Tag Archive | Lý Trần

9 điều cơ bản cần biết về dòng gốm hoa nâu

1. Gốm hoa nâu được các chuyên gia gốm sứ thống nhất để mô tả một loại đồ gốm có trang trí hoa văn bằng men mầu nâu.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

 2. Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dầy, xương gốm thô và nặng được nung từ 1000 đến 1300 độ C.

3. Xuất hiện từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) nhưng phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

4. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn mầu nâu trên phần đã được cạo, hay vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền rồi đem nung.

5. Hai nơi sản xuất gốm hoa nâu chính là ở vùng Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng Thành Thăng Long.

6. Đề tài trang trí chủ đạo là sóng nước và hoa sen.

7. Nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu được vẽ theo lối tả thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh tư tưởng của thời đại.

Mảnh thạp trang trí cảnh tập luyện võ nghệ thời Trần

 8. Vào cuối thời Trần sang đầu thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện loại gốm vẽ màu nâu lên xương gốm sau đó mới phủ men.

 

9. Là dòng gốm được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, được xem là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới.

Giao lưu văn hóa Đại Việt – Chămpa trên cổ vật

Trong tiến trình lịch sử của mình vương quốc Chămpa luôn có những mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc văn hóa với các nước trong khu vực, trong đó có Đại Việt thời Lý – Trần.

Chămpa được thành lập vào thế kỷ thứ II, ban đầu có tên là Lâm Ấp, thế kỷ thứ VII mới đổi thành Chămpa. Buổi đầu kinh đô của vương quốc này được đặt tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhưng vào giữa thế kỷ thứ VIII, đã được dời xuống phía nam và đặt ở khu vực Phan Rang, Nha Trang ngày nay. Đồng thời lúc này thư tịch cổ không còn chép là Lâm Ấp nữa mà gọi là Hoàn Vương.

Hầu hết các tháp Phật thời Lý – Trần được làm bằng đất nung và có bình đồ hình vuông như tháp Bình Sơn, tháp Phổ Minh là tiếp thu từ văn hóa Chăm. Các tháp Chăm đều có bình đồ hình vuông do ảnh hưởng từ các tháp Tudi của Ấn Độ. Và tháp Chăm chỉ có một cửa vào cũng đã ảnh hưởng đến lối xây dựng chùa Một Cột dưới thời Lý.

Mô hình tháp đất nung thời Lý – Trần có bình đồ hình vuông mang hơi hướng của văn hóa Chăm

Trên những hiện vật gạch ngói úp nóc tạc hình chim uyên ương ở kinh thành Thăng Long chúng ta thấy có những nét phẳng phất giống với ngỗng thần Hamsa trong văn hóa Chăm, phần đầu cánh được xoắn lại tạo nên hình cánh cung giống với đôi cánh của thần điểu Garuda.

Tượng uyên ương trong văn hóa Lý – Trần

Chim thần Garuda trong văn hóa Chăm

Tượng chim Kinnari gốm đất nung trong văn hóa Lý – Trần được lấy nguyên mẫu từ tượng chim Kinnari bằng đá sa thạch trong văn hóa Chăm.

 

Chim Kinnari, chất liệu đá sa thạch trong văn hóa Chăm

Chim Kinnari, chất liệu gốm đất nung thời Lý – Trần

Như vậy, những dấu ấn Chămpa trong kiến trúc, mỹ thuật và tạo hình tại các công trình xây dựng cho thấy văn hóa Chămpa đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sáng tác, tư duy, thẩm mỹ của người Đại Việt thời Lý – Trần. Người Chăm đã mang những nét văn hóa riêng của mình ra Đại Việt, hòa trộn với văn hóa bản địa để làm nên sự tỉ mỉ, chau chuốt của các hiện vật thời Lý – Trần. Các hiện vật tồn tại cho đến ngày nay đã phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

 

 

Về thủ công nghiệp thời kỳ Lý – Trần – Lê sơ

Thủ công nghiệp nhà Lý có 2 bộ phận, của tư nhân và của nhà nước.

Lực lượng lao động trong thủ công nghiệp nhà nước là thợ bách tác. Họ làm việc như đúc tiền, chế tạo binh khí, chiến thuyền và các đồ dùng như tơ lụa và phẩm phục của triều đình. Thợ bách tác có nguồn gốc từ các chiến binh, nhiều nhất là người Chiêm Thành, các tội nhân, những thợ thủ công bị trưng tập làm trong các quan xưởng.

Thủ công nghiệp tư nhân thì rất phổ biến, họ làm ra các sản phẩm để tự túc hay trao đổi trên thị trường.

Các nghề phổ biến thời kỳ này gồm nghề dệt, nghề khai thác vàng, nghề đúc đồng, nghề in bản gỗ, nghề làm gốm.

Nhà Trần vẫn tiếp tục xây dựng quân xưởng thủ công nghiệp nhà nước.

Thủ công nghiệp nhà nước gồm có nhiều ngành nghề khác nhau như nghề gốm, nghề dệt, chế tạo vũ khí.

Nghề sản xuất gốm là một bộ phận quan trọng của quan xưởng. Lò gốm trong các quan xưởng này sản xuất các đồ dùng gia đình như chén, bát, đồ thờ cúng, các vật liệu xây dựng như gạch, ngói,… Tại Thiên Trường tìm thấy các phế tích gạch, ngói mang chữ “Vĩnh Ninh trường” hay “Thiên Trường phủ chế”.

Thủ công nghiệp nhân dân có nghề gốm, nghề rèn sắt, nghề đúc đồng, nghề làm giấy và khắc bản in, nghề mộc và xây dựng, nghề khai khoáng.

Hòa bình lập lại, nhu cầu phục hồi và phát triển nông nghiệp, xóm làng, xây dựng lại kinh thành, trấn lị đã thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công. Các ngành, nghề truyền thống như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, rèn sắt, dệt chiếu, làm nón, đúc đồng ngày càng phát triển ở các làng.

Những làng thủ công chuyên nghiệp lại nổi lên như Bát Tràng, Nghĩa Đô, Huê Cầu, Hương Canh, Mao Điền, Bất Bế,… Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề và lúc này được chia thành 36 phường.

Thời Lê sơ các công xưởng của nhà nước được gọi với tên chung là Bách tác. Cục này chuyên đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền, làm các đồ dùng cho vua quan như: mũ, áo, giày, hốt?

Để tiện việc buôn bán, trao đổi nhà Lê bỏ tiền giấy thời Hồ, cho đúc tiền đồng mới và quy định rõ: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng.

Những loại cổ vật Việt Nam là duy nhất trên thế giới

Jean Francois Hubert, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, cổ vật Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam, văn hóa Chămpa… đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cổ vật Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn về Việt Nam, ông Hubert cho biết: “Tôi vô cùng ấn tượng về đồ gốm Việt Nam. Những chiếc ấm, thạp thời Lý – Trần hay bình vôi, chum, hũ thời Lê… cả hình dạng, phong cách, họa tiết trang trí thì không lẫn vào đâu được. Tôi thường nói đùa những đồ vật này là 300%, thậm chí 500% là cổ vật Việt Nam, với nhiều đặc trưng mà đồ gốm các nước khác, kể cả Trung Quốc không hề có. Những dấu hiệu trên những cổ vật ấy mang dấu ấn của hội họa trừu tượng. Cách đây 10 thế kỷ mà người Việt đã nghĩ ra những họa tiết như vậy thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, những đồ gốm thời Lý – Trần là tuyệt tác. Văn hóa Đông Sơn độc đáo và duy nhất trên thế giới, xứng đáng để chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trong khi đó, người Trung Quốc khi viết về văn hóa Đông Sơn thì thường xem nền văn hóa này như một bộ phận của văn hóa Quảng Tây. Phía Trung Quốc, vẫn có những cuộc triển lãm về đồ Đông Sơn của Việt Nam và ghi chú giải thích bên dưới đó là thuộc văn hóa Trung Quốc. Theo tôi, nền văn hóa này là của Việt Nam 100%”…

* Thưa ông, cổ vật ở Việt Nam hiện đang thật giả lẫn lộn, không chỉ đồ giả mà còn làm giả trên chính đồ thật. Là một chuyên gia, ông làm thế nào để phát hiện sự thật – giả này? Có cách nào để phòng tránh?

Ở Việt Nam, một số thợ gốm ở Bát Tràng, thợ điêu khắc đá ở Đà Nẵng hay thợ đúc đồng ở Thanh Hóa… làm đồ giả cổ rất giỏi. Họ phỏng theo đồ thật và làm đồ giả giống như thật. Có trường hợp ở Thanh Hóa, người ta làm đồ giả cổ, phết thêm một lớp “ten” đồng của đồ thật ở bên ngoài rồi hô hoán đào được trong lòng đất, rồi có người đứng ra làm chứng hẳn hoi… Thật ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có chuyện làm giả như vậy chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Muốn phân biệt thật – giả trước tiên phải xem xét dấu vết thời gian đọng lại trên hiện vật. Công việc này chúng tôi làm hằng ngày và trong nhiều năm nên đã đúc rút thành kinh nghiệm để nhận diện. Muốn giám định đúng hiện vật phải thường xuyên tiếp cận, cọ xát từ ngày này sang ngày nọ, rất cần mẫn, công phu và mất nhiều thời gian. Với nghề này, càng tiếp cận nhiều với hiện vật càng dễ đi đúng hướng.

Thật ra trên thế giới chỉ có khoảng năm hay sáu người thật chuyên, thật giỏi, có thể hiểu được tường tận một số đồ vật. Nhưng trên thế giới cũng có những kẻ lừa đảo rất giỏi, có thể tồn tại trong nghề giả cổ này đến 20 năm.

Tôi học được rất nhiều từ những nhà sưu tập Việt Nam. Họ khá lạ, có người trong 20 năm ròng chỉ mân mê đồ vật mà tích lũy kinh nghiệm chứ không học từ sách vở hay trường lớp nào như các nhà giám định ở phương Tây. Lâu ngày tự nhiên có kiến thức, phân biệt rất già dặn. Họ kinh nghiệm đồ đồng Đông Sơn thật sẽ rất nhẹ. Còn tượng Chămpa thật nếu búng vào thì có tiếng “lanh canh, long cong”. Chỉ cần nhấc một tượng Phật gỗ Phù Nam lên, người giỏi biết ngay thật – giả.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới có nhiều đồ giả mà ngược lại phương Tây còn nhiều hơn. Thực trạng cổ vật ở Việt Nam cho thấy đó là một gia tài đồ sộ, và nghiên cứu của chúng ta về gia tài này thì chưa tới đâu.

* Ông có lời khuyên nào đối với người chơi cổ vật Việt Nam?

Nếu lao vào cuộc chơi này trước tiên nên tin tưởng ở mình và tự học, nên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với hiện vật. Nên đến các phòng triển lãm hoặc viện bảo tàng để xem và sau đó là tìm sách để đọc. Ở Việt Nam có nhiều cuốn sách viết về cổ vật rất tốt, nhiều công trình biên khảo về đồ gốm rất có giá trị.

Người chơi cũng nên chọn thái độ lương thiện, liêm sỉ trong cuộc chơi, vừa nhũn nhặn để học tập, nuôi cho mình sự đam mê mới đi được xa. Theo tôi, phải mất ít nhất 15 năm mới biết mình có trụ vững trong nghề hay không. Tất nhiên, khi đạt đến trình độ bình phẩm về cổ vật mới được coi là người có nghề. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu trong một thời gian dài.

Ngày xưa Henri Parmentier khởi đầu bằng việc khai quật ở Mỹ Sơn. Xem lại những cuộc khai quật tương tự, so với thế giới thì đúng là nước Pháp đi trước các nước khác cả 30 năm nhưng sau đó thì chững lại. Những viện bảo tàng Pháp sau những bước đi đầu rất đẹp, chỉ ôm khư khư những hiện vật cổ, cho đến nay chậm hơn không dưới 30 năm so với nhiều bảo tàng trên thế giới.

Từng có những sự kiện chấn động ở Pháp khi một chuyên gia về Chămpa công bố những khám phá mới và được giới nghiên cứu lắng nghe. Nhưng sau đó mới lòi ra đó là những món đồ sao chép khiến người ta rất hoang mang. Vì thế, nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết trong một thời gian dài mà không sờ đến hiện vật sẽ không phân biệt được thật – giả và sẽ có nhiều lỗ hổng trong giám định…

* Người Việt Nam đang có xu hướng giảm chơi đồ gốm Trung Quốc mà chuyển sang chơi đồ gốm Việt Nam. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Trước tiên phải thừa nhận đồ gốm Trung Quốc số lượng rất lớn và có lẽ mang một “thiên chức vương giả”. Đồ càng đẹp, càng uy nghi thì người Trung Quốc càng trọng. Trong khi đó người Việt Nam và Nhật Bản khi xem xét hiện vật thường có khuynh hướng nhân văn hơn, thường đặt trong một bối cảnh có nhiều mối tương quan với đất đai. Gặp những món đồ có vết rạn, người Trung Quốc thường vứt bỏ.

Người Việt Nam và Nhật Bản thì giữ lại. Họ thấy trong đó có hình ảnh, tiếng nói của đất. Tôi cảm thấy người Pháp chúng tôi cũng có tương quan về đất đai như thế nhưng ở tầm mức ít sâu sắc hơn. Điều này không hiểu sao ở người Việt lại mãnh liệt đến mức kỳ lạ. Theo tôi, trong 30 năm tới đây xu hướng này sẽ rõ nét hơn, và giới sưu tầm trên thế giới sẽ nghiêng hẳn về xu hướng này.

* Ở Việt Nam mới chỉ có các cuộc đấu giá cổ vật nghiệp dư và tự phát. Theo ông, vì sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá cổ vật? Phải chăng do luật pháp không đầy đủ, do người Việt không có kinh nghiệm hay do sức hút của thị trường kém?

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Philippines… cũng không có sàn đấu giá. Đấu giá cổ vật là một sự bảo đảm tính thật – giả rất tốt cho hiện vật. Nhưng chính vì tính phức tạp và cơ chế đấu giá cổ vật ở Việt Nam chưa rõ ràng cho nên người ta chưa tổ chức được. Trong cuộc bán đấu giá không thể phỉnh gạt, làm mờ mắt ai được. Đem một cái thố ra bán phải kèm theo bảo hiểm, rồi phê bình, miêu tả rất đầy đủ, từ xuất xứ, niên đại, tính chất, đặc điểm, rồi định giá…

Điều tôi thích ở các cuộc đấu giá là mọi chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ kẻ bán người mua cho đến giá cả, sự thật – giả… Chính vì vậy mà cuộc đấu giá có nhiều thủ tục phức tạp khiến nó chưa thể thực hiện ở Việt Nam. Các hãng đấu giá lớn trên thế giới cũng từng gặp những phiền toái như thế.

Có trường hợp khách hàng đưa 10 hiện vật đến hai hãng Christie’s và Sotheby’s để đấu giá. Qua thẩm tra, khảo cứu, các hãng đấu giá chỉ chọn được hai món để đưa ra đấu giá và cất đi tám món. Sau đó, hãng đấu giá trả lời rất khéo rằng họ chỉ bán được hai món. Vì thế, đôi khi những người có cổ vật bị từ chối thì sinh lòng trách giận hãng đấu giá.

* Dự đoán của ông về thị trường đấu giá cổ vật của Việt Nam?

Tôi chưa nhìn ra được thị trường này, kể cả trong nhiều năm nữa. Hai hãng đấu giá lớn là Christie’s và Sotheby’s đã suy nghĩ về việc này hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới khởi đầu trong một vài năm gần đây. Muốn làm được điều này sẽ phải vượt qua nhiều quy định rất phiền phức của chính quyền sở tại. Rồi hiện tượng dối trá, lọc lừa.

Người ta ít khi nghĩ đến những khoản lợi nhuận vô cùng lớn mang lại cho quốc gia nếu làm được điều này mà cứ nghĩ đây là trò tiêu khiển của một nhóm người, do đó chưa đặt sự việc đúng tầm mức.

Việt Nam các bạn tương tự Pháp và Ý, là những xứ sở có nền văn hóa rất cao. Những giá trị của nền văn hóa như thế này là độc nhất vô nhị. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết người Việt Nam có nhận ra được điều đó không. Tôi nghĩ người Việt Nam bây giờ phải nghĩ cách tái chinh phục văn hóa của nước mình. Có thể nói văn hóa Việt Nam như khoáng sản, chẳng khác dầu mỏ mà chưa ai biết cách khai thác để làm giàu.

* Theo ông, vị trí và giá trị của cổ vật Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?

Trên thị trường thế giới, cổ vật Việt Nam không được quan tâm như hội họa, vốn có vị trí cao và đang tiếp tục vươn lên. Cổ vật Việt Nam, những đồ Đông Sơn có tiếng tăm cũng chưa nhiều, đó là chưa kể những cổ vật đích thị của Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc nhìn nhận của họ. Từ những năm 1995 – 1996 tôi có tổ chức một số triển lãm và đấu giá cổ vật Việt Nam, nhưng giá cả nhìn chung không cao lắm. Trong khi đó, vị trí và giá cả của hội họa Việt Nam đã tăng lên cao trong tổng thể hội họa châu Á.

Nguồn: Cuộc phỏng vấn do THÁI LỘC – TRẦN ÐỨC ANH SƠN thực hiện

Tg: Chắc chắn nội dụng cuộc phỏng vấn sẽ gợi cho các chuyên gia, những người chơi và yêu thích cổ vật Việt Nam nhiều suy ngẫm…

Tóm tắt về bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần

Bộ máy quản lý nhà nước thời Lý được xây dựng trên định hướng tập trung quyền lực vào nhà vua, bao gồm hai cấp là cấp triều đình và cấp địa phương. Nhà vua có uy quyền tuyệt đối, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước. Trong triều đình, dưới vua có các quan đại thần để cùng bàn bạc việc nước với vua. Dưới quan đại thần còn có quan lại ở các sảnh, các viện. Để thuận tiện cho việc quản lý, nhà Lý chia khu vực hành chính ra thành 3 cấp là phủ/lộ, huyện và hương.

Song song với hệ thống quan lại thông thường, do ảnh hưởng của Phật giáo, thời nhà Lý còn có hệ thống tăng quan với mục đích giúp nhà vua quản lý các tăng đồ về mặt hành chính, đồng thời cũng là hệ thống giúp bảo vệ quyền lợi của Phật giáo.

Sang thời Trần, nhà Trần thay nhà Lý tiếp tục củng cố tổ chức nhà nước theo hướng tập trung quyền lực vào nhà vua. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lực cho nhà vua, nhà Trần còn áp dụng chế độ Thái thượng hoàng.

Bộ máy quản lý nhà nước vẫn chia thành hai cấp là triều đình và các cấp địa phương. Tại triều đình có bộ phận trung khu gồm các Tể tướng, Tri mật viện sự và Hành khiển ở môn hạ sảnh có nhiệm vụ chỉ đạo các quan văn võ. Dưới trung khu có các cơ quan chức năng là 6 bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Đây là điểm khác biệt tiến bộ so với thời Lý khi có sự tách biệt giữa bộ phận quản lý và bộ phận thực hiện công việc. Ở các địa phương, nhà Trần cũng chia tổ chức chính quyền thành ba cấp: phủ/lộ, huyện/châu, hương/xã.

Nhìn chung, trải qua gần bốn thế kỷ, bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần đã được xây dựng theo lối chính quy, bao quát khắp mọi cấp, mọi lĩnh vực và từng bước được hoàn thiện về mặt tổ chức từ trung ương đến địa phương.

Một góc nhìn khác về sự thành lập vương triều Lý

Lê Long Đĩnh trên ngôi vua tỏ ra là một người độc ác, khát máu, lấy việc chém giết làm thú tiêu khiển. Vì vậy, mà phái tăng đạo mấy lâu vẫn ủng hộ nhà Lê, cũng không chịu nổi những hành động tàn bạo của Long Đĩnh – việc Long Đĩnh ngược đãi sư Quách Ngang có thể là chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa nhà vua và phái tăng nhân đã có thái độ đối lập.

Sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, đã chán gét nhà Lê đến nỗi đặt ra câu sấm đoán trước sự diệt vong của nhà Lê và sự hưng khởi của nhà Lý để khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi.

Nhân lòng oán ghét của tất cả các tầng lớp xã hội đối với nhà Lê, Lý Công Uẩn là Điện tiền chỉ huy sứ trông nom quân cận vệ, quyết định thực hiện âm mưu soán đoạt. Lý Công Uẩn vốn quê ở làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), khi nhỏ làm con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Vân nên lấy họ là Lý. Công Uẩn khéo thu phục được tình cảm của tất cả quân lính ở dưới tay mình và được bọn quan liêu văn võ trong triều kính phục. Sau khi Long Đĩnh chết năm 1009 – vì nhiều bệnh tật nên Long Đĩnh chết non mới 24 tuổi – Công Uẩn âm mưu với một người bộ hạ là Đào Cam Mộc để giảng dụ bọn triều quan tôn Công Uẩn làm vua. Mọi người đều theo Cam Mộc bèn tổ chức lễ đăng cực cho Công Uẩn. Vương triều Lý được thành lập.

Theo “Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, quyển thượng, Nxb Xây dựng, 1955”.

Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần

Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..

Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế

Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.

Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo

Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.

Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát

Nhớ các sự kiện, dấu ấn văn hóa vương triều Lý qua cổ vật

Triều Lý kéo dài hơn 200 năm (1009 – 1225) là triều đại đầu tiên trong số các triều đại lớn của dân tộc. Triều đại này đã đem lại cho Việt Nam khung chính trị, hành chính, quân sự vững chắc mà Việt Nam chưa có, và đưa đất nước trở thành một quốc gia không chỉ chống trả các vụ xâm lược từ Trung Quốc, mà còn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.

Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), ông được nuôi dạy trong một ngôi chùa của làng này. Tuổi trẻ, ông theo nhà sư Vạn Hạnh vào triều đình ở Hoa Lư và làm đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Sự phóng đãng của Lê Long Đĩnh đã đẩy đất nước vào tình trạng rối ren; từ lòng dân thốt lên tiếng thở dài khao khát trật tự, tổ chức và công lý;  bản thân các tù trưởng cũng ý thức được những hiểm họa trầm trọng từ cuộc khủng hoảng trong bộ phận lãnh đạo quốc gia. Vạn Hạnh với uy tín sẵn có đã thuyết phục được số người này đưa học trò của mình lên ngôi: con đường tiến tới ngôi vua của Công Uẩn không gặp cản trở nào‹¹›. Nhà vua mới lên ngôi, mở đầu triều đại bằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long “thành phố rồng bay lên”.

Như vậy, Giáo hội Phật giáo đã tạo thuận lợi cho việc nhà Lý lên ngôi. Đáp lại, triều Lý dành cho Phật giáo những đặc ân lớn nhất. Phẩm trật của Giáo hội được đặt dưới quyền tối cao của một Quốc sư “người thầy của vương quốc”. Quốc sư giúp nhà vua trong các nghi lễ cầu cho quốc gia được thịnh vượng và thường là nhà cố vấn riêng của nhà vua. Sự sủng ái Phật giáo của các vị vua triều Lý đã được Toàn thư ghi lại: không có năm nào mà các nhà vua không cho xây dựng chùa chiền và đúc chuông. Nước Đại Việt ta dưới triều đại nhà Lý được khoác một “tấm áo chùa chiền”.

Kiến trúc chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (Ảnh internet)

Đây được xem là thời kỳ đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam. Tính độc đáo của nó được cấu tạo từ tổng hợp các ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Á, do những người đi hành hương mang lại, kết hợp với các yếu tố của Trung Quốc và Chăm cùng với những hồi tưởng về chính nguồn gốc Nam Á của mình. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tất cả các ảnh hưởng này, nghệ thuật thời Lý vẫn mang một phong cách đặc biệt của Việt Nam, trong kiến trúc cũng như trong điêu khắc và gốm.

Bảo vật quốc gia – Tượng Phật A Di Đà bằng đá tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh (Ảnh internet)

Thật vậy, ngoài những ngôi chùa và tháp còn lại đến ngày nay (dù đã được trùng tu nhiều lần) như ngôi chùa Một Cột (còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài), quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh), đền Linh Lang (đền Voi Phục), tháp Bình Sơn… thì những mô hình chùa, tháp thu nhỏ (stupa) thời kỳ này là những bằng chứng minh xác nhất cho thấy sự thịnh vượng của Quốc giáo này.

Mô hình chùa thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)

Mô hình chùa gồm 2 tầng với 8 mái cong, viền chân và chóp phía trên đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen cánh nhỏ, viền mái được tạo thành từ một dải các hình ống nhỏ chạy song song nhau, trên cùng là bông hoa sen đang nở với các cánh hoa to, mập được chạm khắc tỉ mỉ hình hoa phía ngoài. Mô hình chùa có chiều cao 1m 55, chiều dài cạnh đáy là 75 cm.

Mô hình tháp thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)

Mô hình tháp được tạo dáng hình trụ đứng với chân đế hình vuông, gồm 9 tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng có 4 mái cong. Mô hình tháp có chiều cao là 58 cm, chiều dài mỗi cạnh đáy là 5 cm.

Nét đặt trưng cơ bản của kiến trúc tháp thời kỳ này là mái cong. Mái cong vốn không bắt nguồn từ cái lều của người Mông Cổ như người ta vẫn nghĩ, mà là từ lều của người Nam Á‹²›. Loại mái này đã thấy xuất hiện trên các trống đồng‹³›. Ở Trung Quốc, kiến trúc được trình bày trên các phù điêu và trên đá lát hầm mộ của người Hán lại cho thấy mái nhà hoàn toàn thẳng. Chỉ dưới thời nhà Đường mới thấy xuất hiện ở Nam Trung Quốc hình dáng mái cong, nhập từ Giao Châu và từ đây được phổ biến ở Trung Quốc phía Bắc và ở Bắc Kinh.

Hình ảnh ngôi nhà mái cong trên trống đồng Đông Sơn (Ảnh internet)

Như vậy, cùng với sự lớn mạnh về chính trị, kinh tế, vương triều Lý đã cho thấy một sự nở rộ về văn hóa. Một quốc gia trẻ đã chống trả và chiến thắng được quân Tống (Trung Quốc) với tài thao lược quân sự của Lý Thường Kiệt cùng sự đồng lòng của nhân dân, trong khi vẫn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.

 

1.Việt sử lược, q.II, t. 1- 2a

2. Boerschmann, Chinesische Architektur [Kiến trúc Trung Quốc], Berlin, 1925, trang 25 – O. Sirèn, Historie des arts anciens de la Chine [Lịch sử các nghệ thuật cổ của Trung Quốc] IV, L’Architecture [Kiến trúc], Paris, Van Oest 1930, trang 24, – J.Y.Claeys, “Introduction à l’étude de I’Annam et du Champa “[Dẫn nhập vào việc nghiên cứu An Nam và Chămpa], BAVH, 1934, Paris e.

3. V.Gloubew, “La maison dongsonienne” [Nhà thuộc văn hóa Đông Sơn], CEFEO, số 14, 1938.