Archive | 22 Tháng Năm, 2017

Rồng bay – Nghệ thuật cung đình Việt Nam

Rồng là một linh vật huyền thoại do con người tưởng tượng ra, là sản phẩm sáng tạo của nghệ thuật, xuất hiện từ lâu đời trong cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Tại mỗi nước, mỗi khu vực khác nhau, đặc điểm cấu trúc và ý nghĩa biểu tượng của chúng cũng khác nhau. Song, nhìn chung chúng là tập hợp những yếu tố quý và mạnh lấy từ những con vật có thật. Bởi vậy, theo quan niệm xưa, rồng là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc được gán ghép với những khả năng và quyền lực phi phàm chi phối nhân sinh, vũ trụ.

Ở Việt Nam, hình tượng Rồng đã xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ Tiên, cội nguồn dân tộc thông qua truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Mặt khác, do nằm trong cái nôi của nền văn minh lúa nước, Rồng Việt Nam còn giữ vai trò là một Phúc thần mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Do đó, hình tượng Rồng tuy không có thực nhưng rất gần gũi, gắn bó với người Việt.

Trong buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, cộng đồng cư dân Việt cổ – chủ nhân sáng tạo nên Văn hóa Đông Sơn, nền văn minh cổ rực rỡ đầu tiên ở Việt Nam – đã định cư và liên kết vững chắc thành cộng đồng quốc gia – dân tộc. Lúc này, ý thức dân tộc đã nảy sinh và định hình, cư dân Lạc Việt đã bắt đầu xây dựng huyền thoại về nguồn gốc dân tộc, tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Họ đã chọn cá sấu, con vật dũng mãnh sống dưới nước làm vật tổ. Nhưng đó không hoàn toàn là cá sấu trong thực tế mà đã được cách điệu thành giao long với chiếc đầu nhọn, thân thon dài, đuôi uốn cong, có hai hoặc bốn chân, đôi khi xuất hiện sừng hoặc bờm trên đầu. Hình ảnh những cặp giao long châu đầu, dựa lưng, áp mình vào nhau xuất hiện nhiều trên đồ đồng Đông Sơn đã trở thành biểu tượng sức mạnh của người Việt cổ. Tuy nhiên, sang những thế kỷ đầu công nguyên, trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Bắc, hình thức rồng sơ khai, bản địa của người Việt đã chuyển đổi từ thân bò sát sang thân thú, đồng thời cũng mang thêm nhiều yếu tố tưởng tượng hơn.


Rìu đồng trang trí hình giao long Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2500 – 2000 năm cách ngày nay.

Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư hẻo lánh ra Đại La, điểm trung tâm của đất nước, rồi mượn hình tượng rồng bay để đặt tên cho kinh đô mới Thăng Long, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc. Theo xu hướng thời đại đó, hình tượng rồng đã được xây dựng hoàn chỉnh ngay từ đầu và trở thành biểu tượng của vương quyền. Nó hiện lên đầy sáng tạo, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Dù trên bất cứ di tích, chất liệu nào, cấu trúc và phong cách rồng thời Lý đều tương đối thống nhất với đặc trưng nổi bật là trên đầu có mào lửa, thân mình trơn nhẵn, tròn trặn, thon nhỏ như thân rắn, uốn nhiều khúc hình sin mềm mại, nhẹ nhàng theo kiểu thắt miệng túi. Các chi tiết bờm, râu, lông khuỷu chân luôn theo một nhịp điệu tương đồng với thân rồng… Tất cả tạo nên một phong cách hoàn chỉnh quy phạm nhưng cũng đầy trau chuốt, tinh tế và thanh thoát. Điểm khác biệt có thể nhận ra đó là chiều hướng vận động của rồng: bay theo phương nằm ngang, thẳng đứng, trong ô hình chữ nhật, hình tròn hoặc hình lá đề, lá sen…

Lá đề chạm hình rồng Đá, thời Lý, thế kỷ 11 – 13. Chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

Mảnh tháp chạm nổi hình rồng Gốm men trắng, thời Lý, thế kỷ 11 – 13.

Sang thời Trần (thế kỷ 13 – 14), do sự chuyển giao triều đại diễn ra trong hòa bình nên về cơ bản hình thức rồng thời kỳ này là sự phát triển trên cơ sở kế thừa phong cách rồng thời Lý. Tuy nhiên, tinh thần thượng võ hình thành nên qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã dần tạo một khí thế, phong cách mới cho con rồng nhà Trần. Nó trở nên khỏe khắn, mập mạp hơn, số lượng khúc uốn cũng ít đi. Đồng thời, một số chi tiết mới bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến như cặp sừng hoặc vây lưng hình răng cưa. Tổng quan cho thấy, rồng thời Trần đã giảm đi sự trau chuốt, hướng tới sự phóng khoáng, đơn giản nhưng khỏe khoắn.

Bộ cánh cửa chạm hình rồng Gỗ, thời Trần, thế kỷ 13 – 14. Chùa Phổ Minh, Nam Định.

Tới thời Lê sơ (thế kỷ 15) – thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam, Nho giáo phát triển tới đỉnh cao. Triều đình đã có những quy định chặt chẽ về điển lễ vương triều, rồng trở thành biểu tượng của đấng thiên tử. Những thứ có vẽ rồng 5 móng chỉ dành riêng cho nhà vua. Bởi vậy, hình tượng rồng trong nghệ thuật thời kỳ này gần như biến đổi hẳn. Những yếu tố truyền thống đã dần mất đi và thay vào đó là mẫu hình rồng thể hiện sự tiếp thu từ con rồng phương Bắc với những quy định cụ thể như mắt quỷ, mũi sư tử, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng, vây lưng hình răng cưa sắc nhọn… Do đó, hình thức rồng trở nên uy nghi, oai vệ và dữ tợn hơn. Đặc điểm cấu trúc và xu hướng vận động của rồng cũng rất đa dạng. Nhà Mạc tuy chỉ tồn tại mấy chục năm trong thế kỷ 16, nhưng cũng đã kịp định hình một phong cách nghệ thuật riêng mà dấu ấn nổi bật là khúc thân uốn hình yên ngựa. Nói chung, rồng thời Mạc đã bớt đi vẻ uy nghi so với rồng Lê sơ. Sang thời Lê Trung Hưng, khúc thân uốn yên lưng ngựa này đã dần bị loại bỏ. Đặc biệt, từ thế kỷ 17, khi văn hóa dân gian phát triển mạnh, hình tượng rồng cũng đã kịp thời thích ứng. Bên cạnh những hình rồng uy nghi trong nghệ thuật cung đình, đã xuất hiện ngày càng phổ biến những mô típ rồng mang đậm tâm thức dân gian, thể hiện sự vui tươi, phóng túng, đặc biệt là trong điêu khắc gỗ đình làng. Mảng chạm hình rồng bị chó đuổi ở chùa Cói (Vĩnh Phúc) hay hình rồng nô đùa với thú ở đình Thổ Hà (Bắc Giang)… là những minh chứng rõ nét.


Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Đá, Thời Lê sơ, thế kỷ 15.

Chân đèn đắp nổi hình rồng Gốm hoa lam, thời Mạc, năm 1580.

Đỉnh trang trí hình rồng Gốm men rạn, thời Lê Trung hưng, năm 1736. Lò gốm Bát Tràng.

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Thời kỳ này, rồng được coi là linh vật đứng đầu trong bộ tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng. Đặc điểm nhận dạng của rồng thời Nguyễn là có đuôi xoáy tròn hoặc xòe rẻ quạt. Trong nghệ thuật cung đình, rồng đã trở lại vẻ uy nghi, biểu trưng cho sức mạnh vương quyền. Đặc điểm hình thức của rồng cũng được quy định riêng cho vua, hoàng tộc hoặc từng phẩm hàm quan lại khác nhau…, trong đó dành cho vua luôn là rồng 5 móng. Bên cạnh đó, rồng trong nghệ thuật dân gian vẫn tiếp mạch phát triển từ thời kỳ trước. Bởi vậy có thể nói, hình tượng rồng thời Nguyễn hiện lên vô cùng đa dạng như rồng bay trong mây, rồng ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời… Đặc biệt, hình tượng rồng cách điệu từ cỏ cây, hoa lá như trúc hóa rồng, lá hóa rồng, mai hóa rồng… cũng xuất hiện phổ biến và ngày càng trở nên gần gũi.


Chậu trang trí rồng Vàng, hiện vật cung đình Triều Nguyễn.

Như vậy, trải qua quá trình phát triển mấy ngàn năm, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển, mỗi giai đoạn lịch sử lại mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố kế thừa, bảo lưu truyền thống rõ nét. Đồng thời, có những giai đoạn, hình tượng rồng Việt Nam cũng mang những nét thể hiện sự giao lưu, tiếp biến từ văn hóa bên ngoài. Nhưng việc tiếp thu này không phải là sự sao chép từ nguyên bản mà là sự chọn lọc những tinh hoa và cải biến nó cho phù hợp với thẩm mỹ dân tộc, từ đó hình thành những đặc trưng riêng mang đậm bản sắc Việt Nam.

Nhân năm Việt Nam tại Pháp 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật Châu Á Guimet đã phối hợp tổ chức trưng bày đặc biệt: Rồng bay – Nghệ thuật cung đình Việt Nam. Lần đầu tiên, những tác phẩm nghệ thuật cung đình độc đáo mang hình tượng rồng, ý niệm về nguồn cội của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật truyền thống và giá trị lịch sử đặc sắc được giới thiệu tới công chúng Pháp và bạn bè thế giới. Trưng bày mở cửa từ ngày 08/7/2014 đến ngày 15/9/2014 tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Châu Á Guimet, Paris (Pháp).

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia