Triều Lý kéo dài hơn 200 năm (1009 – 1225) là triều đại đầu tiên trong số các triều đại lớn của dân tộc. Triều đại này đã đem lại cho Việt Nam khung chính trị, hành chính, quân sự vững chắc mà Việt Nam chưa có, và đưa đất nước trở thành một quốc gia không chỉ chống trả các vụ xâm lược từ Trung Quốc, mà còn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.
Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), ông được nuôi dạy trong một ngôi chùa của làng này. Tuổi trẻ, ông theo nhà sư Vạn Hạnh vào triều đình ở Hoa Lư và làm đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Sự phóng đãng của Lê Long Đĩnh đã đẩy đất nước vào tình trạng rối ren; từ lòng dân thốt lên tiếng thở dài khao khát trật tự, tổ chức và công lý; bản thân các tù trưởng cũng ý thức được những hiểm họa trầm trọng từ cuộc khủng hoảng trong bộ phận lãnh đạo quốc gia. Vạn Hạnh với uy tín sẵn có đã thuyết phục được số người này đưa học trò của mình lên ngôi: con đường tiến tới ngôi vua của Công Uẩn không gặp cản trở nào‹¹›. Nhà vua mới lên ngôi, mở đầu triều đại bằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long “thành phố rồng bay lên”.
Như vậy, Giáo hội Phật giáo đã tạo thuận lợi cho việc nhà Lý lên ngôi. Đáp lại, triều Lý dành cho Phật giáo những đặc ân lớn nhất. Phẩm trật của Giáo hội được đặt dưới quyền tối cao của một Quốc sư “người thầy của vương quốc”. Quốc sư giúp nhà vua trong các nghi lễ cầu cho quốc gia được thịnh vượng và thường là nhà cố vấn riêng của nhà vua. Sự sủng ái Phật giáo của các vị vua triều Lý đã được Toàn thư ghi lại: không có năm nào mà các nhà vua không cho xây dựng chùa chiền và đúc chuông. Nước Đại Việt ta dưới triều đại nhà Lý được khoác một “tấm áo chùa chiền”.
Kiến trúc chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (Ảnh internet)
Đây được xem là thời kỳ đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam. Tính độc đáo của nó được cấu tạo từ tổng hợp các ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Á, do những người đi hành hương mang lại, kết hợp với các yếu tố của Trung Quốc và Chăm cùng với những hồi tưởng về chính nguồn gốc Nam Á của mình. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tất cả các ảnh hưởng này, nghệ thuật thời Lý vẫn mang một phong cách đặc biệt của Việt Nam, trong kiến trúc cũng như trong điêu khắc và gốm.
Bảo vật quốc gia – Tượng Phật A Di Đà bằng đá tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh (Ảnh internet)
Thật vậy, ngoài những ngôi chùa và tháp còn lại đến ngày nay (dù đã được trùng tu nhiều lần) như ngôi chùa Một Cột (còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài), quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh), đền Linh Lang (đền Voi Phục), tháp Bình Sơn… thì những mô hình chùa, tháp thu nhỏ (stupa) thời kỳ này là những bằng chứng minh xác nhất cho thấy sự thịnh vượng của Quốc giáo này.
Mô hình chùa thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)
Mô hình chùa gồm 2 tầng với 8 mái cong, viền chân và chóp phía trên đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen cánh nhỏ, viền mái được tạo thành từ một dải các hình ống nhỏ chạy song song nhau, trên cùng là bông hoa sen đang nở với các cánh hoa to, mập được chạm khắc tỉ mỉ hình hoa phía ngoài. Mô hình chùa có chiều cao 1m 55, chiều dài cạnh đáy là 75 cm.
Mô hình tháp thu nhỏ thời Lý (Ảnh tác giả)
Mô hình tháp được tạo dáng hình trụ đứng với chân đế hình vuông, gồm 9 tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng có 4 mái cong. Mô hình tháp có chiều cao là 58 cm, chiều dài mỗi cạnh đáy là 5 cm.
Nét đặt trưng cơ bản của kiến trúc tháp thời kỳ này là mái cong. Mái cong vốn không bắt nguồn từ cái lều của người Mông Cổ như người ta vẫn nghĩ, mà là từ lều của người Nam Á‹²›. Loại mái này đã thấy xuất hiện trên các trống đồng‹³›. Ở Trung Quốc, kiến trúc được trình bày trên các phù điêu và trên đá lát hầm mộ của người Hán lại cho thấy mái nhà hoàn toàn thẳng. Chỉ dưới thời nhà Đường mới thấy xuất hiện ở Nam Trung Quốc hình dáng mái cong, nhập từ Giao Châu và từ đây được phổ biến ở Trung Quốc phía Bắc và ở Bắc Kinh.
Hình ảnh ngôi nhà mái cong trên trống đồng Đông Sơn (Ảnh internet)
Như vậy, cùng với sự lớn mạnh về chính trị, kinh tế, vương triều Lý đã cho thấy một sự nở rộ về văn hóa. Một quốc gia trẻ đã chống trả và chiến thắng được quân Tống (Trung Quốc) với tài thao lược quân sự của Lý Thường Kiệt cùng sự đồng lòng của nhân dân, trong khi vẫn có thể thôn tính Chămpa để mở rộng về phía Nam.
1.Việt sử lược, q.II, t. 1- 2a
2. Boerschmann, Chinesische Architektur [Kiến trúc Trung Quốc], Berlin, 1925, trang 25 – O. Sirèn, Historie des arts anciens de la Chine [Lịch sử các nghệ thuật cổ của Trung Quốc] IV, L’Architecture [Kiến trúc], Paris, Van Oest 1930, trang 24, – J.Y.Claeys, “Introduction à l’étude de I’Annam et du Champa “[Dẫn nhập vào việc nghiên cứu An Nam và Chămpa], BAVH, 1934, Paris e.
3. V.Gloubew, “La maison dongsonienne” [Nhà thuộc văn hóa Đông Sơn], CEFEO, số 14, 1938.