Archive | 24 Tháng Tư, 2017

Chiêm ngưỡng 4 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Đông Sơn

1. Trống đồng Hoàng Hạ, là một trong những chiếc trống đẹp nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Năm 1937, trống được phát hiện khi đào mương tại thôn Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Mặt trống trang trí hình mặt trời 16 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công, cảnh sinh hoạt, chèo thuyền, xử tử tù binh… Cùng với nhóm trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Cổ Loa, trống đồng Hoàng Hạ phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân Đông Sơn, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật đúc đồng thời dựng nước đầu tiên của dân tộc.

2. Thạp đồng Đào Thịnh, được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Trong văn hóa Đông Sơn, thạp đồng là di vật tiêu biểu sau trống đồng và chủ yếu chỉ xuất hiện trong phạm vi phân bố của nền văn hóa này. Trong hàng trăm chiếc thạp đã phát hiện thì thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo nhất.

Đặc biệt trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm 4 khối tượng nam nữ đang giao hoan, loại tượng mới gặp duy nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Bộ phận sinh dục của người đàn ông được nhấn mạnh bằng cách phóng đại so với tỷ lệ cơ thể, phản ảnh tín ngưỡng phồn thực với khát vọng vạn vật sinh sôi nẩy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Việc người nam đeo dao găm ngay cả trong lúc sinh hoạt tình dục cho thấy vũ khí luôn thường trực bên người, phản ảnh trong văn hóa Đông Sơn đã phát sinh xung đột xã hội dẫn tới chiến tranh, là tiền đề hình thành các thủ lĩnh quân sự, tạo nên một trong những cơ sở vật chất hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc.

3. Cây đèn hình người quỳ, thể hiện hình tượng người đàn ông mình trần đóng khố tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười, đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng gắn 3 cành chữ S, mỗi cành chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Cánh tay, cổ tay có đeo trang sức, tai đeo hoa hình khuyên to tròn. Cây đèn là hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán.

4. Mộ thuyền Việt Khê, có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, có niên đại 2.000-2.500 năm. Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng (còn gọi là mộ thuyền) đã phát hiện ở Việt Nam. Mộ chứa 109 đồ tùy táng gồm chủ yếu là các loại vũ khí, nhạc khí, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt bằng đồng. Mộ thuyền được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Sự tích chim lạc theo Giáo sư Đào Duy Anh

Những người Việt trong bộ lạc ở bờ biển Phúc Kiến thường năm cứ theo gió mùa nhân gió bấc mà vượt đến miền duyên hải ở phương Nam. Đến tiết gió nồm họ lại vượt trở về nơi căn cứ.

Trong những đợt vượt biển hàng năm ấy, họ thường tự sánh mình với chim lạc, một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, mà hàng năm đến mùa gió bấc họ thấy cũng dời bờ biển Giang Nam mà bay về Nam, đồng thời với cuộc xuất dương của họ. Đến mùa gió nồm họ thấy các chim ấy cũng trở lại miền Giang Nam, đồng thời với cuộc hồi hương của họ.

Vì thế mà dần dần trong tâm lý phát sinh một ý niệm về mối quan hệ mật thiết giữa họ và loài chim ấy, rồi ý niệm trở thành quan niệm tô tem (vật tổ), khiến họ nhận chim lạc làm vật tổ. Cái tên vật tổ ấy trở thành tên của thị tộc, nên người ta cho rằng những người Việt tộc ấy là họ Lạc.

Những khi vượt biển họ thường hóa trang, mang lông chim Lạc ở đầu và ở mình để hóa thành hình trạng chim tổ và đặt khắp nơi trong thuyền hay mang ở mình những huy hiệu của chim vật tổ, những hành động ấy là cốt cầu vật tổ phù hộ cho họ được an toàn giữa biển khơi.

Các hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng trên tang trống đồng Ngọc Lũ chính là việc hình dung lại những chiếc thuyền mà tiền nhân của người Việt đã dùng để vượt biển từ Phúc Kiến đến. Những chim bay và chim đậu ở mặt trống chính là chim Lạc vật tổ ấy.