Tag Archive | thời Lý – Trần

ĐỒ GỐM NGỰ DỤNG*

Đồ Ngự dụng chỉ các đồ vật dùng trong cung vua, phủ chúa, nơi làm việc và sinh hoạt của vua, chúa thời phong kiến. Trong các đồ Ngự dụng thì đồ gốm còn được tìm thấy và lưu giữ nhiều nhất do tính bền vững theo thời gian.

Continue reading

SEN VÀ RỒNG*

SEN là loài hoa của Phật giáo, gắn liền với Văn hoá Phật giáo thì đã quá rõ. Còn RỒNG thì sao? Hình tượng RỒNG trong văn hoá Việt Nam xuất hiện khi nào? Có người cho rằng hình tượng Rồng có từ thời Đông Sơn, trên họa tiết trống đồng. Nhiều người cho rằng đó là hình cá sấu và giảo long. Phần lớn học giả đều cho rằng hình tượng RỒNG trong Văn hoá VN chỉ phổ biến từ thời LÝ, gắn liền với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn gặp rồng vàng bay lên khi rời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Các nhà mỹ thuật đương thời sáng tác các hình tượng rồng trong thế đang bay theo ý tưởng của nhà vua.

Continue reading

Gốm Lý – Trần: Một ví dụ điển hình về nghệ thuật trang trí hoa văn

Gốm Lý – Trần trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Lúc sinh thời, nhà nghiên cứu cố PGS.TS Chu Quang Trứ cho rằng: Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nếu mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất thuộc về người Việt cổ trước Công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ thu mình ẩn tàng khỏi sự đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc, mỹ thuật Lý – Trần với tính cổ điển chân chính là sự phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai thuộc về người Việt.

Có thể nói nghệ thuật trang trí hoa văn thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao với việc tiếp thu và sáng tạo ra những màu men độc đáo, đa dạng về sắc màu cùng đề tài hoa văn mang đậm dấu ấn, tư tưởng của thời đại.

Thời Lý – Trần đạo Phật trở thành quốc giáo, từ nhà vua đến các quý tộc và thứ dân đều thành những người tu hành cửa Phật, khắp nơi đều xây dựng chùa tháp. Đức Phật ngồi trên tòa sen, hoa sen, hoa cúc biểu trưng cho sự thanh cao của đạo Phật. Những quan niệm và tư tưởng ấy đã thấm nhuần, ăn sâu bắt rễ trong đời sống của người dân. Và như một điều tất yếu, nghệ nhân gốm thời kỳ này đã thể hiện tư tưởng thời đại qua chính các đề tài trên sản phẩm của mình.

Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần. Hình ảnh sen, cúc trang trí trên hiện vật thời kỳ này được hiện lên với đầy đủ các bộ phận từ nhụy đến cánh, lá và có khi là cả cành hoa đều được thể hiện trên cùng một đồ án.

Dường như quá trình phát triển của bông sen từ khi còn là cái nụ nằm trong những chiếc lá non, qua giai đoạn hé nở, đến lúc mãn khai đã được tác giả phô bày qua chiếc bát men ngọc với sắc xanh mát.

Chiếc bát men ngọc thời Lý diễn tả đầy đủ quá trình phát triển của bông sen. Ảnh: Tác giả

Cái tài của nghệ nhân gốm thời kỳ này còn được thể hiện ở chỗ hoa, lá sen cũng được sử dụng trên toàn bộ sản phẩm, từ tạo dáng đến trang trí, tràn lan mà điển hình, dày đặc mà không hề nhàm chán. Vẫn một hình ảnh hoa ấy, chiếc lá ấy, nhưng được biến hóa, thay đổi đến mức mỗi sản phẩm mỗi kiểu, mỗi chi tiết mỗi khác, chỗ nào cũng tinh tế.

Ví như hai chiếc bát men ngọc trang trí đề tài hoa cúc thời kỳ này, thoạt nhìn (không chú ý đến sắc men) ta có thể thấy chúng giống nhau như một. Cùng được trang trí chính giữa là một bông cúc nhiều cánh, tiếp đến là hai bông hoa cúc nhỏ đứng cạnh nhau, xen kẽ với các cành lá, cuối cùng là hình ảnh cánh cúc được xếp thành dải đặt phía trên cùng. Quan sát kỹ hai hiện vật này, ta sẽ thấy cánh hoa cúc ở tầng thứ hai trên hiện vật bát men ngọc sắc xanh có đầu tròn hơn cánh hoa trên hiện vật bát men ngọc sắc vàng, và ngược lại thì đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc xanh ở tầng thứ ba lại tròn và mập hơn đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc vàng cùng ở tầng thứ ba.

Hai chiếc bát men ngọc cùng được trang trí đề tài hoa cúc. Ảnh: Tác giả

Như vậy, có thể khẳng định đề tài trang trí hoa văn trong mỹ thuật thời Lý – Trần không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là vẽ các họa tiết, hoa văn lên hiện vật để cho hiện vật đẹp hơn, mà đó còn là sự kết tinh các tầng bậc ý nghĩa của thời kỳ này. Chúng gắn với cuộc sống thường ngày của con người trong việc ứng xử với cái đẹp. Chúng là những “chữ viết” chân thực về lịch sử, xã hội mang đậm dấu ấn Phật giáo đương thời, là lời nhắn nhủ, là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng của người dân về một xã hội thịnh vượng./