Sự tích chim lạc theo Giáo sư Đào Duy Anh

Những người Việt trong bộ lạc ở bờ biển Phúc Kiến thường năm cứ theo gió mùa nhân gió bấc mà vượt đến miền duyên hải ở phương Nam. Đến tiết gió nồm họ lại vượt trở về nơi căn cứ.

Trong những đợt vượt biển hàng năm ấy, họ thường tự sánh mình với chim lạc, một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, mà hàng năm đến mùa gió bấc họ thấy cũng dời bờ biển Giang Nam mà bay về Nam, đồng thời với cuộc xuất dương của họ. Đến mùa gió nồm họ thấy các chim ấy cũng trở lại miền Giang Nam, đồng thời với cuộc hồi hương của họ.

Vì thế mà dần dần trong tâm lý phát sinh một ý niệm về mối quan hệ mật thiết giữa họ và loài chim ấy, rồi ý niệm trở thành quan niệm tô tem (vật tổ), khiến họ nhận chim lạc làm vật tổ. Cái tên vật tổ ấy trở thành tên của thị tộc, nên người ta cho rằng những người Việt tộc ấy là họ Lạc.

Những khi vượt biển họ thường hóa trang, mang lông chim Lạc ở đầu và ở mình để hóa thành hình trạng chim tổ và đặt khắp nơi trong thuyền hay mang ở mình những huy hiệu của chim vật tổ, những hành động ấy là cốt cầu vật tổ phù hộ cho họ được an toàn giữa biển khơi.

Các hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng trên tang trống đồng Ngọc Lũ chính là việc hình dung lại những chiếc thuyền mà tiền nhân của người Việt đã dùng để vượt biển từ Phúc Kiến đến. Những chim bay và chim đậu ở mặt trống chính là chim Lạc vật tổ ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.