Tag Archive | đất nung

GÓC NHÌN NHỮNG NGÀY SẬP SÙI

Gần cả tuần không nắng lại còn mưa thâm gió bấc khiến trời đất cứ ỉu xìu, nhớp nháp.
Người co ro, xe bịt bùng, đường lõng bõng.
Mưa lạnh, âm u là việc của trời đất. Thiên hạ người thích, kẻ ghét gió mưa là lẽ đương nhiên.
Còn Gốm Cổ Việt Nam… Lẩn thẩn chơi gốm cõng hoa, chơi chim chầu hường để góp chút ánh hồng, thêm phần ấm áp cho ngày không nắng!

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=391578054633750&set=a.124319581359600.1073741830.100013446760706&type=3&permPage=1

 

Chuyện về người sưu tầm bình vôi cổ – Nam Định

“Khi sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là các món đồ “thuần Việt”, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc. Từ đó có cảm giác gần gũi với những giá trị tinh thần ngàn đời xưa. Sưu tầm đồ cổ cũng giúp cuộc sống của tôi “tĩnh” hơn”, anh Vũ Văn Khánh, số nhà 4/61 đường Tô Hiệu (TP Nam Định) chia sẻ về thú chơi của mình. Gần 20 năm rong ruổi để tìm kiếm, sưu tầm cổ vật, anh Khánh hiện có trong tay hàng nghìn đồ cổ đa dạng: cân, chú tễu, bình vôi, gốm sứ Bát Tràng, gốm đời nhà Thanh… Đặc biệt với khoảng trên 1.000 chiếc bình vôi, anh Khánh là một trong số ít người sở hữu bộ sưu tập bình vôi lớn nhất Việt Nam hiện nay. Continue reading

Đồ gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 1)

Gốm men trắng cùng các loại men khác tạo nên sự độc đáo của gốm thời Lý Trần:

Bên cạnh loại đồ gốm đất nung mang tính chất trang trí kiến trúc, thời Lý –Trần còn có nhiều loại hình thuộc các dòng gốm men khác như gốm men trắng, men ngọc, men nâu mà phần lớn là đồ gia dụng. Đây chính là loại sản phẩm lưu hành rộng khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của các tầng lớp cư dân, từ cung đình đến bình dân. Những đồ gốm này cũng thể hiện một trình độ cao, tiêu biểu về kỹ thuật cũng như chất lượng mỹ thuật trong khâu tạo hình và trang trí của nghề gốm ở nước ta.

Tại kinh thành Thăng Long, bên cạnh những lò gốm chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc còn có những lò gốm sản xuất đồ gốm men. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày nhiều loại phế vật lò gốm, trong đó có nhiều chồng dính bát đĩa gốm men ngọc, men trắng và nâu. Dựa trên các hiện vật đã thu thập được, có xuất xứ từ các di tích của thành Thăng Long, chúng ta hãy cùng xem về dòng gốm men trắng độc đáo này.

Gốm men trắng ngà:

có thể coi là một dòng gốm đặc sắc, loại hình và trang trí có nhiều trường hợp tương đồng với loại men nâu và men ngọc, niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Loại hình chính gồm có ấm, bát, bình, chén, đài sen, đĩa, khuôn đúc, hũ, lọ, liễn, thạp, thống,… Hoa văn trang trí thể hiện kết hợp giữa chạm đắp nổi và khắc chìm. Đề tài trang trí phổ biến có băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, băng hoa nổi, rồng giun uốn khúc kiểu thắt túi, hoa dây, hoa chanh, hình tháp, tiên nữ, phượng, sóng nước, vòng tròn nhỏ, vạch đứng song song, mây hình khánh.

Những đại diện tiêu biểu là loại ấm rượu men trắng ngà, cao 21,1 cm, miệng viền tròn, thân chia múi hình cánh hoa, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen đều đặn, cánh to xen cánh nhỏ.

Ấm rượu khác lại có dáng quả dưa, cao 20,4 cm, miệng loe cổ eo cao tạo nhiều ngấn, vòi ngắn, vai đắp nổi cánh sen, thành ngoài chạm khắc chìm hoa dây và chạm nổi băng sóng nước quanh chân, đáy lõm để mộc, men ngà rạn. Đây cũng là một trong số mẫu ấm thời Lý kết hợp tài khéo giữa tạo dáng và trang trí.

Chiếc ấm rượu khác lại có nắp đầy đủ, cao 22 cm, nắp có chỏm búp sen, còn ấm có gờ miệng tròn, thân hình cầu, đáy mộc, chân tạo ngấn con tiện, vòi ấm hình đầu rồng, quai hình chim vẹt, nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

Ấm trà chất liệu gốm men trắng ngà:

Chiếc ấm trà nhỏ thể hiện dáng tròn dẹt, cao 11,3 cm, thân tạo 8 múi nổi, chắc khoẻ tựa dáng quả bí ngô, vai và nắp chạm nổi băng cánh sen, men phủ trắng ngà. Cũng có loại ấm rượu với kích thước nhỏ, chỉ cao 7,6 cm, có miệng uốn, thân chia 8 múi dọc, chân đế thấp và rộng, vòi ngắn, quai hình chim vẹt, vai đắp nổi băng cánh sen, men trắng ngà.

Ngoài các dáng ấm kể trên còn xuất hiện loại ấm đặc biệt, tương đồng với ấm gốm hoa nâu cùng thời. Loại ấm này được tạo dáng giống như ghép một đĩa cao chân với một bát sâu lòng. Miệng ấm hình đĩa, cổ cao hình trụ với các đoạn hình đốt trúc, thân chia múi tạo hình bông sen nở, các đầu cánh vượt lên vai, uốn cong đều đặn. Vòi cao, quai cong hình khuyên, mặt nắp và vai chạm nổi băng cánh sen.

 

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Giao lưu văn hóa Đại Việt – Chămpa trên cổ vật

Trong tiến trình lịch sử của mình vương quốc Chămpa luôn có những mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc văn hóa với các nước trong khu vực, trong đó có Đại Việt thời Lý – Trần.

Chămpa được thành lập vào thế kỷ thứ II, ban đầu có tên là Lâm Ấp, thế kỷ thứ VII mới đổi thành Chămpa. Buổi đầu kinh đô của vương quốc này được đặt tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhưng vào giữa thế kỷ thứ VIII, đã được dời xuống phía nam và đặt ở khu vực Phan Rang, Nha Trang ngày nay. Đồng thời lúc này thư tịch cổ không còn chép là Lâm Ấp nữa mà gọi là Hoàn Vương.

Hầu hết các tháp Phật thời Lý – Trần được làm bằng đất nung và có bình đồ hình vuông như tháp Bình Sơn, tháp Phổ Minh là tiếp thu từ văn hóa Chăm. Các tháp Chăm đều có bình đồ hình vuông do ảnh hưởng từ các tháp Tudi của Ấn Độ. Và tháp Chăm chỉ có một cửa vào cũng đã ảnh hưởng đến lối xây dựng chùa Một Cột dưới thời Lý.

Mô hình tháp đất nung thời Lý – Trần có bình đồ hình vuông mang hơi hướng của văn hóa Chăm

Trên những hiện vật gạch ngói úp nóc tạc hình chim uyên ương ở kinh thành Thăng Long chúng ta thấy có những nét phẳng phất giống với ngỗng thần Hamsa trong văn hóa Chăm, phần đầu cánh được xoắn lại tạo nên hình cánh cung giống với đôi cánh của thần điểu Garuda.

Tượng uyên ương trong văn hóa Lý – Trần

Chim thần Garuda trong văn hóa Chăm

Tượng chim Kinnari gốm đất nung trong văn hóa Lý – Trần được lấy nguyên mẫu từ tượng chim Kinnari bằng đá sa thạch trong văn hóa Chăm.

 

Chim Kinnari, chất liệu đá sa thạch trong văn hóa Chăm

Chim Kinnari, chất liệu gốm đất nung thời Lý – Trần

Như vậy, những dấu ấn Chămpa trong kiến trúc, mỹ thuật và tạo hình tại các công trình xây dựng cho thấy văn hóa Chămpa đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sáng tác, tư duy, thẩm mỹ của người Đại Việt thời Lý – Trần. Người Chăm đã mang những nét văn hóa riêng của mình ra Đại Việt, hòa trộn với văn hóa bản địa để làm nên sự tỉ mỉ, chau chuốt của các hiện vật thời Lý – Trần. Các hiện vật tồn tại cho đến ngày nay đã phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó.