Archive | Tháng Tư 2017

Những chiếc ấn là Bảo vật Quốc gia

Môn hạ sảnh ấn – chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. Ấn được đúc dưới thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377), được phát hiện năm 1962, tại xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh). Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương cao nhất thời Trần, do vua Trần Minh Tông đặt ra. Cơ quan này thân cận nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan ở sảnh này đều do các quan đại thần đảm nhiệm. “Môn hạ sảnh ấn” được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, từ đời vua Trần Phế Đế (trị vì 1377-1388) về sau.

Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc làm quốc bảo năm 1709. Thời vua Gia Long lên ngôi, bảo ấn được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.

Chiếc ấn vàng Sắc mệnh chi bảo nặng 8,3 kg, đúc vào năm 1827 dưới thời vua Minh Mệnh. Ấn có núm hình rồng cuốn, mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo. Ấn dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Đây là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Về nền kinh tế thời Đinh – Tiền Lê

1. Nông nghiệp

Nhà Đinh đã thực hiện chính sách phong ấp hay phong hộ nông dân cho các tướng lĩnh có công và phong ấp cho các hoàng tử cũng như giao cho họ cai quản địa phương có ấp của mình. Ruộng đất nói chung vẫn thuộc quyền sở hữu của làng xã. Nhà nước quan tâm và khuyến khích nông nghiệp phát triển.

2. Thủ công nghiệp

Tiếp nối quá trình phát triển của thủ công nghiệp thời Bắc thuộc, các ngành nghề thủ công thời Đinh – Tiền Lê cũng ngày càng mở rộng hoạt động. Theo phương thức thời Đường, nhà nước Đinh – Tiền Lê xây dựng một số quan xưởng chuyên sản xuất thủ công cần thiết cho mình. Hình thành những xưởng đúc tiền, rèn vũ khí, may mũ áo, xây dựng cung điện, nhà cửa, chùa chiền.

Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như kéo tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy đều phát triển. Nghề đóng thuyền, làm đồ vàng, bạc xuất hiện ở nhiều nơi, trình độ kỹ thuật ngày càng được nâng cao.

3. Ngoại thương

Trao đổi buôn bán giữa các miền khá thường xuyên, chợ búa mọc lên ở nhiều nơi. Hoa Lư, Long Biên, Đại La, Luy Lâu trở thành những trung tâm buôn bán thời kỳ này. Để góp phần vào phát triển thương nghiệp và cũng là để khẳng định ý thức làm chủ đất nước của mình, từ đầu thời Đinh nhà nước đã cho đúc tiền “Thái Bình”. Đến năm 984, vua Lê lại cho đúc tiền “Thiên Phúc”. Thời kỳ này nước ta có sự giao thương với nhà Tống – Trung Quốc.

Nhìn chung, sự phát triển kinh tế dưới thời Đinh – Tiền Lê khá đều đặn và đa dạng. Nó đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố nhà nước trung ương tập quyền vừa nâng cao sức chiến đấu của nhà nước thời Đinh – Tiền Lê.

Những loại cổ vật Việt Nam là duy nhất trên thế giới

Jean Francois Hubert, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, cổ vật Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam, văn hóa Chămpa… đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cổ vật Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn về Việt Nam, ông Hubert cho biết: “Tôi vô cùng ấn tượng về đồ gốm Việt Nam. Những chiếc ấm, thạp thời Lý – Trần hay bình vôi, chum, hũ thời Lê… cả hình dạng, phong cách, họa tiết trang trí thì không lẫn vào đâu được. Tôi thường nói đùa những đồ vật này là 300%, thậm chí 500% là cổ vật Việt Nam, với nhiều đặc trưng mà đồ gốm các nước khác, kể cả Trung Quốc không hề có. Những dấu hiệu trên những cổ vật ấy mang dấu ấn của hội họa trừu tượng. Cách đây 10 thế kỷ mà người Việt đã nghĩ ra những họa tiết như vậy thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, những đồ gốm thời Lý – Trần là tuyệt tác. Văn hóa Đông Sơn độc đáo và duy nhất trên thế giới, xứng đáng để chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trong khi đó, người Trung Quốc khi viết về văn hóa Đông Sơn thì thường xem nền văn hóa này như một bộ phận của văn hóa Quảng Tây. Phía Trung Quốc, vẫn có những cuộc triển lãm về đồ Đông Sơn của Việt Nam và ghi chú giải thích bên dưới đó là thuộc văn hóa Trung Quốc. Theo tôi, nền văn hóa này là của Việt Nam 100%”…

* Thưa ông, cổ vật ở Việt Nam hiện đang thật giả lẫn lộn, không chỉ đồ giả mà còn làm giả trên chính đồ thật. Là một chuyên gia, ông làm thế nào để phát hiện sự thật – giả này? Có cách nào để phòng tránh?

Ở Việt Nam, một số thợ gốm ở Bát Tràng, thợ điêu khắc đá ở Đà Nẵng hay thợ đúc đồng ở Thanh Hóa… làm đồ giả cổ rất giỏi. Họ phỏng theo đồ thật và làm đồ giả giống như thật. Có trường hợp ở Thanh Hóa, người ta làm đồ giả cổ, phết thêm một lớp “ten” đồng của đồ thật ở bên ngoài rồi hô hoán đào được trong lòng đất, rồi có người đứng ra làm chứng hẳn hoi… Thật ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có chuyện làm giả như vậy chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Muốn phân biệt thật – giả trước tiên phải xem xét dấu vết thời gian đọng lại trên hiện vật. Công việc này chúng tôi làm hằng ngày và trong nhiều năm nên đã đúc rút thành kinh nghiệm để nhận diện. Muốn giám định đúng hiện vật phải thường xuyên tiếp cận, cọ xát từ ngày này sang ngày nọ, rất cần mẫn, công phu và mất nhiều thời gian. Với nghề này, càng tiếp cận nhiều với hiện vật càng dễ đi đúng hướng.

Thật ra trên thế giới chỉ có khoảng năm hay sáu người thật chuyên, thật giỏi, có thể hiểu được tường tận một số đồ vật. Nhưng trên thế giới cũng có những kẻ lừa đảo rất giỏi, có thể tồn tại trong nghề giả cổ này đến 20 năm.

Tôi học được rất nhiều từ những nhà sưu tập Việt Nam. Họ khá lạ, có người trong 20 năm ròng chỉ mân mê đồ vật mà tích lũy kinh nghiệm chứ không học từ sách vở hay trường lớp nào như các nhà giám định ở phương Tây. Lâu ngày tự nhiên có kiến thức, phân biệt rất già dặn. Họ kinh nghiệm đồ đồng Đông Sơn thật sẽ rất nhẹ. Còn tượng Chămpa thật nếu búng vào thì có tiếng “lanh canh, long cong”. Chỉ cần nhấc một tượng Phật gỗ Phù Nam lên, người giỏi biết ngay thật – giả.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới có nhiều đồ giả mà ngược lại phương Tây còn nhiều hơn. Thực trạng cổ vật ở Việt Nam cho thấy đó là một gia tài đồ sộ, và nghiên cứu của chúng ta về gia tài này thì chưa tới đâu.

* Ông có lời khuyên nào đối với người chơi cổ vật Việt Nam?

Nếu lao vào cuộc chơi này trước tiên nên tin tưởng ở mình và tự học, nên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với hiện vật. Nên đến các phòng triển lãm hoặc viện bảo tàng để xem và sau đó là tìm sách để đọc. Ở Việt Nam có nhiều cuốn sách viết về cổ vật rất tốt, nhiều công trình biên khảo về đồ gốm rất có giá trị.

Người chơi cũng nên chọn thái độ lương thiện, liêm sỉ trong cuộc chơi, vừa nhũn nhặn để học tập, nuôi cho mình sự đam mê mới đi được xa. Theo tôi, phải mất ít nhất 15 năm mới biết mình có trụ vững trong nghề hay không. Tất nhiên, khi đạt đến trình độ bình phẩm về cổ vật mới được coi là người có nghề. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu trong một thời gian dài.

Ngày xưa Henri Parmentier khởi đầu bằng việc khai quật ở Mỹ Sơn. Xem lại những cuộc khai quật tương tự, so với thế giới thì đúng là nước Pháp đi trước các nước khác cả 30 năm nhưng sau đó thì chững lại. Những viện bảo tàng Pháp sau những bước đi đầu rất đẹp, chỉ ôm khư khư những hiện vật cổ, cho đến nay chậm hơn không dưới 30 năm so với nhiều bảo tàng trên thế giới.

Từng có những sự kiện chấn động ở Pháp khi một chuyên gia về Chămpa công bố những khám phá mới và được giới nghiên cứu lắng nghe. Nhưng sau đó mới lòi ra đó là những món đồ sao chép khiến người ta rất hoang mang. Vì thế, nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết trong một thời gian dài mà không sờ đến hiện vật sẽ không phân biệt được thật – giả và sẽ có nhiều lỗ hổng trong giám định…

* Người Việt Nam đang có xu hướng giảm chơi đồ gốm Trung Quốc mà chuyển sang chơi đồ gốm Việt Nam. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Trước tiên phải thừa nhận đồ gốm Trung Quốc số lượng rất lớn và có lẽ mang một “thiên chức vương giả”. Đồ càng đẹp, càng uy nghi thì người Trung Quốc càng trọng. Trong khi đó người Việt Nam và Nhật Bản khi xem xét hiện vật thường có khuynh hướng nhân văn hơn, thường đặt trong một bối cảnh có nhiều mối tương quan với đất đai. Gặp những món đồ có vết rạn, người Trung Quốc thường vứt bỏ.

Người Việt Nam và Nhật Bản thì giữ lại. Họ thấy trong đó có hình ảnh, tiếng nói của đất. Tôi cảm thấy người Pháp chúng tôi cũng có tương quan về đất đai như thế nhưng ở tầm mức ít sâu sắc hơn. Điều này không hiểu sao ở người Việt lại mãnh liệt đến mức kỳ lạ. Theo tôi, trong 30 năm tới đây xu hướng này sẽ rõ nét hơn, và giới sưu tầm trên thế giới sẽ nghiêng hẳn về xu hướng này.

* Ở Việt Nam mới chỉ có các cuộc đấu giá cổ vật nghiệp dư và tự phát. Theo ông, vì sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá cổ vật? Phải chăng do luật pháp không đầy đủ, do người Việt không có kinh nghiệm hay do sức hút của thị trường kém?

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Philippines… cũng không có sàn đấu giá. Đấu giá cổ vật là một sự bảo đảm tính thật – giả rất tốt cho hiện vật. Nhưng chính vì tính phức tạp và cơ chế đấu giá cổ vật ở Việt Nam chưa rõ ràng cho nên người ta chưa tổ chức được. Trong cuộc bán đấu giá không thể phỉnh gạt, làm mờ mắt ai được. Đem một cái thố ra bán phải kèm theo bảo hiểm, rồi phê bình, miêu tả rất đầy đủ, từ xuất xứ, niên đại, tính chất, đặc điểm, rồi định giá…

Điều tôi thích ở các cuộc đấu giá là mọi chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ kẻ bán người mua cho đến giá cả, sự thật – giả… Chính vì vậy mà cuộc đấu giá có nhiều thủ tục phức tạp khiến nó chưa thể thực hiện ở Việt Nam. Các hãng đấu giá lớn trên thế giới cũng từng gặp những phiền toái như thế.

Có trường hợp khách hàng đưa 10 hiện vật đến hai hãng Christie’s và Sotheby’s để đấu giá. Qua thẩm tra, khảo cứu, các hãng đấu giá chỉ chọn được hai món để đưa ra đấu giá và cất đi tám món. Sau đó, hãng đấu giá trả lời rất khéo rằng họ chỉ bán được hai món. Vì thế, đôi khi những người có cổ vật bị từ chối thì sinh lòng trách giận hãng đấu giá.

* Dự đoán của ông về thị trường đấu giá cổ vật của Việt Nam?

Tôi chưa nhìn ra được thị trường này, kể cả trong nhiều năm nữa. Hai hãng đấu giá lớn là Christie’s và Sotheby’s đã suy nghĩ về việc này hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới khởi đầu trong một vài năm gần đây. Muốn làm được điều này sẽ phải vượt qua nhiều quy định rất phiền phức của chính quyền sở tại. Rồi hiện tượng dối trá, lọc lừa.

Người ta ít khi nghĩ đến những khoản lợi nhuận vô cùng lớn mang lại cho quốc gia nếu làm được điều này mà cứ nghĩ đây là trò tiêu khiển của một nhóm người, do đó chưa đặt sự việc đúng tầm mức.

Việt Nam các bạn tương tự Pháp và Ý, là những xứ sở có nền văn hóa rất cao. Những giá trị của nền văn hóa như thế này là độc nhất vô nhị. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết người Việt Nam có nhận ra được điều đó không. Tôi nghĩ người Việt Nam bây giờ phải nghĩ cách tái chinh phục văn hóa của nước mình. Có thể nói văn hóa Việt Nam như khoáng sản, chẳng khác dầu mỏ mà chưa ai biết cách khai thác để làm giàu.

* Theo ông, vị trí và giá trị của cổ vật Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?

Trên thị trường thế giới, cổ vật Việt Nam không được quan tâm như hội họa, vốn có vị trí cao và đang tiếp tục vươn lên. Cổ vật Việt Nam, những đồ Đông Sơn có tiếng tăm cũng chưa nhiều, đó là chưa kể những cổ vật đích thị của Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc nhìn nhận của họ. Từ những năm 1995 – 1996 tôi có tổ chức một số triển lãm và đấu giá cổ vật Việt Nam, nhưng giá cả nhìn chung không cao lắm. Trong khi đó, vị trí và giá cả của hội họa Việt Nam đã tăng lên cao trong tổng thể hội họa châu Á.

Nguồn: Cuộc phỏng vấn do THÁI LỘC – TRẦN ÐỨC ANH SƠN thực hiện

Tg: Chắc chắn nội dụng cuộc phỏng vấn sẽ gợi cho các chuyên gia, những người chơi và yêu thích cổ vật Việt Nam nhiều suy ngẫm…

Tạo hình, hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn (bản đầy đủ nhất)

Trống tạo dánh hình trụ đứng, tang phình, thân thon, đế choãi. Trống có 2 gờ khuôn đúc chạy thẳng từ tang xuống váy trống, có 04 bộ quai cong hình cánh cung, xẻ rãnh chính giữa trang trí hoa văn hình chấm dải nối tiếp giữa tang bồng và thân trống. Cả mặt, tang và thân trống đều có các đường chỉ nhỏ chia trống thành các vành hoa văn lớn nhỏ khác nhau và được trang trí dày đặc.

Mặt trống: Phẳng, loe ra khỏi tang bồng, trên bề mặt trang trí các họa tiết, hoa văn thể hiện những nét tiêu biểu mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Chính giữa mặt trống đắp nổi hình mặt trời với 10 tia, xen giữa các tia là hoa văn chữ V lồng, bao quanh mặt trời là 08 vành hoa văn đồng tâm từ trong ra ngoài trang trí các hoa văn.

  • Vành thứ nhất là vành hoa văn gạch đứt
  • Vành thứ 2 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 3 là hoa văn hình răng lược
  • Vành thứ 4 là hoa văn hình thoi
  • Vành thứ 5 là hoa văn đầu chim công
  • Vành thứ 6 là hoa văn hình chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ
  • Vành thứ 7 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến
  • Vành thứ 8 là hoa văn hình răng lược

 

Tang trống: Hơi phình so với mặt trống gồm 04 vành hoa văn được trang trí lần lượt từ trên xuống dưới bao gồm: Hoa văn hình răng lược; hoa văn đường tròn tiếp tuyến; hoa văn hình răng lược và 06 chiếc thuyền chở người đội mũ lông công cách điệu đang chèo lái. Tại 4 góc cạnh quai trống trang trí hình ảnh 4 con cò đối xứng nhau, 2 con vếch mỏ lên, 2 con chúc mỏ xuống.

Thân trống: Thon dần từ trên xuống dưới trang trí các vành hoa văn: Hình thoi, hình người đội mũ lông công múa cách điệu, hoa văn hình răng lược, đường tròn tiếp tuyến và hoa văn hình răng lược phía dưới cùng.

 

Váy trống: Loe rộng tạo độ vững chắc, để trơn không trang trí hoa văn

Ba nền văn hóa khu vực Trung và Nam Bộ

1. Văn hóa tiền Sa Huỳnh

Cách ngày nay 4.000 – 3.000 năm.

Đặc điểm công cụ lao động của cư dân Sa Huỳnh là rất ít công cụ bằng đồng, mà chủ yếu là công cụ bằng sắt (cuốc, thuổng, liềm) và vũ khí (rìu, lưỡi cuốc, đục xòe cân, dao, kiếm, giáo). Có lẽ do nơi cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh rất hiếm quặng đồng nên ngành luyện kim đồng không phát triển.

Các nghề gốm, xe sợi, dệt vải, làm đồ trang sức cũng khá phát triển, họ còn biết nấu cát làm thủy tinh khá sớm. Họ chế tác nhiều đồ trang sức bằng thủy tinh rất đẹp. Hiện vật tìm thấy là các chuỗi hạt bằng đá, bằng đồng, bằng mã não, khuyên tai hai đầu thú.

2. Văn hóa Đồng Nai

Cách ngày nay khoảng 5.000 – 4.000 năm.

Các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai: Di tích Gò Cát (thành phố Hồ Chí Minh), Rạch Núi (Long An), Cái Vạn, Ngãi Thắng, Gò Mẻ, Dốc Chùa (Đồng Nai).

Cư dân văn hóa Đồng Nai làm nghề trồng lúa nước và các cây lương thực khác. Ngoài ra họ còn làm nghề khai thác sản vật rừng, săn bắn, làm nghề thủ công.

Các công cụ lao động tìm thấy gồm các công cụ bằng đá (cuốc, rìu, mũi nhọn, cuốc có vai), còn có nhiều công cụ bằng đồng và bằng sắt. Nhiều đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, đồng và sắt.

3. Văn hóa Óc Eo

Cách ngày nay khoảng 2.000 – 1.500 năm.

Địa bàn phân bố chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Tây Ninh.

Trên cơ sở văn hóa Óc Eo, quốc gia cổ Phù Nam đã hình thành vào khoảng thế kỷ thứ I, phát triển vào các thế kỷ III – V và làm chủ cả một vùng rộng lớn ở Đông Nam Á. Cuối thế kỷ thứ VI, quốc gia Phù Nam suy yếu, đã bị Chân Lạp thôn tính.

Tóm tắt về bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần

Bộ máy quản lý nhà nước thời Lý được xây dựng trên định hướng tập trung quyền lực vào nhà vua, bao gồm hai cấp là cấp triều đình và cấp địa phương. Nhà vua có uy quyền tuyệt đối, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước. Trong triều đình, dưới vua có các quan đại thần để cùng bàn bạc việc nước với vua. Dưới quan đại thần còn có quan lại ở các sảnh, các viện. Để thuận tiện cho việc quản lý, nhà Lý chia khu vực hành chính ra thành 3 cấp là phủ/lộ, huyện và hương.

Song song với hệ thống quan lại thông thường, do ảnh hưởng của Phật giáo, thời nhà Lý còn có hệ thống tăng quan với mục đích giúp nhà vua quản lý các tăng đồ về mặt hành chính, đồng thời cũng là hệ thống giúp bảo vệ quyền lợi của Phật giáo.

Sang thời Trần, nhà Trần thay nhà Lý tiếp tục củng cố tổ chức nhà nước theo hướng tập trung quyền lực vào nhà vua. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lực cho nhà vua, nhà Trần còn áp dụng chế độ Thái thượng hoàng.

Bộ máy quản lý nhà nước vẫn chia thành hai cấp là triều đình và các cấp địa phương. Tại triều đình có bộ phận trung khu gồm các Tể tướng, Tri mật viện sự và Hành khiển ở môn hạ sảnh có nhiệm vụ chỉ đạo các quan văn võ. Dưới trung khu có các cơ quan chức năng là 6 bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Đây là điểm khác biệt tiến bộ so với thời Lý khi có sự tách biệt giữa bộ phận quản lý và bộ phận thực hiện công việc. Ở các địa phương, nhà Trần cũng chia tổ chức chính quyền thành ba cấp: phủ/lộ, huyện/châu, hương/xã.

Nhìn chung, trải qua gần bốn thế kỷ, bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần đã được xây dựng theo lối chính quy, bao quát khắp mọi cấp, mọi lĩnh vực và từng bước được hoàn thiện về mặt tổ chức từ trung ương đến địa phương.

Chiêm ngưỡng 4 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Đông Sơn

1. Trống đồng Hoàng Hạ, là một trong những chiếc trống đẹp nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Năm 1937, trống được phát hiện khi đào mương tại thôn Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Mặt trống trang trí hình mặt trời 16 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công, cảnh sinh hoạt, chèo thuyền, xử tử tù binh… Cùng với nhóm trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Cổ Loa, trống đồng Hoàng Hạ phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân Đông Sơn, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật đúc đồng thời dựng nước đầu tiên của dân tộc.

2. Thạp đồng Đào Thịnh, được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Trong văn hóa Đông Sơn, thạp đồng là di vật tiêu biểu sau trống đồng và chủ yếu chỉ xuất hiện trong phạm vi phân bố của nền văn hóa này. Trong hàng trăm chiếc thạp đã phát hiện thì thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo nhất.

Đặc biệt trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm 4 khối tượng nam nữ đang giao hoan, loại tượng mới gặp duy nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Bộ phận sinh dục của người đàn ông được nhấn mạnh bằng cách phóng đại so với tỷ lệ cơ thể, phản ảnh tín ngưỡng phồn thực với khát vọng vạn vật sinh sôi nẩy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Việc người nam đeo dao găm ngay cả trong lúc sinh hoạt tình dục cho thấy vũ khí luôn thường trực bên người, phản ảnh trong văn hóa Đông Sơn đã phát sinh xung đột xã hội dẫn tới chiến tranh, là tiền đề hình thành các thủ lĩnh quân sự, tạo nên một trong những cơ sở vật chất hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc.

3. Cây đèn hình người quỳ, thể hiện hình tượng người đàn ông mình trần đóng khố tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười, đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng gắn 3 cành chữ S, mỗi cành chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Cánh tay, cổ tay có đeo trang sức, tai đeo hoa hình khuyên to tròn. Cây đèn là hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán.

4. Mộ thuyền Việt Khê, có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, có niên đại 2.000-2.500 năm. Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng (còn gọi là mộ thuyền) đã phát hiện ở Việt Nam. Mộ chứa 109 đồ tùy táng gồm chủ yếu là các loại vũ khí, nhạc khí, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt bằng đồng. Mộ thuyền được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Sự tích chim lạc theo Giáo sư Đào Duy Anh

Những người Việt trong bộ lạc ở bờ biển Phúc Kiến thường năm cứ theo gió mùa nhân gió bấc mà vượt đến miền duyên hải ở phương Nam. Đến tiết gió nồm họ lại vượt trở về nơi căn cứ.

Trong những đợt vượt biển hàng năm ấy, họ thường tự sánh mình với chim lạc, một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, mà hàng năm đến mùa gió bấc họ thấy cũng dời bờ biển Giang Nam mà bay về Nam, đồng thời với cuộc xuất dương của họ. Đến mùa gió nồm họ thấy các chim ấy cũng trở lại miền Giang Nam, đồng thời với cuộc hồi hương của họ.

Vì thế mà dần dần trong tâm lý phát sinh một ý niệm về mối quan hệ mật thiết giữa họ và loài chim ấy, rồi ý niệm trở thành quan niệm tô tem (vật tổ), khiến họ nhận chim lạc làm vật tổ. Cái tên vật tổ ấy trở thành tên của thị tộc, nên người ta cho rằng những người Việt tộc ấy là họ Lạc.

Những khi vượt biển họ thường hóa trang, mang lông chim Lạc ở đầu và ở mình để hóa thành hình trạng chim tổ và đặt khắp nơi trong thuyền hay mang ở mình những huy hiệu của chim vật tổ, những hành động ấy là cốt cầu vật tổ phù hộ cho họ được an toàn giữa biển khơi.

Các hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng trên tang trống đồng Ngọc Lũ chính là việc hình dung lại những chiếc thuyền mà tiền nhân của người Việt đã dùng để vượt biển từ Phúc Kiến đến. Những chim bay và chim đậu ở mặt trống chính là chim Lạc vật tổ ấy.

Về vương quốc Chămpa

1. Sự thành lập

Chămpa được thành lập vào thế kỷ thứ II, ban đầu có tên là Lâm Ấp, thế kỷ thứ VII mới đổi thành Chămpa.

Buổi đầu kinh đô của vương quốc này được đặt tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhưng vào giữa thế kỷ thứ VIII, đã được dời xuống phía nam và đặt ở khu vực Phan Rang, Nha Trang ngày nay. Đồng thời lúc này thư tịch cổ không còn chép là Lâm Ấp nữa mà gọi là Hoàn Vương.

Từ thế kỷ thứ IX kinh đô Chămpa có nhiều thay đổi. Vương quốc Chămpa lúc này gồm 5 tiểu vương quốc nhỏ khác nhau:

+ Tiểu vương quốc Indrapuda nay là khu vực Đồng Dương – Quảng Nam

+ Tiểu vương quốc Amaravati thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam và có lúc cả khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.

+ Vijaya thuộc Bình Định, Quảng Ngãi

+ Kauthara là khu vực Phú Yên, Khánh Hòa

+ Và Panduranga thuộc khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay.

=> Như vậy, mỗi một giai đoạn lịch sử khác nhau các vị vua Chiêm lại có sự thay đổi về kinh đô của mình.

2. Vị trí địa lý

Vương quốc Chămpa ở vào vị trí tuyệt đẹp ngay nơi gặp gỡ của các con đường hàng hải lớn của Đông Á. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X người Chăm kiểm soát việc buôn bán gia vị giữa Đông Nam Á hải đảo và Trung Quốc, buôn bán tơ lụa giữa đế chế nhà Đường và đế chế Abbassid của Bagdad. Ngoài ra họ còn xuất ngà voi và gỗ trầm của họ sang Trung Quốc và cho người Ả Rập. Cùng với việc là chủ nhân của một nền hàng hải phát triển, cư dân Chăm pa còn được biết đến là những kẻ cướp biển nổi tiếng ở tất cả các biển phía Nam.

Vị trí địa lý thuận lợi không những giúp vương quốc Chămpa phát triển thương mại với các nước trong khu vực, mà còn tạo điều kiện cho sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa với 2 nước giáp ranh là Đại Việt ở khu vực phía bắc và Phù Nam ở khu vực phía nam.

3. Đời sống kinh tế sản xuất

Vào buổi đầu người Chămpa chủ yếu sống trên núi hơn là đồng bằng. Họ sống bằng các sản phẩm họ săn bắn, hái lượn và đánh bắt được. Về sau họ bắt đầu biết làm nông nghiệp, họ trồng mía, chuối, dừa, tiêu, trầu, cau và đủ các loại cây trồng để làm bện dây, làm chiếu và làm đồ đan lát.

Trong nông nghiệp họ sản xuất hai mùa mỗi năm, gạo trắng vào tháng 10 và gạo đỏ vào tháng 4. Mặc dù nông nghiệp được coi là một ngành sản xuất chính của Chăm pa, nhưng sự giàu có của vương quốc này từng khiến người Trung Quốc thèm thuồng lại được tạo ra từ mỏ, từ rừng, thương mại và cướp biển.

4. Đời sống xã hội tinh thần

Theo mô tả của các giả Trung Quốc thì người dân của vương quốc này có da đen, mắt sâu, mũi thẳng và cao, tóc quăn. Người dân búi tóc, phụ nữ búi tóc hình cái búa, xâu lỗ tai để đeo những chiếc vòng nhỏ bằng kim loại. Họ rất sạch, hàng ngày tắm rửa nhiều lần, xức dầu thơm, chà cơ thể với dầu long não và xạ hương, xông quần áo với một thứ hỗn hợp các loại gỗ thơm khác nhau. Nam nữ ăn mặc như nhau, y phục gồm một tấm vải bông quấn quanh người từ phải qua trái, từ lưng tới chân, người sang mang giày, người thường đi chân đất (1).

Nhà vua đội một cái mũ cao, có trang trí bông bằng vàng và một túm tua bằng lụa. Khi đi ra ngoài, nhà vua cưới trên một con voi, trống và tù và đi trước, có lọng bằng vải cát bối và có các gia nhân cầm cờ cũng bằng loại vải này vây quanh.

Hôn nhân của người Chăm được được cử hành vào tháng 8 và nữ đi hỏi rể trước.

Đám tang nhà vua cử hành 7 ngày sau khi vua mất, hài cốt vua được đựng trong một cái bình bằng vàng và ném xuống biển. Quan thì của hành sau 3 ngày và hài cốt được đựng trong một bình bằng bạc. Dân thì cử hành ngay ngày hôm sau và hài cốt được đựng trong một cái bình bằng đất nung.

Tôn giáo của Chăm pa từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX là Bà La Môn giáo, trong đó thần Shiva được tôn thờ đặc biệt. Họ dựng lên đền thờ để tôn kính các vị thần như là một biểu tượng mang hình ảnh của chính họ. Dưới nét của các vị thần linh họ sẽ nhập vào sau khi qua đời. Vì vậy mà người ta gặp ở đây cũng như ở khắp Đông Nam Á sự cộng sinh giữa việc thờ cúng tổ tiên với các thần linh và tư tưởng tôn giáo du nhập từ Ấn Độ.

1. Mã Đoan Lâm, Dân tộc học các dân tộc ngoài Trung Quốc, vùng phía Nam, trang 420-425; G. Maspero, Le Royaume de Champa [Vương quốc Chămpa], Paris, 1928, trang 8 tt.

Lý giải bí ẩn các cổ vật trong túi Khót của ông Mo Mường – Hòa Bình

Mo Mường là một loại hình văn hóa phi vật thể của người Việt cổ, có cơ sở vững chắc về mặt khoa học bởi nó được chứng minh thông qua túi Khót của các ông thầy Mo.

Thời tiền sử người Việt cổ tại Hòa Bình đã có những quan niệm về nhân sinh quan vũ trụ được biểu hiện trong các sử thi Mo Mường. Họ quan niệm trời sinh ra trước, đất sinh ra sau. Quan niệm này rất giống với quan niệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Slavơ ở châu Âu, nước Ai Cập cổ đại hay người Inca ở châu Mỹ… Đây là một quan niệm rất khoa học mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu khoa học đã phải thừa nhận nó.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người Việt cổ nói riêng và loài người nói chung, con người đã biết tạo ra các công cụ lao động sản xuất, vũ khí bằng những nguyên vật liệu và kỹ thuật thô sơ, mà trong đó có những tạo hình vẫn được kế thừa cho đến tận ngày nay.

Trong những năm vừa qua đã có rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, những người tâm huyết với di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình, đã bỏ rất nhiều tiền của, thời gian, công sức để ghi chép lại các áng Mo, sử thi về Mo. Tổ chức rất nhiều các lễ hội và chuyển thể một số áng Mo thành các ca khúc với ca từ gần gũi với đời sống thường ngày của người dân… Tất cả vấn đề trên đều toát lên chủ đề xuyên suốt về giáo dục con người tiến bộ mà cho đến ngày nay vẫn chưa hề lạc hậu. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường – Hòa Bình rất quan trọng và khẩn cấp, nó có vai trò không chỉ đối với nhân dân Hòa Bình mà còn cả dân tộc Việt chúng ta ngày nay.

Một điều rất quan trọng ở đây đó là vì có quan niệm nhân sinh quan nên trong túi Khót của các ông Mo Mường luôn luôn có các viên sa thạch (testit màu đen hình bánh dầy) và các viên đá bán quý có độ cứng từ 6 – 8 mohs được tìm kiếm và khai quật trong lòng đất. Ngoài ra còn có rất nhiều các vật chứng lịch sử liên quan đến các nghi lễ truyền thống của người Mường, được làm bằng các chất liệu đá, đồng, nhuyễn thể… Những vật chứng này được giữ gìn qua nhiều thế hệ, sử dụng làm đồ tế khí để tạo thêm sức mạnh huyền bí, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng về quá trình đấu tranh sinh tồn của loài người.

Qua đây tôi xin phân tích về túi Khót của các ông Mo như sau:

Hiện vật trong túi Khót của các ông Mo Mường. Nguồn: Internet

Trải qua nhiều thế hệ, túi Khót của các ông Mo luôn được giữ gìn như một báu vật mà không phải ai cũng được xem và sờ vào. Trong túi Khót đó lưu giữ những vật chứng lịch sử vô cùng quý giá và khác biệt với các vật chứng lịch sử do các nhà khảo cổ học khai quật được vì lý do sau đây:

Thứ nhất, viên thiên thạch theo quan niệm của người Mường là ông trời rơi xuống tạo ra Trái đất và viên đá bán quý là vật chứng lịch sử quý nằm trong lòng  đất. Hai vật chứng này thể hiện cho quan niệm về thiên địa nhân hợp nhất của người Mường, họ đã biết sử dụng những vật quý ở trên trời và dưới đất cùng các công cụ lao sản xuất để thu phục thú dữ, chinh phục thiên nhiên tạo ra sức mạnh nhằm giáo dục cộng đồng sống đoàn kết, đấu tranh chống thiên nhiên, tăng cường sức sống trước sự khắc nghiệt của thời tiết ở các giai đoạn tiền sử và sơ sử.

Thứ hai, bên cạnh các viên sa thạch và đá bán quý, trong túi Khót của các ông Mo còn có rìu đá, vòng tay đá có niên đại hàng chục nghìn năm trong văn hóa Phùng Nguyên; rìu xéo và mũi giáo đồng cách ngày nay hàng nghìn năm trong văn hóa Đông Sơn cùng các vật chứng bằng nhuyễn thể như xương, sừng, nanh vuốt của các loài thú dữ. Tất cả các vật chứng lịch này được lưu giữ lại thể hiện quan niệm con người…

Qua các vật chứng lịch sử này, chúng ta có thể thấy được sức mạnh của túi Khót khi các thầy Mo làm lễ mang đến sức thuyết phục cao đối với cộng đồng và hướng cộng đồng tới những áng Mo mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc.