Archive | 27 Tháng Năm, 2017

Những điều thú vị quanh tượng người cõng nhau thổi khèn trong văn hóa Đông Sơn

Không phải ngẫu nhiên mà đợt phong tặng danh hiệu Bảo vật quốc gia lần đầu cho 30 hiện vật, có 2 trống đồng và 2 tượng đồng của văn hóa Đông Sơn. Hai trống đồng là Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, đã quá nổi tiếng. Tượng đồng người cầm đĩa đèn phát hiện ở Lạch Trường cũng xứng đáng là bảo vật và được nói đến nhiều. Thế còn bức tượng còn lại?

Đó là tượng người cõng nhau thổi khèn. Hết sức sinh động, có lẽ là một bức tượng đẹp nhất trong các khối tượng biết đến nay thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Người Đông Sơn vốn giỏi đúc đồng. Họ cũng là tác giả của nhiều bức tượng từ gốm, đá đến chất liệu đồng thau. Nhưng có lẽ đẹp nhất phải kể đến tượng bằng đồng vì nó được miêu tả tinh mĩ hơn do cách làm khuôn uyển chuyển mềm mại hơn là đẽo đá, lại có được sắc óng vàng của chất liệu đồng thau đem lại.

Người Đông Sơn đã đúc thành công 5 cặp tượng người trên nắp thạp đồng Đào Thịnh miêu tả 5 đôi trai gái đang giao duyên khá hiện thực, còn thấy được cả giới tính người đàn ông, nếp khố, lưng còn đeo dao găm. Họ cũng đúc được các loại cóc gắn trên mặt trống đồng, tượng chó trên mặt trống minh khí, tượng hươu, tượng lợn. Một loạt tượng người, hổ, rắn trên cán dao găm khá đẹp mà nay người ta gọi là dòng nghệ thuật ứng dụng: kết hợp tạo tượng ghép với sự trang trí đồ vật. Cũng có khi có tượng người thổi khèn ngồi ở cán muôi đồng Việt Khê.

Nhưng phần lớn các tượng kể trên đều là tượng trong tư thế “tĩnh”. Còn bức tượng hai người cõng nhau thổi khèn lại trong tư thế “động”: người cõng thì chân cao, chân thấp, nhún nhảy như muốn bước thêm một bước nữa. Người ngồi trên lưng thì thổi khèn say sưa. Tượng được miêu tả trong điệu nhảy và trong điệu khèn. Cái khéo của tượng chính là miêu tả hết sức có hồn hai người đàn ông: người cõng đội khăn đầu rìu, đóng khố, đuôi khố thòng ra phía sau, chấm đất. Người xưa khéo xử lý đuôi khố để thành một chân tượng kết hợp với hai chân của người đang cõng, tạo thành cái thế “chân vạc” giúp tượng không có đế, nhưng có 3 điểm tựa vững chãi. Hai tay người cõng vòng ra sau, ôm lấy lưng người ngồi trên khá chắc chắn và hiện thực. Người ngồi trên lưng có tay cầm khèn, miệng ngậm khèn đang say sưa thổi. Cả hai người đều tết tóc thành đuôi tròn sau gáy, đeo đồ trang sức khá to ở tai. Các chi tiết như miệng, mắt, mũi đều được mô tả chi tiết.

 

Cả bức tượng sinh động nhường vậy nhưng lại có kích thước nhỏ: chiều cao 8,5cm rộng ngang 9,5cm. Mặc dù nhỏ, nhưng lại là tuyệt tác về nghệ thuật, chuyên chở được cái “thần thái” của nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn: cái chất sống động, kết hợp giữa tạo dáng với tạo văn: một số hoa văn khắc vạch có mặt trên tóc, trên tay. Đây cũng còn là một tuyệt tác về đúc đồng. Vào thời điểm đúc tượng, người nghệ nhân đúc tượng làm khuôn bằng đất. Qua quan sát, có thể thấy tượng đúc liền khối chứ không chắp vá, chứng tỏ kỹ nghệ làm khuôn rất giỏi, phải có cách tạo khuôn ghép nhiều bộ phận nhỏ, mới tạo ra được các khối thanh mảnh, các chỗ lồi lõm, mà khi đúc, nước đồng vẫn điền đầy chi tiết.

Tượng người cõng nhau thổi khèn còn chứa chất khá nhiều thông điệp về lịch sử thời văn hóa Đông Sơn. Niên đại của tượng vào khoảng vài trăm năm trước Công Nguyên. Qua đó, ta biết được thời điểm này, người Việt cổ rất lạc quan, tâm thái của tượng có cái chất phơi phới, vô tư, đúng như thư tịch cũ còn ghi lại: vào thời Hùng Vương, Vua tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên.

Tượng cũng cho thấy hình ảnh của cây khèn đang được thổi, đó là một loại nhạc cụ được khắc họa trên trống đồng, rìu đồng, tượng người thổi khèn còn trên cán muôi. Đây là nhạc cụ phổ biến thời Hùng Vương. Chúng ta có thể thấy một dàn nhạc có bộ gõ (trống, chuông, chiêng) bộ hơi (khèn) đã làm nên một dạng hòa âm đặc biệt của thời này. Khèn cũng là một dụng cụ âm nhạc tồn tại khá lâu, cho đến nay, nhiều dân tộc ở miền núi nước ta vẫn coi khèn là nhạc cụ không thể thiếu của dân tộc mình như người H’Mông, người Tây Nguyên. Qua cây khèn bè và những so sánh dân tộc học, có thể đoán định vào thời văn hóa Đông Sơn của các Vua Hùng, có nhiều tộc người khác nhau cùng tham gia khai phá và dựng nước, họ cũng đều là các tộc người thích âm nhạc, nhất là khèn.

Tượng còn cho thấy một nét sinh hoạt văn nghệ đương thời: múa nhảy. Người Việt cổ vừa thổi khèn, vừa múa nhảy. Qua hình tượng đã có thể khẳng định thêm các tư liệu khảo cổ đã biết: người xưa đã có múa nhảy. Họ đã đeo khá nhiều vòng có gắn nhạc đồng, mà các nhà khoa học gọi là vòng ống. Đeo vòng ống dọc bắp tay, cánh tay, cổ chân. Một số khuyên tai, xà tích cũng gắn nhạc. Đến khi nhảy, múa, tiếng nhạc rung lên lanh canh, rộn ràng. Việc múa và nhảy trong sinh hoạt văn hóa là đặc điểm của Đông Sơn, phần lớn được thực hiện trong các ngày hội như mừng năm mới, mừng cơm mới, cưới xin… Ngày nay, các điệu múa, nhảy ít còn thấy trong cộng đồng người Việt Nam. Chỉ còn đôi nét múa nhảy còn thể hiện ở các điệu múa nhảy truyền thống như ca nữ đánh bồng mà thôi.

Cũng cần nhớ lại bức tượng người cõng nhau thổi khèn đã được tìm thấy ngay ở di chỉ khảo cổ học Đông Sơn nổi tiếng cách đây khoảng 80 năm trong cuộc khai quật của một người Pháp tên là Pajot. Tượng đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam. Tượng còn quý ở chỗ có giá trị độc bản. Không thấy những bức tượng nhảy múa sinh động giống thế trong nền văn hóa Đông Sơn, mặc dù đã có hàng trăm làng cổ và khu mộ cổ của nền văn hóa này được khai quật.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia