Kho cổ vật của “dị nhân” Nguyễn Văn Hưng – Gia Lai

Từ thú “chơi ngông”

Trong căn nhà rộng khoảng 50 m2 ở xã Ia Kly, anh Hưng đã chất đầy hàng ngàn cổ vật. Anh kể: Hiểu biết một chút về cổ vật nên khi mình đi làm thấy người ta bán thế là mua, có nhiều cổ vật thấy người dân vứt ra góc vườn, xin cũng ngại nên trả cho người ta ít tiền thế là họ bán. “Kiếm được đồng nào là mình lại bỏ ra mua cổ vật, chỉ để lại một ít lo cho mấy đứa con ăn học”.

Bên ly trà nóng, anh kể cho tôi nghe về thú đam mê của mình. Như chuyện nghe tin có người ở Ia Mơr sở hữu một cái rìu đá, vứt ở góc sân hàng chục năm nay, thế là anh tìm đến. Hỏi mua, người ta bảo bán, nhưng giá hơi cao, thế là gọi điện về bảo vợ đi vay tiền mang lên. Nhiều lúc, anh rong ruổi khắp các huyện tìm cổ vật mà quên mất ở nhà vợ và con đang đợi, công việc nương rẫy đành bỏ đó.

Cũng chính vì thú đam mê ấy mà anh đã gom góp tất cả tài sản mình có để mua cổ vật, nhiều lúc phải bán cả con bò hay con heo, thậm chí là đi vay nóng để thỏa mãn đam mê của mình. Anh bảo rằng, không phải ai có cổ vật quý mình cũng mua bằng được, vì đâu đủ tiền. “Tôi giải thích cho bà con hiểu đây là đồ quý phải cất cẩn thận, nó liên quan đến lịch sử, văn hóa của dân tộc. Có lúc gặp bộ chiêng rất cổ, mình khuyên họ nên cất đi đề phòng kẻ gian”-anh nói.

Có lần nửa đêm có người gọi cửa bán chiêng, bằng linh cảm anh biết đó là kẻ gian nên không bao giờ mua và đều khuyên họ phải trả lại cho khổ chủ, không nên vi phạm pháp luật… Anh giới thiệu lướt qua các loại cổ vật gồm đồ sành sứ, đồng thau với nhiều loại hình qua các thời từ trung đại đến cận đại. Đó là những chiếc ghè, bộ chén đĩa, rìu…

Anh dừng lại với bộ sưu tập đá, đồng, thuộc giai đoạn tiền-sơ sử, đôi mắt anh sáng lên. Anh cho biết: Những đồ vật này tôi tốn khá nhiều tiền vì chúng rất quý. “Mình nhìn nó để biết con người cách đây mấy ngàn năm đã sống như thế nào. Chúng giúp cho các nhà khảo cổ tìm hiểu về người tiền sử ở xứ sở này. Muốn có hiện vật để nghiên cứu, các nhà khảo cổ phải khai quật rất công phu, vất vả, có khi cả cuộc khai quật chỉ thu được dăm bảy hiện vật họ vẫn vui mừng, cho là thành công. Vậy thì tại sao mình không cố sưu tập chúng…”.

 

Đóng góp cho khoa học

Để qua một bên những chiếc rìu đồng, gương đồng, anh dẫn tôi đến và chỉ hàng bao tải đựng những công cụ đá như rìu, cuốc, bôn, bàn mài, cưa, chày nghiền, mảnh vòng đá… với nhiều loại, kích cỡ, được làm từ các loại đá (silic, sét silic, phtanite, basalte, opal).

Hơn 10 năm sưu tầm, anh đã tìm thấy vài chục xưởng chế tác các công cụ đá tiền sử bên những con suối. Để giúp mọi người xem biết được việc chế tác công cụ, vật dụng đá của người tiền sử, anh đã thu gom hàng bao tải mảnh đá dăm bị tách ra trong quá trình đập đẽo-chế tác công cụ, vật dụng đá. Khi về nhà, anh cặm cụi vẽ lại sơ đồ những nơi mình phát hiện, hy vọng sau này có ai đó cần, với cách làm này mỗi cổ vật trong nhà anh đều có địa danh của nó.

Hàng ngày anh vẫn sưu tầm vì cho rằng Chư Prông và các vùng lân cận vẫn còn những xưởng chế tác đồ đá của người tiền sử. Các cổ vật ngàn năm tuổi này sẽ dễ bị vùi lấp vì thiên nhiên. Vẫn niềm đam mê sưu tầm cổ vật, ưu tiên cho những di vật tiền sử, bao năm qua cuộc sống của gia đình anh Hưng vẫn còn chật vật. “Bảo tàng” này mới đây đã giúp các nhà khảo cổ học những dữ liệu cực kỳ quý báu cho việc nghiên cứu nền văn minh của các tộc người tiền-sơ sử ở Tây Nguyên vốn đang được mở ra hơn một thập kỷ nay. Đặc biệt, trong bộ sưu tập của anh có 4 gương đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là có trước Công nguyên. Và nó cũng được đánh giá là cổ hơn 4 chiếc gương đồng khai quật được ở văn hóa Sa Huỳnh.

 

Trung tuần tháng 7-2013, ông Phan Thanh Toàn – Chuyên gia nghiên cứu về thời đại đồ đá của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiếp cận kho cổ vật của anh Hưng. Trong Hội nghị thông báo khảo cổ học cuối tháng 9-2013, ông Phan Thanh Toàn đã có bài giới thiệu về bộ sưu tập quý của anh Hưng.

Ông Toàn nhận định: “Bộ sưu tập các hiện vật tiền – sơ sử của anh Hưng có trên hai ngàn hiện vật đá và đồng. Đồ đá rất phong phú về loại hình, được làm từ nhiều loại đá khác nhau. Đây là bộ sưu tập rất quý trong nghiên cứu khảo cổ học, chúng có tuổi từ hậu kỳ đá mới-sơ kỳ đồng thau cách đây từ 4.000 đến 3.000 năm và các giai đoạn lịch sử khác nữa. Những hiện vật mà anh Hưng sưu tầm được có mối liên hệ di chỉ Lung Leng ở Sa Thầy, Kon Tum.

One thought on “Kho cổ vật của “dị nhân” Nguyễn Văn Hưng – Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.