Tag Archive | chum
NGÔI NHÀ 4000 CỔ VẬT – Vĩnh Phúc
Nhận thức trước các giá trị văn hoá làng quê đang ngày dần mai một; từ những năm 90 của thế kỷ XX, anh nông dân Nguyễn Văn Trường ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ấp ủ, cóp nhặt, sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ trong xóm ngoài làng với một ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.
(Anh Nguyễn Văn Trường và ngôi nhà cổ vật)
Tư tưởng Phật giáo trên cổ vật thời kỳ Lý – Trần
Nhà nước Lý – Trần tôn chuộng đạo Phật, Phật giáo được xem là quốc giáo. Chính vì vậy, biểu tượng của Phật giáo không chỉ xuất hiện trên các hiện vật gốm xây dựng, trang trí kiến trúc chùa, tháp, mà nó còn được biểu hiện vô cùng phong phú trên loại hình gốm gia dụng với các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, âu, hũ, chum, thạp v.v..
Nếu hoa sen biểu trưng cho sự thanh cao, thanh tịnh của Phật giáo, cá biểu tượng cho sự giàu có, phồn thịnh. Thì sự kết hợp 2 biểu tượng này trong cùng một đồ án trang trí trên chiếc đĩa men xanh lục thời kỳ này như muốn truyền tải đi thông điệp về một xã hội thịnh vượng với tư tưởng và giáo lý Phật giáo xuyên suốt, bao trùm lên mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Bát men xanh lục trang trí đề tài sen – cá rất tỉ mỉ, tinh tế
Lá đề tượng trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở, giác ngộ Phật pháp là cấu kiện gắn trên ngói nóc dùng để trang trí phần mái các công trình kiến trúc. Hình tượng rồng trong lá đề thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa uy quyền của nhà vua và uy linh của đức Phật. Hình tượng rồng với những chi tiết biểu trưng cho Phật giáo như lông mày tạo hình số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng kim cô của nhà Phật, phía trước trán có hình chữ S đứng, ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông. Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được tạo theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và vẩy.
Lá đề biểu trưng cho sự báo hiệu, nhắc nhở của Phật giáo
Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187]. Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần, truyền đi tư tưởng Phật giáo bao trùm lên mọi mặt ở giai đoạn này.
Cánh hoa cúc được vuốt thành các đường gờ nổi trong lòng bát