Archive | 21 Tháng năm, 2017

“MÔN HẠ SẢNH ẤN” – Chiếc ấn cổ minh chứng cho tổ chức chính quyền triều Trần

Trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia Đợt 1, quyết định số 1426/QĐTTg ngày 1/10/2012 có ấn đồng MÔN HẠ SẢNH ẤN. Tên gọi như thế là theo phiên âm 4 chữ theo thể Triện thư trên mặt ấn.

Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và văn bản trình Hội đồng Giám đinh cổ vật Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch, ấn được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1962. Hiện nay ấn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ấn mang số hiệu đăng ký tài sản quốc gia LSb.25266. Ấn đã được giới thiệu trong cuốn sách Cổ Vật Việt Nam, số ảnh 119, tr.98 (Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng, 2003).

Ấn được đúc hình vuông, tạo ba cấp khá đều. Ấn có chiều cao 8,5cm, mặt ấn hình vuông, cạnh 7,3cm x 7,3cm, nặng 1,4kg. Quai ấn tạo hình chữ nhật dẹt, chỏm cong, giống như hình bia đá. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải khắc 4 chữ, phiên âm: “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên, ngũ nguyệt, nhị thập tam nhật tạo” (dịch nghĩa: chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377).


Ấn đồng: Môn hạ sảnh ấn – niên đại 1377 (đời Trần Duệ Tông)

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn” (Ấn sảnh Môn hạ). Sảnh Môn hạ là cơ quan Trung ương nằm trong bộ ba “Tam sảnh” gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ. Đây là ba cơ quan cao nhất của triều đình nhà Trần. Sảnh Thượng thư có nhiệm vụ giúp Tể tướng quản lý các việc có liên quan đến quan chức, chức Hành khiển Thượng thư đứng đầu. Hành khiển là chức rất lớn, bao trùm các chức Lệnh thị lang, Tả Hữu ty Lang trung. Sảnh Trung thư giữ việc bàn bạc mọi việc trọng đại của quốc gia. Sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của Vua tới các quan, nhận lời tấu của Vua và các công việc lễ nghi trong cung. Sảnh Môn hạ còn giữ quyền thẩm tra kiểm duyệt mọi việc sau đó mới được ban bố thi hành. Chức quan này ở sảnh Môn hạ triều Trần cũng đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm như: vào năm thứ 6 niên hiệu Khai Thái (1329), đời vua Trần Minh Tông phong cho Vũ Nghiêu Tá làm Nhập Nội Hành Khiển, Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.135)… Vào năm thứ 11 niên hiệu Khai Hựu (1339), vua Trần Hiến Tông lấy Trương Hán Siêu làm Hữu Ty Lang Trung, sảnh Môn hạ rồi sai Ông cùng Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng Triều đại điển và khảo đính bộ Hình Thư để ban hành (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.147).

Các đại thần tài giỏi này tuy đã làm ở sảnh rồi nhưng vẫn được kiêm nhiệm các chức vụ khác như Hành khiển Phạm Sư Mạnh, vào năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị (1362) được vua Trần Dụ Tông phong thêm chức Tri khu mật viện sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.165).

Vào năm đầu niên hiệu Thiệu Khánh (1370) vua Trần Nghệ Tông trả ơn cho Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên, phong làm Hành Khiển Tả Tham Tri chính sự (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, 1972, t.2, tr.174).

Quả ấn đồng Ấn sảnh Môn hạ đúc vào năm 1377 trên đây được dùng để đóng vào những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, bắt đầu từ đời Trần Phế Đế về sau.

Khi thực hiện phần trưng bày lịch sử triều Trần trong Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã đặt quả ấn này cùng sưu tập những đồng tiền mang niên hiệu các vua Trần, để chứng minh cho Bảng sơ đồ Tổ chức chính quyền triều Trần. Đây là một bằng chứng về tổ chức hành chính Trung ương triều Trần. Như thế, quả ấn rõ ràng đã làm sinh động thêm nhiều cho phần trưng bày.


Mặt ấn được đúc nổi 4 chữ theo thể Triện thư “Môn hạ sảnh ấn”


Bản in dấu ấn “ Môn hạ sảnh ấn”

Xung quanh quả ấn đồng này còn có nhiều vấn đề liên quan khá thú vị. Chẳng hạn, tại sao quả ấn lại “lưu lạc” nơi xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh? Phải chăng việc này có liên quan đến sự kiện các cuộc Nam chinh giao tranh với Chiêm Thành, diễn ra nhiều năm trong khoảng 1377 – 1397, mà bi kịch cuộc chiến đã xảy ra, và có thể đoàn xa giá tùy tùng của vua cũng chung số phận để lại ấn báu của vương triều? Dù sao đây cũng là giả thiết cần có thêm chứng cứ.

Sau khi phát hiện quả ấn vào năm 1962, vì tính chất quan trọng của nó nên khi chuyển giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam lúc đó, ấn được đúc một phiên bản để lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Nhân chuyến công tác của Hội đồng giám định tại miền Trung, tháng 5 năm 2013, TS. Phạm Quốc Quân và Tôi đã xem lại phiên bản ấn tại kho Bảo tàng Hà Tĩnh. TS. Quân đã viết bài “Ghi chú cho một bảo vật quốc gia” đăng trên trang Website của Bảo tàng, nói rõ về trường hợp này.

Ngoài quả Ấn sảnh Môn hạ trên đây, thông tin về việc phát hiện những quả ấn thời Trần khác còn rất ít. Năm 1999, trong Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học, GS. Hà Văn Tấn có giới thiệu “Về một quả ấn thời Trần tìm thấy ở Quảng Tây (Trung Quốc)” (Hà Văn Tấn, 2000, tr.655). Đây là quả ấn đồng có quai cao 2,6cm, mặt hình vuông, cạnh 5,0cm x 5,0cm, dày 1,0cm. Mặt ấn đúc nổi 6 chữ theo thể Triện thư, chia 2 dòng, mỗi dòng 3 chữ: Bình Tường thổ châu chi ấn. (Ấn của thổ châu Bình Tường). Theo Nguyễn Công Việt, “Châu Bình Tường chính là Bằng Tường hiện nay” (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.76). Mặt lưng, bên phải quai ấn khắc 4 chữ Hán theo thể Chân thư: Đại Trị ngũ niên (năm thứ 5 niên hiệu Đại Trị, 1362). Bên trái quai ấn khắc 5 chữ: Nhâm Dần tứ nguyệt chú (đúc vào tháng 4 năm Nhâm Dần). Với chữ nguyệt, khắc thiếu nét ngang đúng theo quy định chữ kiêng húy thời Trần là cơ sở xác nhận niên đại quả ấn. Đây là quả ấn được tìm thấy ở núi Lộng Lạc, thuộc công xã Nghĩa Vu, huyện Điền Đông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 1983. Quả ấn được GS.Tanaguchi Fusao (Nhật Bản) nghiên cứu và giới thiệu trên tạp san Nghiên cứu niên báo của Sở Nghiên cứu văn hóa Á Phi, trường Đại học Tokyo, số 31, tháng 3, năm 1997, tr.176-188.

Năm 2012, trên Tạp chí Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Công Việt có giới thiệu quả ấn đồng Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Ấn này có quai kiểu chuôi vồ dẹt, dưới to trên thu nhỏ. Ấn cao 7,3cm, mặt ấn vuông, cạnh 5,7cm x 5,7cm. Trên mặt ấn đúc nổi 7 chữ Hán theo thể Triện thư, xếp 3 hàng dọc đều nhau từ trên xuống. Mặt lưng ấn, phía bên phải quai có khắc 7 chữ kiểu Chân thư: Tam Giang khẩu tuần kiểm ty ấn (Ấn Ty tuần kiểm khẩu Tam Giang). Cũng theo kết quả khảo cứu của tác giả, niên đại quả ấn được xác định vào khoảng niên hiệu Đại Khánh (1314 – 1323). Và nếu đây là đúng thì quả ấn được coi là ấn hành chính cổ nhất nước ta. (Nguyễn Công Việt, 2012, tr.12-18).

Cho tới nay, những phát hịên về ấn đồng cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam trên đất nước ta là rất hiếm, chính vì thế quả ấn đồng “Ấn sảnh Môn hạ” có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất, liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần, mang đầy đủ các tiêu chí, xứng đáng được vinh danh vào Danh mục Bảo vật Quốc gia.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia