Tag Archive | men xanh lục

PHÚC ĐÁO*

Ngày Tết, người ta treo, dán chữ PHÚC khắp nơi để cầu một năm mới nhiều an vui, phú quý. Có nơi còn cố tình treo ngược chữ PHÚC với nghĩa PHÚC ĐÁO, tức PHÚC ĐÁO GIA – phúc vào nhà!…

Continue reading

Gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 2)

Gốm men trắng trên hiện vật bát, đĩa, chén:

Bát: Men trắng xám đường kính 16,5 cm, cao 6 cm, gờ miệng viền tròn, đế nhỏ, đáy lõm để mộc, trong lòng in nổi hoa lá và 5 dấu kê. Lại có bát men trắng xám, đường kính miệng 21 cm, cao 9,5 cm, gờ miệng vê tròn, thành ngoài chia múi hình cánh sen, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi rồng mây và hoa lá.

Chén: Có nắp gồm 3 chiếc dính nhau, 3 nắp chén cũng dính nhau, cao 4,7 cm. Trên mặt nắp chạm khắc 3 hình chim phượng bay, khuôn trong viền tròn, trên thân và nắp đắp nổi bông hoa nhỏ, lòng và đáy để mộc, men trắng ngà đã bong nhiều chỗ. Có lẽ đây là một loại chén thờ.

Đài sen: Men trắng xám cao 14 cm, đường kính miệng 11,5 cm cũng là một loại hình hiếm gặp. Cấu tạo đài sen gồm nhiều phần với miệng hình đĩa, lòng phẳng khắc hoa lá không men, xung quanh chạm nổi 4 băng cánh sen, chân cao hình con tiện nhiều cấp.


Đĩa sen:

Đều thuộc loại đồ thờ, lòng phẳng khắc hoa văn trang trí, không phủ men, thành ngoài chạm nổi 2 – 3 lớp cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ. Đĩa sen men trắng ngà, cao 2,3 cm, đường kính miệng 9,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một cành hoa lá sen không men, thành ngoài chạm 2 băng cánh sen nổi.

Có đĩa sen khác lớn hơn, cao 5,8 cm, đường kính miệng tới 15,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một hình rồng Lý và 2 cành lá cùng một băng hình xoắn. Thành ngoài chạm khắc 3 băng cánh sen. Chân đế cao, trổ thủng ô hình chữ nhật, chạm khắc những hình “em bé của thế giới cực lạc” với tư thế 2 chân quỳ, 2 tay nâng, đầu nghiêng. Đây là loại đĩa sen có kiểu dáng và trang trí tương tự loại đĩa sen gốm hoa nâu và đĩa sen men xanh lục.

Đĩa: Men trắng ngà cao 4 cm, đường kính miệng 14,8 cm, miệng loe, gờ uốn, thành vát, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi băng văn mây hình khánh với dải đuôi cong nhọn và 5 dấu kê.

Khuôn đúc: Ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, trước đây đã tìm thấy những khuôn đúc bằng gốm men trắng, có cả phần lõi và vỏ. Khuôn có vỏ hình hộp tròn, lõi hình bông hoa 6 cánh hay 8 cánh, in nổi hình rồng Lý và hoa chanh 4 cánh. Phần trong vỏ khuôn và lõi đều không men. Những khuôn gốm này chỉ cao 1,5 cm – 2 cm và đường kính từ 5,7 cm – 7,1 cm, nhưng hoa văn rồng và hoa chanh đều rất tinh xảo.

Gốm men trắng trên hiện vật Liễn, thạp, thủy chùy:

Liễn: Gốm men trắng có nắp tạo dáng hình quả dưa, thân chia múi nổi. Nắp liễn có chỏm hình búp sen. Trên nắp và vai chạm khắc băng cánh sen nổi và 6 núm ngang, cùng một băng các bông hoa tròn. Liễn men trắng ngà hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một đại diện tiêu biểu cho loại hình gốm men trắng, xương gốm mỏng, được lọc luyện kỹ, men phủ trắng ngà, lớp cánh sen nổi cũng là điển hình của phong cách trang trí thời Lý.

Thạp: Gốm men ngà rạn, hiện do Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, cao 37,5 cm, đường kính miệng 22 cm, có kiểu dáng giống như thạp gốm hoa nâu. Thạp có gờ miệng vát, vai xuôi, thân hình trụ trên to dưới nhỏ. Vai chạm khắc băng cánh sen nổi, cánh to xen nhỏ và 5 núm ngang, thân khắc chìm 2 băng sen dây kiểu hoa bổ dọc, các cặp cánh đối xứng.

Thủy chùy: Men ngà xám, là loại dùng đựng nước rửa bút lông sau khi viết, chỉ cao 4,5 cm và đường kính miệng 3,6 cm. Thủy chùy tạo hình một bông sen nở với 4 lớp cánh nổi, chân đế loe, đáy mộc.

Gốm men trắng trên các hiện vật khác:

Những đồ gốm men trắng thời Trần đã gặp các kiểu dáng tương tự thời Lý, ngoài ra còn thấy bình men trắng ngà, miệng loe, cổ cao, thân dáng choé, cổ có băng hoa nổi, viền đế tô men nâu, cao 40,6 cm, đường kính miệng 20,3 cm. Hũ có nắp, trang trí nổi băng cánh sen, vòng tròn nhỏ và 4 núm ngang với đặc trưng của hoa văn thời Lý – Trần.

Thống: Gốm men trắng ngà, hiện do Bảo tàng Nam Định lưu giữ, cao 45 cm, đường kính miệng 26,5 cm, gờ miệng tròn, thân tạo dáng bông hoa cúc, đáy bằng để mộc. Trên vai đắp nổi 2 băng cánh sen.

Trong các di tích, phế tích khai quật được ở khu vực thành Thăng Long, phần lớn chỉ là những mảnh của các loại đồ gốm gia dụng, ít gặp những tiêu bản nguyên lành. Song, đó chính là chứng tích về cuộc sống của con người thời Lý – Trần, cũng như những bằng chứng đích thực về dòng gốm men trắng dưới thời Lý-Trần. Gốm men trắng thời Lý – Trần có thể xem như dòng gốm bạch định ở Việt Nam và rất khác biệt so với Trung Quốc bởi xương gốm dày, thô, men không sáng bóng.

Các khu vực sản xuất gốm men trắng:

Khu vực sản xuất gốm men trắng có lẽ là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội. Gốm men trắng thời Lý thường được phủ dày và có màu trắng như nước gạo nếp nhưng sang thời Trần phổ biến là màu trắng ngà, lớp men mỏng không còn độ sâu lắng như trước nữa.
Gốm men trắng ngà thời Lý – Trần cũng chính là động lực cho sự phát triển đặc biệt của gốm men trắng thời Lê Sơ với những sản phẩm trang trí nổi hình rồng, phượng hay dây hoa lá,…. Gốm men trắng thời Lý-Trần đóng góp những minh chứng mới lạ về truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.

 

 

 

Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần

Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..

Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế

Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.

Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo

Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.

Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát