Tag Archive | lịch sử Việt Nam

Đoan Môn tại Hoàng thành Thăng Long thuộc thời Lê Trung Hưng

Ngày 28/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực Đoan Môn – chính điện Kính Thiên năm 2016.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Từ trước tới nay, các nhà sử học kết luận Đoan Môn thuộc thời Lê Sơ. Điều rất mới trong lần khai quật này là đủ cơ sở kết luận Đoan Môn không phải thời Lê Sơ mà Đoan Môn ở vị trí của thời Lê Trung Hưng.

Doan Mon tai Hoang thanh Thang Long thuoc thoi Le Trung Hung - Anh 1

Các nhà nghiên cứu và đại biểu thăm hiện tường khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Đồng thời, Giáo sư cũng khẳng định Đoan Môn thời Lê Sơ chắc chắn cũng gần khu vực này. Phát hiện trên là điểm rất mới và có thể cho chúng ta hình dung được quy hoạch của Cấm thành thời Lê, từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng có sự thay đổi. Qua đợt khảo cổ năm 2016, tầng văn hóa thời Lê phát hiện khá rõ nét, hai địa tầng thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng tách ra rõ ràng. Đồng thời, không gian điện Kính Thiên ngày càng hiện lên rõ nét trong nhận thức của các nhà sử học.

Năm nay, các nhà sử học tiếp tục khẳng định tầng văn hóa của khu Đoan Môn – điện Kính Thiên kéo dài liên tục từ Đại La qua thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và phong phú hơn so với khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu Vườn Hồng. Nếu bên khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, tầng văn hóa hiện rõ nhất là Đại La, Lý, Trần, còn thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng mờ nhạt thì ở khu vực chính điện Kính Thiên các địa tầng văn hóa xuất hiện liên tục từ đầu đến cuối. Đặc biệt, địa tầng văn hóa Đại La xuất hiện rõ nét qua đợt khai quật lần này. Cùng với dấu tích của các đợt khai quật trước, các khoa học bước đầu đã hình dung được phạm vi thành Đại La. Một mặt, dấu tích của đường nước lớn trong các lần khai quật năm trước và dấu tích các móng trụ bằng sành, sỏi thời Lý xuất hiện trong lần khai quật năm nay. Dù chưa thể khẳng định đây là trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý một cách chắc chắn nhưng có thể khẳng định là bộ phận quan trọng trong Cấm thành Thăng Long.

Như vậy, kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016, các nhà khảo cổ học khẳng định đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ, tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý.

Khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2016 tiếp tục xác định tầng văn hóa có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ VIII – IX đến thế kỷ XIX – XX; tiếp tục xác định được các dấu tích ở Trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại… Mặc dù hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể vẫn góp phần nhận diện rõ thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm qua các thời trên những nét lớn như sau:

Các phát hiện mới đó vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Qua đó có thể thấy, dấu tích Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trí, tổng thể và lâu dài.

Mục tiêu chung qua các đợt khai quật tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nâng cao nhận thức về Cấm thành qua các thời kỳ theo khuyến nghị của UNESCO, tạo cơ sở để phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Nguồn: http://www.baomoi.com/doan-mon-tai-hoang-thanh-thang-long-thuoc-thoi-le-trung-hung/c/21196832.epi

Những loại cổ vật Việt Nam là duy nhất trên thế giới

Jean Francois Hubert, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, cổ vật Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam, văn hóa Chămpa… đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cổ vật Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn về Việt Nam, ông Hubert cho biết: “Tôi vô cùng ấn tượng về đồ gốm Việt Nam. Những chiếc ấm, thạp thời Lý – Trần hay bình vôi, chum, hũ thời Lê… cả hình dạng, phong cách, họa tiết trang trí thì không lẫn vào đâu được. Tôi thường nói đùa những đồ vật này là 300%, thậm chí 500% là cổ vật Việt Nam, với nhiều đặc trưng mà đồ gốm các nước khác, kể cả Trung Quốc không hề có. Những dấu hiệu trên những cổ vật ấy mang dấu ấn của hội họa trừu tượng. Cách đây 10 thế kỷ mà người Việt đã nghĩ ra những họa tiết như vậy thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, những đồ gốm thời Lý – Trần là tuyệt tác. Văn hóa Đông Sơn độc đáo và duy nhất trên thế giới, xứng đáng để chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trong khi đó, người Trung Quốc khi viết về văn hóa Đông Sơn thì thường xem nền văn hóa này như một bộ phận của văn hóa Quảng Tây. Phía Trung Quốc, vẫn có những cuộc triển lãm về đồ Đông Sơn của Việt Nam và ghi chú giải thích bên dưới đó là thuộc văn hóa Trung Quốc. Theo tôi, nền văn hóa này là của Việt Nam 100%”…

* Thưa ông, cổ vật ở Việt Nam hiện đang thật giả lẫn lộn, không chỉ đồ giả mà còn làm giả trên chính đồ thật. Là một chuyên gia, ông làm thế nào để phát hiện sự thật – giả này? Có cách nào để phòng tránh?

Ở Việt Nam, một số thợ gốm ở Bát Tràng, thợ điêu khắc đá ở Đà Nẵng hay thợ đúc đồng ở Thanh Hóa… làm đồ giả cổ rất giỏi. Họ phỏng theo đồ thật và làm đồ giả giống như thật. Có trường hợp ở Thanh Hóa, người ta làm đồ giả cổ, phết thêm một lớp “ten” đồng của đồ thật ở bên ngoài rồi hô hoán đào được trong lòng đất, rồi có người đứng ra làm chứng hẳn hoi… Thật ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có chuyện làm giả như vậy chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Muốn phân biệt thật – giả trước tiên phải xem xét dấu vết thời gian đọng lại trên hiện vật. Công việc này chúng tôi làm hằng ngày và trong nhiều năm nên đã đúc rút thành kinh nghiệm để nhận diện. Muốn giám định đúng hiện vật phải thường xuyên tiếp cận, cọ xát từ ngày này sang ngày nọ, rất cần mẫn, công phu và mất nhiều thời gian. Với nghề này, càng tiếp cận nhiều với hiện vật càng dễ đi đúng hướng.

Thật ra trên thế giới chỉ có khoảng năm hay sáu người thật chuyên, thật giỏi, có thể hiểu được tường tận một số đồ vật. Nhưng trên thế giới cũng có những kẻ lừa đảo rất giỏi, có thể tồn tại trong nghề giả cổ này đến 20 năm.

Tôi học được rất nhiều từ những nhà sưu tập Việt Nam. Họ khá lạ, có người trong 20 năm ròng chỉ mân mê đồ vật mà tích lũy kinh nghiệm chứ không học từ sách vở hay trường lớp nào như các nhà giám định ở phương Tây. Lâu ngày tự nhiên có kiến thức, phân biệt rất già dặn. Họ kinh nghiệm đồ đồng Đông Sơn thật sẽ rất nhẹ. Còn tượng Chămpa thật nếu búng vào thì có tiếng “lanh canh, long cong”. Chỉ cần nhấc một tượng Phật gỗ Phù Nam lên, người giỏi biết ngay thật – giả.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới có nhiều đồ giả mà ngược lại phương Tây còn nhiều hơn. Thực trạng cổ vật ở Việt Nam cho thấy đó là một gia tài đồ sộ, và nghiên cứu của chúng ta về gia tài này thì chưa tới đâu.

* Ông có lời khuyên nào đối với người chơi cổ vật Việt Nam?

Nếu lao vào cuộc chơi này trước tiên nên tin tưởng ở mình và tự học, nên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với hiện vật. Nên đến các phòng triển lãm hoặc viện bảo tàng để xem và sau đó là tìm sách để đọc. Ở Việt Nam có nhiều cuốn sách viết về cổ vật rất tốt, nhiều công trình biên khảo về đồ gốm rất có giá trị.

Người chơi cũng nên chọn thái độ lương thiện, liêm sỉ trong cuộc chơi, vừa nhũn nhặn để học tập, nuôi cho mình sự đam mê mới đi được xa. Theo tôi, phải mất ít nhất 15 năm mới biết mình có trụ vững trong nghề hay không. Tất nhiên, khi đạt đến trình độ bình phẩm về cổ vật mới được coi là người có nghề. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu trong một thời gian dài.

Ngày xưa Henri Parmentier khởi đầu bằng việc khai quật ở Mỹ Sơn. Xem lại những cuộc khai quật tương tự, so với thế giới thì đúng là nước Pháp đi trước các nước khác cả 30 năm nhưng sau đó thì chững lại. Những viện bảo tàng Pháp sau những bước đi đầu rất đẹp, chỉ ôm khư khư những hiện vật cổ, cho đến nay chậm hơn không dưới 30 năm so với nhiều bảo tàng trên thế giới.

Từng có những sự kiện chấn động ở Pháp khi một chuyên gia về Chămpa công bố những khám phá mới và được giới nghiên cứu lắng nghe. Nhưng sau đó mới lòi ra đó là những món đồ sao chép khiến người ta rất hoang mang. Vì thế, nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết trong một thời gian dài mà không sờ đến hiện vật sẽ không phân biệt được thật – giả và sẽ có nhiều lỗ hổng trong giám định…

* Người Việt Nam đang có xu hướng giảm chơi đồ gốm Trung Quốc mà chuyển sang chơi đồ gốm Việt Nam. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Trước tiên phải thừa nhận đồ gốm Trung Quốc số lượng rất lớn và có lẽ mang một “thiên chức vương giả”. Đồ càng đẹp, càng uy nghi thì người Trung Quốc càng trọng. Trong khi đó người Việt Nam và Nhật Bản khi xem xét hiện vật thường có khuynh hướng nhân văn hơn, thường đặt trong một bối cảnh có nhiều mối tương quan với đất đai. Gặp những món đồ có vết rạn, người Trung Quốc thường vứt bỏ.

Người Việt Nam và Nhật Bản thì giữ lại. Họ thấy trong đó có hình ảnh, tiếng nói của đất. Tôi cảm thấy người Pháp chúng tôi cũng có tương quan về đất đai như thế nhưng ở tầm mức ít sâu sắc hơn. Điều này không hiểu sao ở người Việt lại mãnh liệt đến mức kỳ lạ. Theo tôi, trong 30 năm tới đây xu hướng này sẽ rõ nét hơn, và giới sưu tầm trên thế giới sẽ nghiêng hẳn về xu hướng này.

* Ở Việt Nam mới chỉ có các cuộc đấu giá cổ vật nghiệp dư và tự phát. Theo ông, vì sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá cổ vật? Phải chăng do luật pháp không đầy đủ, do người Việt không có kinh nghiệm hay do sức hút của thị trường kém?

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Philippines… cũng không có sàn đấu giá. Đấu giá cổ vật là một sự bảo đảm tính thật – giả rất tốt cho hiện vật. Nhưng chính vì tính phức tạp và cơ chế đấu giá cổ vật ở Việt Nam chưa rõ ràng cho nên người ta chưa tổ chức được. Trong cuộc bán đấu giá không thể phỉnh gạt, làm mờ mắt ai được. Đem một cái thố ra bán phải kèm theo bảo hiểm, rồi phê bình, miêu tả rất đầy đủ, từ xuất xứ, niên đại, tính chất, đặc điểm, rồi định giá…

Điều tôi thích ở các cuộc đấu giá là mọi chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ kẻ bán người mua cho đến giá cả, sự thật – giả… Chính vì vậy mà cuộc đấu giá có nhiều thủ tục phức tạp khiến nó chưa thể thực hiện ở Việt Nam. Các hãng đấu giá lớn trên thế giới cũng từng gặp những phiền toái như thế.

Có trường hợp khách hàng đưa 10 hiện vật đến hai hãng Christie’s và Sotheby’s để đấu giá. Qua thẩm tra, khảo cứu, các hãng đấu giá chỉ chọn được hai món để đưa ra đấu giá và cất đi tám món. Sau đó, hãng đấu giá trả lời rất khéo rằng họ chỉ bán được hai món. Vì thế, đôi khi những người có cổ vật bị từ chối thì sinh lòng trách giận hãng đấu giá.

* Dự đoán của ông về thị trường đấu giá cổ vật của Việt Nam?

Tôi chưa nhìn ra được thị trường này, kể cả trong nhiều năm nữa. Hai hãng đấu giá lớn là Christie’s và Sotheby’s đã suy nghĩ về việc này hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới khởi đầu trong một vài năm gần đây. Muốn làm được điều này sẽ phải vượt qua nhiều quy định rất phiền phức của chính quyền sở tại. Rồi hiện tượng dối trá, lọc lừa.

Người ta ít khi nghĩ đến những khoản lợi nhuận vô cùng lớn mang lại cho quốc gia nếu làm được điều này mà cứ nghĩ đây là trò tiêu khiển của một nhóm người, do đó chưa đặt sự việc đúng tầm mức.

Việt Nam các bạn tương tự Pháp và Ý, là những xứ sở có nền văn hóa rất cao. Những giá trị của nền văn hóa như thế này là độc nhất vô nhị. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết người Việt Nam có nhận ra được điều đó không. Tôi nghĩ người Việt Nam bây giờ phải nghĩ cách tái chinh phục văn hóa của nước mình. Có thể nói văn hóa Việt Nam như khoáng sản, chẳng khác dầu mỏ mà chưa ai biết cách khai thác để làm giàu.

* Theo ông, vị trí và giá trị của cổ vật Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?

Trên thị trường thế giới, cổ vật Việt Nam không được quan tâm như hội họa, vốn có vị trí cao và đang tiếp tục vươn lên. Cổ vật Việt Nam, những đồ Đông Sơn có tiếng tăm cũng chưa nhiều, đó là chưa kể những cổ vật đích thị của Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc nhìn nhận của họ. Từ những năm 1995 – 1996 tôi có tổ chức một số triển lãm và đấu giá cổ vật Việt Nam, nhưng giá cả nhìn chung không cao lắm. Trong khi đó, vị trí và giá cả của hội họa Việt Nam đã tăng lên cao trong tổng thể hội họa châu Á.

Nguồn: Cuộc phỏng vấn do THÁI LỘC – TRẦN ÐỨC ANH SƠN thực hiện

Tg: Chắc chắn nội dụng cuộc phỏng vấn sẽ gợi cho các chuyên gia, những người chơi và yêu thích cổ vật Việt Nam nhiều suy ngẫm…

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.

 

 

 

Khai mạc triển lãm báu vật khảo cổ học Việt Nam tại thành phố Cheminitz – Cộng hòa Liên bang Đức

Vào lúc 18h, thứ 5 ngày 30.03.2017 Triển lãm “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam” vừa chính thức khai mạc tại Bảo tàng Khảo cổ học Chemnitz (Staadliches Museum für Archäologie Chemnitz – SMAC). Đây là điểm thứ 2 trong chương trình hợp tác trưng bày giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam tại Đức.

Bảo tàng Khảo cổ học Chemnitz

(Staadliches Museum für Archäologie Chemnitz – SMAC)

Tham dự lễ khai mạc có TS. Eva – Maria Stange – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Sachsen (Đức), ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ Việt Nam tại Đức, TS Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đại diện các đối tác phía Việt Nam; TS Josef Mühlenbrock – Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne đại diện đối tác Đức và chuyên gia thực thiện dự án; TS. Sabine Wolfram – Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ tại Chemnitz; Đông đảo bà con kiều bào Việt Nam tại thành phố Chemnitz cùng các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam và Đức…

Ban nhạc Lao Xao Trio biểu diễn trong Lễ khai mạc

 

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc

TS. Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc BTLSQG phát biểu trong Lễ khai mạc

Triển lãm giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu của Việt Nam. Thông qua các hiện vật khảo cổ học đã giới thiệu tới bạn bè Đức và bạn bè quốc tế nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, từ thời Tiền sử, văn hóa Đông Sơn, thời đại Vua Hùng, đến văn hóa Champa, văn hóa Thăng Long – Đại Việt và cả thời hiện tại. Đây là những câu chuyện sinh động nhất về lịch sử Việt Nam.

Tháp đất nung thời Lý – Hiện vật của Bảo tàng LSQG trưng bày trong triển lãm

Những hiện vật được trưng bày trong triển lãm lần này giúp công chúng Đức nói riêng và công chúng Châu Âu nói chung hiểu thêm về truyền thống hào hùng và các nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, qua đó tăng cường sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam – Đức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của triển lãm, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, hợp tác đặc biệt kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức. Thông qua triển lãm này, các bạn Đức sẽ hiểu sâu hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài và liên tục của dân tộc Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo.

Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng phát biểu trong Lễ khai mạc

Với tư cách là đại diện đơn vị đối tác, phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng LSQG nhấn mạnh: “ Trên cơ sở sự phối hợp và hiểu biết lẫn nhau sẽ tiếp tục mở những cơ hội hợp tác mới, qua đó mỗi nước có dịp giới thiệu, quảng bá về lịch sử văn hoá của mình. Vì vậy, chúng tôi hi vọng, tiếp theo đây sẽ là sự hợp tác, giúp đỡ trong đào tạo chuyên môn bảo tàng, bảo quản, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, xuất bản ấn phẩm…”
Triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” diễn ra trong thời gian từ 31/3/2017 đến 20/8/2017.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia