Đồ bạc nhật dụng thời Nguyễn ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bạc là nguyên liệu được dùng để sản xuất ra nhiều vật dụng quý hiếm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Dưới thời Nguyễn (1802 – 1945), bạc được sử dụng để chế tác những vật phẩm phục vụ các nhu cầu: thờ tự, trang trí, ẩm thực… cho vua chúa, hoàng thất và triều đình.

Đồ bạc nhật dụng thời Nguyễn ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
                           Cối xoáy cau trầu

Nhiều cổ vật bằng bạc của triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bài viết dưới đây giới thiệu một số cổ vật đặc sắc có trong bộ đồ bạc nhật dụng của bảo tàng này.Ngân tượng ty là nơi chuyên sản xuất những vật phẩm bằng bạc để phục vụ các nhu cầu của triều đình được vua Minh Mạng thành lập vào năm 1834. Nguyên liệu để sản xuất đồ bạc do triều đình huy động từ những mỏ khai thác bạc do triều đình quản lý: mỏ Lộ Thượng, mỏ Lộ Hạ, mỏ An Khương (tỉnh Thanh Hóa); mỏ Tống Tinh, mỏ Phúc Sơn, mỏ Ngân Sơn, mỏ Bông Sơn (tỉnh Thái Nguyên); mỏ Phú Thành, mỏ Ly Bô (tỉnh Hưng Hóa); mỏ Nam Đăng (tỉnh Tuyên Quang)(1)… hoặc mua từ nhiều nơi, nhập về Ngân tượng ty để dùng. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ cho biết: Gia Long năm thứ 18 (1819) triều đình quy định: “Gia Định mua nộp bạc, mỗi phiến cân nặng hơn 7 tiền (đồng cân) giá 1 quan 6 hoặc 1 quan 7 tiền”(2); Minh Mạng năm thứ 15 (1834) triều đình lại quy định: “Hưng Hóa mua bạc, mỗi đỉnh nặng 10 lượng giá 46 quan”(3); Tự Đức năm thứ nhất (1848) quy định: “cho Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa mua nộp bạc, mỗi đĩnh 10 lạng đều giá 75 quan; Bắc Ninh mua nộp bạc mỗi đỉnh 10 lạng 80 quan; Thái Nguyên mỗi đĩnh 10 lạng, 78 quan”(4).

Đồ bạc nhật dụng thời Nguyễn ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
                            Hộp đựng thuốc

Việc định lượng nguyên liệu sản xuất đồ bạc được triều Nguyễn quy định rất nghiêm. Triều Gia Long quy định: “…bạc công chế làm mâm cổ bồng khắc rồng phượng, lại mài đánh tốt đẹp, những bạc khắc ra đúng lệ mỗi hốt trừ hao 3 đồng cân. Còn mài và đánh bóng mỗi hốt trừ hao 1 đồng”(5); đến triều Minh Mạng lại quy định “…thợ bạc xin lĩnh vàng bạc để làm đồ vật, có thứ to, thứ nhỏ không giống nhau mà mức trừ hao cũng chưa phân biệt. Nay định: từ sau, phàm có làm đồ vàng bạc, thứ nào tinh vi mà lại có mài giũa thì cho cứ 10 lạng được trừ hao 2 đồng cân còn đều theo lệ cũ phi hao 1 đồng cân tỏ mức vừa phải”(6).

Đồ bạc nhật dụng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế gồm các hiện vật sau: hộp đựng thuốc, đồ ăn trầu, bình vôi, đồ uống rượu, đồ uống trà, chậu quán tẩy, chén đĩa, bát thìa, ống đựng tăm, ống đựng đũa, gạt tàn, ấm nấu nước, hộp đựng bút, hộp đựng mực, bút, ống đựng bút lông…

Đồ bạc nhật dụng thời Nguyễn ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
                                    Ống nhổ

Bên cạnh đó, một số hiện vật có lạc khoản khắc các dòng chữ Hán: Thành Thái thập tam niên thập nhị nguyệt cát nhật phụng tạo trọng thập tứ lạng (chậu quán tẩy); Khải Định niên tạo (gạt tàn); Bảo Đại niên tạo (hộp đựng bút, ống đựng bút lông, ống đựng tăm). Ngoài ra, còn có một số nén bạc và đồng tiền bằng bạc có khắc các dòng lạc khoản: Tự Đức thông bảo, Khải Định niên tạo; Bảo Đại thông bảo…

Kiểu dáng của các cổ vật bằng bạc thời Nguyễn rất phong phú và đa dạng: kiểu dáng hình khối chữ nhật: hộp đựng thuốc, khay dạng kỷ, hộp trà…; hình trụ tròn: ống đựng tăm, ống đựng đũa, ống đựng bút lông, hộp đựng nữ trang…; hình oval: khay, khay trà; hình vuông: khay rượu; hình tròn: đĩa; hình khối cầu và bán cầu: ấm, chén trà, bình vôi, gạt tàn thuốc…

Đồ dùng bằng bạc rất phổ biến trong cung đình triều Nguyễn, cũng như trong dân gian. Phần lớn đồ bạc dùng trong văn phòng hoặc đồ dùng tiêu khiển thì có kích thước nhỏ, trong khi đồ gia dụng thường có kích thước lớn. Đồ văn phòng thường được chạm trổ cầu kỳ, công phu hơn đồ bạc dùng trong sinh hoạt. Trang trí trên đồ bạc là một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật trang trí thời Nguyễn. Các motif trang trí trên đồ bạc rất phong phú, với các hệ đề tài: động vật, thực vật, đồ vật, điển tích, nhân vật, các hồi văn chữ công (工), chữ đinh (丁), chữ S…

                                 Bình vôi

Hệ đề tài động vật phổ biến là các con vật thuộc nhóm tứ linh (long, lân, quy, phụng); lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời) được trang trí trên các hiện vật sau: cơi trầu, chậu quán tẩy, gàn tàn thuốc… lưỡng long triều phúc (hai con rồng chầu chữ phúc) được trang trí trên các hiện vật sau: khay, hộp đựng thuốc… lưỡng long chầu bát quái (hai con rồng chầu bát quái) được trang trí trên các hiện vật sau: khay rượu, hộp đựng bút … long mã (rồng và ngựa): hộp đựng bút, bút, ống đựng tăm… long hý thủy (rồng phun nước) được trang trí trên các hiện vật sau: ấm nấu nước, hộp đựng mực… long ngư hý cầu (rồng và cá vui đùa với quả cầu): khay rượu… song phụng ẩn vân (hai con phượng ẩn trong mây):cơi trầu, hộp đựng nữ trang, khay … long phụng (rồng và mây) hổ phù, dơi hàm thọ. Ngoài những động vật xuất hiện trong bộ sưu tập cổ vật bằng bạc thời Nguyễn tại Bảo tàng CVCĐ Huế mà bài viết này đề cấp đến, còn có nhiều đề tài trang trí động vật khác: hươu, chim sẽ, vịt, chim trĩ….

Để góp phần phong phú đề tài trang trí trên đồ bạc còn có các đồ án động thực vật đi đôi với nhau như đôi bạn không thể tách rời trong cảnh sắc thiên nhiên: tùng lộc (cây tùng và hươu), trúc tước (chim sẽ và cây trúc), mai điểu (cây mai và chim),mẫu đơn trĩ (chim trĩ và hoa mẫu đơn), liên áp (vịt và sen), tiêu tượng (voi và cây chuối)… đều mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như trường thọ, hạnh phúc, quân tử, thanh bạch, phú quý.

Về đề tài thực vật được trang trí rộng rãi trên đồ bạc với các đồ án trang trí các loại hoa cỏ, thảo mộc xuất hiện trên đồ bạc ngày một nhiều hơn và kỹ thuật chạm khắc ngày càng tinh xảo. Từ các đồ án trang trí như: tứ quí, hoa mai, hoa lan, hoa cúc, hoa mẫu đơn, hoa sen, cây tùng, cây trúc, cây liễu, cây ngô đồng, trái đào tiên, trái phất thủ… mang những ý nghĩa biểu tượng riêng. Hoa mai biểu tượng cho mùa xuân, loại hoa đứng đầu trong tứ thời (mai, sen, cúc, trúc); hoa lan tượng trưng cho sự thanh cao, quí phái; hoa cúc tượng trưng sự viên mãn, sung túc; hoa mẫu đơn biểu tượng cho nguyên lý dương bởi sự tỏa sáng và tràn đầy sinh lực. Trong số các loại cây được trang trí trên đồ bạc, đáng chú ý 3 loại cây: tùng, trúc, liễu xuất hiện nhiều trên đồ bạc. Tùng được xem là biểu tượng của sự trường thọ và tính kiên định được trang trí trên hiện vật bạc với các đồ án như: tùng lộc (hộp đựng nữ trang, khay dạng kỷ…), tùng và tiều phu (bộ đồ uống trà). Cây trúc biểu tượng của khí tiết và thanh cao, được ví với hình ảnh của người quân tử. Có khi các hiện vật bạc được trang trí đề tài dây lá, thân leo, kết thành các dãi hồi văn liên hoàn bao quanh vành miệng, chân đế của các hiện vật bạc tượng trưng cho niềm hạnh phúc, sum vầy và phát triển.

                         Cơi đựng cau trầu

Cũng có một số hiện vật bạc trang trí các đồ án như: bát bửu mang ý nghĩa cầu mong về một đời sống tốt đẹp, cụ thể như sự thỏa nguyện (gậy như ý), phương tiện hướng dẫn thần linh (phất trần), sự trường sinh bất lão (cái quạt), sự trí tuệ (cuốn thư), sự sum trúc (bình hồ lô), sự phong lưu (cây đàn)… tam sơn, tùng và tiều phu. Cụ thể: bộ đồ uống trà được trang trí đồ án tùng và tiều phu hoặc bình rượu được trang trí đồ án bát bửu. Ngoài ra có một số hiện vật chạm khắc chữ thể hiện ước vọng của người xưa về cuộc sống sung túc, hạnh phúc, phú quí, mùa màng bội thu, gia đình, con cháu học hành đỗ đạt.

Có thể nói, bộ đồ bạc nhật dụng hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là những sử liệu vô giá ghi lại những dấu tích sống động của triều Nguyễn, giúp cho chúng ta nghiên cứu một giai đoạn lịch sử đầy biến động và vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đó cũng là những vật chứng để đời sau hiểu thêm về đời sống của triều Nguyễn.

Đến nay, những loại hình sản phẩm truyền thống này vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự độc đáo về kiểu dáng, kỹ thuật đúc đồng và motif trang trí trên những hiện vật không còn coi trọng như trước. Để đối sánh và chiêm nghiệm về những cổ vật lâu nay vẫn nằm im lìm trong kho hoặc đang trưng bày tại các điểm di tích cần phải giới thiệu ra bên ngoài để cho mọi người xem và hiểu thêm nhiều điều về những sản phẩm bằng bạc trong cung đình. Vì vậy, cần đầu tư và quan tâm đúng mức đến việc bảo tồn, lưu giữ mẫu hoa văn trên sản phẩm bạc còn lưu lại. Ngoài ra, khuyến khích tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm bạc ra bên ngoài nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử và mỹ thuật đặc sắc của Huế.

Nguyễn Văn Tưởng
Đăng lại từ bài viết cùng tên trên Tạp Chí Cổ Vật (tapchicovat.vn)

Chú thích:

(1) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Tập III, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 139-142.

(2); (3); (4) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại nam hội điển sử lệ, Tập III, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 599.

(5) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Tập VIII, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 211.

(6) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại nam hội điển sử lệ, Tập VIII, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 213.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.