Archive | 19 Tháng Tư, 2017

Nhận diện hũ gốm sành nâu thời Trần

Cũng từ đất sét thường, nhưng nung ở nhiệt độ nâng cao hơn, ta có loại gốm mà xương đất đã chớm chảy, kết dính mịn và rắn chắc gần như gang, người ta thường gọi là: gốm sành nâu. Gốm sành nâu được nung ở nhiệt độ cao khoảng 12000C, lớp da ngoài thường đanh mặt, nhẵn, bóng như có mỡ phủ.

Hũ trang trí băng cánh sen ở vai và các đường gân nổi dọc ở thân

Gốm sành nâu có độ bền tốt hơn gốm đất nung, được chia làm hai loại là gốm sành thô và gốm sành mịn. Bề mặt các hiện vật sành thô khi cầm vào có cảm giác ráp gai, loại chất liệu này không được luyện lọc kỹ, ngâm kỹ mà chỉ được nhào nặn qua nước trước khi chế ra sản phẩm. Đất có lẫn cát mịn và một số hợp chất quặng mịn khác vì thế mà các sản phẩm này thường có độ giòn, dễ vỡ, khi gõ vào thường phát ra tiếng kêu của kim loại.

Hũ sành nâu thời kỳ này thường tạo dáng hình trụ tròn, miệng loe, cổ thắt, thân phình thon dần xuống đáy, chân đế loe, lõm giữa. Hoa văn trang trí chủ đạo vẫn là băng cánh sen và hoa cúc, thân thường tạo nổi các đường gân nổi dọc. Bên cạnh đó cũng có nhiều hiện vật thân để trơn, không trang trí hoa văn.

Nắp hũ tạo hình một bông cúc cách điệu