Archives

Hồ Hán Thương và sự kết thúc vương triều nhà Hồ

Hồ Hán Thương là con thứ của Hồ Quý Ly, sau khi lên làm vua và lập ra vương triều nhà Hồ, Hồ Quý Ly muốn lập một trong hai người con của mình là Hồ Nguyên Trừng (con trưởng) và Hồ Hán Thương (con thứ) lên làm Thái tử, nhưng ý của Hồ Nguyên Trừng chỉ muốn làm quan chứ không muốn làm vua. Vì vậy mà Hồ Quý Ly đã lập Hồ Hán Thương lên làm Thái tử.

Năm Tân Tỵ 1401, Hồ Quý Ly bắt chước các vua nhà Trần nhường ngôi cho con, còn mình thì lên làm Thái Thượng Hoàng. Hồ Hán Thương lên làm vua, đặt niên hiệu là Thiệu Thành (1401-1402), và từ năm 1403 đến năm 1407, đổi niên hiệu là Khai Đại.

Lúc bấy giờ nhà Minh ở Trung Quốc, sau khi ổn định tình hình chính trị trong nước đã có ý xâm lược nước ta. Năm Ất Dậu 1405, sau mấy năm ngoại giao mềm mỏng nhưng không có kết quả, vua tôi nhà Hồ đứng trước tình thế hiểm nghèo chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh. Hồ Quý Ly giao cho con cả là Hồ Nguyên Trừng chỉ huy đắp thành Đa Bang, lấy gỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc (ngày nay thuộc Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), và đưa quân trấn giữ các nơi hiểm yếu. Còn Hồ Quý Ly cùng với Hồ Hán Thương tập trung lực lượng xây dựng thành Tây Đô ở Thanh Hóa.

Tháng 9 năm Bính Tuất 1406, quân nhà Minh do Tân Thành Hầu Trương Phụ đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (Hữu Nghị quan ngày nay), đồng thời quân nhà Minh còn do Tây Bình Hầu Mộc Thạnh chỉ huy đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay).

Đến tháng 12 năm 1406, quân nhà Minh chiếm được thành Đa Bang, vua tôi nhà Hồ chống đỡ không nổi, đành phải lui về cố thủ ở thành Tây Đô. Quân nhà Minh lại tấn công dữ dội đánh thành Tây Đô, đến tháng 6 năm Đinh Hợi 1407, thành Tây Đô bị quân nhà Minh đánh bại. Hồ Hán Thương cùng các quan triều đình bỏ chạy vào Kỳ La (ngày nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì bị quân nhà Minh đuổi theo bắt được, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và một số quan lại của triều đình nhà Hồ bị giặc Minh giải về Trung Quốc, vương triều nhà Hồ đến đây bị sụp đổ hoàn toàn.

Hồ Hán Thương cùng với cha mình là Hồ Quý Ly bị xử tử, riêng Hồ Nguyên Trừng được tha chết, nhưng phải đổi lại họ là họ Lê tức Lê Nguyên Trừng và ông cũng đã làm quan cho nhà Minh. Sở dĩ Hồ Nguyên Trừng được tha chết là bởi vì vua nhà Minh lúc bấy giờ là Chu Lệ Minh Thành Tổ (1360-1424) đang cho xây dựng cung điện ở Yên Kinh (quá trình xây dựng cung điện này phải mất 15 năm mới hoàn thành từ năm 1406 đến năm 1421, ngày nay là thủ đô Bắc Kinh). Vua Minh Thành Tổ nghe nói Hồ Nguyên Trừng, trước đó đã từng trực tiếp chỉ huy xây dựng thành Tây Đô ở Thanh Hóa, nên Minh Thành Tổ giao cho Hồ Nguyên Trừng đốc thúc một phần công việc xây dựng Yên Kinh. Về sau này Hồ Nguyên Trừng chết già ở Trung Quốc.

Nước Nam ta thời trước, thế kỷ VIII-IX, Có Khương Công Phụ từng đỗ đầu khoa Hiền Lương Phương Chính năm Canh Thân niên hiệu Kiến Trung thứ nhất (780) đời vua Đường Đức Tông (742-805) và làm quan dưới thời nhà Đường. Như vậy, sau Khương Công Phụ, đến thời Hồ Nguyên Trừng, nước ta có hai người ra làm quan cho các triều đại là Đường và Minh ở Trung Quốc.

Sau khi vua tôi nhà Hồ bị xử tử, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, chúng coi nhân dân ta như cỏ rác, và làm nhiều điều bạo ngược, vì vậy mà nhân dân ta căm giận chúng đến xương tủy. Rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, trong đó đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, cuối cùng đã đánh bại quân xâm lược nhà Minh, giành lại nền độc lập cho dân tộc ta.

Như vậy, vương triều nhà Hồ chỉ tồn tại trong lịch sử phong kiến nước ta một thời gian rất ngắn: 7 năm, bởi vì lúc đó nhà Minh quá mạnh, nên cuộc chiến đấu của vua tôi nhà Hồ đã bị thất bại. Nhưng những thành tựu và đóng góp của vương triều nhà Hồ đối với lịch sử dân tộc ta là rất lớn, đặc biệt là công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly xứng đáng được lịch sử ghi nhận, vì nó chính là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của vương triều nhà Hồ

Thành nhà Hồ, công trình độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Được xây dựng bằng những phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính, hơn 600 năm qua, hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn.

Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.

thanh nha ho

Cổng thành phía Nam là cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Ảnh: Lê Hoàng.

Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.

Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc – Nam dài 870,5 m, chiều Đông – Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng Tiền – Hậu – Tả – Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.

Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5-6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m.

Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402.

thanh nha ho

Trải qua hơn 600 năm với những thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, tường thành phía ngoài còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Lê Hoàng.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.

Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.

Theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.

Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

thanh nha ho

Trong số hàng nghìn hiện vật được khai quật ở thành nhà Hồ, có nhiều loại vũ khí gồm đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh thuyền… Ảnh: Lê Hoàng.

Ngày 27/6, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích này. Trước mắt tỉnh sẽ thực hiện việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo theo đúng luật Di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước quốc tế về di sản thế giới, tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch bảo tồn, trùng tu di sản này.

Tiếp đó tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng từng bước khai quật khảo cổ học, kêu gọi nguồn lực đầu tư nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn di tích và thu hút du khách. “Cùng với cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, tỉnh Thanh Hóa rất vinh dự và tự hào vì có một kinh thành được công nhận là di sản văn hóa thế giới”, ông Việt nhấn mạnh.

Lê Hoàng

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thanh-nha-ho-cong-trinh-doc-nhat-vo-nhi-tai-viet-nam-2198740.html

Sự thành lập vương triều nhà Hồ và những cải cách của Hồ Quý Ly

Cuối thời nhà Trần, cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng bảo thủ quân chủ quý tộc của tầng lớp quý tộc tôn thất nhà Trần và khuynh hướng quân chủ tập trung quan liêu của lực lượng quan liêu, tầng lớp nho sỹ, mà người đại diện tiêu biểu nhất là Hồ Quý Ly, đã diễn ra rất quyết liệt. Cuối cùng Hồ Quý Ly đã thắng thế, năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly quyết định phế truất vua Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lập ra một vương triều mới, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, vương triều nhà Hồ chính thức được thành lập.

Tháng 12 năm 1406, quân Minh sang xâm lược nước ta, vua tôi nhà Hồ đã kiên quyết chống lại quân xâm lược, nhưng do lực lượng yếu, đến tháng 6 năm Đinh Hợi 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do vương triều nhà Hồ lãnh đạo đã thất bại hoàn toàn. Cha con Hồ Quý Ly cùng nhiều tướng lĩnh bị bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc). Như vậy vương triều nhà Hồ mới thành lập được 7 năm đã bị sụp đổ hoàn toàn, và trong thời gian 7 năm tồn tại đó, nhà Hồ truyền nối được hai đời đế vương, thế thứ cụ thể như sau:

Hồ Quý Ly (1336-1407)

Hồ Quý Ly sinh năm Bính Tý 1336, mất năm Đinh Hợi 1407, tự là Ly Nguyên, vốn thuộc dòng dõi Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, ngụ ở làng Bào Bột, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên từ bốn đời trước là Hồ Liêm rời ra hương Đại Lại, huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), làm con nuôi quan Tuyên úy hương Đại Lại là Lê Huấn, nên đổi sang họ Lê, vì thế sử sách vẫn quên gọi là Lê Quý Ly.

Hồ Quý Ly là người thông minh có tham vọng lớn, biết nhìn xa trông rộng, ông vốn có hai người cô đều là cung nhân của triều nhà Trần, một bà là Từ Hoàng sinh ra vua Trần Nghệ Tông (1321-1394), và một bà là Đôn Từ sinh ra vua Duệ Tông (1337-1377). Vì có hai người cô đều là cung nhân trong triều nhà Trần, cho nên khi lớn lên Hồ Quý Ly đã được vào triều làm quan cho nhà Trần. Hồ Quý Ly được vua Trần Nghệ Tông gả công chúa Nhất Chi Mai và trở thành phò mã của vương triều nhà Trần.

Hồ Quý Ly có tham vọng lớn, và có tham vọng xây dựng một nền văn hóa dân tộc, cho nên khi ông nhìn thấy triều đại nhà Trần ngày càng suy yếu, ông liền mưu toan gây dựng vây cánh, thế lực để tích cực giành lấy chính quyền về tay mình. Dần dần những chức vụ quan trọng chủ chốt trong triều đều nằm trong tay Hồ Quý Ly. Từ năm 1391, Hồ Quý Ly đã thâu tóm hết binh quyền vào tay mình, một số quan lại không cùng phe cánh đã bị Hồ Quý Ly tìm cách giết chết.

Năm Mậu Dần 1398, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông (1377-1399) phải nhường ngôi cho Thái tử Án mới 3 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Trần Thiếu Đế. Hồ Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, và ngay sau đó sai người giết chết vua Trần Thuận Tông.

Dòng dõi tông thất nhà Trần có những người như Thái Bảo Trần Nguyên Hãn (?-1429), và Thượng tướng Trần Khát Chân (1370-1399) lập hội kín để mưu diệt trừ Hồ Quý Ly, việc bại lộ, bị Hồ Quý Ly bắt giết chết hơn 370 người, Trần Nguyên Hãn trốn thoát, sau này trở thành một trong 5 danh tướng hàng đầu của nghĩa quân Lam Sơn, và trở thành công thần khai quốc của nhà Hậu Lê.

Sau khi diệt trừ tông thất nhà Trần, Hồ Quý Ly xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào dùng nghi vệ Thiên tử, nhưng ông vẫn chưa dám cướp ngôi nhà Trần, chưa dám trắng trợn xưng là “trẫm” mà chỉ xưng là “dư”.

Đến tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế, chính thức lên ngôi Hoàng đế, đổi lại họ Hồ như trước, nguyên họ Hồ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam, tính đến thời Hồ Quý Ly đã được 16 đời. Mặt khác, Hồ Quý Ly cũng muốn nhận mình là dòng dõi của Ngu Thuấn (một trong 5 vị vua thời Tam Hoàng – Ngũ Đế thời cổ đại ở Trung Quốc), cho nên sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly đã đặt quốc hiệu nước ta thời đó là Đại Ngu. Sau này nhà Hồ bị nhà Minh tiêu diệt, vua Minh Thành Tổ nhà Minh không công nhận họ Hồ là dòng dõi của người Trung Hoa, cho nên Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly) sau đó phải đổi lại họ là họ Lê, tức là Lê Nguyên Trừng.

Sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, cho tuyển chọn đề bạt và tổ chức thi cử nhanh chóng để đào tạo đội ngũ quan liêu mới cho nhà nước, chế độ quân chủ quan liêu mới đã hình thành.

Về mặt quân sự: Bề ngoài Hồ Quý Ly vẫn lấy lễ mà đối đãi với nhà Minh, nhưng vẫn biết chúng có ý xâm lược nước ta, cho nên Hồ Quý Ly đã ráo riết tổ chức quân đội, định lại binh chế, chỉnh đốn lại tổ chức quân đội, tăng cường kỷ luật quân ngũ. Quân đội được biến chế thành các quân đô, vệ, đứng đầu có các đại tướng, đô tướng v.v. Binh lực quốc gia gồm có 20 vệ, mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội có 18 người, đại quân thì có 30 đội, trung quân thì có 20 đội, một doanh có 15 đội, một đoàn có 10 đội.

Hồ Quý Ly còn cho tiến hành làm lại sổ hộ tịch kiểm kê dân số trong cả nước, ghi tên tất cả con trai từ 2 tuổi trở lên, cấm ẩn lậu nhà đinh nhằm tăng cường quân số để xây dựng đạo quân một triệu người. Hồ Quý Ly còn chủ trương cải tiến vũ khí và trang bị, mở xưởng đúc vũ khí, chế tạo súng thần cơ có sức công phá lớn, các xưởng đóng thuyền đinh sắt, thuyền chiến có nhiều mái chèo, đây là những vũ khí và trang bị mới của nhà Hồ. Hồ Quý Ly còn cho xây dựng thành Tây Đô (Thanh Hóa), ngày nay gọi là thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), và thành Đa Bang (ngày nay thuộc xã Cổ Pháp, huyện Ba Vì, Hà Nội) kiên cố, và nhiều công trình phòng thủ khác, gồm những bãi cọc, xích sắt để ngăn các cửa sông, cửa biển.

Thành Tây Đô hay còn gọi là thành nhà Hồ

Về mặt hành chính: Hồ Quý Ly đổi các xã, lộ làm trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ, Trấn thủ phó sứ, cùng các phó sứ khác ở các châu, huyện. Còn ở các lộ thì đặt những quan chức lớn như Đô hộ, Đô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự, ông còn đặt thêm chức Liêm phóng sứ tại mỗi lộ để xét tình hình quân dân.

Về mặt kinh tế: Cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, chiếu theo cấp bậc, phẩm tước được nuôi một số gia nô nhất định, số thừa phải sung công, và cho phát hành tiền giấy. Năm Nhâm Ngọ 1402, ban hành chính sách thuế khóa mới, mỗi mẫu ruộng thu 5 thăng thóc, đất bãi trồng dâu thu từ 3 đến 5 quan. Thuế nhân đinh bỏ cách đánh thuế đồng đều của thời nhà Trần mà đánh theo lũy tiến, nhiều ruộng thì thuế suất cao, người không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa bụa thì được miễn thuế.

Đó là những cải cách tiến bộ, nhằm tước giảm thế lực của quý tộc nhà Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình. Theo phép hạn điền trừ đại vương và trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 năm trở xuống, sổ sách phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất, ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

Về cải cách văn hóa – giáo dục thi cử: Triều đại nhà Hồ rất coi trọng Nho học. Trên thực tế, ngay từ khi còn làm phụ chính cho vua Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly đã dịch Thiên Vô Dật trong Kinh Thi ra quốc âm để dạy vua học. Sau khi lên làm vua được 8 tháng, Hồ Quý Ly đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh lấy 20 Tiến sỹ, khoa thi này rất nổi tiếng vì có các bậc danh nho như Nguyễn Trãi (1380-1442) người sau này trở thành nhân tài của đất nước; Lý Tử Tấn – tác giả cuốn sách Chiết Am thi tập với 93 bài thơ còn chép trong Toàn Việt thi tập; Vũ Mộng Nguyên – tác giả một số bài thơ chữ Hán cũng được chép trong Toàn Việt thi tập.

Đến năm Giáp Thân 1404, Hồ Hán Thương xuống chiếu quy định cứ 3 năm thi Hội một lần, ai đỗ thi Hương thì 8 tháng sau về kinh kiểm tra ở Bộ Lễ để năm sau nữa vào thi Hội. Thời gian lưu lại ở kinh đô, những người này được học tập ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trường Quốc Tử Giám lúc bấy giờ có thể đã chia làm hai hạng gọi là “trại”. Số cử nhân trong nước về thi ở Bộ Lễ năm Ất Dậu 1405 được lấy trúng cách 170 người, nhưng chưa kịp thi Hội thì xảy ra cuộc xâm lược của nhà Minh vào cuối năm Bính Tuất 1406.

Về mặt văn hóa xã hội: Hồ Quý Ly phản đối lối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân thời xưa để xét việc trước mắt. Trước đó, vào năm Nhâm Thân 1392, Hồ Quý Ly đã soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử (551 Tr.cn-479 Tr.cn), và những nghi vấn có căn cứ về sách Luận Ngữ – một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho giáo (Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử).

Hồ Quý Ly còn cho mở “Quảng tế thu” – một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu, và tập hợp kho thóc rẻ cho người nghèo. Việc Hồ Quý Ly cho ban hành côn, thước, đấu để thống nhất đo lường cũng góp phần tăng thêm giá trị văn minh của đời sống xã hội thời bấy giờ.

Lên làm vua được hơn 1 năm, Hồ Quý Ly cũng bắt chước các vua nhà Trần trước đó, nhường ngôi lại cho người con thứ là Hồ Hán Thương, còn mình thì lên làm Thái Thượng Hoàng. Tuy nhiên mọi việc triều chính vẫn do Hồ Quý Ly quyết định.

Những cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly đi trước thời đại, nhưng việc ông chiếm ngôi của nhà Trần đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt trong giới sỹ phu đương thời và không thu phục được lòng người. Chính vì vậy, khi quân nhà Minh gây rối và xâm lược nước ta, chúng giả danh chiêu bài “phù Trần, diệt Hồ”. Vua tôi nhà Hồ đã chiến đấu quyết liệt, quân nhà Hồ trăm vạn, nhưng không một lòng, cuối cùng đã bị thất bại. Hồ Quý Ly và hai con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương đều bị bắt về Trung Quốc. Hồ Quý Ly bị xử tử cuối năm Đinh Hợi 1407, hưởng thọ 71 tuổi.

Về nhân vật Hồ Quý Ly, giới sử học trong và ngoài nước có khá  nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Hồ Quý Ly nói riêng, và vương triều nhà Hồ nói chung. Song điểm thống nhất của tất cả là sự thừa nhận rằng: Nhà Hồ tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn có 7 năm (1400-1407), nhưng vương triều nhà Hồ thực sự là một triều đại của những cải cách, và đây chính là điểm nổi bật nhất của vương triều nhà Hồ.

Nguồn: http://vanhien.vn/news/vuong-trieu-nha-ho-1400-1407-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-47640