Archives

Bộ sưu tập báu vật “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình

Sau hơn 43 năm rong ruổi khắp nơi sưu tầm đồ cổ, hiện ông Đinh Văn Dần,sinh năm 1950, ở phường Bích Đào, (TP Ninh Bình) đang sở hữu hàng nghìn cổ vật quý giá.

Ông Dần, cho biết, trong bộ sưu tập cổ vật của ông có nhiều cổ vật mang tầm bảo vật quốc gia như: Bình, tháp, ấm, bát gốm sứ Lý Hoa nâu(thời nhà Lý); lư hương, ấm gốm thời nhà Mạc; đèn gốm đầu hạc nhà Lý; ấm rượu thời Lý; đèn nhà Trần; ghè thời Minh, đôi nghê thời Lê…

Với ông cổ vật quý không quan trọng được làm bằng chất liệu gì chỉ cần có có giá trị về thời gian, có tính thẩm mỹ cao. Chính vì thế bộ sưu tập cồ vật của ông rất phong phú và đa dạng về chất liệu như: Gốm sứ, đồng, đá, sắt, gỗ, ngọc…

Được biết, ngoài thú sưu tầm cổ vật ông Dần còn nhận sửa chữa, phục chế hoa văn, họa tiết cổ vật để kiếm thêm tiền sưu tầm thêm cổ vật.

Ông Dần chia sẻ: “ Tương lai tôi muốn xây bảo tàng để trưng bày hết những cổ vật mình có và sau này sẽ để lại toàn bộ cho con cháu tôi. Với tôi cổ vật quý là vô giá trị, nó là tinh hoa, là di sản của mỗi thời kỳ đất nước nên tôi muốn sưu tầm, gìn giữ và bảo về cho thế hệ mai sau. Tôi rất mong con cháu tôi sau này sẽ kế thừa thú chơi cổ vật của tôi gìn giữ, phát huy hết giá trị của cổ vật”.

Sau đây mời độc giả cùng chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật “siêu khủng” của ông Dần được phóng viên Báo Dân Sinh ghi lại.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 1Tốt nghiệp Đại học cơ điện Thái Nguyên loại ưu nhưng ông Dần không theo nghề mà lại say mê chơi, sưu tầm cổ vật.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 2

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 3Một góc trưng bày cổ vật quý của ông Dần.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 4

“Lọ Mai Bình (Tuyên Đức niên chế) cao 45cm thuộc loại gốm Việt cao cấp thời nhà Minh, được sản xuất, chế tác năm vua Tuyên Đức, đến giờ vẫn lành nguyên vẹn, đầy đủ hoa văn, chữ nghĩa. Ông Dần cho biết đây là món đồ đầu tiên ông mua và hiện tại giá trị quốc tế của nó là khoảng 15 triệu đôla. Hiện tại ông có 3 chiếc bình này.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 5Cận cảnh hoa văn tinh tế của một chiếc lọ Mai Bình.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 6Chiếc bình Lý Hoa nâu là một trong 4 cổ vật quý thuộc dòng gốm sứ thời nhà Lý. Nhiều người trả tiền tỷ nhưng ông không bán. Bình còn nguyên vẹn, họa văn, họa tiết từ 5- 7 tầng rõ nét như: Hoa sen quấn, hoa cúc,  hoa thị, người, phật, quỷ đội cánh sen. Theo lời ông cổ vật thời Lý mang đậm dấu ấn phật giáo vì thời đó đạo phật được tôn xùng và con là quốc giáo.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 7

Trong bộ sưu tầm của ông có nhiều cổ vật tầm cổ vật quốc gia như lư hương men ngọc lam sám thời nhà Mạc, cao khoảng 30 cm, lành tuyệt đối cao. Hoa văn trên lư hương gồm rồng, phương, chim, cánh sen và minh văn, thái cực nó mang ý nghĩa thể hiện sự tâm linh cao quý.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 8Đèn dầu gốm đầu hạc thời nhà Lý là cổ vật ông rất quý và tự hào vì cả nước có vài cái và trên bảo tàng Quốc Tế có một cái nhưng đêu bị sứt, mẻ, hỏng men và xấu không được đẹp bằng của ông.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 9

Chiếc mặt nạ Mo Mường của ông Dần được Unesco dán tem công nhận là di sản văn hóa.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 10

Đôi nghê thời Lê, cao 30cm, thân vảy rồng, mặt sư tử.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 11

Một chiếc bình rượu gốm sứ thời nhà Mạc, men lam, hình cá đâu chim, cao 20cm, rộng khoảng 7cm, trên thân ấm có hoa văn như dải lụa, ngư tảo.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 12Rìu đá cổ.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 13Ông Dần, sở hữu rất nhiều bình vôi thời Lý.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 14Ông Dần tận dụng chiếc phản để bày những cổ vật quý như: Rìu đá, rìu ngọc, dao ngọc, ngọc bội, bát…

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 15Những miếng ngọc bội quý có niên đại hàng nghìn năm từ các thời đại triều đình khác nhau.

Bộ sưu tập báu vật  “siêu khủng” của đại gia Ninh Bình - Ảnh 16Sinh ra ở vùng đất có nghề truyền thống chụp ảnh, và từng hành nghề chụp ảnh kiếm sống, ông Dần tự làm cho mình một bức ảnh với tên gọi “Người sưu tầm báu vật”.

Đỗ Đức

Nguồn: http://baodansinh.vn/bo-suu-tap-bau-vat–sieu-khung-cua-dai-gia-ninh-binh-d2088.html

Kinh thành Thăng Long thời Lý (1009-1225)

Kinh thành Thăng Long

Từ thời Lý, cấu trúc “tam trung thành quách” đã định hình rõ ràng. Vòng thành trong cùng bao bọc nơi ở của vua, gọi là Cấm thành, vòng thành giữa bao bọc nơi nhà vua và triều đình làm việc, bao trọn cả Cấm thành, là Hoàng thành, hay còn gọi là Long thành. Vòng thành ngoài cùng bao bọc nơi ở của quan lại, thái tử, hoàng tử, anh em họ hàng nhà vua và dân chúng, gọi là Đại La thành. Vùng đất nằm giữa Hoàng thành và Đại La thành gọi là Kinh thành.

kinhthanhVới chủ trương không bao bọc thái tử và hoàng tử trong bốn bức tường Hoàng thành, các vua triều Lý luôn xây dựng cung điện ở ngoài thành cho các con trai của mình. Ngoài Hoàng thành là Kinh thành với muôn mặt đời sống thường nhật của người dân diễn ra mỗi ngày. Đó là cách tốt nhất để các thái tử và hoàng tử hiểu rõ việc đời, việc người, hiểu rõ về xã hội, dân chúng mà họ sẽ trị vì sau này.

Cung điện của Thái tử được gọi là cung Long Đức. Đây là cung điện cố định nhất trong số các cung điện dành cho con trai của nhà vua. Khi một hoàng tử được lập làm thái tử thì sẽ được dọn về ở tại cung này. Khi thái tử lên ngôi vua, cung này lại được dành cho thái tử thế hệ kế tiếp. Vì thế, chủ nhân của cung Long Đức có tính luân phiên.

Bên cạnh cung Long Đức, các phủ điện của các hoàng tử, hoàng thân quốc thích, các quan lại và doanh trại quân lính cũng tập trung tại khu vực Kinh thành. Đây là những công trình kỳ vĩ nằm xen kẽ với phố phường buôn bán và nơi ở, sản xuất của nhân dân, tạo thành tổ hợp phố phường thành thị sầm uất.

Thời Lý, Kinh thành Thăng Long được chia làm 61 phường là nơi ở, làm ăn, sản xuất và buôn bán của nhân dân. Nguyên nghĩa của chữ “phường” là “ô đất vuông”. 61 phường có từ thời Lý là 61 ô đất vuông tập hợp các hộ gia đình thành một đơn vị hành chính tương đương với một xã ở nông thôn. Các phường này được giới hạn với nhau bằng đường phố. Đây là kiểu quy hoạch kinh đô đặc trưng thời Trung đại. Tuy nhiên, Kinh đô Thăng Long lại có điểm đặc sắc riêng, ấy là mỗi phường đều là nơi tập trung các thợ thủ công làm chung một nghề và thường có chung một quê. Bởi vậy, người ta thường nói về “phường thợ xây”, “phường thợ mộc” hay “phường thợ hàn”. Phường từ một đơn vị hành chính đã gắn với nghề nghiệp chủ đạo của những người dân cư trú tại phường đó. Người dân thường mở cửa hàng bán sản phẩm của phường mình ở ven các con phố chạy qua phường, hình thành nên các con phố buôn bán chủ yếu chung một mặt hàng và phố được gọi tên theo mặt hàng kinh doanh từ đó. Điều này lý giải vì sao Thăng Long – Hà Nội cổ có những con phố mang tên Hàng Đồng, Hàng Nón, Hàng Tre

Trung tâm Kinh thành Thăng Long có Thái Hồ là nơi nhà Lý dựng Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám. Phía Nam Thái Hồ là hồ Chu Tước (sau gọi là hồ Bích Câu, sau nữa được tách thành hồ Bảy Mẫu và hồ Thuyền Quang). Năm 1154, vua Lý Anh Tông cho dựng đàn Viên Khâu cạnh hồ Chu Tước để làm lễ Tế Giao hằng năm.

Thời Lý, hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đã tách khỏi sông Hồng, nhưng hồ Lục Thủy (hồ Gươm) và hồ Chu Tước thì vẫn ăn thông với sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch – hai con sông uốn khúc chảy quanh trong nội thành Thăng Long. Trên đoạn sông Tô Lịch cổ chạy qua Kinh thành Thăng Long được dựng một vài cây cầu để cư dân hai bên bờ sông có thể qua lại, giao thương: cầu Đông xây bằng đá, cầu Thái Hòa dựng bằng gỗ, cầu Cau và cầu Tây Dương.

Cũng do Kinh đô Thăng Long có hệ thống sông hồ thông thoáng nên hình thành những bến thuyền (từ cổ gọi là “búa”) tấp nập thuyền bè vào ra buôn bán: bến Triều Đông (Hòe Nhai), bến Thái Cực (Hàng Đào), bến Thái Tổ (Nguyễn Du), bến Giang Tân (Nghĩa Đô), bến Thiên Thu, bến Đại Thông (hiện chưa xác định thuộc khu vực nào)… Thăng Long thời xưa chợ và bến thuyền thường song hành với nhau như thế nên mới hình thành cách gọi “chợ búa” như dân ta vẫn quen dùng cho đến nay.

kinhthanh1

Kinh thành Thăng Long

Kinh thành Thăng Long nằm ven sông Hồng (còn gọi là sông Nhị, hay Lô Giang thời Lý). Các nhà vua thời Lý cho dựng bốn cung điện ven sông này để nhà vua và tùy tùng, quan lại ra xem lễ hội đua thuyền hằng năm. Bốn cung điện đó là Hàm Quang (được xây dựng năm 1011), Linh Quang (được xây dựng năm 1058), Thủy Tinh và cung Thánh Từ (được xây dựng vào đầu thế kỷ XII). Trong đó, cung Thánh Từ cũng chính là nơi dành cho Thái Hậu ở. Các cung điện ở đây đều được xây dựng với quy mô rất lớn thành quần thể cung điện nguy nga, tráng lệ. Chẳng hạn, bên trái điện Linh Quang được dựng thêm điện Kiến Lễ, bên phải là điện Sùng Nghi, mặt tiền dựng lầu chuông một cột 6 cạnh hình hoa sen (thời Lý, Phật giáo trở nên thịnh hành và hình ảnh hoa sen được cách điệu thành những họa tiết trang trí và công trình xây dựng, làm nên những công trình lịch sử như Chùa Một Cột…)

chuamotcot

Chùa Một Cột

Bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây), các nhà vua triều Lý cũng cho xây nhiều cung điện làm hành cung hoặc quán quan ngự trên mặt nước để xem đánh cá, bơi thuyền. Đầu thế kỷ XIII, công chúa Từ Hoa, con gái của vua Lý Thần Tông, ở cung Từ Hoa ven hồ Dâm Đàm đã cùng các cung nữ mở nghề trồng dâu nuôi tằm. Vì thế, nơi này mới có tên là trại Tàm Tang, sau đổi thành Nghi Tàm.

Còn bên hồ Lục Thủy, nhà Lý cho dựng nhiều công trình quan trọng, như tháp Báo Thiên và chùa Báo Thiên được dựng để ghi công chiến thắng quân Chiêm Thành, cung Chiêm Nữ là nơi dành cho các cung nữ Chiêm Thành bị bắt tới ở.

Thời Lý, do đạo Phật thịnh hành nên trong Kinh thành Thăng Long được nhà vua cho dựng nhiều chùa chiền, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vạn Tuế, chùa Diên Hựu, chùa Ngọc Hồ.

Theo thuyết phong thủy, nhà Lý cũng cho đắp nhiều núi giả để vừa được vận nước vững bền, vừa làm nơi thắng cảnh thưởng ngoạn. Có thể kể đến một vài ngọn núi nhân tạo này, như: Tam Sơn, Ngũ Nhạc, Khán Sơn, Sư Sơn. Cũng có ý kiến cho rằng, Nùng Sơn là một trong những ngọn núi nhân tạo như thế. Tuy nhiên, ý kiến này còn nhiều tranh cãi do Nùng Sơn còn được đồng nhất với núi Long Đỗ (rốn rồng) tồn tại từ trước khi nhà Lý dời đô về Kinh thành Thăng Long.

Bên bờ Đông sông Hồng, đối diện với Kinh thành Thăng Long, vua Lý Anh Tông cho dựng trạm Hoài Viễn làm nơi tiếp đón sứ giả các nước và tù trưởng các miền thiểu số tới kinh triều kiến nhà vua.

Như vậy, từ thời nhà Lý, kinh thành Thăng Long đã trở thành không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, quân sự mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, với lối quy hoạch phố phường kiểu bàn cờ mang tính khoa học cao.

Nguồn: http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/kinh-thanh-thang-long-thoi-ly/650

Tóm tắt Lịch sử Triều đại nhà Lý

I. Các đời vua nhà Lý
Người khởi đầu cho triều đại nhà Lý là Lý Công Uẩn. Dưới triều vua Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn là một quan võ giữ chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, khi vua Lê Long Đĩnh qua đời, do có đức, có tài mà Lý Công Uẩn được một số thế lực trong triều đình tôn lên làm Vua. Triều đại nhà Lý trải qua 9 đời vua, trị vì đất nước trong thời gian 126 năm.

1/ Vua Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn sinh năm 974 mất năm 1028, hưởng thọ 55 tuổi. Lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009 khi đó 35 tuổi, trị vì 19 năm (1009 – 1028). 

2/ Vua Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã (tên khác là Lý Đức Chính) sinh năm 1000 mất năm 1054, hưởng thọ 55 tuổi. Lên ngôi năm 1028 khi đó 28 tuổi, trị vì 26 năm (1028-1054). .

3/ Vua Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn sinh năm 1023 mất năm 1072, hưởng thọ 50 tuổi. Lên ngôi năm 1054 khi đó 31 tuổi , trị vì 18 năm (1054 – 1072). 

4/ Vua Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức sinh năm 1066 mất năm 1127, hưởng thọ 62 tuổi. Lên ngôi năm 1072 khi đó mới có 6 tuổi, trị vì 55 năm (1072 – 1127).

5/ Vua Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán sinh năm 1116 mất năm 1138, hưởng thọ 23 tuổi. Lên ngôi năm 1127 khi đó mới có 11 tuổi, trị vì 11 năm (1127 – 1138).

6/ Vua Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiện Tộ sinh năm 1136 mất năm 1175, hưởng thọ 40 tuổi. Lên ngôi năm 1138 khi đó mới có 3 tuổi, trị vì 37 năm (1138-1175).

7/ Vua Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Cán sinh năm 1173 mất năm 1210, hưởng thọ 38 tuổi. Lên ngôi năm 1176 khi đó mới có 3 tuổi, trị vì 34 năm (1176-1210).

8/ Vua Lý Huệ Tông tên thật là Lý Hạo Sảm sinh năm 1194 mất năm 1226, hưởng thọ 33 tuổi. Lên ngôi năm 1211 khi đó mới có 17 tuổi, trị vì 14 năm (1211-1225).

9/ Vua Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim (Lý Thiên Hinh) sinh năm 1218 mất năm 1278, hưởng thọ 61 tuổi. Lên ngôi năm 1224 khi đó mới có 6 tuổi, trị vì 01 năm (1224-1225). Lý Chiêu Hoàng là một trong những Nữ Hoàng của Việt Nam và là vị Vua cuối cùng của triều đại nhà Lý.
Từ năm 1225 thì triều đại nhà Lý chuyển giao sang triều đại nhà Trần.

II. Những sự kiện đặc biệt lớn trong triều đại nhà Lý.

1/ Năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại la rồi đặt tên là Thăng Long, và thủ đô của nước ta đã tồn tại ở đây 1000 năm cho đến ngày nay. 

2/ Tháng 10 năm 1054 sau khi Lý Thánh Tông lên ngôi đã đặt Quốc hiệu nước ta là ĐẠI VIỆT.

3/ Phật giáo phát triển, các vị vua đều theo Phật. Tạo được một giai đoạn dài thịnh trị nên nhân dân ta được sống trong cảnh thanh bình, no ấm.

4/ Mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070) và Quốc tử giám (1076), tổ chức khoa thi đầu tiên năm 1075 để chọn người hiền tài ra giúp nước. 

5/ Chiến tranh giữ nước.
– Năm 1069, Lý Thánh Tông đánh thắng Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu để được tha về nước.
– Năm 1075 nhà Tống Trung Quốc đã tập trung quân ở Châu Khâm và Châu Liêm với ý đồ xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đã đem quân đến tận sào huyệt của giặc và đánh ta ý đồ xâm lăng này.
– Năm 1076 tháng 3, nhà Tống đem 9 tướng, 10 vạn quân tinh nhuệ, sang xâm lược Đại Việt. Dưới sự chỉ huy của Lý Thường kiệt, quân dân nhà Lý đã lập -Phòng tuyến sông Như Nguyệt và đánh ta đội quân xâm lược này.

6/ Năm 1225 nhà Lý đã chuyển giao quyền cai trị đất nước cho nhà Trần, từ Vua Lý Chiêu Hoàng sang cho Vua Trần Cảnh là một sự chuyển giao quyền lực rất đẹp, hợp thời, hợp thế. Sự chuyển giao quyền lực này đã không để cho ngoại bang có cơ hội xâm lược Đại Việt khi triều đại nhà Lý đã suy tàn, không để xảy ra nội chiến tranh giành quyền lực, cho nên nhân dân đỡ khổ cực lầm than.

Nguồn: http://www.tukhicongdentamlinh.net/diendan/showthread.php/2390-Tom-tat-Lich-su-Trieu-dai-nh-Ly?s=bcbc43884070cb97c1a4839d45666fda

Gốm men trắng thế kỷ 11 – 14 (phần 2)

Gốm men trắng trên hiện vật bát, đĩa, chén:

Bát: Men trắng xám đường kính 16,5 cm, cao 6 cm, gờ miệng viền tròn, đế nhỏ, đáy lõm để mộc, trong lòng in nổi hoa lá và 5 dấu kê. Lại có bát men trắng xám, đường kính miệng 21 cm, cao 9,5 cm, gờ miệng vê tròn, thành ngoài chia múi hình cánh sen, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi rồng mây và hoa lá.

Chén: Có nắp gồm 3 chiếc dính nhau, 3 nắp chén cũng dính nhau, cao 4,7 cm. Trên mặt nắp chạm khắc 3 hình chim phượng bay, khuôn trong viền tròn, trên thân và nắp đắp nổi bông hoa nhỏ, lòng và đáy để mộc, men trắng ngà đã bong nhiều chỗ. Có lẽ đây là một loại chén thờ.

Đài sen: Men trắng xám cao 14 cm, đường kính miệng 11,5 cm cũng là một loại hình hiếm gặp. Cấu tạo đài sen gồm nhiều phần với miệng hình đĩa, lòng phẳng khắc hoa lá không men, xung quanh chạm nổi 4 băng cánh sen, chân cao hình con tiện nhiều cấp.


Đĩa sen:

Đều thuộc loại đồ thờ, lòng phẳng khắc hoa văn trang trí, không phủ men, thành ngoài chạm nổi 2 – 3 lớp cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ. Đĩa sen men trắng ngà, cao 2,3 cm, đường kính miệng 9,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một cành hoa lá sen không men, thành ngoài chạm 2 băng cánh sen nổi.

Có đĩa sen khác lớn hơn, cao 5,8 cm, đường kính miệng tới 15,7 cm, gờ miệng phẳng, trong lòng khắc một hình rồng Lý và 2 cành lá cùng một băng hình xoắn. Thành ngoài chạm khắc 3 băng cánh sen. Chân đế cao, trổ thủng ô hình chữ nhật, chạm khắc những hình “em bé của thế giới cực lạc” với tư thế 2 chân quỳ, 2 tay nâng, đầu nghiêng. Đây là loại đĩa sen có kiểu dáng và trang trí tương tự loại đĩa sen gốm hoa nâu và đĩa sen men xanh lục.

Đĩa: Men trắng ngà cao 4 cm, đường kính miệng 14,8 cm, miệng loe, gờ uốn, thành vát, đế thấp, đáy mộc. Trong lòng in nổi băng văn mây hình khánh với dải đuôi cong nhọn và 5 dấu kê.

Khuôn đúc: Ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, trước đây đã tìm thấy những khuôn đúc bằng gốm men trắng, có cả phần lõi và vỏ. Khuôn có vỏ hình hộp tròn, lõi hình bông hoa 6 cánh hay 8 cánh, in nổi hình rồng Lý và hoa chanh 4 cánh. Phần trong vỏ khuôn và lõi đều không men. Những khuôn gốm này chỉ cao 1,5 cm – 2 cm và đường kính từ 5,7 cm – 7,1 cm, nhưng hoa văn rồng và hoa chanh đều rất tinh xảo.

Gốm men trắng trên hiện vật Liễn, thạp, thủy chùy:

Liễn: Gốm men trắng có nắp tạo dáng hình quả dưa, thân chia múi nổi. Nắp liễn có chỏm hình búp sen. Trên nắp và vai chạm khắc băng cánh sen nổi và 6 núm ngang, cùng một băng các bông hoa tròn. Liễn men trắng ngà hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một đại diện tiêu biểu cho loại hình gốm men trắng, xương gốm mỏng, được lọc luyện kỹ, men phủ trắng ngà, lớp cánh sen nổi cũng là điển hình của phong cách trang trí thời Lý.

Thạp: Gốm men ngà rạn, hiện do Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, cao 37,5 cm, đường kính miệng 22 cm, có kiểu dáng giống như thạp gốm hoa nâu. Thạp có gờ miệng vát, vai xuôi, thân hình trụ trên to dưới nhỏ. Vai chạm khắc băng cánh sen nổi, cánh to xen nhỏ và 5 núm ngang, thân khắc chìm 2 băng sen dây kiểu hoa bổ dọc, các cặp cánh đối xứng.

Thủy chùy: Men ngà xám, là loại dùng đựng nước rửa bút lông sau khi viết, chỉ cao 4,5 cm và đường kính miệng 3,6 cm. Thủy chùy tạo hình một bông sen nở với 4 lớp cánh nổi, chân đế loe, đáy mộc.

Gốm men trắng trên các hiện vật khác:

Những đồ gốm men trắng thời Trần đã gặp các kiểu dáng tương tự thời Lý, ngoài ra còn thấy bình men trắng ngà, miệng loe, cổ cao, thân dáng choé, cổ có băng hoa nổi, viền đế tô men nâu, cao 40,6 cm, đường kính miệng 20,3 cm. Hũ có nắp, trang trí nổi băng cánh sen, vòng tròn nhỏ và 4 núm ngang với đặc trưng của hoa văn thời Lý – Trần.

Thống: Gốm men trắng ngà, hiện do Bảo tàng Nam Định lưu giữ, cao 45 cm, đường kính miệng 26,5 cm, gờ miệng tròn, thân tạo dáng bông hoa cúc, đáy bằng để mộc. Trên vai đắp nổi 2 băng cánh sen.

Trong các di tích, phế tích khai quật được ở khu vực thành Thăng Long, phần lớn chỉ là những mảnh của các loại đồ gốm gia dụng, ít gặp những tiêu bản nguyên lành. Song, đó chính là chứng tích về cuộc sống của con người thời Lý – Trần, cũng như những bằng chứng đích thực về dòng gốm men trắng dưới thời Lý-Trần. Gốm men trắng thời Lý – Trần có thể xem như dòng gốm bạch định ở Việt Nam và rất khác biệt so với Trung Quốc bởi xương gốm dày, thô, men không sáng bóng.

Các khu vực sản xuất gốm men trắng:

Khu vực sản xuất gốm men trắng có lẽ là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội. Gốm men trắng thời Lý thường được phủ dày và có màu trắng như nước gạo nếp nhưng sang thời Trần phổ biến là màu trắng ngà, lớp men mỏng không còn độ sâu lắng như trước nữa.
Gốm men trắng ngà thời Lý – Trần cũng chính là động lực cho sự phát triển đặc biệt của gốm men trắng thời Lê Sơ với những sản phẩm trang trí nổi hình rồng, phượng hay dây hoa lá,…. Gốm men trắng thời Lý-Trần đóng góp những minh chứng mới lạ về truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

9 điều cơ bản cần biết về dòng gốm hoa nâu

1. Gốm hoa nâu được các chuyên gia gốm sứ thống nhất để mô tả một loại đồ gốm có trang trí hoa văn bằng men mầu nâu.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

 2. Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dầy, xương gốm thô và nặng được nung từ 1000 đến 1300 độ C.

3. Xuất hiện từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) nhưng phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

4. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn mầu nâu trên phần đã được cạo, hay vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền rồi đem nung.

5. Hai nơi sản xuất gốm hoa nâu chính là ở vùng Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng Thành Thăng Long.

6. Đề tài trang trí chủ đạo là sóng nước và hoa sen.

7. Nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu được vẽ theo lối tả thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh tư tưởng của thời đại.

Mảnh thạp trang trí cảnh tập luyện võ nghệ thời Trần

 8. Vào cuối thời Trần sang đầu thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện loại gốm vẽ màu nâu lên xương gốm sau đó mới phủ men.

 

9. Là dòng gốm được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, được xem là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới.

Giao lưu văn hóa Đại Việt – Chămpa trên cổ vật

Trong tiến trình lịch sử của mình vương quốc Chămpa luôn có những mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc văn hóa với các nước trong khu vực, trong đó có Đại Việt thời Lý – Trần.

Chămpa được thành lập vào thế kỷ thứ II, ban đầu có tên là Lâm Ấp, thế kỷ thứ VII mới đổi thành Chămpa. Buổi đầu kinh đô của vương quốc này được đặt tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhưng vào giữa thế kỷ thứ VIII, đã được dời xuống phía nam và đặt ở khu vực Phan Rang, Nha Trang ngày nay. Đồng thời lúc này thư tịch cổ không còn chép là Lâm Ấp nữa mà gọi là Hoàn Vương.

Hầu hết các tháp Phật thời Lý – Trần được làm bằng đất nung và có bình đồ hình vuông như tháp Bình Sơn, tháp Phổ Minh là tiếp thu từ văn hóa Chăm. Các tháp Chăm đều có bình đồ hình vuông do ảnh hưởng từ các tháp Tudi của Ấn Độ. Và tháp Chăm chỉ có một cửa vào cũng đã ảnh hưởng đến lối xây dựng chùa Một Cột dưới thời Lý.

Mô hình tháp đất nung thời Lý – Trần có bình đồ hình vuông mang hơi hướng của văn hóa Chăm

Trên những hiện vật gạch ngói úp nóc tạc hình chim uyên ương ở kinh thành Thăng Long chúng ta thấy có những nét phẳng phất giống với ngỗng thần Hamsa trong văn hóa Chăm, phần đầu cánh được xoắn lại tạo nên hình cánh cung giống với đôi cánh của thần điểu Garuda.

Tượng uyên ương trong văn hóa Lý – Trần

Chim thần Garuda trong văn hóa Chăm

Tượng chim Kinnari gốm đất nung trong văn hóa Lý – Trần được lấy nguyên mẫu từ tượng chim Kinnari bằng đá sa thạch trong văn hóa Chăm.

 

Chim Kinnari, chất liệu đá sa thạch trong văn hóa Chăm

Chim Kinnari, chất liệu gốm đất nung thời Lý – Trần

Như vậy, những dấu ấn Chămpa trong kiến trúc, mỹ thuật và tạo hình tại các công trình xây dựng cho thấy văn hóa Chămpa đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sáng tác, tư duy, thẩm mỹ của người Đại Việt thời Lý – Trần. Người Chăm đã mang những nét văn hóa riêng của mình ra Đại Việt, hòa trộn với văn hóa bản địa để làm nên sự tỉ mỉ, chau chuốt của các hiện vật thời Lý – Trần. Các hiện vật tồn tại cho đến ngày nay đã phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

 

 

Về thủ công nghiệp thời kỳ Lý – Trần – Lê sơ

Thủ công nghiệp nhà Lý có 2 bộ phận, của tư nhân và của nhà nước.

Lực lượng lao động trong thủ công nghiệp nhà nước là thợ bách tác. Họ làm việc như đúc tiền, chế tạo binh khí, chiến thuyền và các đồ dùng như tơ lụa và phẩm phục của triều đình. Thợ bách tác có nguồn gốc từ các chiến binh, nhiều nhất là người Chiêm Thành, các tội nhân, những thợ thủ công bị trưng tập làm trong các quan xưởng.

Thủ công nghiệp tư nhân thì rất phổ biến, họ làm ra các sản phẩm để tự túc hay trao đổi trên thị trường.

Các nghề phổ biến thời kỳ này gồm nghề dệt, nghề khai thác vàng, nghề đúc đồng, nghề in bản gỗ, nghề làm gốm.

Nhà Trần vẫn tiếp tục xây dựng quân xưởng thủ công nghiệp nhà nước.

Thủ công nghiệp nhà nước gồm có nhiều ngành nghề khác nhau như nghề gốm, nghề dệt, chế tạo vũ khí.

Nghề sản xuất gốm là một bộ phận quan trọng của quan xưởng. Lò gốm trong các quan xưởng này sản xuất các đồ dùng gia đình như chén, bát, đồ thờ cúng, các vật liệu xây dựng như gạch, ngói,… Tại Thiên Trường tìm thấy các phế tích gạch, ngói mang chữ “Vĩnh Ninh trường” hay “Thiên Trường phủ chế”.

Thủ công nghiệp nhân dân có nghề gốm, nghề rèn sắt, nghề đúc đồng, nghề làm giấy và khắc bản in, nghề mộc và xây dựng, nghề khai khoáng.

Hòa bình lập lại, nhu cầu phục hồi và phát triển nông nghiệp, xóm làng, xây dựng lại kinh thành, trấn lị đã thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công. Các ngành, nghề truyền thống như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, rèn sắt, dệt chiếu, làm nón, đúc đồng ngày càng phát triển ở các làng.

Những làng thủ công chuyên nghiệp lại nổi lên như Bát Tràng, Nghĩa Đô, Huê Cầu, Hương Canh, Mao Điền, Bất Bế,… Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề và lúc này được chia thành 36 phường.

Thời Lê sơ các công xưởng của nhà nước được gọi với tên chung là Bách tác. Cục này chuyên đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền, làm các đồ dùng cho vua quan như: mũ, áo, giày, hốt?

Để tiện việc buôn bán, trao đổi nhà Lê bỏ tiền giấy thời Hồ, cho đúc tiền đồng mới và quy định rõ: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng.

Tóm tắt về bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần

Bộ máy quản lý nhà nước thời Lý được xây dựng trên định hướng tập trung quyền lực vào nhà vua, bao gồm hai cấp là cấp triều đình và cấp địa phương. Nhà vua có uy quyền tuyệt đối, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước. Trong triều đình, dưới vua có các quan đại thần để cùng bàn bạc việc nước với vua. Dưới quan đại thần còn có quan lại ở các sảnh, các viện. Để thuận tiện cho việc quản lý, nhà Lý chia khu vực hành chính ra thành 3 cấp là phủ/lộ, huyện và hương.

Song song với hệ thống quan lại thông thường, do ảnh hưởng của Phật giáo, thời nhà Lý còn có hệ thống tăng quan với mục đích giúp nhà vua quản lý các tăng đồ về mặt hành chính, đồng thời cũng là hệ thống giúp bảo vệ quyền lợi của Phật giáo.

Sang thời Trần, nhà Trần thay nhà Lý tiếp tục củng cố tổ chức nhà nước theo hướng tập trung quyền lực vào nhà vua. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lực cho nhà vua, nhà Trần còn áp dụng chế độ Thái thượng hoàng.

Bộ máy quản lý nhà nước vẫn chia thành hai cấp là triều đình và các cấp địa phương. Tại triều đình có bộ phận trung khu gồm các Tể tướng, Tri mật viện sự và Hành khiển ở môn hạ sảnh có nhiệm vụ chỉ đạo các quan văn võ. Dưới trung khu có các cơ quan chức năng là 6 bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Đây là điểm khác biệt tiến bộ so với thời Lý khi có sự tách biệt giữa bộ phận quản lý và bộ phận thực hiện công việc. Ở các địa phương, nhà Trần cũng chia tổ chức chính quyền thành ba cấp: phủ/lộ, huyện/châu, hương/xã.

Nhìn chung, trải qua gần bốn thế kỷ, bộ máy quản lý nhà nước thời Lý – Trần đã được xây dựng theo lối chính quy, bao quát khắp mọi cấp, mọi lĩnh vực và từng bước được hoàn thiện về mặt tổ chức từ trung ương đến địa phương.

Một góc nhìn khác về sự thành lập vương triều Lý

Lê Long Đĩnh trên ngôi vua tỏ ra là một người độc ác, khát máu, lấy việc chém giết làm thú tiêu khiển. Vì vậy, mà phái tăng đạo mấy lâu vẫn ủng hộ nhà Lê, cũng không chịu nổi những hành động tàn bạo của Long Đĩnh – việc Long Đĩnh ngược đãi sư Quách Ngang có thể là chứng tỏ mối mâu thuẫn giữa nhà vua và phái tăng nhân đã có thái độ đối lập.

Sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, đã chán gét nhà Lê đến nỗi đặt ra câu sấm đoán trước sự diệt vong của nhà Lê và sự hưng khởi của nhà Lý để khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi.

Nhân lòng oán ghét của tất cả các tầng lớp xã hội đối với nhà Lê, Lý Công Uẩn là Điện tiền chỉ huy sứ trông nom quân cận vệ, quyết định thực hiện âm mưu soán đoạt. Lý Công Uẩn vốn quê ở làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), khi nhỏ làm con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Vân nên lấy họ là Lý. Công Uẩn khéo thu phục được tình cảm của tất cả quân lính ở dưới tay mình và được bọn quan liêu văn võ trong triều kính phục. Sau khi Long Đĩnh chết năm 1009 – vì nhiều bệnh tật nên Long Đĩnh chết non mới 24 tuổi – Công Uẩn âm mưu với một người bộ hạ là Đào Cam Mộc để giảng dụ bọn triều quan tôn Công Uẩn làm vua. Mọi người đều theo Cam Mộc bèn tổ chức lễ đăng cực cho Công Uẩn. Vương triều Lý được thành lập.

Theo “Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, quyển thượng, Nxb Xây dựng, 1955”.

Gốm Lý – Trần: Một ví dụ điển hình về nghệ thuật trang trí hoa văn

Gốm Lý – Trần trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Lúc sinh thời, nhà nghiên cứu cố PGS.TS Chu Quang Trứ cho rằng: Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nếu mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất thuộc về người Việt cổ trước Công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ thu mình ẩn tàng khỏi sự đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc, mỹ thuật Lý – Trần với tính cổ điển chân chính là sự phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai thuộc về người Việt.

Có thể nói nghệ thuật trang trí hoa văn thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao với việc tiếp thu và sáng tạo ra những màu men độc đáo, đa dạng về sắc màu cùng đề tài hoa văn mang đậm dấu ấn, tư tưởng của thời đại.

Thời Lý – Trần đạo Phật trở thành quốc giáo, từ nhà vua đến các quý tộc và thứ dân đều thành những người tu hành cửa Phật, khắp nơi đều xây dựng chùa tháp. Đức Phật ngồi trên tòa sen, hoa sen, hoa cúc biểu trưng cho sự thanh cao của đạo Phật. Những quan niệm và tư tưởng ấy đã thấm nhuần, ăn sâu bắt rễ trong đời sống của người dân. Và như một điều tất yếu, nghệ nhân gốm thời kỳ này đã thể hiện tư tưởng thời đại qua chính các đề tài trên sản phẩm của mình.

Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần. Hình ảnh sen, cúc trang trí trên hiện vật thời kỳ này được hiện lên với đầy đủ các bộ phận từ nhụy đến cánh, lá và có khi là cả cành hoa đều được thể hiện trên cùng một đồ án.

Dường như quá trình phát triển của bông sen từ khi còn là cái nụ nằm trong những chiếc lá non, qua giai đoạn hé nở, đến lúc mãn khai đã được tác giả phô bày qua chiếc bát men ngọc với sắc xanh mát.

Chiếc bát men ngọc thời Lý diễn tả đầy đủ quá trình phát triển của bông sen. Ảnh: Tác giả

Cái tài của nghệ nhân gốm thời kỳ này còn được thể hiện ở chỗ hoa, lá sen cũng được sử dụng trên toàn bộ sản phẩm, từ tạo dáng đến trang trí, tràn lan mà điển hình, dày đặc mà không hề nhàm chán. Vẫn một hình ảnh hoa ấy, chiếc lá ấy, nhưng được biến hóa, thay đổi đến mức mỗi sản phẩm mỗi kiểu, mỗi chi tiết mỗi khác, chỗ nào cũng tinh tế.

Ví như hai chiếc bát men ngọc trang trí đề tài hoa cúc thời kỳ này, thoạt nhìn (không chú ý đến sắc men) ta có thể thấy chúng giống nhau như một. Cùng được trang trí chính giữa là một bông cúc nhiều cánh, tiếp đến là hai bông hoa cúc nhỏ đứng cạnh nhau, xen kẽ với các cành lá, cuối cùng là hình ảnh cánh cúc được xếp thành dải đặt phía trên cùng. Quan sát kỹ hai hiện vật này, ta sẽ thấy cánh hoa cúc ở tầng thứ hai trên hiện vật bát men ngọc sắc xanh có đầu tròn hơn cánh hoa trên hiện vật bát men ngọc sắc vàng, và ngược lại thì đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc xanh ở tầng thứ ba lại tròn và mập hơn đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc vàng cùng ở tầng thứ ba.

Hai chiếc bát men ngọc cùng được trang trí đề tài hoa cúc. Ảnh: Tác giả

Như vậy, có thể khẳng định đề tài trang trí hoa văn trong mỹ thuật thời Lý – Trần không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là vẽ các họa tiết, hoa văn lên hiện vật để cho hiện vật đẹp hơn, mà đó còn là sự kết tinh các tầng bậc ý nghĩa của thời kỳ này. Chúng gắn với cuộc sống thường ngày của con người trong việc ứng xử với cái đẹp. Chúng là những “chữ viết” chân thực về lịch sử, xã hội mang đậm dấu ấn Phật giáo đương thời, là lời nhắn nhủ, là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng của người dân về một xã hội thịnh vượng./