Lung leng: Mảnh đất của người tiền sử

Chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 8/1999. Ông Nguyễn Ngọc Kim, chủ quán trong bãi khai thác vàng Lung Leng, khệ nệ đưa từ rừng sâu ra một thùng giấy để thương lượng bán cho Bảo tàng Kon Tum một số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng.

Trong thùng, hơn 300 cổ vật gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…! Ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng của dân tộc Gia Rai hơn 3 km đường chim bay. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1 m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30 cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu…

Nghiên cứu sơ bộ nhận thấy đây là di chỉ khảo cổ học thời tiền sử, Bảo tàng đã gửi các di vật, than tro ngay ra Hà Nội để xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp carbon phóng xạ C14. Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khảo cổ đã bay vào Kon Tum…

“Địa chỉ mới” của Viện Khảo cổ học Việt Nam

Từ đỉnh đồi xa đã nhìn thấy công trường khai quật với hàng trăm người đang hối hả làm việc. Các hố khai quật ngay sát mép nước lòng hồ thủy điện Ya Ly mà trước đó là dòng sông cổ Krông Pô Kô. Một số hố đã chìm dưới nước. Công tác khai quật rất khẩn trương, hầu như tất cả đều phải chạy – chạy lụt!… Các nhà khảo cổ học đang làm việc với tinh thần và tốc độ của người lính: nước rút đến đâu đào ngay tới đó, quyết tâm khai quật toàn bộ di chỉ trong mùa mưa này.

Từ đầu tháng 6/2001, gần như toàn bộ các chuyên gia hàng đầu của ngành khảo cổ học Việt Nam đã có mặt tại Lung Leng. Chỉ riêng Viện Khảo cổ đã đổ bộ vào đây với hơn 2/3 quân số gồm 35 người với hai phó giáo sư, 12 tiến sĩ, còn lại đều là thạc sĩ chuyên ngành. Nhiều người gọi đùa: địa chỉ của Viện Khảo cổ học đã chuyển từ Hà Nội vào Lung Leng!

Trên một diện tích khai quật hơn 10.000 m2, các nhà khảo cổ đã mở được 64 hố (100 m2/hố) và đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung, chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát… được xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000-30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000-4.000 năm).

Bức tranh toàn cảnh về người tiền sử Việt Nam

Tiếp đến là lớp cư dân tiền sử hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí với những công cụ đá mài toàn thân rất sắc nét, hoàn mỹ như chân đèn, rìu, bàn mài, khuôn đúc rìu (sự có mặt của khuôn đúc đồng xác nhận hoạt động luyện kim rất sớm của những chủ nhân tiền sử)… Đặc biệt Thạc sĩ Vũ Thị Mai cho biết họ đã tìm thấy những viên cuội tròn dẹt, được đục lỗ và chế tác đến độ hoàn mỹ nhất của thời kỳ đó mà có ý kiến cho rằng dùng để tra trục gỗ làm cây nghiền hạt trên bàn đá (vì cũng đã tìm thấy bàn nghiền với kích thước lớn, có vết nghiền lõm lòng máng) hoặc buộc dây và ném khi đi săn…Căn cứ vào những gì đã khai quật và xác định niên đại, các nhà khoa học đã dựng lại một bức tranh toàn cảnh về người tiền sử Việt Nam thuộc nhiều giai đoạn khác nhau: sớm nhất là dấu ấn văn hóa của người tiền sử hậu kỳ đá cũ, mà vết tích của họ tìm thấy trong lớp đá bị laterite hóa. Đó là những cư dân chế tác và sử dụng đá cuội ghè đẽo.

Theo những nhà khảo cổ học có mặt tại Lung Leng, cư dân tiền sử nơi này không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật mài đá chế tác công cụ đến mức tinh xảo mà họ còn là những thợ giỏi chế tác gốm. Từ buổi sơ khai của nền văn minh, họ đã biết cách pha chế một tỷ lệ thích hợp đất sét với cát, bã thực vật và nắm chắc kỹ thuật đắp lò nung gốm… để chế tác từng loại vật dụng sinh hoạt thích hợp như chén, bát, chân đèn, đồ trang sức… với nhiều kích thước, nghệ thuật khác nhau. Đối với người tiền sử, đồ gốm không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt mà còn là nơi gửi gắm tư duy mỹ cảm của cộng đồng tộc người. Việc phát hiện dọi xe chỉ bằng đất nung tại di chỉ Lung Leng là minh chứng cho hoạt động xe sợi dệt vải ngay từ giai đoạn bước vào văn minh…

Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã bác bỏ không ít nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là vùng đất nghèo, “vùng trắng” về khảo cổ tiền sử. Không chỉ thế, bởi theo các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam, Lung Leng là một minh chứng: Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, là một vùng đất sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á!

(Theo Tuổi Trẻ)

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/lung-leng-manh-dat-cua-nguoi-tien-su-1981887.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.