Tag Archive | đồ đá

Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa, xã Thần sa, huyện Võ Nhai

Theo Quốc Lộ 1B di tích khảo cổ thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên 40 km về phía Bắc. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 – 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.

Di tích khảo cổ học Thần Sa đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn Quốc Gia. Đến với Thần Sa du khách đến với vùng núi đá vôi hùng vĩ, non xanh, nước biếc, du khách có thể thoả ước để xem và suy ngẫm tương tư về cuộc sống người xưa, và nay, đến Thần Sa để được ngắm tận mắt những bản nhà sàn đẹp mà ít nơi có được.

than sa1(1)

Khu di chỉ hang động ở Thần Sa thuộc thời đại đồ đá cũ, có niên đại cách ngày nay từ 30.000 đến 10.000 năm,được phát hiện năm 1972 và đã trải qua nhiều lần khai quật;gồm các di chỉ: Phiêng Tung, Ngườm, Thắm Choong, Ranh 1, Ranh 2, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Nà Ngùn, Nà Khù… Continue reading

Lung leng: Mảnh đất của người tiền sử

Chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 8/1999. Ông Nguyễn Ngọc Kim, chủ quán trong bãi khai thác vàng Lung Leng, khệ nệ đưa từ rừng sâu ra một thùng giấy để thương lượng bán cho Bảo tàng Kon Tum một số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng.

Trong thùng, hơn 300 cổ vật gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…! Ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng của dân tộc Gia Rai hơn 3 km đường chim bay. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1 m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30 cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu…

Continue reading

Đại ca bãi vàng và bộ sưu tập đồ đá thời tiền sử lớn nhất Việt Nam – Kon Tum

Đang ăn nên làm ra với vị trí chủ bưởng bãi vàng, đột nhiên Văn Đình Thành quẳng máy móc, đem hết vàng đi đổi… công cụ đồ đá của người tiền sử. Say mê sưu tập, anh đã có một bộ sưu tập đá cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam với 5.000 hiện vật. Nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành khảo cổ đã tìm đến nhà anh để… nghiên cứu.

Continue reading

Kho cổ vật của “dị nhân” Nguyễn Văn Hưng – Gia Lai

Từ thú “chơi ngông”

Trong căn nhà rộng khoảng 50 m2 ở xã Ia Kly, anh Hưng đã chất đầy hàng ngàn cổ vật. Anh kể: Hiểu biết một chút về cổ vật nên khi mình đi làm thấy người ta bán thế là mua, có nhiều cổ vật thấy người dân vứt ra góc vườn, xin cũng ngại nên trả cho người ta ít tiền thế là họ bán. “Kiếm được đồng nào là mình lại bỏ ra mua cổ vật, chỉ để lại một ít lo cho mấy đứa con ăn học”.

Continue reading

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

TTO – Nhắc đến tên Lâm Dũ Xênh, người Quảng Ngãi nhắc ngay đó là một người sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn đồ cổ thuộc vào hạng bậc nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Mới ở tuổi 48 nhưng anh đã có hàng ngàn cổ vật, cả những báu vật “độc nhất vô nhị”.

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Dụng cụ lao động là đồ đồng tìm thấy tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn được anh Xênh sưu tập từ các cơ sở thu mua phế liệu

Mới đây, Lâm Dũ Xênh hiến tặng Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bộ tiền xưa (tổng cộng 38 tờ tiền giấy) có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ông còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đến căn nhà 3 tầng khang trang của anh Xênh ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đập vào mắt chúng tôi là những chum, ché, tiền, rìu, búa, đá, cối… có niên đại từ vài trăm năm đến cả ngàn năm như được anh phân loại, xếp ngăn nắp theo từng thời kỳ lịch sử, từng vùng miền cụ thể.

Anh tâm sự: “Công việc sưu tầm đồ cổ đã ăn vào tận xương tủy mình nên không dứt ra được. Mỗi lần tìm được một cổ vật nào đó, bản thân cảm thấy vui sướng vì mình đã kịp lưu giữ lại được một nét văn hóa của nhân loại”.

Bén duyên với việc sưu tầm đồ cổ hơn 10 năm, hiện Lâm Dũ Xênh là hội viên CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm bảo tồn cổ vật Việt Nam.

Dưới đây là chùm ảnh TTO ghi lại được từ bộ sưu tập đồ cổ của nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Anh Xênh đã sưu tập được 150 loại ché cổ khác nhau

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Anh Xênh đang sở hữu trên 250 loại tiền cổ, trong đó có 200 loại đúc bằng đồng, 50 loại tiền cổ đúc bằng kẽm của các triều đại phong kiến ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Nhật Bản…

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ đồ nghiền thức ăn của người Chăm Pa

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Đối với anh Xênh có được những món đồ cổ như thế này không đơn giảnNhững chiếc gương soi mặt được làm bằng kim loại đồng

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Trang sức của đồng bào dân tộc

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Chiếc trống đồng Đông Sơn được anh Xênh mua về từ một cơ sở thu mua phế liệu với giá 70.000 đồng/kg

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Hàng trăm loại ấm chén, dĩa, lọ cổ
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Đối với anh Xênh có được những món đồ cổ như thế này không đơn giản
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ lục lạc tổng cộng tới 3.000 lục lạc đủ cỡ được coi là món đồ cổ “độc nhất vô nhị” của anh Xênh. Anh Xênh cho biết bộ lục lạc này có thể cho ra những âm thanh tuyệt diệu chẳng thua kém đàn, trống…
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Những ống điếu được làm bằng gốm, đồng thời xưa, trên ống điếu đều có chạm trổ hoa văn tinh xảo
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ sưu tập đồ vật bằng đá

VÕ MINH HUY
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20080815/nha-suu-tap-do-co-so-1-quang-ngai/273798.html

Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối văn hóa Phùng Nguyên.

Văn hóa Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân- huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, được các cán bộ văn hóa của tỉnh phát hiện năm 1962. Qua 6 lần khai quật đã phát hiện hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, gốm, xương sừng… Nền văn hóa này có niên đại mở đầu vào khoảng thế kỷ XV- XIV trước công nguyên và chấm dứt thế kỷ X-IX trước công nguyên.

Dấu tích Lò – Văn hóa Đồng Đậu

Ở Phú Thọ có một số địa điểm thuộc nền văn hóa này. Đó là: Xóm Rền, Nội Gan- Kinh Kệ, Đồng Đậu con – Tứ Xã- Lâm Thao…Đây là nền văn hóa quan trọng tương ứng với thời đại tiền Hùng Vương ở Việt Nam. Việc phát hiện các di chỉ thuộc nền văn hóa này một lần nữa khẳng định Phú Thọ là một trong những cái nôi của nền văn minh trong lịch sử: văn minh Việt cổ.

Đồ gốm trong văn hóa Đồng Đậu:

Người Đồng Đậu tiếp thu những kỹ thuật, thành tựu của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá và làm gốm thành những sản phẩm bình, bát, nồi vò…nhưng khác biệt là ở chỗ người Đồng Đậu cải tiến trong loại hình đồ gốm miệng loe, bẻ xiên, vát mỏng hay trang trí hoa văn sóng nước bằng dụng cụ nhiều răng được gọi là “bút kẻ khuôn nhạc” trở thành đặc trưng không thể thiếu của văn hóa Đồng Đậu. Hoa văn trên gốm Đồng Đậu chủ yếu trang trí ở cổ hay ở vành mép miệng của đồ gốm.

Miệng bình gốm – văn hóa Đồng Đậu

Một đặc trưng khác của gốm Đồng Đậu khác so với gốm Phùng Nguyên và gốm Gò Mun là gốm Đồng Đậu thường có dấu in đan lóng mốt trong một số loại đồ đựng thuộc loại đáy bằng. Về chất liệu gốm, nếu như gốm Phùng Nguyên có màu đỏ, màu hồng nhạt thì gốm Đồng Đậu có màu xám và có độ nung cao hơn nhưng về cơ bản vẫn mang yếu tố truyền thống là đất sét pha cát và bã thực vật. Trong các di chỉ Đồng Đậu xuất hiện rất phổ biến tượng đất nung: tượng bò, tượng gà, tượng rùa…

Đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu:

Về đồ đá họ cũng biết làm rìu đá, đục đá, mũi lao xương, khuyên tai có mấu, vòng tay bằng đá ngọc nhưng đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu không chau chuốt bằng đá Phùng Nguyên và ở Đồng Đầu đồ đá xuất hiện mũi tên ba cạnh, mặt cắt tam giác hay hạt chuỗi hình “gối quạ”. Qua những lần khai quật tại các di chỉ, các nhà khảo cổ học nhận định rằng công cụ sản xuất đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu có chiều hướng giảm đi và được thay thế bằng đồ đồng.

Truyền thống cư dân vùng Phú Thọ trồng lúa nước có từ thời kỳ Phùng Nguyên thì đến Đồng Đậu một lần nữa lại khẳng định điều này. Nhiều thóc gạo đã được tìm thấy trong nhiều di chỉ và đặc biệt trong di chỉ Đồng Đậu đã tìm thấy dấu vết hạt gạo cháy.

Đồ đồng trong văn hóa Đồng Đậu:

Trong văn hóa Phùng Nguyên khai quật các di chỉ cho thấy xuất hiện nhiều những cục sỉ đồng nhỏ như hạt ngô ở Gò Bông và một số mảnh đồng nhỏ chưa định hình tại Đoan Thượng- …thì đến Đồng Đậu công cụ bằng đồng đạt đến trình độ cao. Một bước phát triển đột biến như là một cuộc cách mạng về luyện kim. Trong nhiều di chỉ phát hiện nồi nấu luyện đồng, lò nung, khuôn đúc các loại đơn hoặc kép. Hàng trăm mảnh khuôn, mảnh nồi nấu đồng, dấu vết của lò nung, nhiều tiêu bản được xem như lõi của khuôn đúc, cùng với các loại công cụ như: rìu xòe cân, giáo, lao, đao, mũi tên hai ngạnh, đũa, búa, lưỡi câu được chế tác hoàn chỉnh.

Đồ đồng – văn hóa Đồng Đậu

Qua 6 lần khai quật tại các di chỉ của Đồng Đậu đã tìm được rất nhiều loại lưỡi câu đồng, điều đó cho thấy cư dân Đồng Đậu là những người đánh cá rất giỏi vì bộ lưỡi câu đồng tìm được với các kỹ thuật phức tạp: từ đúc tạo que, đến gia công rèn nguội, chặt ngạnh, chặt mũi uốn lỗ xỏ dây đã tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh như chiếc lưỡi câu ngày nay. Tại một số di chỉ khác của Đồng Đậu tìm được rất nhiều xương răng của các loài cá như: cá quả, cá chép, cá trắm, cá chiên, cá chuối đã chứng tỏ ưu thế về phương thức khai thác thủy sản trong đó có nghề câu cá ở thời kỳ này.

Nông nghiệp Đồng Đậu:

Với một nền nông nghiệp phát triển, kế thừa thành tựu chế tác đá gốm của người Phùng Nguyên cùng với đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồng đã đánh dấu một bước phát triển của xã hội cư dân Đồng Đậu. Với việc khai thác các di chỉ mộ táng cho ta hiểu biết hơn về tổ chức xã hội cũng như thế giới tinh thần của cư dân Đồng Đậu như khai quật được một mộ táng đơn hay 1 mộ song táng (2 cá thể) dùng đất sét làm nền quan tài.

Dấu tích bếp nấu ăn – Văn hóa Đồng Đậu

Văn hóa Đồng Đậu được GS Hà Văn Tấn khẳng định:

“Đó là văn hóa của những người luyện kim, chế tác kim loại điêu luyện và lành nghề. Đó là văn hóa của những người thợ gốm tài hoa, tạo tác những khối lượng động vật độc đáo, chế tác được những đồ gốm kích thước lớn, trang trí hoa văn đẹp mang phong cách riêng của thời đại mình đang sống. Và đó cũng là văn hóa của những người biết phát huy, kế thừa những thành quả của cha ông thời Phùng Nguyên để bồi đắp, tạo lập một thế hệ mới phát triển cao hơn, biết chọn điểm nhấn quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của cộng đồng là luyện kim và đúc đồng bên cạnh nghề chế tác đá truyền thống….”

Hiện nay tại Bảo tàng Hùng Vương đang trưng bày giới thiệu một số bộ sưu tập hiện vật Đồng Đậu. Cùng với các vấn đề đã được làm sáng tỏ của văn hóa Đồng Đậu, còn rất nhiều câu hỏi mở như: Dấu vết cư trú của cư dân Đồng Đậu, vấn đề cư trú, vấn đề phân chia giai đoạn của nền văn hóa này…đang chờ các bạn tìm hiểu và giải đáp trong tương lai.

Nguồn: http://baotanghungvuong.vn/index.php/nghien-cuu-suu-tam/400-van-hoa-dong-dau

Văn hóa Phùng Nguyên

Văn hóa Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách đây chừng 4.000 năm đến 3.500 năm.

Phùng Nguyên là tên một làng ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ của nền văn hóa này. Di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác trong lưu vực sông Hồng.

Di chỉ khảo cổ Văn hóa Phùng Nguyên

Tính đến năm 1998, có khoảng 55 địa điểm đã được phát hiện có di chỉ văn hóa đồng dạng với các di chỉ tại Phùng Nguyên, trong đó có 3 địa điểm có di cốt người. Ở những nơi đây, trong tất cả các hiện vật khảo cổ khai quật được thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, ngoài ít mẩu xỉ đồng, hiện tại chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào. Công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí.

Nồi gốm Phùng Nguyên

Các văn hóa cùng thời kỳ với văn hóa Phùng Nguyên:

Cùng thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng ở Việt Nam như văn hóa Phùng Nguyên còn có văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc (lưu vực sông Mã), văn hóa của các bộ lạc người nguyên thủy ở lưu vực sông Lam, của các bộ lạc ở thượng lưu sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), văn hóa Tiền Sa Huỳnh (Trung Trung bộ), văn hóa Đồng Nai (Đông Nam bộ).

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a_Ph%C3%B9ng_Nguy%C3%AAn

Về kỹ thuật chế tác công cụ trong văn hóa Phùng Nguyên

Chiếm tỉ lệ chủ yếu trong công cụ sản xuất của cư dân văn hoá Phùng Nguyên vẫn là đồ đá. Tuy nhiên, kĩ thuật chế tác đá của cư dân Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao mà ở giai đoạn trước hay sau đó đều không vượt qua. Hầu hết các loại công cụ và đồ trang sức bằng đá của người Phùng Nguyên đều được mài nhẵn, có kích thước nhỏ nhắn, tinh tế, được chế tác từ các loại đá quí hiếm, có độ rắn cao, màu sắc đẹp. Nếu ở giai đoạn hậu kì đá mới, con người mới biết đến các loại hình kĩ thuật như ghè, đẽo, cưa, khoan, tiện đá… thì đến văn hoá Phùng Nguyên, những kĩ thuật này đã trở nên phổ biến thành thục đến độ tinh vi. Các thao tác kĩ thuật như tiện đá, khoan lỗ và khoan tách lõi đã giúp người Phùng Nguyên tạo ra các loại hình công cụ có hình dáng chính xác và tiết kiệm được nguyên liệu.

Chiếm đa số trong các loại hình công cụ đá Phùng Nguyên là các loại rìu bôn có thiết diện hình tứ giác. Người ta đã tìm thấy số lượng lớn các bôn đá hình tứ giác có lưỡi vát lệch một bên ở các di chỉ Phùng Nguyên. Ngay tại một di chỉ như Gò Bông (Phú Thọ), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 44 chiếc bôn đá. Phần lớn trong số bôn đá tìm được có kích thước nhỏ, mỏng, dài trung bình từ 1,8 – 2,5cm, rộng 1,5 – 2cm, dày 0,1 – 0,5cm, lưỡi tạo góc 30 – 40 độ, nhiều chiếc dài bằng chiều rộng [1].

Bện cạnh là các loại rìu đá hình tứ giác có kích thước nhỏ, góc lưỡi sắc. Đặc biệt, người ta cũng bắt gặp trong các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên loại rìu đá được chế tác bằng ngọc Nephrit có màu trắng đục, trắng vân hồng hay vân xanh. Loại rìu này kích thước rất nhỏ (dài trung bình 3cm, rộng gần 2cm, dày 0,5cm), có loại còn bé hơn, giống như đồ trang sức của con người. Đó là sản phẩm của đôi bàn tay chế tác đá tài hoa của người Phùng Nguyên bấy giờ.

Ngoài bôn và rìu đá, trong các di chỉ Phùng Nguyên còn tìm thấy nhiều loại hình công cụ khác, như đục đá, cuốc đá, dao đá, liềm đá, cưa đá, mũi khoan đá, mũi lao, mũi giáo, mũi tên đá 2 – 3 cạnh… Những hiện vật này đều được làm ra trong một số công xưởng chế tác đá ở Tràng Kênh, Bãi Tự, Gò Chè,…

Trong một số di chỉ thuộc văn hoá Phùng Nguyên, người ta còn tìm được những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng. Tại di chỉ Gò Bông, bên cạnh những cục đồng còn tìm thấy xỉ đồng và gỉ đồng ở độ sâu 1,3m. Ở một số địa điểm khác như gò Đồng Xâu, Lũng Hoà, chùa Gio cũng tìm thấy gỉ đồng và mảnh khuôn đúc đồng bằng đất nung. Bằng phương pháp phân tích quang phổ những cục đồng tìm thấy được ở Gò Bông, người ta cho rằng đây là hợp kim đồng thau (gồm đồng, thiếc và một số vết bạc) chứ không phải là dạng đồng đỏ ban đầu.

Việc phát hiện xỉ đồng, gỉ đồng, khuôn đúc đồng bằng đất nung là bằng chứng cho phép chúng ta xác định về sự ra đời của nghề luyện kim đồng thau ở Việt Nam trong giai đoạn phôi thai.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy được những đồ đồng nguyên vẹn trong các di chỉ Phùng Nguyên. Việc không có những hiện vật bằng đồng được định hình cho thấy đồ đồng thời bấy giờ còn chiếm tỉ lệ rất ít. Không thể phủ nhận rằng, mặc dù chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên đã bước vào thời đại kim khí nhưng đồ đồng vẫn chưa lấn át được công cụ bằng đá. Đồ đá vẫn chiếm tỉ lệ chủ yếu (92%) và là công cụ chủ đạo trong đời sống sản xuất – kinh tế của người Phùng Nguyên [2].

Nguồn: bachkhoatrithuc.vn

Bắc Sơn – nền văn hóa tiêu biểu nối tiếp văn hóa Hòa Bình

1. Niên đại và địa bàn phân bố văn hóa Bắc Sơn

Từ khoảng trên dưới 1 vạn năm về trước, chủ nhân các bộ lạc Bắc Sơn đã nối tiếp quá trình phát triển của cư dân văn hóa Hòa Bình. Nhiều hiện vật của văn hóa Bắc Sơn được phát hiện tạo thành lớp trên của văn hóa Hòa Bình trong cùng một di tích cho thấy điều đó.

Tuy ra đời muộn nhưng văn hóa Bắc Sơn có quan hệ gần gũi với văn hóa Hòa Bình và cùng kết thúc thời gian cách ngày nay khoảng 7000 năm.

Cư dân Bắc Sơn sống rải rác trong các hang động, mái đá vùng núi đá vôi gần sông, suối. Thuộc vùng trung, thượng du các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,… Nhưng chủ yếu ở Lạng Sơn, Thái Nguyên. Tính đến năm 1997, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 50 di chỉ khác nhau thuộc văn hóa Bắc Sơn. Căn cứ vào sự phân bố các di tích, có thể khẳng định, địa bàn cư trú của các bộ lạc người Bắc Sơn đã được mở rộng hơn.

2. Kỹ thuật chế tác công cụ trong văn hóa Bắc Sơn

Cũng giống như người Hòa Bình, cư dân Bắc Sơn sử dụng cuội để chế tác công cụ, song kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao hơn. Họ không chỉ biết ghè, đẽo công cụ mà còn biết mài đá. Trong nhiều hang động thuộc văn hóa Bắc Sơn, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chiếc rìu bằng đá cuội được mài ở lưỡi, bên cạnh những công cụ được ghè đẽo một mặt kiểu Hòa Bình. Rìu mài lưỡi khá phổ biến trong các di tích văn hóa Bắc Sơn và là công cụ đặc trưng cho nền văn hóa này, các nhà khảo cổ học thường gọi là rìu Bắc Sơn (hay rìu mài lưỡi Bắc Sơn).

Trong kỹ thuật mài, người Bắc Sơn thường chọn những hòn cuội dẹt, dài, đẽo qua loa trên hai cạnh và lưỡi rồi đem mài trên một bàn sa thạch, tạo nên mặt lưỡi phẳng và sắc. Những bàn mài của người Bắc Sơn thường có hình lòng chảo lõm. Cũng có những bàn mài được làm từ phiến đá có những rãnh song song, giữa hai rãnh là phần cong nổi lên. Những chiếc bàn đá mài như vậy đã giúp chủ nhân của văn hóa Bắc Sơn tạo ra được chiếc rìu đá khá sắc bén, với nhiều kiểu dáng khác nhau (như: rìu có vai, rìu có chuôi tra cán, rìu tứ diện được mài cả hai mặt…). Ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa) người ta đã phát hiện được một số rìu được mài nhẵn toàn bộ hai mặt lưỡi. Rìu mài lưỡi ở Bắc Sơn ra đời cách ngày nay trên dưới 1 vạn năm, có thể xếp vào loại rìu đá mài sớm nhất thế giới. Cũng nhờ có kỹ thuật mài, những chiếc rìu Bắc Sơn sắc hơn rìu Hòa Bình, do đó, năng suất lao động được nâng cao hơn trước[1].

Chủ nhân của văn hóa Bắc Sơn không chỉ có kỹ thuật đá mài trong chế tạo công cụ mà họ còn biết đến kỹ thuật làm đồ gốm. Đặc điểm của đồ gốm Bắc Sơn là có những đồ đựng, đồ nấu có cả miệng loe, đáy tròn. Con người thời bấy giờ đã lấy đất sét nhào với cát để khi nung đồ gốm không bị rạn nứt. Nhìn chung, độ nung gốm thời kỳ này chưa cao, hình dáng đồ gốm còn thô, số lượng đồ gốm còn ít. Có thể nói rằng đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn chưa nhiều, kĩ thuật gốm chưa phát triển. Tuy nhiên, việc xuất hiện đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn đã đánh dấu bước tiến mới về loại hình công cụ trong buổi đầu của thời đại đá mới. Vì vậy, các nhà khảo cổ học thường gọi văn hóa Bắc Sơn là văn hóa đá mới có gốm sơ kì. Việc tạo ra kỹ thuật làm gốm là một trong những dấu hiệu cho thấy văn hóa Bắc Sơn có sự phát triển cao hơn văn hóa Hòa Bình.

3. Trạng thái kinh tế, đời sống xã hội và đời sống tinh thần trong văn hóa Bắc Sơn:

Về đời sống kinh tế

Kỹ thuật chế tác công cụ của cư dân Bắc Sơn có nhiều tiến bộ so với trước (đặc biệt là kỹ thuật mài). Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Bắc Sơn chế tạo ra được nhiều loại hình công cụ khác nhau từ đá, tre, gỗ, xương, sừng,… Đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thời kì này lên một bước.

Ở các di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn đã tìm thấy nhiều chày đá và bàn nghiền hạt; một số bàn nghiền hạt có dấu hiệu bị lõm ở mặt, có thể đây là những bàn nghiền hạt các loại cây trồng của cư dân thời bấy giờ [2].

Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp vẫn chưa giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế – xã hội của con người Bắc Sơn. Hái lượm, săn bắn vẫn là những hoạt động kinh tế chủ yếu của con người thời kì này. Việc tìm thấy trong các hang động cư trú của người Bắc Sơn (như hang Cườm – Lạng Sơn) những đống vỏ ốc, xương thú chất thành một lớp dày tới 3m là một minh chứng cho điều đó. Tất nhiên, với hoạt động kinh tế khá đa dạng bên cạnh hái lượm, săn bắn còn làm nông nghiệp, đánh bắt cá,… đã khiến nguồn thức ăn của người Bắc Sơn có phần đa dạng hơn trước. Nguồn thức ăn phong phú như vậy cũng là cơ sở để con người bấy giờ sống định cư khá lâu dài ở một địa điểm.

Về tổ chức xã hội Bắc Sơn

Giống như giai đoạn văn hóa Hòa Bình, người Bắc Sơn về cơ bản vẫn chưa vượt ra khỏi tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Tuy vậy, đời sống tinh thần của cư dân Bắc Sơn lại có bước nâng cao hơn đời sống của người Hoà Bình. Chủ nhân của văn hoá Bắc Sơn đã tạo ra nhiều loại đồ trang sức để làm đẹp cho mình, như các loại đồ trang sức làm bằng đá phiến có lỗ đeo, các chuỗi hạt bằng đất nung hình trụ hay hình thoi ở giữa có xuyên lỗ, các loại vỏ ốc biển, vỏ trai, vỏ trùng trục được mài, có xuyên lỗ làm dây đeo… Ở di chỉ mái đá phố Bình Gia (Lạng Sơn), người ta đã phát hiện 28 vỏ ốc biển có xuyên lỗ – một bằng chứng về đồ trang sức của con người thời kì này.

Trong một số hang động ở Bắc Sơn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những mảnh đá phiến nhỏ, trên đó người nguyên thủy đã khắc lên những đường rẻ quạt, đường tròn hay hình vuông, hình chữ nhật gần nhau. Đó là những điều kiện cho thấy những vật bằng đá phiến hoặc đất sét mà ở trên rìa cạnh của chúng có nhiều đường thẳng được vạch song song tạo thành từng nhóm. Phải chăng đây là những dấu hiệu được đánh dấu hay là những số đếm của con người thời bấy giờ[3]?

Trong cách táng thức, người Bắc Sơn cũng như người Hoà Bình đều có cách chôn người chết khác nhau (như trói chặt người chết, chôn người chết theo tư thế nằm co,…) và thường chôn theo người chết công cụ lao động kèm theo đồ trang sức. Hang làng Cườm (Lạng Sơn) là một khu mộ tập thể cho ta nhiều hiểu biết về cách mai táng của người Bắc Sơn. Có thể, cư dân Bắc Sơn đã có ý niệm rõ ràng về thế giới bên kia – thế giới của người chết và mối quan hệ giữa người sống và người chết (người chết cũng cần sử dụng công cụ lao động và đồ trang sức giống người sống,…).

Tóm lại, văn hóa Bắc Sơn với những đặc điểm của nó đã cho thấy sự liên hệ nối tiếp và phát triển hơn một bước so với văn hóa Hoà Bình: đều sử dụng những viên cuội để chế tác công cụ lao động, đều có nền nông nghiệp sơ khai,… Nhưng văn hóa Bắc Sơn với công cụ phổ biến là rìu mài lưỡi và đồ gốm đã tạo ra những nét đặc trưng riêng so với văn hoá Hoà Bình, tạo nên một nền văn hóa đá mới có gốm ở vùng núi khá độc đáo.

[1] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Vit Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr 14.

[2] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Vit Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr 16.

[3] Phan Lê Huy, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Minh: Lịch sử Vit Nam, Tập 1, Sđd, tr 33.

Nguồn: http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/3809-508-633649490337968750/Viet-Nam-thoi-nguyen-thuy/Van-hoa-Bac-Son.htm

 

Về những chiếc “Dấu Bắc Sơn”: Chức năng và niên đại

“Dấu Bắc Sơn” là tên gọi của một loại bàn mài được phát hiện đầu tiên trong các di tích hang động thuộc thời đại đồ đá ở dải núi đá vôi thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi này do hai nhà khảo cổ học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani xác định khi họ nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn – một văn hóa khảo cổ có niên đại cách ngày nay ước chừng 11.000 – 7.000 năm. Tên gọi “Văn hóa Bắc Sơn” và “Dấu Bắc Sơn” là do họ xác lập.

Về niên đại, Văn hóa Bắc Sơn có thời gian cuối của nó ở vào sơ kỳ thời đại đồ đá mới khoảng 7.000 năm với sự xuất hiện của công cụ cuội mài lưỡi là có thể tin được, song với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” cho đến nay vẫn là một tồn nghi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Tuy nhiên, giới khảo cổ học vẫn coi “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào văn hóa Bắc Sơn. Vậy có đích thực là những chiếc “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí xác định những di chỉ khảo cổ chứa đựng chúng thuộc thời đại đồ đá?

Trong cuộc khai quật hang Ngườm Vài (Thông Nông, Cao Bằng), một di chỉ được xếp vào Văn hóa Bắc Sơn, cũng tìm thấy loại di vật này tuy số lượng so với tổng số di vật đá không nhiều (53/2.040). Cùng với “Dấu Bắc Sơn”, tại đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm vỡ thuộc thời kim khí, mảnh vỡ của công cụ đá mài, chì lưới đánh cá (chế tạo bằng cách khoan – mài), đá có vết và nhiều viên cuội nhỏ có vết mài.

Quan sát “Dấu Bắc Sơn”, ta sẽ thấy chúng là một loại bàn mài dùng vào việc chế tác hay làm sắc rìa lưỡi của một loại công cụ khác có độ cứng cao hơn chúng. Về chất liệu, các “Dấu Bắc Sơn” thường là những viên cuội mỏng dẹt, dài chủ yếu là cuội sét kết hay cát kết mịn có độ cứng không cao lắm, tuy nhiên cũng có những chiếc làm bằng cuội silic hoặc bán quartz có độ cứng cao. Vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” có hình cong khum, một số ít có hình chữ V ngược. Điều đó cho biết loại công cụ được mài có rìa lưỡi vũm với kích thước nhỏ bởi các vết mài chỉ rộng từ 0,5cm đến xấp xỉ 1,0cm, thông thường chỉ trong khoảng 0,5 – 0,7cm. Vết mài trên di vật này thẳng, nhẵn bóng, rìa cạnh của vết mài (kể cả ở hai đầu) sắc gọn. Chất liệu và dấu vết kỹ thuật trên di vật cho hay chúng là những chiếc bàn mài đánh bóng hay “lấy lưỡi” của vật được mài, tức là chúng chỉ dùng vào việc làm tăng độ sắc bén của rìa lưỡi công cụ mà thôi và loại công cụ được mài có độ cứng cao hơn những chiếc “Dấu Bắc Sơn” rất nhiều.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có loại di vật nào tìm thấy trong các hang động thuộc Văn hóa Bắc Sơn có rìa lưỡi vũm tương đương với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” đã được phát hiện. Một số người cho những chiếc bàn mài này dùng để mài công cụ xương bởi chỉ có công cụ làm bằng xương mới có hình cong khum mà thôi. Song loại xương có thể sử dụng làm công cụ lại thường là xương ống của động vật lớn như trâu, bò hay hươu, nai nên vết mài vũm nếu có cũng lớn hơn vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” nhiều lần (chỉ có xương ống chân chim hoặc gà mới có kích thước gần tương đương với vết mài của “Dấu Bắc Sơn”). Nên, theo chúng tôi, ý kiến trên khó mà đứng vững được.

Từ dấu vết kỹ thuật còn lưu lại trên các “Dấu Bắc Sơn”, chúng tôi cho rằng chúng được dùng để mài công cụ kim loại. Bởi chỉ có kim loại mới có thể để lại vết mài sắc gọn, nhẵn bóng trên loại di vật này được mà thôi. Và, những chiếc “Dấu Bắc Sơn” ở Ngườm Vài cũng như trong các di chỉ chứa chúng khác không phải là loại công cụ gia công của thời đại đồ đá mà là sản phẩm của thời kim khí. Do vậy, “Dấu Bắc Sơn”, cuội nhỏ có vết mài là những tiêu chí có thể sử dụng để xếp những di tích khảo cổ chứa chúng vào thời kim khí.

(Tác giả: Đào Quý Cảnh)

Nguồn: http://khaocohoc.gov.vn/ve-nhung-chiec-dau-bac-son-chuc-nang-va-nien-dai