Tag Archive | trang trí hoa văn

HÌNH TƯỢNG CHIẾN BINH TRÊN GỐM THỜI TRẦN*

Trong lịch sử các triều đại phong kiến VN, có lẽ thời Trần phải đối phó với giặc ngoại xâm nhiều hơn cả. Đó là 3 lần giặc Nguyên, sau khi chinh phục nhiều vùng đất Á Âu, đã quyết tâm khuất phục Đại Việt, nhiều lần Vương quốc Champa xâm lấn bờ cõi, đốt phá Thăng Long, có cả việc nhà Nguyên phối hợp với Chiêm Thành tấn công Đại Việt từ phía Nam. Nhưng tinh thần bảo vệ nền độc lập cũng chưa bao giờ quật cường đến thế. Hội nghị Diên Hồng, Sát Thát, Hịch Tướng Sỹ…đã thể hiện rõ khí phách Hào khí Đông A.

Continue reading

“Lam xám” – dòng gốm độc đáo thời Mạc (TK 16) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Gốm lam xám:
Có thể nói, triều Mạc (`1527-1593) là triều đại để lại nhiều dấu ấn về mặt kinh tế, quân sự, giáo dục và ngoại giao. Nhà Mạc vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo từ thời Lê làm chính thống nhưng không hạn chế tư tưởng phi Nho khác. Do đó Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác được phục hồi khiến cho các công trình tôn giáo cũng được phát triển và thay đổi đáng kể. Cùng với các công trình kiến trúc đình, chùa được xây dựng thì làng nghề gốm sứ chuyên sản xuất những sản phẩm như chân đèn, lư hương…, sử dụng trong nghi lễ tại các không gian tôn giáo cũng phát triển đáng kể. Tiêu biểu phải kể đến một sưu tập vật dụng thờ cúng có màu men lam xám của người nghệ nhân tài hoa Đặng Huyền Thông – ông tổ của nghề làng gốm Chu Đậu (Hải Dương), những sản phẩm của ông mang đậm tính nhân văn và sắc thái riêng thời Mạc.

Thuật ngữ “gốm men lam xám” khởi đầu được các chuyên gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dùng để chỉ một dòng gốm mà toàn bộ bề mặt được phủ một lớp men dày mầu xanh lam sẫm, đôi khi pha lẫn ghi xám hay ngả hanh vàng. Kế thừa kỹ thuật truyền thống của men lam và nâu rỉ sắt của khu vực lò gốm Chu Đậu, Hải Dương vào cuối TK 15, những nghệ nhân đã tạo ra một sắc men lam mới đó là lam xám. Chất đất tạo xương gốm dầy, thô và nặng. Theo các chuyên gia nghiên cứu, người thợ gốm này phải rất giỏi chế ngự ngọn lửa và làm chủ được chất liệu xương gốm thì khi nung sản phẩm có kích thước lớn mà men phủ mới dầy và đều đến vậy.

Bản vẽ: những hình rồng đặc trưng trang trí trên gốm lam xám thời Mạc.

Gốm lam xám được xác lập như một dòng gốm đặc biệt và độc đáo bởi việc kết hợp của việc trang trí bằng men phủ với kỹ thuật chạm nổi, dán – ghép hay khắc chìm trên mỗi sản phẩm. Loại hình sản phẩm gốm này đều có kích thước lớn như chân đèn, lư hương, mô hình tháp. Tất cả đều sử dụng kỹ thuật đúc chạm nổi, có khi phần trang trí được dán hay ghép vào sau. Còn minh văn được khắc chìm sau rồi mới tráng men. Đề tài trang trí trên sản phẩm thường là rồng hoặc các loại cánh sen, được thể hiện với nhiều kiểu khác như: rồng yên ngựa, rồng trong hình tròn, rồng uốn hình hoa 4 cánh, rồng trong hình lá đề, rồng chầu chữ Phúc, rồng có cánh.. ; cánh sen dài trong có hình rồng uốn, cánh sen dài trong có hình mặt trời có tua, cánh sen tả thực…

Từ năm 1991, TS. Nguyễn Đình Chiến – nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – là người đã giành nhiều công phu và tâm huyết để lần lượt giải mã minh văn trên những sản phẩm của người nghệ nhân tài hoa này. Ông đã tập hợp và nghiên cứu khối tư liệu về những tác phẩm gốm lam xám ở các bảo tàng trong nước và quốc tế, từ đó xác lập một hệ thống tiêu chuẩn về dòng gốm này qua các mặt niên đại, kiểu dáng, hoa văn. Điều thú vị là những tác phẩm thuộc loại men này đều thuộc về một tác giả đó là Sinh đồ Đặng Huyền Thông, tên thật là Đặng Mậu Nghiệp và vợ là bà Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh người xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Những sản phẩm thuộc dòng gốm lam xám chỉ được sản xuất đơn chiếc hoặc trọn bộ theo đơn đặt hàng, chính vì thế mỗi sản phẩm của ông đều được coi là những tác phẩm quý giá mang giá trị trên thương trường cổ vật trong nước và quốc tế.

Dưới đây là một số hiện vật tiêu biểu cho dòng gốm độc đáo này.

1.Chân đèn gốm men lam xám thời Mạc

LSb.17248

Kích thước: 74cm

Niên đại: tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588).

Phần trên tạo dáng một bông hoa sen nở gồm 3 phần, trang trí nổi rồng đuổi, rồng uốn, bông hoa 8 cánh nhọn, dải hoa lá trong ô chữ nhật, rồng trong lá đề. Hai tai gắn trên miệng và thân là hia tượng rồng  có cánh. Phần dưới có vai và thân phình chạm nổi băng cánh sen  bên trong có bông hoa, băng vạch đứng song song,  đính nổi những bông hoa 8 cánh nhọn. Thân trên chạm nổi 4 rồng “yên ngựa” trong khung viền “nhĩ bôi”.Thân dưới chạm nổi băng cánh sen bên trong có bông hoa hay 2 vành trăng khuyết. Men phủ mầu lam xám, tô men nâu trên tai rồng và dải quai. Minh văn khắc hai dòng chữ Hán, có nghĩa: “Tháng 4, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588) đời vua Mạc Mậu Hợp. Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.

2.Lư hương gốm lam xám

LSb.17276

Kích thước:

Cao: 25cm

Đkm: 26,5cm

Niên đại: tháng 8, niên hiệu Diên Thành 5 (1582).

Lư có miệng loe, thân hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Xung quanh bụng có 2 dải quai lớn và 4 dải quai nhỏ đối xứng nhau. Trang trí nổi hình rồng có cánh trên dải quai, rồng yên ngựa. rồng hình tròn, vạch đứng song song, hoa 8 cánh nhọn, cánh sen bên trong có nửa bông hoa. Men phủ mầu vàng xám và xanh xám. Minh văn được khắc và đúc nổi trên các dải quai, vành miệng trong và ngoài của lư hương: ‘Lư chế tạo vào tháng 8, năm niên Thành 5(1582), Đàm Chân Phúc Lam cùng lớn nhỏ toàn xã Thượng Thụy, huyện Đan Phượng đều nhận phúc. Đặng Huyền Thông xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Lam Sách chế tạo. Tín thí quán Viên Dương. Khói hương thấu chín tầng trời; một niệm thông khắp ba giới. Đàm chân Phúc Lam cung tiến gủi các tổ tiên đến cõi cực lạc”.

  1. Lư hương gốm lam xám

LSb.13537

Kích thước:

Cao: 23 cm

Đkm: 37 cm

Niên đại: khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 – 1591) đời vua Mạc Mậu Hợp.

Lư có cấu tạo 3 phần: miệng đấu phía trên có viền nổi, cổ hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. Xung quanh miệng chạm nổi cặp rồng yên ngựa trong khung chữ nhật chầu vào chữ “Phật”. Cổ đắp nổi 2 rồng cuốn trong có nửa bông hoa, răng cưa, vạch đứng song song  có đính bông hoa nổi. Men phủ mầu lam xám ngả vàng.

4 Lư hương gốm lam xám và nâu vàng

LSb.12817

Kích thước:

Cao: 33,5cm

ĐkM: 22,5cm

Niên đại: niên hiệu Đoan Thái (1585 – 1588).

Lư có cấu tạo gồm 3 phần rõ rệt, miệng tròn dấu, cổ hình trụ, bụng tròn dẹt. Xung quanh cổ có gắn 6 dải quai: 2 to và 4 nhỏ. Đối xúng từng đôi một. Miệng lư chạm nổi 2 cặp rồng yên ngựa trong khung chữ nhật chầu vào khung chữ “Tam bảo”. xung quanh co gắn 4 hình rồng cuộn tròn, 2 dải quai lớn chạm rồng yên ngựa đối nhau, rìa chạm 2 bông hoa nổi. Mỗi quai đính hai bông hoa nhỏ. Bụng lư chạm nổi hoa văn gồm các loại hoa cánh nhọn trong chạm nổi bông hoa; bông hoa nổi và rồng yên ngựa. Băng hoa văn này gồm 6 hình bằng nhau, đặt theo chiều kim đồng hồ. Men phủ trong 4 ô rồng tròn mầu nâu vàng, còn lại là mầu lam xám. Trong lòng và dưới đáy để mộc, mầu sét xám. Minh văn đúc nổi trên miệng lư 2 ô chữ tam bảo. Trên 4 dải quai nhỏ khắc 8 chữ Hán, nghĩa là ” Thiên hạ thái bình nhân dân yên vui”.

  1. Lư hương gốm lam xám

LSb. 13536

Kích thước:

Cao: 38cm

Đkm: 24,2 cm

Niên đại: niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Đời vua Mạc Mậu Hợp chế tạo.

Lư có miệng loe, viền gờ nổi phía ngoài, cổ hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng, 4 chân quỳ. Xung quanh cổ lư có 2 dải quai và 4 dỉa quai nhỏ. Thành ngoài miệng, hàng trên chạm 2 cặp rồng nổi, chầu chữ Phúc , hàng dưới chạm nổi cánh sen to cánh sen nhỏ xen  nhau. Cổ lư chạm băng dây lá và rồng uốn trong hình nhĩ bôi. Diềm dưới cổ chạm băng văn răng cưa. Bụng lư chạm 5 băng văn gồm cánh sen bên trong có bông hoa, răng cưa, bông hoa 8 cánh nhọn trong ô chữ nhật. Chân quỳ chạm nổi mặt thú và vạch đứng song song, răng cưa và  2 vành trăng khuyết. Men phủ lam xám.

Minh văn khắc chìm và đúc nổi 10 dòng chữ Hán trên các dải quai và gờ miệng, sau mới phủ men lên trên. “Đặng huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện thanh Lâm chế tạo. Định Hương, Huệ Hương. Giảo thoát hương. Nguyễn Truyền, Nguyễn Nhân Phó, Hoàng Đức Đức Thọ, Nguyễn Đình Lân, Nguyễn Ư ở xã Thượng Ốc.

  1. Hai phần dưới chân đèn gốm lam xám

LSb. 13783 a&b

Niên đại: tháng 2, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589).

Cao: 60cm.

Phần trên chân đèn trang  trí nổi bông hoa trong cánh sen, vạch đứng song song, hình rồng trong ‘nhĩ bôi”, băng cánh sen. Phần dưới cả hai chân đèn đều có vai và thân trên phình thân dưới eo, chân đế choãi. Vai có băng hoa văn nổi 8 cánh nhọn. Thân trên có băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ, phía dưới có 4 rồng uốn trong mặt tròn. Thân dưới hàng trên chia nhiều cánh cánh sen đứng , bên trong có hình rồng cuốn, hàng dưới có dải lá dải hoa trong ô chữ nhật. Chân đế chia nhiều tầng cấp, chạm nổi văn răng cưa, vạch đứng song song, bông hoa trong cánh sen. Men lam xám phủ cả phần trên và dưới có mầu vàng xám, xanh xám.

Minh văn khắc ở thân trên thuộc phần dưới có 14 dòng chữ Hán. Chữ được khắc chìm trong ô giữa các hình rồng, có nghĩa: “Chùa Tô Lai, thôn Thanh Kiểu, xã Thượng Ốc, huyện Từ Liêm. Tín chủ và thập phuowng công đức cùng những người cung tiến lớn nhỏ đều hưởng phúc. Chế tạo vào tháng 2 niên hiệu Hưng Trị 2(1589). Tín chủ là thái Bảo Đà Quốc Công cùng  thiện tín Nguyễn Quỳnh, Vũ Duy Phiên. Xã Biện Hàn gồm các ông Nguyễn Nhân Mỹ, Nguyễn Văn Ban, Nguyễn Trung, Vũ Bạt Tụy, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Hạnh An. Người chế tạo là Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm.

Hiện nay, những tác phẩm thuộc dòng gốm lam xám được trưng bày và lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, như: BT Hải Dương, BT Hà Tây, BT Hải Phòng, BT Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, BT Mỹ thuật Việt Nam; và một số các bảo tàng ở Hàn Quốc, Mỹ, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng thực sự là khối di sản vô cùng quý giá  để chứng minh cho bạn bè năm châu về một dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời đã sản sinh ra những người con ưu tú. Vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân thôn Hùng Thắng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ông tổ nghề gốm tài hoa Đặng Huyền Thông tại đền thờ ông tại làng Hùng Thắng, xã Minh Tân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vào ngày 10/2/2004 Bộ Văn hóa  Thể thao và du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích đền thờ Đặng Huyền Thông là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)

Chú thích ảnh:

  1. Ảnh 1 (Số đăng ký: LSb.17248): chân đèn, minh văn khắc cho biết sản phẩm do “Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.
  2. Ảnh 2 (Số đăng ký LSb. 17276): Lư hương hai tai rồng trang trí rồng có cánh.
  3. Ảnh 3(Số đăng ký: LSb.13537): lư hương, quanh miệng chạm hai rồng chữ Phật.
  4. Ảnh 4(số đăng ký: 12817): Lư hương, minh văn khắc“Thiên hạ thái bình nhân dân yên vui”.
  5. Ảnh 5 (Số đăng ký LSb.13536): lư hương, minh văn cho biết sản phẩm doĐặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng chế tạo”.
  6. Ảnh 6 (Số đăng ký LSb. 13783):  phần dưới chân đèn, minh văn cho biết sản phẩm do “Đặng Huyền Thông , xã  Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo”.
  7. Bản vẽ: những hình rồng đặc trưng trang trí trên gốm lam xám thời Mạc.

Nguồn: http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Chuyen-khao/2015/04/3A9245FD/

9 điều cơ bản cần biết về dòng gốm hoa nâu

1. Gốm hoa nâu được các chuyên gia gốm sứ thống nhất để mô tả một loại đồ gốm có trang trí hoa văn bằng men mầu nâu.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

 2. Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dầy, xương gốm thô và nặng được nung từ 1000 đến 1300 độ C.

3. Xuất hiện từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) nhưng phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV)

4. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn mầu nâu trên phần đã được cạo, hay vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền rồi đem nung.

5. Hai nơi sản xuất gốm hoa nâu chính là ở vùng Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng Thành Thăng Long.

6. Đề tài trang trí chủ đạo là sóng nước và hoa sen.

7. Nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu được vẽ theo lối tả thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh tư tưởng của thời đại.

Mảnh thạp trang trí cảnh tập luyện võ nghệ thời Trần

 8. Vào cuối thời Trần sang đầu thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện loại gốm vẽ màu nâu lên xương gốm sau đó mới phủ men.

 

9. Là dòng gốm được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao, được xem là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một dòng gốm cổ nào trên thế giới.

Gốm Lý – Trần: Một ví dụ điển hình về nghệ thuật trang trí hoa văn

Gốm Lý – Trần trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Lúc sinh thời, nhà nghiên cứu cố PGS.TS Chu Quang Trứ cho rằng: Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nếu mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất thuộc về người Việt cổ trước Công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ thu mình ẩn tàng khỏi sự đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc, mỹ thuật Lý – Trần với tính cổ điển chân chính là sự phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai thuộc về người Việt.

Có thể nói nghệ thuật trang trí hoa văn thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao với việc tiếp thu và sáng tạo ra những màu men độc đáo, đa dạng về sắc màu cùng đề tài hoa văn mang đậm dấu ấn, tư tưởng của thời đại.

Thời Lý – Trần đạo Phật trở thành quốc giáo, từ nhà vua đến các quý tộc và thứ dân đều thành những người tu hành cửa Phật, khắp nơi đều xây dựng chùa tháp. Đức Phật ngồi trên tòa sen, hoa sen, hoa cúc biểu trưng cho sự thanh cao của đạo Phật. Những quan niệm và tư tưởng ấy đã thấm nhuần, ăn sâu bắt rễ trong đời sống của người dân. Và như một điều tất yếu, nghệ nhân gốm thời kỳ này đã thể hiện tư tưởng thời đại qua chính các đề tài trên sản phẩm của mình.

Hoa cúc xuất hiện cùng hoa sen như một cặp âm dương, nếu hoa sen xuất hiện từ bùn lầy và vươn lên bằng sự tỏa sáng của thái âm (mặt trăng) thì hoa cúc rực rỡ, tỏa hương thơm như vầng thái dương. Sen và cúc đã thay nhau làm điểm nhấn của mỹ thuật Lý – Trần. Hình ảnh sen, cúc trang trí trên hiện vật thời kỳ này được hiện lên với đầy đủ các bộ phận từ nhụy đến cánh, lá và có khi là cả cành hoa đều được thể hiện trên cùng một đồ án.

Dường như quá trình phát triển của bông sen từ khi còn là cái nụ nằm trong những chiếc lá non, qua giai đoạn hé nở, đến lúc mãn khai đã được tác giả phô bày qua chiếc bát men ngọc với sắc xanh mát.

Chiếc bát men ngọc thời Lý diễn tả đầy đủ quá trình phát triển của bông sen. Ảnh: Tác giả

Cái tài của nghệ nhân gốm thời kỳ này còn được thể hiện ở chỗ hoa, lá sen cũng được sử dụng trên toàn bộ sản phẩm, từ tạo dáng đến trang trí, tràn lan mà điển hình, dày đặc mà không hề nhàm chán. Vẫn một hình ảnh hoa ấy, chiếc lá ấy, nhưng được biến hóa, thay đổi đến mức mỗi sản phẩm mỗi kiểu, mỗi chi tiết mỗi khác, chỗ nào cũng tinh tế.

Ví như hai chiếc bát men ngọc trang trí đề tài hoa cúc thời kỳ này, thoạt nhìn (không chú ý đến sắc men) ta có thể thấy chúng giống nhau như một. Cùng được trang trí chính giữa là một bông cúc nhiều cánh, tiếp đến là hai bông hoa cúc nhỏ đứng cạnh nhau, xen kẽ với các cành lá, cuối cùng là hình ảnh cánh cúc được xếp thành dải đặt phía trên cùng. Quan sát kỹ hai hiện vật này, ta sẽ thấy cánh hoa cúc ở tầng thứ hai trên hiện vật bát men ngọc sắc xanh có đầu tròn hơn cánh hoa trên hiện vật bát men ngọc sắc vàng, và ngược lại thì đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc xanh ở tầng thứ ba lại tròn và mập hơn đầu cánh hoa trên hiện vật bát sắc vàng cùng ở tầng thứ ba.

Hai chiếc bát men ngọc cùng được trang trí đề tài hoa cúc. Ảnh: Tác giả

Như vậy, có thể khẳng định đề tài trang trí hoa văn trong mỹ thuật thời Lý – Trần không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là vẽ các họa tiết, hoa văn lên hiện vật để cho hiện vật đẹp hơn, mà đó còn là sự kết tinh các tầng bậc ý nghĩa của thời kỳ này. Chúng gắn với cuộc sống thường ngày của con người trong việc ứng xử với cái đẹp. Chúng là những “chữ viết” chân thực về lịch sử, xã hội mang đậm dấu ấn Phật giáo đương thời, là lời nhắn nhủ, là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng của người dân về một xã hội thịnh vượng./