Archive | 1 Tháng năm, 2017

3 tôn giáo du nhập vào nước ta thời Bắc thuộc

Trên cơ sở một nền văn hóa bản địa vững chắc, kết tinh bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống của người Việt cổ với ý thức hệ cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quý, gắn bó với quê hương, đất nước, tổ tông mà các thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đã xây dựng nên, bởi vậy, dù cho các triều đại phương Bắc ra sức đồng hóa dân tộc ta, nhằm thủ tiêu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhưng kết cục trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đó vẫn giữ được vị trí chủ thể và có tác dụng Việt hóa những yếu tố văn hóa ngoại nhập. Những yếu tố văn hóa từ bên ngoài đều thông qua chủ thể văn hóa Việt Nam mà phát huy tác dụng và làm phong phú thêm nền văn hóa cổ truyền.

Nho giáo là sự tổng hợp những tư tưởng, triết lý, luân lý, đạo đức và thể chế cai trị ở Trung Quốc có từ thế kỷ VI – V Tr.CN do Khổng Tử và các học trò của ông xây dựng và về sau được phát triển, ổn định trong Tứ thư: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử và Ngũ kinh: Thi, thư, dịch, lễ, xuân thu. Với tam cương: đạo vua – tôi, đạo cha – con, đạo vợ – chồng và ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, Nho giáo chủ trương tôn trọng và bảo vệ chế độ đẳng cấp, trật tự xã hội bóc lột, trung thành tuyệt đối với nhà vua – hoàng đế Trung Hoa. Với mục đích đồng hóa dân tộc ta, nhà nước phong kiến Trung Hoa đã sử dụng chữ Hán và Nho giáo như một công cụ để thực hiện, tuy nhiên, sau một thời gian dài, tôn giáo này vẫn chỉ dừng lại ở tầng lớp trên của xã hội, chưa thể xâm nhập vào xóm, làng của người Việt.

Đạo giáo là một tôn giáo, tín ngưỡng ở Trung Quốc, là một hỗn hợp nhiều thứ mê tín dị đoan và phương thuật như đoán mộng, xem sao, đồng cốt, chữa bệnh bằng phù phép, bói toán,… được hệ thống hóa bởi một hệ thống thần điện, đạo tạng, đền miếu. Đạo giáo khi du nhập vào nước ta đã hòa quyện với tín ngưỡng dân gian Việt cổ.

Phật giáo ra đời từ thế kỷ VI Tr.CN ở Ấn Độ, do Thích Ca Mâu Ly sáng lập. Lúc mới ra đời, đạo Phật có nội dung tích cực trong cuộc đấu tranh chống chế độ đẳng cấp khắc nghiệt ở Ấn Độ, được đông đảo nhân dân bị trị hưởng ứng. Về sau đạo Phật bị giai cấp thống trị lợi dụng và biến nó thành một tôn giáo chính thống của nhà nước. Những mặc tích cực của Phật giáo như chủ trương bình đẳng, bác ái, vị tha, làm điều lành, chống điều ác,… bị giai cấp thống trị cắt xén, xuyên tạc, phát triển mặt tiêu cực để làm công cụ đàn áp, thống trị nhân dân lao động. Tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ có những nét phù hợp với học thuyết của đạo Phật như kêu gọi mọi người làm điều nghĩa, có lòng nhân ái vị tha, thuyết nhân quả nghiệp báo, nên được đông đảo nhân dân hưởng ứng.