Tag Archive | gốm thời Lý Trần

HOA DÂY & DÂY LEO TRÊN GỐM ĐẠI VIỆT*

Đồ án hoa dây khá phổ biến và là một nét đặc trưng của gốm Lý Trần – sen dây và cúc dây trên nền gốm hoa nâu. Còn đối với dòng gốm men ngọc ( celadon ) thì lại nổi tiếng với những đồ án đắp nổi và ám họa dây leo mà giới cổ vật gọi nôm na là họa tiết ” dương xỉ ” !

Xin giới thiệu một chiếc bát men ngọc ám họa dây leo khá đặc biệt. Bát hình nón, ám họa trong lòng, cốt rất tinh và mỏng đều, không hề bị cong vênh.

Hình dáng, cốt cách, chân đế nhỏ giống gốm thời Tống, nhưng chân đế lại vuốt xoay tạo núm nhọn giữa trôn kiểu Yuan ( Nguyên ).

Vậy khả năng đây là gốm đầu thời Trần ( khoảng giữa TK13 ). So sánh với gốm men Ngọc lò Thiên Trường và gốm trắng Hoàng Thành Thăng Long thì tôi nghiêng về khả năng chiếc bát này chế tác tại lò Thăng Long hơn ( cốt rất mỏng ). Chỉ là phỏng đoán nhưng cũng đầy trăn trở thú vị!…

Nguồn: NST Nguyễn Dòng

HOA VĂN ÁM HỌA TRÊN GỐM*

Nghệ thuật tạo hoa văn ám họa trên gốm Việt có từ thời Lý và phổ biến hơn vào thời kỳ đầu và giữa Trần. Việc tạo hoa văn được thực hiện bằng khuôn ép. Sau khi tạo cốt, người thợ thay vì vẽ hoặc khắc lên thân gốm thì họ dùng một khuôn cũng bằng gốm có khắc hoa văn âm bản rồi ép vào cốt gốm, sau đó phủ men rồi đem nung. Độ dầy mỏng của lớp men tạo ra hiệu ứng, hiện ra những hoa văn, gọi là ám họa.

Đây là một dòng gốm khá phổ biến mà một nhà sưu tập dễ dàng bắt gặp. Đặc điểm của dòng gốm này là:
– Sản xuất hàng loạt, năng suất cao, nếu cùng khuôn thì gần như giống hệt.
– Vì sản xuất hàng loạt với số lượng lớn nên khi nung thường dùng con kê để xếp chồng lên nhau từ vài cho tới cả chục chiếc một chồng. Vì vậy trong lòng thường có vết con kê ( 3,4 hoặc 5 chấu ), hoặc ve lòng ( cạo một vòng tròn cho mất lớp men để khi đặt chồng lên và nung không bị dính men.
– Men phủ thường hơi loãng nên nhiều hiện vật bị đọng men dày dưới đáy hoặc loang men ở thành.
– Do lực ép không đều nên có những hiện vật hoa văn bị mờ, đứt hoặc mất hoa văn ở một vài chỗ…
Tuy được sản xuất hàng loạt nhưng trải qua 6-7 trăm năm, đến nay cũng thật hiếm khi chúng ta bắt gặp 2 hiện vật có cùng hoa văn ” y đúc “! Còn kiếm được chiếc khuôn ép có hoa văn trùng với hiện vật thì còn…khó hơn gấp bội!!!

Nguồn: NST Nguyễn Dòng

Gốm: Tóm tắt nhanh qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam

Lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nối tiếp là gốm Phùng Nguyên với các họa tiết hoa văn hình chữ S. Đây là tiền đề cho trang trí hoa văn trên đồ đồng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khi nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược 10 thế kỷ thì gốm bị kìm hãm phát triển. Đến giai đoạn độc lập, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gốm nước ta lại bùng lên phát triển và nổi tiếng trên thế giới.

Gốm thời tiền sử

Tìm thấy trong văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (15.000 – 10.000 năm cách ngày nay). Được nặn bằng tay, miệng loe, thân thẳng hoặc phình, trang trí hoa văn khắc vạch.

Gốm thời sơ sử

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm được làm bằng bàn xoay, tạo các hình đơn giản như hũ, vò, chum. Có hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng như văn chải mịn, khắc vạch song song, chấm dải, uốn lượn hình sóng nước, có dấu vết đan lát. Tạo dáng gốm Phùng Nguyên thường có miệng loe, thân phình, đáy tròn, có văn thừng trên miệng, chân đế cao.

Sang văn hóa Đông Sơn gốm có các tạo hình kế tiếp từ thời Phùng Nguyên, miệng loe, thân phình; trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn hình chữ S là chủ yếu.

Gốm thời kỳ Bắc thuộc

Hiện vật tiêu biểu là các vò, hũ nhỏ, có một lớp men mỏng nhưng không phủ hết. Màu men vàng nhạt hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí vẫn phảng phất nối tiếp trang trí từ văn hóa Đông Sơn như chữ S, hình thoi, vòng tròn tiếp tuyến, răng lược, chấm dải, văn chải dọc, văn thừng.

Gốm Việt Nam thời độc lập

Thời Đinh – Tiền Lê:

Chủ yếu là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, gạch trang trí hoa sen, hoa phượng. Xương gốm nặng, trong lòng bát đĩa thường có dấu chân kê lớn hình chữ thập.

Thời Lý – Trần:

Hiện vật đa dạng, phong phú về cả chủng loại và màu men. Bốn dòng men tiêu biểu là men trắng, men xanh lục, men nâu và men trắng vẽ hoa nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là sen và cúc.

Thời Lê sơ:

Nổi tiếng với dòng hoa lam, được vẽ bằng ôxit cô ban. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng, màu men sinh động, mềm mại. Hoa văn trang trí: Vẫn là hoa cúc, hoa sen, sóng nước, chim, cá.

Thời Mạc:

Nổi tiếng với dòng men nhiều màu, tam thái, ngũ thái. Hoa văn trang trí gồm hoa cúc, hoa sen, hoa phù dung, cúc dây, khóm cỏ, rong rêu, lá đề, sóng nước, vảy cá, phượng, ngựa, chim, vẹt, sư tử. Hai loại hình hiện vật tiêu biểu được biết đến là chân đèn và lư hương.

Thời Lê – Trịnh:

Với các làng gốm nổi danh như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiếu Lễ. Hiện vật phong phú đa dạng gồm chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu, lư hương hình bông sen. Hoa văn trang trí gồm hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim, sen vịt, sen trúc, sóng nước kết hợp với mây tản.

Thời Nguyễn:

Có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, gốm trang trí kiến trúc, xây dựng lăng tẩm. Men rạn trắng ngà và men trắng hoa lam thời kỳ này vẫn phát triển. Bên cạnh đó có thêm men đá, trắng đục (gốm Cậy), men xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hoa văn trang trí chủ yếu là tứ quý.