Archive | Tháng Năm 2017

“MÔN HẠ SẢNH ẤN” – Chiếc ấn cổ minh chứng cho tổ chức chính quyền triều Trần

Trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia Đợt 1, quyết định số 1426/QĐTTg ngày 1/10/2012 có ấn đồng MÔN HẠ SẢNH ẤN. Tên gọi như thế là theo phiên âm 4 chữ theo thể Triện thư trên mặt ấn.

Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và văn bản trình Hội đồng Giám đinh cổ vật Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch, ấn được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1962. Hiện nay ấn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ấn mang số hiệu đăng ký tài sản quốc gia LSb.25266. Ấn đã được giới thiệu trong cuốn sách Cổ Vật Việt Nam, số ảnh 119, tr.98 (Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng, 2003).

Ấn được đúc hình vuông, tạo ba cấp khá đều. Ấn có chiều cao 8,5cm, mặt ấn hình vuông, cạnh 7,3cm x 7,3cm, nặng 1,4kg. Quai ấn tạo hình chữ nhật dẹt, chỏm cong, giống như hình bia đá. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải khắc 4 chữ, phiên âm: “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên, ngũ nguyệt, nhị thập tam nhật tạo” (dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377).


Ấn đồng: Môn hạ sảnh ấn – niên đại 1377 (đời Trần Duệ Tông)

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Sảnh Môn hạ là cơ quan Trung ương nằm trong bộ ba “Tam sảnh” gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ. Đây là ba cơ quan cao nhất của triều đình nhà Trần. Sảnh Thượng thư có nhiệm vụ giúp Tể tướng quản lý các việc có liên quan đến quan chức, chức Hành khiển Thượng thư đứng đầu. Hành khiển là chức rất lớn, bao trùm các chức Lệnh thị lang, Tả Hữu ty Lang trung. Sảnh Trung thư giữ việc bàn bạc mọi việc trọng đại của quốc gia. Sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của Vua tới các quan, nhận lời tấu của Vua và các công việc lễ nghi trong cung. Sảnh Môn hạ còn giữ quyền thẩm tra kiểm duyệt mọi việc sau đó mới được ban bố thi hành. Chức quan này ở sảnh Môn hạ triều Trần cũng đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm như: vào năm thứ 6 niên hiệu Khai Thái (1329), đời vua Trần Minh Tông phong cho Vũ Nghiêu Tá làm Nhập Nội Hành Khiển, Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.135)… Vào năm thứ 11 niên hiệu Khai Hựu (1339), vua Trần Hiến Tông lấy Trương Hán Siêu làm Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ rồi sai Ông cùng Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng Triều đại điển và khảo đính bộ Hình Thư để ban hành (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.147).

Các đại thần tài giỏi này tuy đã làm ở sảnh rồi nhưng vẫn được kiêm nhiệm các chức vụ khác như Hành khiển Phạm Sư Mạnh, vào năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị (1362) được vua Trần Dụ Tông phong thêm chức Tri khu mật viện sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.165).

Vào năm đầu niên hiệu Thiệu Khánh (1370) vua Trần Nghệ Tông trả ơn cho Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên, phong làm Hành Khiển Tả Tham Tri chính sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.174).

Quả ấn đồng Ấn sảnh Môn hạ đúc vào năm 1377 trên đây được dùng để đóng vào những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, bắt đầu từ đời Trần Phế Đế về sau.

Khi thực hiện phần trưng bày lịch sử triều Trần trong Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã đặt quả ấn này cùng sưu tập những đồng tiền mang niên hiệu các vua Trần, để chứng minh cho Bảng sơ đồ Tổ chức chính quyền triều Trần. Đây là một bằng chứng về tổ chức hành chính Trung ương triều Trần. Như thế, quả ấn rõ ràng đã làm sinh động thêm nhiều cho phần trưng bày.


Mặt ấn được đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn”


Bản in dấu ấn “ Môn hạ sảnh ấn”

Xung quanh quả ấn đồng này còn có nhiều vấn đề liên quan khá thú vị. Chẳng hạn, tại sao quả ấn lại “lưu lạc” nơi xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh? Phải chăng việc này có liên quan đến sự kiện các cuộc Nam chinh giao tranh với Chiêm Thành, diễn ra nhiều năm trong khoảng 1377 – 1397, mà bi kịch cuộc chiến đã xảy ra, và có thể đoàn xa giá tùy tùng của vua cũng chung số phận để lại ấn báu của vương triều? Dù sao đây cũng là giả thiết cần có thêm chứng cứ.

Sau khi phát hiện quả ấn vào năm 1962, vì tính chất quan trọng của nó nên khi chuyển giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam lúc đó, ấn được đúc một phiên bản để lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Nhân chuyến công tác của Hội đồng giám định tại miền Trung, tháng 5 năm 2013, TS. Phạm Quốc Quân và Tôi đã xem lại phiên bản ấn tại kho Bảo tàng Hà Tĩnh. TS. Quân đã viết bài “Ghi chú cho một bảo vật quốc gia” đăng trên trang Website của Bảo tàng, nói rõ về trường hợp này.

Ngoài quả Ấn sảnh Môn hạ trên đây, thông tin về việc phát hiện những quả ấn thời Trần khác còn rất ít. Năm 1999, trong Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học, GS. Hà Văn Tấn có giới thiệu “Về một quả ấn thời Trần tìm thấy ở Quảng Tây (Trung Quốc)” (Hà Văn Tấn, 2000, tr.655). Đây là quả ấn đồng có quai cao 2,6cm, mặt hình vuông, cạnh 5,0cm x 5,0cm, dày 1,0cm. Mặt ấn đúc nổi 6 chữ theo thể Triện thư, chia 2 dòng, mỗi dòng 3 chữ: Bình Tường thổ châu chi ấn. (Ấn của thổ châu Bình Tường). Theo Nguyễn Công Việt, “Châu Bình Tường chính là Bằng Tường hiện nay” (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.76). Mặt lưng, bên phải quai ấn khắc 4 chữ Hán theo thể Chân thư: Đại Trị ngũ niên (năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị, 1362). Bên trái quai ấn khắc 5 chữ: Nhâm Dần tứ nguyệt chú (đúc vào tháng 4 năm Nhâm Dần). Với chữ nguyệt, khắc thiếu nét ngang đúng theo quy định chữ kiêng húy thời Trần là cơ sở xác nhận niên đại quả ấn. Đây là quả ấn được tìm thấy ở núi Lộng Lạc, thuộc công xã Nghĩa Vu, huyện Điền Đông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 1983. Quả ấn được GS.Tanaguchi Fusao (Nhật Bản) nghiên cứu và giới thiệu trên tạp san Nghiên cứu niên báo của Sở Nghiên cứu văn hóa Á Phi, trường Đại học Tokyo, số 31, tháng 3, năm 1997, tr.176-188.

Năm 2012, trên Tạp chí Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Công Việt có giới thiệu quả ấn đồng Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Ấn này có quai kiểu chuôi vồ dẹt, dưới to trên thu nhỏ. Ấn cao 7,3cm, mặt ấn vuông, cạnh 5,7cm x 5,7cm. Trên mặt ấn đúc nổi 7 chữ Hán theo thể Triện thư, xếp 3 hàng dọc đều nhau từ trên xuống. Mặt lưng ấn, phía bên phải quai có khắc 7 chữ kiểu Chân thư: Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Cũng theo kết quả khảo cứu của tác giả, niên đại quả ấn được xác định vào khoảng niên hiệu Đại Khánh (1314 – 1323). Và nếu đây là đúng thì quả ấn được coi là ấn hành chính cổ nhất nước ta. (Nguyễn Công Việt, 2012, tr.12-18).

Cho tới nay, những phát hịên về ấn đồng cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam trên đất nước ta là rất hiếm, chính vì thế quả ấn đồng “Ấn sảnh Môn hạ” có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất, liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần, mang đầy đủ các tiêu chí, xứng đáng được vinh danh vào Danh mục Bảo vật Quốc gia.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 

Về chiếc ấn vàng truyền quốc của chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1709

Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, kích thước như sau: cao 630cm; dài cạnh 10,84cm; dày 1,10cm; trọng lượng 2.350gr.


Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo


Mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo


Bản dập mặt ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo

Ấn có mặt hình vuông, núm là hình tượng lân vờn ngọc, đầu ngẩng lên cao quay về bên trái. Chân trước bên phải chống, chân trước bên trái dẫm lên viên ngọc, hai chân sau chùng xuống. Dọc lưng kỳ lân chạm vân mây lửa. Hai bên lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên trái khắc “Kê bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân”. (Dịch nghĩa: cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ “Vĩnh Thịnh ngũ niên, thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo” (Dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5 – tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện, nét chữ vuông uốn nhiều góc, xung quanh là đường viền, đọc theo chiều từ trên xuống dưới, và từ phải qua trái là: Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo (Dịch nghĩa :“Bảo của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài”). Cạnh dưới khắc dòng 9 chữ Hán “Lại bộ Đồng Tri Qua tuệ Thư giám tạo” (Dịch nghĩa: “Quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư”).

Nguyễn Phúc Chu là vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn. Từ tấm bé, Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, trở thành người văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa, tuy mới 16 tuổi (1691), ông đã khẳng định được tài năng đức độ của mình. Trong 34 năm ở ngôi chúa, ông đã ghi dấu ấn đậm nét vào lich sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Đặc biệt công lao đóng góp to lớn nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu là sự nghiệp mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất này. Ông đã mở mang bờ cõi đến biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Đất phương Nam ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ chính sách chiêu dân, lập ấp, dân chúng được yên vui, no đủ. Người đời sau ngưỡng mộ truy tôn chúa là Chúa minh.

Năm 1702, tình hình Đàng Trong đã ổn định, chúa Nguyễn Phúc Chu xưng là Quốc chúa. Tháng chạp năm Kỷ Sửu (1709), chúa cho đúc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo để làm kim ấn truyền quốc, dùng để đóng trên các chiếu văn và bổ dụng quan lại.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, có đoạn chép khá rõ về lai lịch và những câu chuyện xoay quanh chiếc ấn đặc biệt này: “Mùa Đông, tháng 12 ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng Tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo (Ấn có khắc chữ Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo). Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm Quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương,1765 – 1775) vào Nam cũng đem ấn đấy đi theo. Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế băng hà thì để lại cho Thế tổ Cao Hoàng (tức Nguyễn Thế Tổ – Phúc Ánh, 1802 – 1819). Bấy giờ binh lửa trên 20 năm, ấn đấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm Dần, giặc đánh Sài Gòn (Thế Tổ) ra đảo Phú Quốc điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo, sau bị lạc. Đến khi Chu Văn Tiếp phá được giặc rước vua hồi loan. Công Quý cũng từ Long hồ đem ấn về hiển. Lại đến chiến dịch Ba Lai, quân giặc đuổi gấp, tòng thân (người đi theo vua) mang ấn lội sông chảy, ấn rơi xuống nước rồi thì người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài đảo Thổ Châu, từ giá (mẹ Vua) và cung quyến (những vợ con vua) đều ở lại đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa đem binh thuyền đến đón vua mời vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thân là Hựu đem ấn đấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn đấy đi theo.”

Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ Hoàng thái tử, tức Thánh Tổ Nhân hoàng đế rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về (Triệu bích: Lạn Tương như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thàn, Tương như đem bích về) để truyền lại cho các con cháu. Vả lại nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, phúc chứa vốn đã lâu đời”. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới” (Chu tuy cựu bang, kỹ mệnh duy tân}, sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu từ Văn Vương, Vũ Vương mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ Công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống là cái ấn Quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để để lại cho nhau, đừng làm mất đi và truyền đến ức muôn dặm dài mãi mãi”.

Như vậy, ấn vàng này do vua Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đúc vào năm 1709. Tuy lập vương phủ chính quyền riêng ở Thuận Quảng nhưng các chúa Nguyễn vẫn sử dụng lịch sóc với niên hiệu của các vua Lê ở Bắc Hà. Do vậy trên Kim bảo này vẫn khắc niên hiệu Vĩnh Thịnh của vua Lê Dụ Tông.

Tại chùa Thiên Mụ đến nay vẫn còn lưu dấu của chiếc ấn truyền quốc này. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, do chính chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1701, chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất tôn sùng đạo Phật, cho đúc một quả chuông cao 2m50; nặng 3285 cân. Năm 1715, Chúa lại cho dựng tiếp tại chùa tấm bia cao 2m60 rộng 1m25. Đường nét chạm khắc trên bia uyển chuyển, tinh xảo và công phu. Chúa đích thân viết bài minh văn và cho khắc vào bia. Điều đáng lưu ý là hình dấu ấn truyền quốc lại được khắc đè lên dòng chữ ghi niên đại lập bia này cũng cùng 3 dấu khác nhỏ hơn. Năm 1989, tiến sĩ Nguyễn Công Việt (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã dập nguyên bản hình dấu kim bảo này và công bố trong sách “Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX”. Dòng chữ ghi niên đại lập bia, phiên âm như sau: Vĩnh thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất mùi sơ Đông chí cát đán lập (Dịch nghĩa: bia lập vào ngày Đông Chí năm Ất Mùi, năm Vĩnh Thịnh 11 – tức năm 1715). Điều này xác nhận rõ ràng việc sử dụng bảo ấn truyền quốc trong sự kiện trọng đại của chúa Nguyễn, 6 năm sau khi ấn đúc xong.

Sử cũ cũng còn ghi chép rằng, tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn Chi bảo làm ấn truyền quốc dùng vào các việc nội vụ chính sự.

Kim bảo này là bảo ấn truyền ngôi của các vua Nguyễn kế vị, nên được lưu giữ rất cẩn trọng. Sách Đại Nam Thực Lục cũng có đoạn chép rằng: “Năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất (1820), tháng 2 ngày tốt, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế tự tay phong kín (ấn) cất đi. Đến ngày 22 tháng chạp, lại mở (ấn) xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền ngôi cho ức muôn đời”.

Ngay sau khi Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), nhiều công trình nghiện cứu về ấn chương Việt Nam đều khẳng định Ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo là hiện vật gốc, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Cho đến nay, chưa có chiếc ấn nào được phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với chiếc ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chiếc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là báu vật truyền ngôi của các chúa Nguyễn. Bảo vật này có ý nghĩa lịch sử văn hóa vô cùng quan trọng, bởi nó gắn liền với lịch sử của chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam nói riêng và với văn hóa, xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 nói chung.

Chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đề tài khoa học: Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu

Hoa văn gốm là nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu (3500 – 2900 năm cách nay). Khi nghiên cứu về ý nghĩa hoa văn gốm cổ, tác giả Hán Văn Khẩn cho rằng “Hoa văn gốm là một đặc trưng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất để xác định một nền văn hoá khảo cổ” [1] .
Tên đề tài: Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu
Chủ trì: ThS. Bùi Hữu Tiến
Cơ quan công tác: Bảo tàng Nhân học, ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu ngày 18 tháng 4 năm 2011.

Tóm tắt đề tài
Hoa văn gốm là nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu (3500 – 2900 năm cách nay). Khi nghiên cứu về ý nghĩa hoa văn gốm cổ, tác giả Hán Văn Khẩn cho rằng “Hoa văn gốm là một đặc trưng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất để xác định một nền văn hoá khảo cổ” [1].
Có thể nói, trong gần 50 năm nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu, việc nghiên cứu đồ gốm nói chung và hoa văn gốm nói riêng ngày càng được chú trọng, quan tâm và đã đạt được một số thành tựu. Ở khía cạnh nghiên cứu hoa văn, các nhà khoa học đã bước đầu làm rõ một số nét đặc trưng về mặt loại hình, kỹ thuật. Có thể nói, những thành tựu này đã góp phần quan trọng để xác định sự tồn tại của văn hóa Đồng Đậu cũng như góp phần làm rõ đặc trưng của văn hóa này. Nhìn chung, việc nghiên cứu về hoa văn gốm Đồng Đậu còn tản mạn, chưa mang tính tổng hợp, toàn diện, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu như việc phân loại hoa văn, sự biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn, các nét đặc trưng của hoa văn, giá trị của hoa văn gốm.

1. Nội dung nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính:
– Nghiên cứu về mặt loại hình, kỹ thuật, đặc trưng của hoa văn
– Nghiên cứu giá trị của hoa văn
Những nội dung này đã được tác gải trình bày trong chương 1 và 2 của đề tài.

2. Phương pháp nghiên cứu và hướng tiếp cận

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống: thống kê, mô tả, loại hình học, nghiên cứu so sánh đồng đại, lịch đại. Đề tài thử tiếp cận vấn đề từ hướng nghiên cứu mới như nghiên cứu biểu tượng.

3. Kết quả nghiên cứu của đề tài
Thứ nhất: Tập hợp nguồn tư liệu, nghiên cứu về hoa văn Đồng Đậu, từ đó giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu hoa văn Đồng Đậu trong gần 50 năm qua.
Thư hai: Phân loại chi tiết các loại hoa văn. Hoa văn trong văn hóa Đồng Đậu có nhiều loại như văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên, văn khuông nhạc, văn khắc vạch kiểu Gò Mun, văn in ô vuông, văn in hình chấm tròn cuống dạ, văn in dấu đan, văn in nan chiếu. Đối với những loại hoa văn chính, tiêu biểu, tác giả đã đi sâu vào phân định các phụ kiểu để thấy được tính đa dạng và đặc điểm của từng loại. Chặng hạn như văn khuông nhạc đã xác định được trên 20 phụ kiểu khác nhau. Trong mỗi phụ kiểu có thể có nhiều đồ án.
Thứ ba: Phân tích làm rõ những biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu, đặc biệt là loại văn khắc vạch và văn in chấm. Đây là những kỹ thuật trang trí đã có nguồn gốc từ văn hoá Phùng Nguyên nhưng đến giai đoạn Đồng Đậu đã có những cải biến. Chính sự thay đổi về mặt kỹ thuật này đã góp phần hình thành lên một phong cách hoa văn mới. Người Việt cổ đã sử dụng những kỹ thuật này để thể hiện những mô típ hoa văn truyền thống của mình.
Thứ tư: Xác định những nét đặc trưng của hoa văn Đồng Đậu.
+ Về mặt loại hình: Trong các loại hoa văn thì văn khuông nhạc, văn in hình hạt, văn đan là 3 loại hoa văn đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu. Trong các kiểu văn khuông nhạc Đồng Đậu thì văn chữ S, đường tròn xoăn, văn sóng nước là các kiểu đặc trưng nhất. Nhìn chung, trong trang trí hoa văn, người Đồng Đậu thích dụng các đường cong, có độ mở, không sử dụng các đường góc cạnh như gốm Phùng Nguyên hay gốm Gò Mun. Các đồ án hoa văn mang tính đơn giản, phóng khoáng, ít cầu kỳ. Các đồ án hoa văn mang tính đối xương cũng ít hơn so với giai đoạn Phùng Nguyên. Các họa tiết đệm cũng có nhiều biến đổi theo hướng đơn giản, thường là các đường khắc vạch ngắn, hay các đường tròn xoắn. Chính những khác biệt ở trên tạo lên nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu.


+ Về kỹ thuật trang trí: Để tạo ra các loại văn trang trí, người Đồng Đậu chủ yếu sử dụng kỹ thuật khắc vạch, in ấn. Trong đó, kỹ thuật vạch và in ấn bằng que nhiều răng là kỹ thuật đặc trưng của người Đồng Đậu. Họ sử dụng những que có nhiều đầu nhọn hoặc tù để tạo ra các loại văn khuông nhạc, văn in hình hạt. Đây là điểm khác biệt cơ bản của kỹ thuật tạo hoa văn gốm Đồng Đậu so với kỹ thuật tạo hoa văn gốm Phùng Nguyên và Gò Mun. Trong văn hóa Phùng Nguyên hoặc Gò Mun sau này, các đồ án hoa văn điển hình chủ yếu được tạo ra bằng cách sử dụng bút khắc vạch có một hoặc hai đầu nhọn.
+ Về các sắp xếp và trang trí trang trí: Hoa văn trang trí được kết hợp hài hòa với kiểu dáng đồ gốm. Đồ gốm Đồng Đậu thường có bụng nở, thấp, miệng loe cong, bản miệng rông, chân đế thấp hoặc đáy bằng. Vì vậy, hoa văn trang trí chủ yếu được bố trí ở vai, cổ, thành miệng và mặt trong miệng gốm, ít trang trí ở phần chân đế. Việc trang trí hoa văn bên trong miệng gốm là một nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu. Trong văn hóa Phùng Nguyên trước đó, hoa văn chủ yếu tập trung ở phần thân và cổ đồ gốm .
Trong văn hóa Đồng Đậu, đồ gốm có đáy bằng khá phổ biến. Do kỹ thuật làm gốm, ở mặt ngoài đáy của những đồ gốm có đáy bằng thường có dấu văn đan. Mặc dù, loại văn này đơn thuần mang tính kỹ thuật, không mang tính trang trí nhưng sự nở rộ của chúng đã góp phàn hình thành lên đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu.
Hoa văn gốm Đồng Đậu thường được trang trí theo băng dải nằm ngang quanh miệng, cổ hoặc thân gốm.
Trong phong cách trang trí hoa văn, người thợ gốm Đồng Đậu không sử dụng đơn điệu một kiểu loại hoặc một nhóm hoa văn nào. Họ thường dùng nhiều kiểu phối hợp làm tăng thêm sự phong phú của dạng hình hoa văn. Trong sự phối hợp, họ đã chủ ý xác định văn chủ đạo và văn phụ trợ, văn làm nền, nên đã tôn được cài gì là chủ đạo trong sự phối hợp nhiều kiểu dáng văn khác nhau.
Các mô típ hoa văn gốm Đồng Đậu được bài trí theo các quy luật đối xứng như đối xứng gương, đối xứng trục, đối xứng tịnh tiến. Những kiểu đối xứng này đã được sử dụng phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Trong khi người Phùng Nguyên thích dụng các loại đối xứng gương và đối xứng trục thì người Đồng Đậu sử dụng phổ biến kiểu đối xứng tịnh tiến.
+ Hoa văn gốm trong mối tương quan với chất liệu gốm
Những hoa văn mang tính mỹ thuật như văn khắc vạch, văn khuông nhạc, văn in ô vuông, chủ yếu trang trí trên gốm chắc, rất hiếm khi trang trí trên gốm xốp.
+ Hoa văn gốm trong mối quan hệ với chức năng, loại hình đồ gốm
Xét về mặt loại hình hiện vật, có thể thấy các loại hình thường được trang trí hoa văn gồm bình, nồi, bát, âu, chạc gốm, dọi xe chỉ, trong đó bình gốm là loại hình được trang trí hoa văn nhiều nhất. Các đồ án hoa văn cầu kỳ, phức tạp thường được người thợ thủ công dành để trang trí trên loại hình hiện vật này.
+ Diễn biến của hoa văn gốm trong quá trình phát triển của văn hóa Đồng Đậu
Các loại hình hoa văn gốm có xu hướng biến đổi khác nhau theo thời gian (ở phương diện loại hình, số lượng – mức độ phổ biến). Có loại xu hướng ngày càng tăng, loại hình ngày càng đa dạng hơn như văn khuông nhạc. Có loại có xu hướng biến đổi ngược lại, tiêu biểu là văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên.
Xu hướng biến đổi của hoa văn gốm phản ánh sự thay đổi về quan điểm thẩm mỹ của con người. Chính sự biến đổi này tạo thành đặc điểm của từng giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu, và cũng nhờ đó chúng ta có thể nhận ra và phân chia các giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu dễ dàng hơn và chính xác hơn.
Thứ năm: Đi sâu nghiên cứu làm rõ giá trị của hoa văn gốm Đồng Đậu.
+ Hoa văn thể hiện đặc trưng văn hóa của cư dân Đồng Đậu
Hoa văn gốm của văn hóa Đồng Đậu có đặc điểm riêng. Sự đồng nhất của hoa văn trang trí ở mấy chục các địa điểm khảo cổ học khác nhau thuộc văn hoá Đồng Đậu không phải là một sự trùng lặp ngẫu nhiên, sự đồng quy văn hoá mà thể hiện sự thống nhất cao về văn hoá giữa các thị tộc, bộ lạc trong cộng đồng dân tộc chung. Nó phản ánh mối quan hệ thuân thuộc giữa các thị tộc, bộ lạc. Như vậy, hoa văn gốm đã góp phần để hình thành lên đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu, giúp chúng ta phân biệt văn hóa Đồng Đậu với những văn hóa trước và sau nó trong truyền thống văn hoá Tiền Đông Sơn cũng như các văn hoá đồng đại ở khu vực.
+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh các hoạt động kinh tế và đời sống tinh thần phong phú của cư dân Đồng Đậu
Khía cạnh kinh tế: Hoa văn thể hiện sự phát triển của nghề làm gốm, nghề đan lát.


Khía cạnh tinh thần: hoa văn phản ánh khiếu thẩm mỹ phong phú của người Đồng Đậu. Một số loại hoa văn của văn hóa Đồng Đậu có thể là biểu tượng của mặt trời như văn chữ S, đường tròn xoắn, đường tròn đồng tâm. Thờ mặt trời là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp ở Đông Nam Á.


+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh môi trường sống của người Đồng Đậu
Trong các mô típ hoa văn trang trí trên gốm Đồng Đậu thì văn sóng nước rất phổ biến. Văn sóng nước phản ánh môi trường sông nước và ước vọng cầu nước của những cư dân trồng lúa nước.
+ Hoa văn gốm là một trong những cở sở quan trọng để phân chia các giai đoạn phát triển của văn hóa Đồng Đậu.
Trên cơ sở nghiên cứu diễn biến hoa văn gốm ở di tích Thành Dền và Đồng Đậu, kết hợp với các tài liệu địa tầng, chúng tôi nhất trí với quan điểm cho rằng văn hóa Đồng Đậu có 3 giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn Phùng Nguyên muộn – Đồng Đậu sớm; giai đoạn Đồng Đậu điển hình; giai đoạn Đồng Đậu muộn – Gò Mun sớm.
+ Hoa văn phản ánh mối quan hệ văn hóa.
Nghệ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu là kết quả của quá trình “hỗn dung” văn hoá. Nó được hình thành trên cơ sở kế thừa các yếu tố văn hoá Phùng Nguyên, hội nhập, tiếp thu các yếu tố của nhóm Mả Đống – Gò Con Lợn. Tất cả những yếu tố văn hoá cả cũ và mới khi được kế thừa, hội nhập không phải được bê nguyên si, các đồ án hoa văn được sao chép thuần tuý mà đều được tinh lọc và biến đổi để phù hợp với quan điểm thẩm mỹ mới. Để hình thành nền nghệ thuật Đồng Đậu, thì yếu tố Phùng Nguyên là nền tảng, nòng cốt quan trọng, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp rất to lớn của yếu tố Mả Đống – Gò Con Lợn.
+ Những đóng góp của nghệ thuật trang trí hoa văn giai đoạn Đồng Đậu vào sự phát triển của nghệ thuật trang trí thời Tiền Đông Sơn và Đông Sơn.
Người Đồng Đậu đã kế thừa, bảo lưu những mẫu, mô típ hoa văn truyền thống (như chữ S, đường tròn xoắn, văn khắc vạch cắt nhau, sóng nước,..), phát triển khiếu thẩm mỹ và tri thức về nhịp điệu (các kiểu đối xứng). Mặt khác không ngừng sáng tạo ra những mẫu, mô típ hoa văn và những cách thức, thủ pháp trang trí mới. Trong trang trí, chú trọng trang trí bên trong miệng gốm. Lối trang trí này sau này tiếp tục được người Gò Mun kế thừa và phát triển.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí thời Đồng Đậu đã có những đóng góp rất lớn trong việc hình thành lên một nền nghệ thuật Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng vừa mang tính thống nhất, vừa mang tính đa dạng.
Hoa văn gốm Đồng Đậu là sản phẩm kết tinh trong quá trình lao động sản xuất của người Việt cổ. Đó chính là nơi phản ánh cuộc sống chân thực và sống động nhất. Vì vậy, đó là kho báu vô giá đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về cuộc sống con người thời xưa.

Nguồn tin: Bảo tàng Nhân học

[1]Hán Văn Khẩn 1983, Xung quanh vấn đề ý nghĩa hoa văn gốm cổ, KCH, số 2, tr: 33.

Tóm tắt về phong trào Tây Sơn và các sự kiện lịch sử liên quan

Nguyên nhân của các cuộc nổi dậy nông dân là do người dân đói khổ, thuế khóa tăng cao, chính quyền áp bức bóc lột

Sau khi Võ Vương chết mọi quyền hành đã bị Trương Phúc Loan thâu tóm.

Cuộc nổi dậy của anh em nhà Nguyễn Huệ diễn ra vào năm 1771 tại Quảng Nam với hai khẩu hiệu là: “Lật đổ viên nhiếp chính (Trương Phúc Loan) để khôi phục ông hoàng hợp pháp và cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” nên đã được nhân dân ủng hộ.

Nguyễn Nhạc đã quyết định chiếm Quy Nhơn làm tổng hành dinh. Trịnh Sâm ở phía Bắc đã cử Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh nhà Nguyễn chiếm kinh đô Phú Xuân và đánh quân Tây Sơn.

Trước tình hình đó, Nguyễn Nhạc đã xin tình nguyện đem quân đi đánh họ Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hoàng Phúc, để lợi dụng tình hình này chiếm lại Quy Nhơn, và sau đó đem quân đi đánh nhà Nguyễn ở Gia Định vào năm 1776.

Lê Chiêu Thống là vị vua cuối cùng của thời Lê Trung Hưng. Sau khi bị đánh bại Lê Chiêu Thống đã sang cầu cứu nhà Thanh Trung Quốc. Công chúa Ngọc Hân là con của vua Lê Chiêu Thống và được gả cho Quang Trung Nguyễn Huệ.

Ngày 22/12/1788 Nguyễn Huệ tự xưng hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Mùng 5 tết năm 1789 Quang Trung đại phá quân Thanh do Tôn Sỹ Nghị cầm đầu tại gò Đống Đa, Hà Nội.

Vua Quang Trung đặt kinh đô ở Nghệ An.

Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu (Bùi Thị Xuân là vợ của Trần Quang Diệu) là những tướng dưới thời vua Quang Trung. Nguyễn Thiếp là nhà nho dưới thời vua Quang Trung được giao cho việc điều khiển Hàn Lâm Viện.

Khi Quang Trung gây dựng kinh thành ở miền Bắc thì Nguyễn Ánh từ Băng cốc trở về đã đánh bại Nguyễn Lữ để chiếm Gia Định.

 

 

Các khu lò sản xuất gốm 10 thế kỷ đầu công nguyên

10 thế kỷ đầu Công nguyên là một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là giai đoạn mà Việt Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, là giai đoạn người Việt luôn luôn nổi dậy đấu tranh giành quyền độc lập. Mở đầu giai đoạn này là từ năm 1979 trước Công nguyên khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương và kết thục vào năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở đầu thời độc lập tự chủ.

Vò 10 thế kỷ đầu công nguyên

Ở giai đoạn này, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trong sản xuất đồ gốm. Từ gốm đất nung ở nhiệt độ thấp, với sự xuất hiện của gốm sành các khu lò, được nung trong các lò nung có nhiệt độ cao là bước nhảy vọt và gốm tráng men, cốt làm từ caolin, gốm được sản xuất tập trung thành then chốt. Những kỹ thuật làm gốm men và kỹ thuật nung gốm trong lò, kiểu dáng đồ gốm có ảnh hưởng nhất định từ Trung Hoa. Những đồ gốm được làm tại Việt Nam theo phong cách Trung Hoa mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là gốm Việt – Hán đã được sản xuất trong giai đoạn này. Cùng với nó là một hệ thống lò gốm lần lượt xuất hiện. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều khu lò sản xuất gốm cổ ở miền Bắc Việt Nam, tập trung ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Thanh Hóa. Vào thời điểm đó, đây là ba trung tâm sản xuất gốm chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam. Những cuộc khai quật khảo cổ học đặc biệt trở nên quan trọng trong việc làm sáng tỏ các khu lò sản xuất gốm trong các trung tâm này.

Hũ 10 thế kỷ đầu công nguyên

Trung tâm gốm Vĩnh Phúc

Tại đây đã phát hiện được các lò sau:

– Khu lò Thanh Lãng (thuộc xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên): là khu lò rất lớn, các lò nung gốm tập trung thành nhiều cụm lò từ 5-6 lò nung, nằm trên các sườn đồi hoặc gò đất cao ven dòng sông cổ vốn là nhánh của sông Cà Lồ. Phạm vi phân bố trải dài qua nhiều thôn như Minh Lương, Bên Đường và Hồng Hồ. Viện Khảo cổ học đã khai quật 2 khu lò gốm trong số hàng chục lò nung gốm còn lại. Các lò nung gốm đều được đắp bằng đất, dựa vào địa hình tự nhiên của gò đồi. Sản phẩm của các lò gốm ở đây là đồ sành và bát loại to, đáy tròn, trong lòng có các đường cạo men hình tứ giác. Khu lò gốm có niên đại từ cuối thời Lục triều đến đầu thời Đường.

– Khu lò Lũng Ngoại (thuộc xã Lũng Hòa, huyện Yên Lạc): đây cũng là một khu lò lớn, mật độ phân bố của các lò nung ở đây dày đặc, trải dài gần 1 km ven bờ Đông của dòng sông Phan. Khu lò này do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát hiện và khai quật 1 lò gốm còn nguyên vẹn nhất. Năm 2003, Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật thêm 1 lò nung gốm nữa. Sản phẩm của các lò gốm ở đây là các loại vò sành 4-6 núm, bát, chậu, âu sành và đồ gốm men ngà. Loại bát gốm tráng men ngà tìm được trong lò là loại bát to, đáy gẫy, chân đế đặc, lòng có các đường cạo men hình tứ giác. Khu lò có niên đại khoảng đầu đến giữa thời Đường. Một số địa điểm khảo cổ học ở vùng ven biển Thanh Nghệ, Quảng Ninh cũng đã phát hiện được loại bát này, nhiều khả năng các lò gốm này đã tham gia vào việc buôn bán trong con đường tơ lụa thời Đường đi qua vùng biển Việt Nam. Một số địa điểm trong Hoàng thành Thăng Long như Bắc Môn, Trần Phú cũng tìm được loại bát này.

– Khu lò Đồng Đậu (thị trấn Minh Tân, huyện Yên Lạc): khu lò này nằm ngày dưới chân di chỉ thời đại kim khí Đồng Đậu. Nó được phát hiện ngẫu nhiên trong đợt khai quật di chỉ này. Hiện nay khu lò đã bị phá hủy hoàn toàn. Cấu trúc của lò gốm còn mang ảnh hưởng của lò gốm Nam Trung Quốc. Sản phẩm của lò là gạch múi bưởi in văn ca rô, trám lồng, sóng nước, bát đĩa bán sứ tráng men ngà rất giống với sản phẩm của lò Đại Lai (Bắc Ninh), đặc biệt là sự gần gũi nhau trong các ký hiệu khắc ở đáy bát, đĩa. Khu lò có niên đại khoảng đầu thời Lục triều.

Trung tâm gốm Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa có một khu lò nung quy mô rất lớn đã được phát hiện, đó là khu lò Tam Thọ (xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn). Khu lò gốm Tam Thọ được Olov Janse phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1939. Trong lần khai quật này, ông đã phát hiện được hàng chục lò nung gốm, và lần đầu tiên chúng ta được biết rằng những đồ gốm Việt – Hán đã được sản xuất tại Việt Nam vào thời Đông Hán và Lục triều. Năm 2000 và 2001 khu lò gốm này được đào thám sát và khai quật lần thứ hai… Kết quả là đã phát hiện được thêm lớp lò thứ ba có niên đại khoảng đầu Công nguyên cùng với hai lớp lò nung gốm có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ IV. Những đồ sành và đồ gốm men, sản phẩm gốm gia dụng và gốm xây dựng của các lò gốm Tam Thọ được xác định một cách rõ ràng hơn. Trong khu vực Tam Thọ – Văn Vật còn phát hiện được một hệ thống gốm sành Việt nữa có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, cùng một di chỉ thời Trần thế kỷ XIII-XIV. Trong khoảng 4 thế kỷ hoạt động, tuy chỉ có một khu lò nung nhưng trung tâm gốm Thanh Hóa đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở miền đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ. Hầu hết ở các tỉnh thành miền Bắc. Trong các di chỉ và mộ táng thời Đông Hán và đầu thời Lục triều đều tìm được sản phẩm của lò gốm Tam Thọ, trung tâm gốm Thanh Hóa đã mở đầu cho một dòng gốm mới bên cạnh dòng gốm Đông Sơn truyền thống.

Trung tâm gốm Bắc Ninh

Bắc Ninh là một trung tâm lớn với nhiều khu lò gốm như Đại Lai, Luy Lâu, Tam Sơn, Đương Xá.

– Khu lò Đại Lai sản xuất các loại gốm tráng men gia dụng như bát, đĩa, âu, vò, bình… chất liệu bán sứ tiền thân của gốm men ngọc cùng những đồ sành mịn. Niên đại của khu lò kéo dài suốt thời Lục triều. Đây là những lò rồng đầu tiên và sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam. Tại đây đã phát hiện được hàng ngàn con kê bát, đĩa – dụng cụ chống dính men trong nung gốm – là một trong những loại con kê gốm cổ nhất được làm bằng chất liệu sành. Nếu như các lò gốm Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Tam Thọ cung cấp những đồ đựng Việt – Hán điển hình với số lượng phong phú nhất thì lò Đại Lai lại cung cấp những sản phẩm bát đĩa tráng men điển hình nhất và nhiều nhất thời kỳ này. Những đống đồ gốm phế thải dày trên 2m ở Đại Lai đã cho thấy phần nào quy mô và thời gian sản xuất của khu lò này.

– Khu lò Luy Lâu sản xuất vật liệu xây dựng. Khu lò nằm ngay cạnh thành Luy Lâu thủ phủ thời Đông Hán. Tại đây có hàng chục lò nung xuất lộ. Đó là những lò cóc thời Đường, được bố trí dày đặc tập trung, có thể do chính quyền đô hộ quản lý. Trong các cuộc khai quật thành Luy Lâu, rất nhiều gạch, ngói đã được phát hiện. Nhiều khả năng những vật liệu kiến trúc đó là sản phẩm của các lò nung này.

– Hệ thống lò Đương Xá (xã Vạn An, huyện Yên Phong) là khu vực có nhiều khu lò gốm thuộc nhiều thời đại khác nhau nằm ở bờ phía Đông của sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Khu lò Xóm Núi có các lò gốm sản xuất sành thế kỷ IX-X, với các sản phẩm gốm gia dụng như nồi, vò, bát, âu, chậu… Sản phẩm của lò gốm này có mặt ở nhiều vùng thuộc tỉnh Bắc Ninh, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), di chỉ Thái Lai (Vĩnh Phúc). Khu lò Đồng Khống ở xóm Láng tiếp tục truyền thống của các lò gốm Xóm Núi sản xuất đồ sành, đồng thời sản xuất ngói mũi lá, đồ gốm men. Khu lò này có tới hàng chục lò gốm, mật độ phân bố dày đặc. Hai lò gốm trong số đó đã được khai quật vào đầu năm 2004 có niên đại cuối thời Lý đầu thời Trần. Các lò gốm sành tiền thân của làng Thổ Hà nằm trên đất Đương Xá đến chùa Láng có niên đại khoảng đầu thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Nhiều sản phẩm của các lò gốm ở đây được phát hiện ở vùng ven biển Bắc Việt Nam, trong các khu mộ Mường ở Hòa Bình, mộ cổ ở huyện Lục Yên (Yên Bái), trong di chỉ và mộ táng ở huyện Sóc Sơn, thành Thăng Long (Hà Nội)…

Các lò gốm 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời của Trung Hoa đã sản xuất ra dòng gốm Việt – Hán mang sắc thái bản địa bên cạnh dòng gốm Đông Sơn tồn tại trong các làng Việt cổ. Các khu lò gốm được khảo cổ học phát hiện chắc chắn chỉ là phần nào của những lò gốm đã từng tồn tại ở giai đoạn này, nhưng chỉ chừng đó cũng đã cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhất trong việc sản xuất đồ gốm tiên tiến đương thời.

Nguồn tin: Tạp chí cổ vật; Ảnh: Tác giả

Những biến chuyển về kinh tế – xã hội – văn hóa dưới thời Bắc thuộc

1. Kinh tế
Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng đồng.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế tạo nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống.

Đồ sắt được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo đồ dùng trong sinh hoạt. Trong các mộ cổ thuộc thời kỳ Bắc thuộc có rất ít vũ khí, công cụ bằng đồng. Nhiều vật dụng trong gia đình cũng được chế tạo bằng sắt như kiềng nấu bếp, đèn, đỉnh. Việc nhà Hán đặt chức thiết quan trong coi việc thu thuế sắt đã chứng tỏ từ đầu công nguyên trở về sau cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.

Quá trình giao lưu và ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được mở rộng trong thời kỳ Bắc thuộc với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ đã góp phần thúc đẩy kỹ thuật luyện sắt và chế tạo đồ sắt ngày càng tiến triển.

Thủ công nghiệp
Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước. Công cụ sắt có nhiều loại đa dạng như rìa, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn, đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình.

Nghề đúc đồng vẫn được tiếp tục nhưng chủ yếu để chế tạo các đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân như nồi, niêu, lư hương, đồ trang sức.

Nghề làm đồ gốm phát triển, nhiều loại đồ dùng trong nhà như nồi đất, vò, bình, bát, đĩa, đèn,… được sản xuất ngày càng nhiều.

Bên cạnh gốm trơn (thường) (gốm thô), còn có gốm tráng men. Gạch, ngói cũng có nhiều loại khác nhau như gạch thường, gạch hình múi bưởi để xây vòm cuốn, ngói bản, ngói ống,…?

Việc khai thác vàng, bạc, ngọc trong nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế như vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai,… chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.

Nghề làm giấy, nghề mộc đóng thuyền, nghề xây dựng chùa chiền, đền đài, lăng mộ cũng khá phát triển

2. Về xã hội

Trước khi bị các triều đại phương Bắc xâm lược và đô hộ, xã hội Âu Lạc đã có sự phân hóa đẳng cấp giữa tầng lớp quý tộc và nhân dân công xã, đã có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, là một trong những cơ sở kinh tế – xã hội dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc vào khoảng thế kỷ VI – II TCN.

Khi bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược thì nhà nước Việt cổ với thiết chế xã hội là chế độ lạc tướng đã bị xóa bỏ và đã hình thành một tầng lớp địa chủ ít nhiều có thế lực ở địa phương thuộc nhiều nguồn gốc và xu hướng khác nhau.

3. Về văn hóa

Trên cơ sở một nền văn hóa bản địa vững chắc, kết tinh bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống của người Việt cổ với ý thức hệ cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quý, gắn bó với quê hương, đất nước, tổ tông mà các thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đã xây dựng nên, bởi vậy, dù cho các triều đại phương Bắc ra sức đồng hóa dân tộc ta, nhằm thủ tiêu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhưng kết cục trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đó vẫn giữ được vị trí chủ thể và có tác dụng Việt hóa những yếu tố văn hóa ngoại nhập. Những yếu tố văn hóa từ bên ngoài đều thông qua chủ thể văn hóa Việt Nam mà phát huy tác dụng và làm phong phú thêm nền văn hóa cổ truyền.

Chính quyền phong kiến phương Bắc với 3 chính sách nhằm đồng hóa nước ta

Thời Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, trải qua các triều đại: Triệu, Hán (Tây Hán và Đông Hán), Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm và đô hộ, biến Âu Lạc thành quận, huyện, đồng hóa dân tộc, bóc lột tàn tệ và triệt để nhân dân ta.

  1. Tổ chức cai trị

Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ (bao gồm vùng Bắc Bộ ngày nay) và Cửu Chân (gồm vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), sáp nhập vào nước Nam Việt.

Năm 111 TCN, nhà Hán đánh chiếm Nam Việt và chia nước ta thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Nhà Hán vẫn duy trì phương thức cai trị: Dùng người Việt trị người Việt của nhà Triệu.

Sau nhà Hán là các triều đại Ngô, Ngụy, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường cùng với việc thay đổi các đơn vị hành chính là việc tổ chức chặt chẽ hơn bộ máy thống trị của chính quyền đô hộ. Tuy nhiên, việc thiết lập chính quyền đô hộ vẫn chỉ nằm ở các phủ, châu, chưa xuống tới các làng, xã.

  1. Vơ vét, bóc lột tàn bạo nhân dân bản xứ

Dựa vào một tổ chức quan lại, quân đội tương đối chặt chẽ và khá mạnh, chính quyền đô hộ đã ra sức bóc lột và đàn áp nhân dân các châu, quận. Chúng ra sức chiếm đất xây dựng cơ sở kinh tế riêng, thực hiện chính sách đồn điền nhằm giữ đất đai mới chiếm được của nhân dân ta.

Chúng bắt nhân dân ta phải cống nạp, nộp tô thuế và chịu lao dịch cho chính quyền đô hộ. Ngoài ra chúng còn nắm độc quyền sản xuất và mua bán muối và sắt, để bắt nhân dân ta nộp thuế và lệ thuộc chặt chẽ vào chính quyền đô hộ của chúng.

  1. Đồng hóa dân tộc, khủng bố và đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta

Để nô dịch nhân dân ta về tư tưởng, tinh thần, ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo đã được chính quyền đô hộ truyền bá vào nước ta. Tiếng Hán và chữ Hán cũng được chính quyền đô hộ phổ biến ở Giao Châu nhằm làm công cụ thực hiện chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán.

Bên cạnh đó chúng còn đẩy mạnh việc di dân Hán đến ở lẫn với người Việt, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục tập quán theo người Hán.

                                     

Bảo vật quốc gia: Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam, thường gọi là gốm hoa lam. Dòng gốm hoa lam Việt nam xuất hiện từ thời Trần thế kỷ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay. Đặc biệt vào thế kỷ 15 dòng gốm hoa lam đã phát triển tới đỉnh cao chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Qua nhiều tài liệu đã công bố ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Singapore, Nhật Bản… và các nước vùng Trung Đông chúng tôi đều thấy nhiều loại hình gốm hoa lam Việt Nam rất đặc biệt. Đáng chú ý nhất là chiêc bình gốm hoa lam hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiếc bình này có dòng minh văn viết bằng men lam: “Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút”. Nội dung của minh văn này cho biết chiếc bình do người thợ họ Bùi ( hay Bùi Thị Hý ) vẽ vào năm thứ 8 của niên hiệu Đại Hòa đời vua Lê Nhân Tông, 1450.


Trang trí Thiên Nga trên bình gốm

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình gốm thuộc sưu tập độc bản trong tàu cổ Cù Lao Chàm khai quật vào năm 1999 – 2000 mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lưu giữ và trưng bày.

Số l­ượng hiện vật trong con tàu Cù Lao Chàm với hơn 240 nghìn, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Chămpa, Trung Quốc và Thái Lan, được các nhà nghiên cứu thống nhất cho là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm sứ có nguồn gốc sản xuất ở Hải Dương và Thăng Long phía Bắc Việt Nam.

Niên đại con tàu cũng đ­ược các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15 dư­ới thời Lê sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 .

Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với kiểu dáng, loại men và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Xét về loại hình hiện vật đồ gốm, chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, ngoại trừ một vài loại dùng cho tín ng­ưỡng tôn giáo như­ lọ kendi, lư hư­ơng. Nhiều loại hình tạo theo kiểu dáng truyền thống như­ âu, ang hình cầu, chén, hộp, lọ các loại nh­ưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phư­ợng, thú hay quả đào, bình và ấm hình tỳ bà, tư­ớc, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá. Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh h­ưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên – Minh (Trung Quốc).

Về trang trí trên đồ gốm s­ứ Cù Lao Chàm gây ấn t­ượng nhất là dòng hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như­ trên đĩa, bát, kendi, lọ tỳ bà (Yuhuchun), chén quả đào, tư­ợng ngư­ời, hộp… Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện:

– Vẽ chi tiết, nét mảnh, những người s­ưu tầm gốm Việt Nam gọi là “pake”.

– Vẽ thoáng với nét đậm.

Tùy theo từng chủng loại gốm mà ta thấy tài khéo của ng­ười sản xuất.

Gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao khoảng 101/4 inches (26cm) ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng n­ước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân.. Đây cũng là lần đầu tiên, gốm Việt Nam xuất hiện kỹ thuật trang trí mới lạ, đặt ra câu hỏi: Trang trí vàng kim, nguồn gốc và kỹ thuật ở Việt Nam?

Cũng trong đồ gốm Cù Lao Chàm còn thấy một số loại hình phủ men xanh cobalt sau đó vẽ vàng kim. Đáng kể là loại bát gốm men trắng mỏng, trong lòng trang trí in nổi hoa mai dây hay in nổi hình rồng mây và sóng nước. Loại bát này có x­ương rất mỏng, nhiều chiếc thấu quang đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Ngoài phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm ở Việt Nam còn được tìm thấy ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dư­ơng), Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa)…

Đồ gốm sứ trong tàu Cù Lao Chàm đã gây nhiều bất ngờ cho giới nghiên cứu gốm sứ Việt Nam cả trong và ngoài n­ước, và chắc chắn sẽ còn được bàn thảo, công bố nhiều hơn nữa.

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này có kích thước lớn nhất, với chiều cao: 56,5cm và đường kính miệng: 23,8cm.

Bình có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng. Thân phình thuôn dần xuống đáy. Từ miệng, cổ và thân bình đều được vẽ trang trí hoa lam bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề xen kẽ bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau, theo chủ đề phi minh túc thực. Với bốn tư thế của thiên nga trong khung cảnh cây cỏ, khóm tre mang đặc điểm riêng không hề giống với đề tài này trong trang trí trên đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản.

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga

Về nguồn gốc sản xuất chiếc bình gốm hoa lam này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng từ khu lò gốm Chu Đậu, nơi đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Hải Dương phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu Australia.

Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của đất nước ta ra đời vào thế kỷ 14 và phát triển rực rõ nhất vào thế kỷ 15-16. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. Tuy nhiên, cho đến nay còn có ý kiến của TS.Bùi Minh Trí (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) cho rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được sản xuất từ khu vực lò gốm của kinh thành Thăng Long (Hà Nội).

Với chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, từ kiểu dáng, kích thước cho đến trang trí là một minh chứng đỉnh cao của dòng gốm hoa lam. Những đề tài trang trí ở đây chẳng những đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển Trung Hoa mà còn được thể hiện tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Qua những đề tài thể hiện trên bình gốm cho ta hình dung về một vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam thời Lê sơ tk 15, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

Chiếc bình gốm này xứng đáng là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, vật chứng tiêu biểu của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 15.

Kể từ khi nhập về kho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến nay chiếc bình này đã được giới thiệu trong nhiều cuộc trưng bày chuyên đề ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở giá trị đặc biệt quý hiếm của chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 công nhận là bảo vật Quốc gia đợt 1 cùng với 30 hiện vật, nhóm hiện vật lựa chọn trong khối di sản văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Về 2 mô hình nhà thời sơ sử (thời dựng nước đầu tiên)

TÊN CỔ VẬT: Mô hình nhà (kiến trúc vật lý)

CHẤT LIỆU: Gốm thô (đất nung)

TẠO HÌNH, ĐIÊU KHẮC, HỘI HỌA: Mô hình nhà là nhà kiểu 2 tầng, có sân, cổng, cầu thang. Cổng có một cửa chính và một cửa phụ, khoảng sân rộng có tường cao, trên các bờ tường có các bộ vì kèo nhưng trang trí ở bên ngoài để tạo độ cứng, vững. Có cầu thang lên nhà, nhà có 2 gian, gian chính cao rộng có 1 cửa, có ngói bằng trên mặt ngói là các bộ vì kèo trang trí bên ngoài. Trong nhà có 1 cửa lách thông xuống gian nhỏ, mái vòm.

TÊN CỔ VẬT: Mô hình nhà chuồng (kiến trúc vật lý)

CHẤT LIỆU: Gốm thô (đất nung)

TẠO HÌNH, ĐIÊU KHẮC, HỘI HỌA: Mô hình nhà chuồng, có một cửa chính, 2 cửa phụ và một cửa lách. Xung quanh tường có các lỗ thoáng, được khắc vạch.