Bảo vật quốc gia: Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam, thường gọi là gốm hoa lam. Dòng gốm hoa lam Việt nam xuất hiện từ thời Trần thế kỷ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay. Đặc biệt vào thế kỷ 15 dòng gốm hoa lam đã phát triển tới đỉnh cao chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Qua nhiều tài liệu đã công bố ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Singapore, Nhật Bản… và các nước vùng Trung Đông chúng tôi đều thấy nhiều loại hình gốm hoa lam Việt Nam rất đặc biệt. Đáng chú ý nhất là chiêc bình gốm hoa lam hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiếc bình này có dòng minh văn viết bằng men lam: “Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút”. Nội dung của minh văn này cho biết chiếc bình do người thợ họ Bùi ( hay Bùi Thị Hý ) vẽ vào năm thứ 8 của niên hiệu Đại Hòa đời vua Lê Nhân Tông, 1450.


Trang trí Thiên Nga trên bình gốm

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình gốm thuộc sưu tập độc bản trong tàu cổ Cù Lao Chàm khai quật vào năm 1999 – 2000 mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lưu giữ và trưng bày.

Số l­ượng hiện vật trong con tàu Cù Lao Chàm với hơn 240 nghìn, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Chămpa, Trung Quốc và Thái Lan, được các nhà nghiên cứu thống nhất cho là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm sứ có nguồn gốc sản xuất ở Hải Dương và Thăng Long phía Bắc Việt Nam.

Niên đại con tàu cũng đ­ược các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15 dư­ới thời Lê sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 .

Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với kiểu dáng, loại men và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

Xét về loại hình hiện vật đồ gốm, chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, ngoại trừ một vài loại dùng cho tín ng­ưỡng tôn giáo như­ lọ kendi, lư hư­ơng. Nhiều loại hình tạo theo kiểu dáng truyền thống như­ âu, ang hình cầu, chén, hộp, lọ các loại nh­ưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phư­ợng, thú hay quả đào, bình và ấm hình tỳ bà, tư­ớc, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá. Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh h­ưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên – Minh (Trung Quốc).

Về trang trí trên đồ gốm s­ứ Cù Lao Chàm gây ấn t­ượng nhất là dòng hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như­ trên đĩa, bát, kendi, lọ tỳ bà (Yuhuchun), chén quả đào, tư­ợng ngư­ời, hộp… Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện:

– Vẽ chi tiết, nét mảnh, những người s­ưu tầm gốm Việt Nam gọi là “pake”.

– Vẽ thoáng với nét đậm.

Tùy theo từng chủng loại gốm mà ta thấy tài khéo của ng­ười sản xuất.

Gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao khoảng 101/4 inches (26cm) ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng n­ước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân.. Đây cũng là lần đầu tiên, gốm Việt Nam xuất hiện kỹ thuật trang trí mới lạ, đặt ra câu hỏi: Trang trí vàng kim, nguồn gốc và kỹ thuật ở Việt Nam?

Cũng trong đồ gốm Cù Lao Chàm còn thấy một số loại hình phủ men xanh cobalt sau đó vẽ vàng kim. Đáng kể là loại bát gốm men trắng mỏng, trong lòng trang trí in nổi hoa mai dây hay in nổi hình rồng mây và sóng nước. Loại bát này có x­ương rất mỏng, nhiều chiếc thấu quang đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Ngoài phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm ở Việt Nam còn được tìm thấy ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dư­ơng), Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa)…

Đồ gốm sứ trong tàu Cù Lao Chàm đã gây nhiều bất ngờ cho giới nghiên cứu gốm sứ Việt Nam cả trong và ngoài n­ước, và chắc chắn sẽ còn được bàn thảo, công bố nhiều hơn nữa.

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này có kích thước lớn nhất, với chiều cao: 56,5cm và đường kính miệng: 23,8cm.

Bình có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng. Thân phình thuôn dần xuống đáy. Từ miệng, cổ và thân bình đều được vẽ trang trí hoa lam bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề xen kẽ bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau, theo chủ đề phi minh túc thực. Với bốn tư thế của thiên nga trong khung cảnh cây cỏ, khóm tre mang đặc điểm riêng không hề giống với đề tài này trong trang trí trên đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản.

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga

Về nguồn gốc sản xuất chiếc bình gốm hoa lam này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng từ khu lò gốm Chu Đậu, nơi đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Hải Dương phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu Australia.

Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của đất nước ta ra đời vào thế kỷ 14 và phát triển rực rõ nhất vào thế kỷ 15-16. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. Tuy nhiên, cho đến nay còn có ý kiến của TS.Bùi Minh Trí (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) cho rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được sản xuất từ khu vực lò gốm của kinh thành Thăng Long (Hà Nội).

Với chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, từ kiểu dáng, kích thước cho đến trang trí là một minh chứng đỉnh cao của dòng gốm hoa lam. Những đề tài trang trí ở đây chẳng những đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển Trung Hoa mà còn được thể hiện tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Qua những đề tài thể hiện trên bình gốm cho ta hình dung về một vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam thời Lê sơ tk 15, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

Chiếc bình gốm này xứng đáng là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, vật chứng tiêu biểu của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 15.

Kể từ khi nhập về kho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến nay chiếc bình này đã được giới thiệu trong nhiều cuộc trưng bày chuyên đề ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở giá trị đặc biệt quý hiếm của chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 công nhận là bảo vật Quốc gia đợt 1 cùng với 30 hiện vật, nhóm hiện vật lựa chọn trong khối di sản văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.