Archive | 31 Tháng năm, 2017

Sưu tập trang sức văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện đầu tiên vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Cho đến năm 2014, quá trình phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn đã tròn 90 năm. Trải qua gần một thế kỷ, với những thành tựu của khảo cổ học, chứng cứ về Văn hóa Đông Sơn, một thời kỳ phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam được nhiều chuyên gia, cũng như công chúng trong và ngoài nước hoàn toàn thán phục. Đây cũng là thời kỳ tạo tiền đề cơ sở vật chất cho sự ra đời nhà nước đầu tiên – nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Đông Sơn được phân bố chủ yếu ở 3 lưu vực sông chính đó là sông Hồng, sông Mã và sông Cả, thuộc các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Về niên đại, tồn tại trong khung thời gian từ cuối thiên niên kỷ I trước Công Nguyên đến thế kỷ 2 sau Công Nguyên. Văn hóa Đông Sơn hình thành và phát triển trên nền tảng của những văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun), cách ngày nay 4.000 đến 2.500 năm.

Hiện nay, số lượng di vật đồ sộ thuộc Văn hóa này được lưu giữ ở các bảo tàng trong nước và nước ngoài, các sưu tập tư nhân, nhưng có lẽ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những đơn vị lưu giữ nhiều hiện vật Văn hóa Đông Sơn nhất, gồm các loại hình như: đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, vũ khí, nhạc khí và đồ trang sức. Mỗi sưu tập đều có những chức năng sử dụng khác nhau, ẩn chứa trong mình những ý nghĩa sâu sắc, từ đó phản ánh nhiều khía cạnh trong đời sống của cư dân xã hội đương thời.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn giới thiệu đến công chúng một sưu tập hiện vật đặc sắc: “Sưu tập trang sức Đông Sơn” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Sưu tập không những đa dạng về loại hình, mà còn phong phú về chất liệu như đồng, đá, mã não, thủy tinh,…trong đó trang sức đồng chiếm số lượng nhiều hơn cả.

Văn hóa Đông Sơn là thời kỳ nở rộ của các sản phẩm đồng thau, với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật đúc đồng, những sản phẩm đồng đã dần chiếm ưu thế trong đời sống của cư dân Đông Sơn. Trang sức bằng đồng được tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ thuộc Văn hóa này, đa dạng về loại hình và kiểu dáng như: vòng (gồm vòng ống chân, vòng ống tay, vòng trổ thủng, vòng hình sống trâu, vòng có mặt cắt ngang hình bầu dục, hình tròn, hình lòng máng,…) trâm cài, khóa thắt lưng,… Một trong những loại hình đồ trang sức đồng được cư dân Đông Sơn ưa chuộng nhất là vòng ống. Vòng thường có hình nón cụt hay hình trụ rỗng,… trên thân có những đường gờ nổi song song với nhau, các đường chỉ chìm, đường tròn tiếp tuyến có chấm giữa, hoa văn sóng nước, ở một hay hai đầu thường được trang trí hoa văn hình bông lúa, hình chữ S,…Vòng ống loại này thường có một rãnh hở để điều chỉnh độ rộng khi đeo. Nhiều chiếc vòng ống, ở vành miệng và thân được gắn nhạc đồng, chứng tỏ, ngoài chức năng làm đẹp, những chiếc vòng ống này còn là loại nhạc cụ độc đáo, đặc biệt trong những lễ hội. Bởi khi múa, những quả nhạc đồng (lục lạc) có kích thước xấp xỉ bằng nhau, đã rung đập vào nhau hay đập vào thân vòng tạo nên những âm thanh vui nhộn. Những lục lạc đồng không chỉ được gắn trên vòng ống, các nhà nghiên cứu còn bắt gặp chúng được gắn trên một số hiện vật khác của Đông Sơn tìm thấy trong các di chỉ ở Làng Vạc (Nghệ An) như chuông đồng, muôi đồng, xà tích, khuyên tai, nhẫn, khóa thắt lưng. Điều đó càng chứng tỏ đời sống của cư dân dân Đông Sơn gắn liền với âm nhạc và nhảy múa, đặc biệt, trong những dịp hội hè, tế, lễ. Những hình ảnh này đã được khắc họa trên một số trống đồng Đông Sơn như hình người đội mũ lông chim hóa trang nhảy múa, qua những khối tượng như: tượng người cõng nhau thổi khèn (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – Bảo vật Quốc gia năm 2012), hay qua tượng người thổi khèn trên cán muôi đồng trong mộ thuyền Việt Khê,…. Trong khi múa, có nhiều nhạc khí đệm theo như: trống, chiêng, khèn,…và trong một dàn nhạc có nhiều khạc khí như vậy thì vòng ống gắn nhạc có tác dụng làm cho tiết tấu bản nhạc thêm vui tươi, nhộn nhịp. Vòng ống chân, ống tay còn có chức năng chống đỡ những vật nhọn, nặng đâm vào cổ tay, cổ chân. Đặc biệt, đối với đàn ông, nó như một thứ giáp chắn khi ra trận. Nhiều dân tộc còn đeo nhiều vòng ở cổ tay, cổ chân để tránh vắt cắn khi đi rừng.


Vòng tay hình sống trâu trang trí trổ thủng, đồng

Người Đông Sơn rất thích đeo nhiều trang sức, ngoài trang sức ở tai, cổ, tay, thì họ còn quan tâm đến mái tóc,. Những chiếc trâm cài đầu có chất liệu đồng tìm thấy trong các di chỉ Văn hóa Đông Sơn cũng là loại hình trang sức mang đặc trưng của cư dân thời kỳ này. Ngoài chức năng giữ cho mái tóc gọn gàng, trâm cài còn là vật trang trí, tô điểm cho mái tóc. Những phụ nữ quý tộc thường cài những loại trâm đẹp, có kích thước lớn, điển hình như chiếc trâm hình chữ P (gần giống hình chiếc vợt cán dài), mang ký hiệu LSb 24291, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhượng lại của ông Triệu Văn Ánh ở Hà Nội năm 1999.


Trâm cài tóc, đồng

Bên cạnh đó, khóa thắt lưng cũng là loại hình trang sức bằng đồng độc đáo của các thủ lĩnh, quan lại và những người giàu có thời kỳ này. Trên khóa thắt lưng thường trang trí những đường xoắn ốc, trang trí hình chữ S, có khóa thắt lưng gắn thêm lục lạc, và có những khóa thắt lưng trang trí cá sấu, hình rùa. Những con vật thể hiện cho sự dũng mãnh của các thủ lĩnh thời Đông Sơn.

Như vậy, những đồ trang sức này không chỉ có chức năng làm đẹp mà nó còn đóng vai trò quan trọng làm phong phú đời sống nghệ thuật, tinh thần và tâm linh của con người.

Bên cạnh những đồ trang sức bằng đồng, loại hình trang sức đá cũng được cư dân Đông Sơn ưa chuộng, gồm các loại hình như vòng tay các loại, khuyên tai, hạt chuỗi,…với kỹ thuật khoan tách lõi, mài, giũa, đánh bóng,… Có lẽ khuyên tai đá hình vành khăn là loại hình phổ biến của cư dân Đông Sơn. Loại đá được người Đông Sơn lựa chọn làm đồ trang sức là các loại đá trắng, xanh, có vân, xám, vàng nâu, nổi bật nhất là màu đỏ của mã não, xanh mát của đá ngọc hay trong suốt của thạch anh. Như vậy, để làm đẹp, người Đông Sơn không chỉ chế tạo ra các loại hình trang sức độc đáo, mà còn chú trọng về màu sắc của chúng, bởi chúng góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho bản thân họ. Đặc biệt, trong Văn hóa Đông Sơn có những hạt chuỗi đá dài 3 – 4cm, được mài vát 2 đầu, đây là loại hạt chuỗi không phải để đeo ở cổ, mà theo một số tài liệu dân tộc học thì chúng được đeo ở tai, có lỗ ở giữa để cắm giải tua hay lông chim để trang trí.


Khuyên tai hình vành khăn, thạch anh

Ngoài những trang sức bằng đồng, đá, cư dân Đông Sơn còn sử dụng đồ trang sức bằng thủy tinh. “Sản xuất thủy tinh là một nghề hoàn toàn mới, chỉ ra đời vào thời Đông Sơn, có ý kiến nói đến sự ra đời sớm của trung tâm chế tạo thủy tinh Sa Huỳnh và ảnh hưởng lan tỏa của nó đến các vùng xung quanh,… Như vậy nghĩa là nghề làm thủy tinh Đông Sơn có nguồn gốc hay ít nhất thì cũng chịu ảnh hưởng của nghề thủy tinh Sa Huỳnh”. [Hà Văn Tấn (1994), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội]. Trang sức có chất liệu thủy tinh đang trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm: hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai,… trong đó những chiếc vòng tay được xem là một trong những loại hình tiêu biểu.

Tuy kỹ thuật chế tác thủy tinh không phải là thế mạnh của cư dân Đông Sơn, nhưng với sự xuất hiện của đồ trang sức bằng thủy tinh trong văn hóa này cho thấy: cư dân Đông Sơn ngay từ rất sớm đã có sự giao lưu, trao đổi, cả về kỹ thuật và hàng hóa với các vùng trong khu vực.

Vậy những đồ trang sức đa dạng về chất liệu, phong phú về kiểu dáng, tinh xảo về hoa văn này đã được người Đông Sơn sử dụng như thế nào? Điều đó được phản ánh qua những khối tượng tròn trang trí trên thạp đồng, trên cán dao găm,… Những khối tượng người trang trí ở cán kiếm, cán dao găm đồng được mô tả rất chân thực và sống động như hình người đàn ông mặc khố, đứng chống nạnh, tóc búi tròn, đôi vòng tai to chấm xuống vai, tay đeo vòng, cổ đeo vòng dài xuống đến ngực. Đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ trang trí trên cán kiếm được phát hiện ở núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa) thể hiện một vẻ đẹp quý phái. Với mái tóc búi cao hình búp sen, cổ đeo hạt chuỗi dài đến bụng, vòng tai to chấm vai, hai tay đeo vòng. Qua đó cho thấy, thời kỳ này đồ trang sức được cư dân Đông Sơn khá ưa chuộng và sử dụng phổ biến cho cả đàn ông và phụ nữ. Tuy nhiên, cách trang sức của đàn ông và phụ nữ có đôi chút khác nhau, phụ nữ thường đeo khuyên tai to, nặng, dài chấm xuống vai, nhiều tượng Đông Sơn còn phát hiện họ đeo nhiều chiếc khuyên tai móc vào nhau, còn đàn ông thì đeo những chiếc khuyên nhỏ hơn, nhìn nghiêng mới thấy. Những tượng Đông Sơn phát hiện được cho đến nay mới chỉ thấy tượng phụ nữ đeo chuỗi hạt, và thường đeo nhiều chuỗi, chuỗi trong cùng sát vào cổ, chuỗi ngoài cùng chấm đến bụng, loại hình trang sức này chưa thấy ở tượng đàn ông.

Qua số lượng di vật trang sức tìm thấy trong Văn hóa Đông Sơn, chúng ta có thể hiểu, đời sống vật chất của cư dân thời kỳ này đã khá cao, từ đó họ mới có thể tập trung, dành nhiều tâm huyết và thời gian để cho ra đời nhiều loại hình trang sức cầu kỳ, tỉ mỷ và đẹp đến như vậy. Cùng với việc phản ánh sự phong phú trong đời sống tinh thần, những đồ trang sức này còn cho thấy một trình độ kỹ thuật, tư duy, thẩm mỹ trong luyện kim đúc đồng, cũng như chế tác đá của cư dân thời kỳ này.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia