Đại ca bãi vàng và bộ sưu tập đồ đá thời tiền sử lớn nhất Việt Nam – Kon Tum

Đang ăn nên làm ra với vị trí chủ bưởng bãi vàng, đột nhiên Văn Đình Thành quẳng máy móc, đem hết vàng đi đổi… công cụ đồ đá của người tiền sử. Say mê sưu tập, anh đã có một bộ sưu tập đá cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam với 5.000 hiện vật. Nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành khảo cổ đã tìm đến nhà anh để… nghiên cứu.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Văn Đình Thành (phố Hoàng Văn Thụ, thị xã Kon Tum) đã là một đại ca có tiếng ở các bãi vàng Crông, Sê San 3 với mấy chục quân trong tay. Tên tuổi đại ca Thành càng nổi hơn khi anh kéo quân đến cánh rừng Đắk Lây xa xăm đào củ mài để ăn, vục nước suối để uống suốt mấy tháng trời cho tới khi phát hiện ra nơi đây… có vàng.

Khi các đội quân đào vàng nơi khác “ngửi” thấy liền ầm ầm kéo đến thì anh đã ẵm đủ đem về nộp cho vợ mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc. Năm 1989, Văn Đình Thành về xã Sa Bình (Sa Thầy, Kon Tum) khai phá mỏ mới. Thế là tại buôn Lung Leng xuất hiện một bãi vàng với cả ngàn người ngày đêm quật đất tìm vàng.

Ông chủ bưởng vàng say mê đồ đá cổ

Một ngày, thợ đãi vàng của Thành mang đến cho anh cục đá lạ hình tròn, có lỗ ở giữa mà họ đào được từ độ sâu gần chục mét. Với kinh nghiệm của một người làm vàng, Thành khẳng định đây không phải đá tự nhiên mà do bàn tay con người tạo ra. Không lý giải được vì sao vật này lại nằm ở độ sâu như vậy, và người ta dùng nó để làm gì, Thành liền mang cục đá đến Sở Văn hóa – Thông tin và Bảo tàng tỉnh để hỏi. Thì ra đó là công cụ dùng để gieo hạt của người xưa. Người xưa đã biết xiên chiếc gậy nhọn qua cục đá để dùi lỗ trên mặt đất gieo hạt cho đều.

Ngay khi nghe các cán bộ chuyên môn ở Bảo tàng tỉnh giảng giải, một ý nghĩ nảy sinh trong đầu Thành: “Người ta sưu tầm tem, đồ cổ, sinh vật lạ… thì mình cũng làm bộ sưu tập công cụ lao động bằng đá của người tiền sử chắc không đụng hàng”. Sau hôm đó, Thành vẫn chỉ đạo quân của anh đào hang, đào lỗ, nhưng không tìm vàng mà… tìm đá.

Dân bãi vàng thấy đại ca Thành vốn mê tìm vàng như điếu đổ nay lại khinh vàng mà say mấy cục đá lem nhem thì lấy làm buồn cười lắm. Lạ nhất là cái cảnh bên đống lửa giữa bãi vàng Lung Leng, ông chủ bưởng Thành tuyên bố từ nay giải nghệ tìm vàng vì đã có nghề mới: nghề sưu tầm công cụ đá thời tiền sử. Khi ấy, mọi người đặt ngay cho anh cái tên mới: Thành “đá cổ”.

Bộ sưu tập rìu, bôn rất đa dạng, phong phú

Tất nhiên, dân đào vàng chẳng xoay cả sang nghề tìm đá cổ, nhưng trong lúc đào vàng, kiếm được hòn đá nào lạ mắt, giống như đã được mài giũa là gọi Thành “đá cổ” đến ngã giá. Cứ vật nào đẹp, lạ, tinh xảo thì giá tiền trăm, tiền triệu; vật nào xấu, thô sơ, sứt mẻ thì giá vài ngàn là cùng. Đồng bào Ba Na nghe tin ấy sướng nhất, đem hết những cục đá lạ mắt lượm được lúc làm nương bán cho Thành “đá cổ”. Một cục đá to bằng quả bưởi có khi bán cho Thành được vài ngàn, nhưng mẩu đá bằng hạt ngô lại được Thành trả cho mấy trăm ngàn, đủ một bữa nhậu túy lúy.“Hâm” nhất là cái hành động Thành “đá cổ” lôi một bọc vàng cám dễ đến mấy chục cây ra “dọa” mọi người: “Số vàng này dùng để mua đồ đá cổ, ai kiếm được thì đem bán cho tôi”.

Đau khổ nhất là vợ của Văn Đình Thành. Trước đây ông chồng mang vàng về cho chị bán sướng cả tay, giờ vàng không thấy đâu lại suốt ngày thấy anh khuân đá về chất đầy góc nhà, bày biện kín bàn, ngập trong các tủ. Khuyên chồng, mắng chồng, dọa bỏ chồng vẫn không ăn thua, cáu tiết, chờ lúc chồng đi vắng, chị vợ đem mấy cục đá cho đám công nhân đang làm đường hỏi: “Mấy anh có dùng loại đá này làm đường không đến nhà tôi mà lấy”. Nhưng họ bảo đá này làm đường không được vì độ chịu lực hơi kém.

Bực quá, chị khuân hết đống đá quẳng ra chỗ đặt thùng rác bên đường. Chồng về, không thấy của quý đâu, chạy quáng quàng ra đường, may mắn vẫn thấy mấy bao tải đá vứt ở đó. Mấy ông hàng xóm bảo, chị vệ sinh đường phố đẩy xe rác qua, nhưng mấy bao đá nặng quá không bê nổi. Lúc đó, Văn Đình Thành đã có hơn 2.000 công cụ lao động bằng đá.

Năm 2001, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử cùng các nhà khảo cổ vào Kon Tum tiến hành thám sát để tổ chức khai quật các di chỉ khảo cổ học ở dọc sông Krông Pôkô trong địa bàn huyện Sa Thầy trước khi hồ thủy điện Sê San dâng lên ngập nước.

Trong quá trình thám sát, tìm kiếm di vật khảo cổ, người dân quanh vùng mách TS. Sử đến nhà Thành “đá cổ”. Nhìn những đống đồ đá thời tiền sử chất đầy trong nhà Văn Đình Thành, ông Sử đã không kìm được xúc động. Ông tuyên bố rằng nó là vô giá, là không thứ vật chất gì có thể mua được. Nghe TS. Sử nói vậy, chị vợ anh Thành rạng rỡ mặt mày. Từ bấy không còn thấy lôi chuyện đống đá trong nhà ra chì chiết anh nữa. Thậm chí chị lại còn cấp thêm tiền cho anh đi mua.

Xót lòng trước cảnh anh Thành đem búi rác bằng lưới đánh rửa cổ vật, mang dao, búa gọt giũa thêm cho đẹp, TS. Sử đã bỏ cả tuần ở lại nhà anh để cùng anh bảo quản, sắp xếp cổ vật cho khoa học. Nhìn vào sự sắp xếp cổ vật của Thành “đá cổ”, ta có thể thấy sự tiến hóa liên tục của xã hội loài người ở vùng đất cổ Kon Tum từ 10.000 năm đến 1.500 năm về trước.

Bộ sưu tập vô giá

Được tiếp xúc với TS. Sử, lại mày mò nghiên cứu sách vở về lịch sử tiến hóa loài người, Văn Đình Thành đã không còn thiết làm gì nữa ngoài việc đi săn, đi đào, đi tìm mua những công cụ đồ đá của người tiền sử. Bộ sưu tập của anh nhanh chóng tăng lên con số 5.000 món, một con số khổng lồ. Tất cả những công cụ lao động của người tiền sử như rìu đá, bôn đá (cuốc), dao đá, cào đá, công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập, các loại giáo mác… từ lớn đến bé, từ thô sơ đến tinh xảo anh đều có. Rồi những đồ trang sức của phụ nữ như mặt đá đeo cổ, đeo tay, vòng đá, nhẫn đá, hạt vòng chuỗi, kim khâu áo da bằng đá… anh cũng có đủ. Kể cả các loại đồ vật mang đậm tính chất tâm linh như sinh thực khí dùng để thờ cúng anh cũng có mấy chục bộ từ to đến nhỏ, chế tác rất tinh xảo.

TS. Sử, người đã bỏ cả đời đi hết vùng này đến vùng khác, leo hết núi này đến núi kia, xới tung hầu hết các điểm khảo cổ, song vẫn phải công nhận không thể tìm đâu ra những món đồ thứ hai mà Thành “đá cổ” đang có, đó là ba chiếc mũi qua (một loại vũ khí) bằng đá ngọc còn nguyên vẹn và chiếc bàn dùng đập vải vỏ cây được chạm khắc rất tinh xảo.

Văn Đình Thành khẳng định rằng, anh đã đi hết các bảo tàng trong nước, song chưa thấy vùng nào có công cụ lao động bằng đá phong phú và tinh xảo như bộ sưu tập của anh. Điều đó có nghĩa là thời kỳ đồ đá ở vùng đất Kon Tum rất phát triển, người làm ra nó đã là những nghệ nhân đỉnh cao của thời kỳ đồ đá dài dằng dặc.

Có một câu chuyện thế này mới biết đồ đá cổ của Văn Đình Thành quý như thế nào: Năm ngoái, anh vào Internet ghé thăm các bảo tàng. Tại một bảo tàng ở châu Phi có trưng bày trên trang bìa một sọ người cổ, một hòn đá tròn có lỗ dùng để chọc đất gieo hạt. Anh gửi e-mail cho người phụ trách bảo tàng đó và họ bảo rằng sọ người và đồ vật bằng đá đó là biểu tượng của bảo tàng, điều đó có nghĩa nó rất có giá trị. Tuy nhiên, cái công cụ gieo hạt này anh có đến mấy chục cái.

Điều làm ông chủ bưởng vàng một thời này khoái chí là vì đã ngẫm ra một điều thú vị: Người châu Á và châu Phi chắc gì đã cùng chủng tộc, song con đường chọn lựa công cụ lao động thì lại giống nhau. Điều đó có nghĩa là người châu Á và người châu Phi cũng có sự phát triển trí não, có sự suy nghĩ tương đối trùng nhau để chọn lựa vật dụng lao động. Và Thành “đá cổ” tự gặm nhấm một suy nghĩ rất đỗi tự hào rằng: “Ai dám khẳng định mảnh đất Việt Nam không phải cái nôi của văn minh loài người buổi bình minh?”.

Những tấm bảng trưng bày đồ đá cổ được anh Thành treo khắp nhà

Có một chuyện khá hài hước là ông chủ bưởng vàng ít học lại dám đặt một câu hỏi kiểu câu đố với TS. Sử về đề tài khảo cổ học. Thành “đá cổ” hỏi thế này: “TS có biết công cụ nào mà con người sử dụng từ thời tiền sử đến giờ?”. TS. Sử gõ đầu mấy cái không nghĩ ra liền hỏi lại: “Cái gì thế cậu?”. Thành “đá cổ” bảo: “Từ 6.000 năm trước Công nguyên đến nay con người vẫn dùng chày đá, cối đá”. TS. Sử khoái chí vỗ đùi đen đét: “Ờ nhỉ!”.Vào những bảo tàng đồ đá ở Bắc Mỹ thì thấy trưng bày đến 90% tên đá với lao đá, điều đó có nghĩa là cư dân cổ nơi đây sống chủ yếu bằng săn bắt. Bộ sưu tập của anh lại chiếm đến 80% công cụ lao động phục vụ nông nghiệp, tức là con người đã biết tạo lập cuộc sống bằng trồng trọt, chăn nuôi. Thế là Thành “đá cổ” lại sung sướng với cái suy luận: “Văn minh loài người xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn hẳn so với cư dân Bắc Mỹ!”.

Từ khi được nhiều GS, TS đầu ngành về khảo cổ học đến thăm, Thành “đá cổ” bỗng nổi tiếng cả khu phố Hoàng Văn Thụ. Các cán bộ bảo tàng tỉnh thì ngỡ ngàng nhận ra rằng sự đa dạng của đống công cụ đá cổ ở bảo tàng chẳng thấm tháp gì so với bộ sưu tập của Văn Đình Thành. Do vậy, hồi kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để nói rõ cho cả nước biết Kon Tum là vùng đất cổ, có một thời kỳ đồ đá phát triển rực rỡ, bảo tàng tỉnh đã mượn bộ sưu tập của anh để trưng bày ngoài trời cho nhân dân cả tỉnh xem.

Sau buổi trưng bày đó, người dân Kom Tum, đặc biệt là đám học sinh kéo nhau đến nhà anh Thành xem đá cổ, nghe anh giảng giải về tổ tiên của người Kom Tum đã sống và làm việc như thế nào suốt cả vạn năm qua. Mấy ông có tiền ở Kon Tum được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập của anh cũng bỏ bê công việc đi đào bới, săn lùng công cụ đá cổ thời người tiền sử.

Cũng có nhiều đại gia đến gạ mua bộ sưu tập có một không hai của Văn Đình Thành với giá bất kể thế nào, song đều thất bại. Văn Đình Thành đã bỏ cả đống vàng đi sưu tầm công cụ đá cổ thì có gì giá trị để đổi được bộ sưu tập của anh. Tham vọng của Thành “đá cổ” là muốn người Kon Tum phải hiểu tổ tiên đã sinh sống ở mảnh đất cổ Kon Tum, nơi mà các nhà cổ sinh địa tầng bảo rằng nó đã nhô lên khỏi mặt biển 3 tỉ năm trời này như thế nào…

Phạm Ngọc Dương

Nguồn: http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Dai-ca-bai-vang-va-bo-suu-tap-do-da-thoi-tien-su-lon-nhat-Viet-Nam-24056/

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.