ấm gốm hoa nâu cùng thời. Loại ấm này được tạo dáng giống như ghép một đĩa cao chân với một bát sâu lòng. Miệng ấm hình đĩa, cổ cao hình trụ với các đoạn hình đốt trúc, thân chia múi tạo hình bông sen nở, các đầu cánh vượt lên vai, uốn cong đều đặn. Vòi cao, quai cong hình khuyên, mặt nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

 

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.