Tag Archive | vua đồ cổ

Thăm bảo tàng cổ vật tư nhân đắt giá của đại gia Việt – Thanh Hóa

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được công nhận là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, đang lưu giữ và trưng bày hàng nghìn cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

Continue reading

Chuyện về người sưu tầm bình vôi cổ – Nam Định

“Khi sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là các món đồ “thuần Việt”, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc. Từ đó có cảm giác gần gũi với những giá trị tinh thần ngàn đời xưa. Sưu tầm đồ cổ cũng giúp cuộc sống của tôi “tĩnh” hơn”, anh Vũ Văn Khánh, số nhà 4/61 đường Tô Hiệu (TP Nam Định) chia sẻ về thú chơi của mình. Gần 20 năm rong ruổi để tìm kiếm, sưu tầm cổ vật, anh Khánh hiện có trong tay hàng nghìn đồ cổ đa dạng: cân, chú tễu, bình vôi, gốm sứ Bát Tràng, gốm đời nhà Thanh… Đặc biệt với khoảng trên 1.000 chiếc bình vôi, anh Khánh là một trong số ít người sở hữu bộ sưu tập bình vôi lớn nhất Việt Nam hiện nay. Continue reading

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

TTO – Nhắc đến tên Lâm Dũ Xênh, người Quảng Ngãi nhắc ngay đó là một người sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn đồ cổ thuộc vào hạng bậc nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Mới ở tuổi 48 nhưng anh đã có hàng ngàn cổ vật, cả những báu vật “độc nhất vô nhị”.

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Dụng cụ lao động là đồ đồng tìm thấy tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn được anh Xênh sưu tập từ các cơ sở thu mua phế liệu

Mới đây, Lâm Dũ Xênh hiến tặng Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bộ tiền xưa (tổng cộng 38 tờ tiền giấy) có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ông còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đến căn nhà 3 tầng khang trang của anh Xênh ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đập vào mắt chúng tôi là những chum, ché, tiền, rìu, búa, đá, cối… có niên đại từ vài trăm năm đến cả ngàn năm như được anh phân loại, xếp ngăn nắp theo từng thời kỳ lịch sử, từng vùng miền cụ thể.

Anh tâm sự: “Công việc sưu tầm đồ cổ đã ăn vào tận xương tủy mình nên không dứt ra được. Mỗi lần tìm được một cổ vật nào đó, bản thân cảm thấy vui sướng vì mình đã kịp lưu giữ lại được một nét văn hóa của nhân loại”.

Bén duyên với việc sưu tầm đồ cổ hơn 10 năm, hiện Lâm Dũ Xênh là hội viên CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm bảo tồn cổ vật Việt Nam.

Dưới đây là chùm ảnh TTO ghi lại được từ bộ sưu tập đồ cổ của nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Anh Xênh đã sưu tập được 150 loại ché cổ khác nhau

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Anh Xênh đang sở hữu trên 250 loại tiền cổ, trong đó có 200 loại đúc bằng đồng, 50 loại tiền cổ đúc bằng kẽm của các triều đại phong kiến ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Nhật Bản…

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ đồ nghiền thức ăn của người Chăm Pa

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Đối với anh Xênh có được những món đồ cổ như thế này không đơn giảnNhững chiếc gương soi mặt được làm bằng kim loại đồng

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Trang sức của đồng bào dân tộc

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Chiếc trống đồng Đông Sơn được anh Xênh mua về từ một cơ sở thu mua phế liệu với giá 70.000 đồng/kg

Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Hàng trăm loại ấm chén, dĩa, lọ cổ
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi

Đối với anh Xênh có được những món đồ cổ như thế này không đơn giản
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ lục lạc tổng cộng tới 3.000 lục lạc đủ cỡ được coi là món đồ cổ “độc nhất vô nhị” của anh Xênh. Anh Xênh cho biết bộ lục lạc này có thể cho ra những âm thanh tuyệt diệu chẳng thua kém đàn, trống…
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Những ống điếu được làm bằng gốm, đồng thời xưa, trên ống điếu đều có chạm trổ hoa văn tinh xảo
Nhà sưu tập đồ cổ số 1 Quảng Ngãi
Bộ sưu tập đồ vật bằng đá

VÕ MINH HUY
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20080815/nha-suu-tap-do-co-so-1-quang-ngai/273798.html

Trò chuyện với Dương Phú Hiến – “nhà sưu tầm cổ vật bậc nhất Châu Á”

Nhà sưu tầm cổ vật Dương Phú Hiến.

Thời gian qua, dư luận ồn lên rất nhiều câu hỏi về nhà sưu tầm cổ vật Dương Phú Hiến – người được coi là “giàu nhất Việt Nam”, “ông vua đồ cổ ẩn danh”, “người giữ kho báu vật quốc gia”… Phóng viên Lao Động thứ 7 đã có cuộc gặp gỡ ông Hiến để nghe ông trả lời sòng phẳng các vấn đề này.

3 đời mê cổ vật

Thưa ông, được biết gia đình ông chơi cổ vật có truyền thống “cha truyền con nối”. Ông có thể cho biết, ông đã được thừa kế khoảng bao hiện vật?

– Tôi không tính được nhưng đa số là đồ gốm sứ và một số tượng nhỏ, tổng cộng cũng khoảng trên 1 vạn hiện vật, do các cụ để lại từ ngày xưa. Còn đa số về sau này do tôi sưu tầm, trong thời kỳ còn dễ dàng.

Có lần ông trả lời báo chí rằng hiện mình sở hữu khoảng 4 vạn (40.000) hiện vật. Số hiện vật này đã bao giờ được giám định chưa? Ông đếm chúng bằng cách nào? Có liệt kê sổ sách từng loại hay chỉ ước tính số lượng?

– Số lượng thì ước tính thôi vì nhiều quá nên tôi chưa đếm được. Các hiện vật của tôi chưa bao giờ được giám định, chỉ giám định theo yêu cầu từng đợt như dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì hơn 1.000 cổ vật được giám định và đưa đi triển lãm, đây là đợt đầu tiên, với sự có mặt của hội đồng giám định quốc gia. Một số đợt Bảo tàng Lịch sử Việt Nam qua chọn một số đồ về để triển lãm cũng có giám định. Còn đồ Lý, Trần của gia đình thì họ cứ đến là “nhíp” thôi chứ chẳng cần phải giám định gì, vì là đồ tốt. Đồ gốm hoa nâu của nhà tôi cũng vậy, là nguyên bản gốc và loại gốm này rất khó bị làm giả.

Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Ông Hiến lấy đâu ra nhiều tiền như thế? Có người còn hồ nghi với khối tài sản của ông. Ông thường không bao giờ tự ái về điều đó. Ông từng cho biết, chơi cổ vật là việc của những người cần có nhiều tiền, thậm chí là rất nhiều tiền? 

– Đúng thế. Cần rất nhiều tiền.

Bản thân việc chơi cổ vật của ông được bắt đầu từ truyền thống của gia đình. Ông nội của ông là cụ Dương Lương Quang – một nhà tư sản kinh doanh ôtô. Có lần báo chí đăng tải, cụ Quang đã từng hiến tặng 154 chiếc ôtô cho cách mạng. Cụ Quang có sở thích sưu tập đồ cổ và truyền lại cho bố ông và sau đó đến ông tiếp tục kế nghiệp?

– Ông nội tôi là Dương Phú Hữu, cụ làm nghề bốc thuốc. Cụ Dương Lương Quang là bạn của ông nội tôi, cụ vốn là một nhà tư sản ôtô (trước ở số 25-27 Bà Triệu cũ, thông sang cả Hàng Bài). Tôi có nghe chuyện cụ Dương Lương Quang có tặng 154 ôtô cho cách mạng và cả khu nhà đất số 25-27 Bà Triệu cho nhà nước.

Ông từng cho báo chí biết, việc sưu tập cổ vật của ông cũng chỉ thực sự mạnh mẽ khoảng 30 năm nay, và tiền dành cho thú chơi này chính là nhờ ông bán đất. Có thời gian ông sinh sống tại nước ngoài, dành dụm được ít tiền ông về nước mua hết đất trồng rừng?

– Khi về nước có tiền tôi mua đất dự án Palm, bán rẻ, ngay tại quê tôi – Đại Lải. Hồi đó mua là để trồng rừng, trồng bạch đàn, trồng thông. Đến khi đất có giá thì tôi không dùng nữa và chuyển đổi – cái đó là có thật. Hồi đó chỉ mấy trăm triệu chứ không phải nhiều tiền.

Khi mua đất ông chỉ nghĩ sẽ thu được lợi từ việc trồng cây. Ông cũng không thể ngờ rằng, chỉ một thời gian sau, số đất ấy tăng vọt giá trị, giá thị trường cao gấp cả trăm lần so với số tiền ông bỏ ra mua?

– Cái này đúng rồi.

Ông từng nói chơi cổ vật đã 3 đời – ông nội làm thuốc, cha làm nghề dạy học, dù khi rất nghèo hay đã có tiền thì cả 3 thế hệ vẫn say mê y như thế?

– Chính xác.

Ông từng đổi những cổ vật mà bây giờ giá hàng triệu USD chỉ với… 1 tạ sắn. Ông có thể cho biết hiện vật gì đổi được bằng sắn?

– Thí dụ những pho tượng điêu khắc. Tôi nghĩ rằng nó là vô giá nhưng ngày xưa đổi cho người Trung Quốc, họ đói mình cũng đói thì đổi chỉ thế thôi, hàng tạ sắn khô. Những người Trung Quốc thời cách mạng tư sản 1965 là lúc đỉnh cao nhất họ bài xích văn hoá cổ. Với những người yêu cổ vật thì người ta mang sang. Ví dụ những bức tượng nhỏ này có phải của mình đâu, hầu hết của Trung Quốc. Thời kỳ đó có khi có những hiện vật đổi chỉ một vài kg gạo; có người đổi đồ lagin – tức là khăn mặt mùi xoa, bật lửa hoặc là những nhu yếu phẩm xa xỉ. Những hiện vật đó không phải tự nhiên mà có được.

Người Trung Quốc mang sang, hay ông sang bên đó?

– Hồi đó, tôi ở Cao Bằng, mới học xong đi bộ đội luôn. Tôi đã đổi được cổ vật từ hồi ấy, khi Trung Quốc với mình còn đang quan hệ rất tốt. Hồi đó dân họ đói. Mình có biết gì tiếng Trung Quốc đâu, có người Tày, người Nùng phiên dịch hộ.

Gia đình ông là gia đình tư sản theo cách mạng, hay gia đình nông dân thuần túy?

– Năm 1956 bố tôi bị quy địa chủ, nhưng chỉ đến năm 1957 – sau 1 năm – thì xuống thành phần trung nông.

Ông là cán bộ quân đội cao cấp?

– Hàm thượng tá – bác sĩ khi nghỉ hưu.

Ông có người anh trai ruột là GS Dương Phú Hiệp – nguyên Viện trưởng Viện Triết học?

– Chính xác. Đỉnh cao nhất của anh tôi là cố vấn đổi mới cho cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Sau này anh ấy là Tổng thư ký hội đồng lý luận Trung ương.

Trò chuyện với Dương Phú Hiến - “nhà sưu tầm cổ vật bậc nhất Châu Á” ảnh 1
Trò chuyện với Dương Phú Hiến - “nhà sưu tầm cổ vật bậc nhất Châu Á” ảnh 2
Trò chuyện với Dương Phú Hiến - “nhà sưu tầm cổ vật bậc nhất Châu Á” ảnh 3
Một số hiện vật trong bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến, hiện để tại nhà riêng.

Nhà sưu tầm chẳng ai dại gì mà khoe của

Nhân dịp Đại lễ Phật Đản của Liên Hiệp Quốc lần thứ V tổ chức tại Việt Nam từ ngày 13 tháng 5 đến 17 tháng 5 năm 2008 (Phật lịch 2552) và Kỷ niệm 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã trưng bày bộ sưu tập tượng Phật rất quý hiếm của ông mang tên: “Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Châu Á thế kỷ VII-XIX”. Có người nói bộ sưu tập trên 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc này có những kiệt tác ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Đạo Phật đã được ông công phu sưu tầm và công bố một cách tập trung, trang trọng, kỳ công, lộng lẫy và nghiêm cẩn; chất liệu lại rất quý hiếm như: Vàng, bạc, hợp kim đồng vàng, ngọc, đá quý, một số ít bằng gỗ quý, gốm… được sưu tầm từ nhiều quốc gia Châu Á? 

– Chính xác là như vậy. Bộ Văn hoá kết hợp Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo VN và Hội đồng trị sự Phật giáo Hà Nội có mời gia đình tôi tham gia triển lãm, nhằm tăng tính dân tộc của Phật giáo thì tôi có cho triển lãm, được đánh giá cao, có ghi lại lưu bút một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Hà Nội.

Đó là 100 pho tượng Phật đúc bằng vàng như có tờ báo từng phản ánh? Khi triển lãm ông không sợ mất sao?

– Chẳng ai dại gì nói là bằng vàng hay vàng ròng. Tôi đề là các hợp kim vàng hoặc mạ vàng.

Có nhiều tượng trong số đó là vàng ròng không, thưa ông?

– Một số là hợp kim và mạ vàng, chứ tôi không đi phân kim, vì là đồ của nhà, và chẳng ai đem đồ của nhà đi phân kim cả.

Ông có thể cho biết sự thật về 2 chiếc bình quý hiếm “màu vàng” của ông hiện đang triển lãm tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế vừa gây xôn xao dư luận trong những ngày qua? Chúng có phải là bằng vàng thật hay không?

– Cái này là kim loại màu vàng, Huế cũng có biên bản nhận, chứ nếu bằng vàng ròng thì không ai dại gì đem đi triển lãm. Trong quá trình triển lãm họ muốn “demo vật minh chủ” lên thì có thể người ta đề như thế. Mà bản thân bảo tàng Huế điện cho tôi cũng nói rằng, chúng em ở trong này cải chính rồi. Chỉ là đôi lọ hoa màu vàng, có ghi trong biên bản, cũng chưa được giám định bao giờ. Toàn bộ 27 hiện vật triển lãm tại Huế lần này chưa giám định về kim khí, kim loại, chỉ biết rơi vào khoảng thời kỳ triều Nguyễn. Bảo tàng xác định là đồ triều Nguyễn. Không ai bảo đó là vàng ròng và còn chuyện an ninh, an toàn nữa. Nhà sưu tầm chẳng ai dại gì khoe của cả.

Được mệnh danh là người chơi cổ vật bậc nhất Châu Á và chơi gia truyền từ đời nọ qua đời kia, tại sao ông lại để xảy ra chuyện hai bình hoa “bằng vàng” trở thành “kim loại màu vàng” như báo chí đưa tin trong thời gian qua?

– Tôi mới đi mổ mắt về, thông tin này làm tôi giật mình. Cái này có thể có lỗi của tôi một phần và lỗi của bên nhận bàn giao không cụ thể. Biên bản bàn giao trong Huế giữ 2 bản, nhưng của nhà tôi thì thằng cháu trưởng nó cầm.

Thạc sĩ khảo cổ học Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản Văn hóa – ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng, người chơi cổ vật hiện nay có 3 loại: Loại thứ nhất là thật sự say mê, được gia truyền từ đời nọ qua đời kia, chơi mang tính hệ thống, bài bản, khoa học; Loại thứ hai là những trí thức uyên thâm, không có nhiều điều kiện để sưu tầm nhưng rất am hiểu và rất có tâm; Loại thứ ba đông nhất: Vừa giao lưu vừa buôn bán. Không nên đánh giá thấp họ, vì họ cũng góp phần xã hội hóa việc chơi cổ vật, họ có chân rết thu gom ở khắp nơi. Nhưng cũng nhiều khi sự mưu sinh khiến cho đồ của họ thật giả lẫn lộn, làm mất đi cái “thiêng”, cái “tín” của cổ vật VN với thế giới. Ông có ý kiến gì về quan điểm trên? 

– Chính xác. Tôi có trao đổi với chị Anh Thư rồi. Chị Thư nói rất đúng. Như nhà tôi có được bao tiền chỉ dồn vào chơi. Các cụ nói là “nhất cận chi nhì cận thủ”, tức là cái gì tay sờ mắt thấy mới là của mình, còn lại những cái ta nghĩ trong đầu thì chưa phải là của mình. Ông nội tôi dạy như vậy. Tất cả đồ của gia đình tôi đều giữ lại không bán, kể cả những mảnh vỡ.

Gia đình tôi quyết tâm làm bảo tàng tư nhân. Hà Nội và 12 sở ban ngành đã đồng ý rồi. Đất cát thì không vấn đề gì nhưng tài chính để xây 1 bảo tàng mang hồn Việt, mang tính cách Hà Nội thì chưa có.

Được báo chí phong tặng là “người giàu nhất VN”, “ông vua đồ cổ ẩn danh”, “người giữ kho báu vật quốc gia”… ông có ý kiến gì khi báo chí “PR” cho ông những danh hiệu đó? 

– Trước tiên tôi phải cảm ơn báo chí nhưng có những cái họ không hiểu, người ta cứ tính 10 cái lỗ 10 con cua, rồi 10 con cua giá thành nhân lên là bao nhiêu… Đồ cổ có những cái là vô giá thật nếu nó là báu vật, bảo vật quốc gia thì ta không suy luận bằng tiền được. Nhưng chưa bao giờ tôi nhận mình giàu nhất VN. Cách báo chí PR là tự nhiên, do họ đến nhà tôi quay phim, chụp ảnh, mỗi tuần của những năm về trước họ cứ đăng ký hết đài này đến đài kia, cũng quay nhiều tập phim theo chủ đề, các báo cũng thế. Tôi thấy đấy cũng là cái tốt trong nghệ thuật làm báo của họ, nhưng cũng phải xem xét lại vì có những cái PR rất có hại cho cá nhân, tập thể hay đất nước.

Xin ông cho biết bộ trang phục của cụ Phan Thanh Giản mặc đi sứ sang Paris năm 1863 để đàm phán xin chuộc lại 3 tỉnh miền đông Nam kỳ có phải là bộ trang phục ông đang cho Bảo tàng cổ vật cung đình Huế mượn triển lãm từ ngày 21.4.2013 đến ngày 21.10.2013?

– Bộ quần áo này tôi mua nguyên gốc của TS Phạm Dũng – nhà sưu tầm kiêm giảng viên trường đại học Văn hoá. Bộ này xác định là của cụ Phan Thanh Giản mặc đi sứ. Bản thân TS Phạm Dũng cũng xác định như vậy, tôi mua năm 2001 thì phải.

Được biết ông là người giỏi võ và có rất nhiều miếng võ gia truyền của dòng họ Dương?

– Ông nội với bố thích cho tôi đi học võ, vào bộ đội thì vào đoàn 33 đặc công cũ, chiến đấu tại Quảng Trị. Võ cũng không phải gì ghê gớm lắm; võ ngày xưa thanh niên thích học, như học nhạc, thể thao… cái chung của thanh niên thời đó.

Ông chơi với rất nhiều văn nghệ sĩ?

– Đúng, cái đó có.

Mỗi khi họ đến chơi và ra về ông lại “dắt vào lưng” mỗi vị 1 lạng cao hổ hảo hạng?

– Cách đây cả chục năm hổ còn rẻ, 80-100 triệu/bộ, thì anh em có chung với nhau. Chứ còn lấy tiền đâu mà dắt lưng tặng cao hổ, cái đó không có. Đấy là 1 ông yêu mình quá, tôi cũng cho ông ý thật. Ông này là đại tá Bá Tỉnh – Tổng cục 2 cũ, hoạ sĩ. Chuyện này ông ấy viết trên báo năm 2004.

Cao hổ của ông từ 1-2 chục năm trước vẫn để được đến tận bây giờ?

– Giờ mình làm gì có. Bây giờ Nhà nước cấm, tôi dại gì nấu mà cũng có đâu mà nấu? Bây giờ muốn xương hổ cũng chẳng có nữa là.

Ngày xưa có dạo ông Phạm Tiến Duật đau cột sống, đi cùng Trọng Khôi, Trần Tiến, Thành Chương lên chơi với tôi, uống rượu cao xong thì Phạm Tiến Duật khỏe, đứng lên đọc thơ. Dạo ấy mấy người hay lên chỗ tôi ở Sóc Sơn (nhà cũ gần sân bay) vào thời kỳ 2002-2004 về trước…

Ông biết cả nghề nấu cao hổ cốt ạ?

– Nấu là thời chiến trong rừng Trường Sơn, khi đó anh em làm gì có thuốc. Chủ yếu là người dân tộc dạy cách nấu cao khỉ toàn tính, cao trăn toàn tính…. Cách nấu thì đơn giản.

Mỗi lạng cao ông tặng bạn bè giá tới 55 triệu đồng?

– Đấy là người ta nghĩ, người ta đoán theo thời kỳ hoặc giá trị nó như thế chứ tôi bán được lạng nào cho ai đâu? Cái giá trị thật bây giờ có khi đến hoặc chẳng đến.

Giữ đồ như giữ mạng sống

Có lần ông nói với báo chí, có những pho tượng ngày xưa không ai nghĩ đó là tượng quý. Thời cách mạng văn hóa, những pho tượng bị sơn đen, ông đem về ngâm xăng, tẩy axêtôn mới biết tượng làm bằng vàng? 

– Trước kia tượng nhuộm đen hết, năm 1983-1985 tôi lấy về (gửi từ nhà dân) rửa bằng xăng mới hiện ra cái màu này. Đã ai giám định hoặc phân kim đâu mà biết là vàng? Hoặc những pho tượng ngọc như thế này trước cũng sơn đen hết.

Nếu những pho tượng trên là báu vật của quốc gia hoặc thuộc sở hữu của chùa, ông có tự nguyện trả lại cho Nhà nước và Chùa không?

– Nếu báu vật quốc gia hoặc của chùa về đây nhận dạng ra thì tôi sẵn sàng hiến tặng lại. Đến nay chưa có cái địa chỉ nào mà tôi cũng sưu tập cũng quá lâu rồi. Tượng của Trung Quốc thì không liên quan gì đến đất nước mình. Hầu hết tượng điêu khắc, các tượng kim loại đều là của Trung Quốc.

Ông mê kiếm từ bé, giữ kiếm còn hơn cả mạng sống của mình. Bộ sưu tập kiếm gia truyền được để lại từ mấy trăm năm trước của các đời cụ kỵ, và chủ yếu của Trung Quốc và Nhật. Có những giai đoạn lịch sử, vì lý do khách quan, gia đình ông đã phải bọc số kiếm này lại chôn xuống đất?

– Chính xác. Phải giấu đi. Cho đến bây giờ vẫn là vấn đề nhạy cảm. Theo tôi nghĩ những thanh kiếm mang tính lịch sử nhiều nhất đã triển lãm tại bảo tàng Lịch sử quân sự VN năm 2010 thì song trùng kiếm là quý nhất, dài tới 1,4m, rồi thư hùng kiếm là kiếm có khắc chữ, giá trị như kiếm lệnh.

Bộ sưu tập này đồng hành cùng gia đình ông đã 300-400 năm?

– Có những món các cụ giữ 300-400 năm, như kiếm đồng Đông Sơn, kiếm Chăm. Một số kiếm bao gỗ thì rất gần đây, do tôi giữ.

Xin ông cho biết việc sưu tập hàng trăm thanh kiếm như vậy có vi phạm vào tội tàng trữ vũ khí trái phép hay không?

– Không, tôi đã mở triển lãm tại Bảo tàng quân sự VN, như một vị lãnh đạo đã phát biểu, đây là truyền thống ông cha ta đánh giặc bảo vệ tổ quốc, giữ gìn đất nước. Những kiếm này tước được của địch, hoặc rèn ra để chống giặc ngoại xâm. Theo tôi nghĩ như một nhà sưu tập thì việc lưu giữ kiếm đơn giản là để lại cho con cháu. Còn nếu tôi dùng vào mục đích xấu thì khi đó mới có tội.

Nhân đây tôi muốn cho các bạn xem thanh kiếm Tiên Chu trên 5.000 năm, tìm thấy trong mộ, rất quý, bằng đá ngọc đặc biệt…

Trò chuyện với Dương Phú Hiến - “nhà sưu tầm cổ vật bậc nhất Châu Á” ảnh 4
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://laodong.com.vn/van-hoa/tro-chuyen-voi-duong-phu-hien-nha-suu-tam-co-vat-bac-nhat-chau-a-127488.bld

Bộ sưu tập đồ cổ quý giá của anh nông dân Nam Bộ – Bến Tre

Với niềm đam mê gốm sứ cổ, một nông dân ở xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre đã dành hơn 40 năm để sưu tập rất nhiều món đồ cổ quý giá. Đặc biệt, trong bảo tàng cá nhân của ông có hàng ngàn sản phẩm gốm sứ nhiều niên đại của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên. Continue reading

Lâm Đồng: Bộ sưu tập đồ cổ quý giá trên cao nguyên

Với niềm đam mê sưu tập đồ cổ, anh Nguyễn Văn Tuấn (54 tuổi) đã lặng lẽ đến khắp các con đường, gốc phố, trong các ngôi biệt thự cổ, bãi phế liệu… để tìm mua các hiện vật mang giá trị lịch sử của Đà Lạt với hơn 10.000 hiện vật quý giá.

lam-dong-bo-suu-tap-do-co-quy-gia-tren-cao-nguyen

Anh Tuấn cầm bản sắc “Tiết hạnh khả phong” của vua Bảo Đại

Trong ngôi nhà riêng tại hẻm số 157/2 Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, anh Tuấn đã cất giữ hơn 10.000 hiện vật quý giá, với những món cổ vật đi cùng năm tháng gắn liền với thành phố du Đà Lạt.

Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi đã dành thời gian hơn 20 năm đi tìm mua và lưu giữ những chiếc bình hoa cổ, bộ sưu tập đèn dầu, máy chiếu phim quay tay, cân phóng xạ, lò sưởi cổ, cúp bóng đá, bình hoa cổ… trong đó có không ít cổ vật”.

lam-dong-bo-suu-tap-do-co-quy-gia-tren-cao-nguyen

Bộ sưu tập hơn 10.000 cổ vật

Trong hơn 10.000 hiện vật được xếp gọn, món này kề món kia mà anh Tuấn sưu tầm được, có những món cực kỳ quý giá như máy hát đĩa hiệu Pathé lớn nhất Việt Nam ở Đà Lạt, máy tính tiền xưa nhất thế giới có ở Đà Lạt, máy đan len đầu tiên của Đà Lạt…, đã từng ra mắt người dân Đà Lạt và du khách gần xa vào năm 2005 và năm 2008 tại cuộc triển lãm tại hồ bơi Phù Đổng (đường Phù Đổng Thiên Vương), cuộc trưng bày tại khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu…

Đặc biệt trong bộ sưu tập của anh Tuấn là toàn bộ những đồng tiền từng lưu hành ở Đà Lạt từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc cho đến nay: Tiền Đông Dương, tiền Bảo Đại, tiền Việt Nam Cộng hòa, tiền Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

lam-dong-bo-suu-tap-do-co-quy-gia-tren-cao-nguyen

Ngoài ra còn có chiếc máy tính tiền rất xưa, có thể là xưa nhất thế giới, được người Pháp đưa sang sử dụng tại Đà Lạt từ những ngày đầu khi họ đặt chân đến Đà Lạt. Một bộ sưu tập hơn 100 cúp thể thao cổ quý giá, mà rất có thể là không còn tìm thấy chiếc thứ hai ở những nơi khác…. .

Những chiếc cúp bóng đá Đông Dương được vua Bảo Đại “nhượng” lại từ hoàng thân Sihanouk năm 1942; cúp bóng đá Pháp và ba nước Đông Dương năm 1948 – 1949; cúp đua xe đạp ba nước Đông Dương năm 1947; cúp bóng đá Việt Minh (đình chiến) năm 1936 (Coupe de L’Armistice); cúp bóng đá Bưu điện Pháp mở rộng tại Đông Dương đầu thế kỷ 20; cúp điền kinh chạy tiếp sức của Pháp tổ chức tại Đông Dương đầu thế kỷ 20…

lam-dong-bo-suu-tap-do-co-quy-gia-tren-cao-nguyen

Bộ sưu tầm hơn 100 chiếc cúp cổ

Bản sắc “Tiết hạnh khả phong” của vua Bảo Đại ban cho một phụ nữ ở Đà Lạt vào những năm 40 của thế kỷ trước với dòng chữ Hán được nhặt ở đống rác bên đường và hàng ngàn cổ vật có giá trị khác.

Nhìn số hiện vật mà anh Tuấn lưu giữ trong kho chật hẹp được xếp gọn trên những kệ tủ, gốc nhà suốt mấy năm qua ai cũng ngặc nhiên và thích thú như được trở lại với quá khứ của Đà Lạt.

Nguồn: http://www.tintaynguyen.com/lam-dong-bo-suu-tap-do-co-quy-gia-tren-cao-nguyen/136446/

Bộ sưu tập tiền cổ khủng còn nguyên vẹn của đại gia sưu tập ở Bắc Ninh

Trong giới chơi tiền cổ ở Việt Nam không ai là không biết, ông Nguyễn Văn Thạo (49 tuổi, cư trú tại Bắc Ninh) được mệnh danh là “ông vua tiền cổ” không chỉ bởi có số lượng tiền khổng lồ (hơn 6 tấn), từ Thái Bình Hưng Bảo – đồng tiền đầu tiên của triều nhà Đinh đến Bảo Đại Thông Bảo của triều Nguyễn và rất nhiều các loại tiền cổ khác.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (1).jpg
Một chum tiền lục giác nguyên khối sau khi được khai quật được đặt lên trên lưng một con rùa được tác bằng gỗ đinh hương.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (2).jpg
Nhiều chum tiền xu cổ đủ các loại được khai phá từ nhiều vùng đất tương ứng với các triều đại khác nhau.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (3).jpg
Có những chum phải đánh đổi cả gia tài là tiền cầm cố sổ đỏ hay nhiều cây vàng ông Thạo mới có được. Trong số đó có những khối tiền xu rất đẹp.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (4).jpg
Trong suốt 20 năm sưu tập, hễ nghe được tiếng ở đâu phát hiện được các loại tiền cổ ông Thạo đều có mặt để thu mua để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (5).jpg
Có những chum tiền bị vỡ, ông tỉ mỉ gỡ những mảnh sành ra để nguyên những mùn đất.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (6).jpg
Có những chum đựng tiền còn nguyên dây đay dùng để xâu tiền.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (7).jpg
Mùn đất hàng trăm năm chôn dưới lòng đất vẫn còn nguyên.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (8).jpg
Những sợi dây đay trường tồn với thời .

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (9).jpg
Những đồng tiền bên trong gỉ kết thành khối liền với vỏ chum. “Rất có thể nó là khối tài sản được cải táng theo một vị quan chức, vương tộc”.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (10).jpg
Ngoài giá trị lịch sử những chum, đồng tiền cổ này còn có giá trị về văn hóa.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (11).jpg
Một chum tiền được xếp theo hình lục giác rất chắc chắn.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (12).jpg
Để kiểm chứng những đồ vật, ngoài những kinh nghiệm, kiến thức học được thì người chơi cũng cần phải thử nhiều phương pháp khác như đục, khoét vỏ chum làm mẫu.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (13).jpg
Ngoài ra, trong bộ sưu tập có nhiều loại tiền kim loại dạng vàng, bạc nén, tiền thưởng vua ban, tiền lưu trữ trong ngân khố với các mệnh giá khác nhau.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (14).jpg
Ông Thạo cũng có bộ sưu tập đầy đủ các mệnh gián tiền giấy bạc.

Bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-Bac-Ninh (15).jpg
Ông Thạo cho biết, sắp tới anh có dự định sẽ cống hiến một số mẫu tiền làm trưng bày khi dự án thành lập Bảo tàng tiền cổ Việt Nam hoàn thành.

Nguồn: http://thegioidoco.net/threads/bo-suu-tap-tien-co-khung-con-nguyen-ven-cua-dai-gia-suu-tap-o-bac-ninh.82889/

Đọ độ khủng của các “vua cổ vật” khắp Việt Nam

Ở Việt Nam có rất nhiều người chơi cổ vật nhưng được khâm phục về chuyên môn, đạo đức và những món đồ độc nhất chỉ có thể là “Vua cổ vật”.

Đoàn Anh Tuấn – “Vua” cổ vật hào hiệp

Ông Đoàn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam, người hiến tặng cổ vật nhiều nhất hiện nay được mệnh danh là “Vua từ thiện cổ vật”.

Dòng họ Đoàn của ông ở phố cổ Hà Nội nổi tiếng với thú mê cổ vật. Có lẽ vì thế mà “máu” cổ vật đã ngấm vào con người ông Tuấn từ khi còn rất trẻ. Năm 1998, khi Nhà nước ban hành Luật di sản thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về cổ vật, ông Tuấn đã bán căn nhà mặt phố Trương Định để dồn tiền mua cổ vật. Thậm chí, ông còn từng hành nghề bơm vá, sửa xe đạp, xe máy, mò lên các bãi vàng để kiếm tiền mua cổ vật.

Ông Đoàn Anh Tuấn ngồi giữa căn phòng ngập cổ vật

Cổ vật được ông Tuấn bày biện khắp nhà theo niên đại. Lâu đời nhất là chiếc tủ bày các công cụ lao động sản xuất, vũ khí của người xưa, kế đến là các trang sức của nền văn hóa Đông Sơn, nhà bằng đất nung từ thời kỳ đầu công nguyên, chum, thạp thời Lý, Trần,… Những chiếc trống đồng Đông Sơn, ấm rượu đồng rèn đầu rùa thế kỷ I – III; tượng Quan âm đồng thế kỷ I được chất đầy trong căn phòng ngót nghét trăm mét vuông trên tầng 2.

Ông Tuấn cho biết, ông mua đồ cổ chỉ để chơi và hiến tặng chứ chẳng bao giờ tính đến chuyện lời lỗ. Máu cổ vật là vậy, nhưng Đoàn Anh Tuấn không bao giờ “chơi” đồ trục vớt. Ông cũng “kỵ” cổ vật Trung Quốc, chỉ thích chơi những thứ đồ mà các cụ người Việt từng dùng.

Những cổ vật được trưng bày một cách gọn gàng ngăn nắp

Được phần đông giới chơi thừa nhận là một trong những người có nhiều cổ vật nhất, nhưng Đoàn Anh Tuấn chưa bao giờ nhận mình là “vua cổ vật”. Với ông, cổ vật chính là vật chứng lịch sử, phải mang lại lợi ích văn hóa cho cộng đồng, mới là chơi cổ vật, chứ không phải cứ lao vào những món đắt tiền. Vì thế, ông liên tục mua cổ vật rồi liên tục hiến tặng lại cho các bảo tàng. Theo ông, thực chất, khi tặng – cũng như khi giúp các bảo tàng tổ chức trưng bày, là chúng tôi gửi di sản về với cuộc sống để mọi người chiêm ngưỡng, bổ sung kiến thức văn hóa truyền thống. Như vậy thì có gì phải tiếc!

Nguyễn Thanh Đạm – “Vua cổ vật” đồ đồng

Nguyễn Thanh Đạm, sinh năm 1952, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là “vua” đồ đồng miền Trung. Hiện ông đang sở hữu nhiều cổ vật bằng đồng, trong đó có 200 chiếc mâm đồng đúc liền với những tuyệt tác được chạm khắc hết sức tinh vi, điêu luyện; bộ tượng bằng đồng, chuông đồng, khánh đồng, lư hương, đèn… có niên đại hàng trăm năm.

“Vua” đồ đồng Nguyễn Thanh Đạm luôn ý thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc

Ông Đạm cho hay, gia đình ông có “vật gia bảo” lưu truyền qua 5 đời đó là những chiếc mâm đồng, lư hương mà bố ông trước khi mất có căn dặn: “Dù có đói, có chết, con cũng không được bán, đổi nó đi”. Cũng chính từ đó, trách nhiệm thiêng liêng đã đánh thức ông Đạm về việc gìn giữ, bảo quản và bổ sung thêm cho bộ sưu tập đồ đồng. Thời gian ông làm công nhân hóa chất ở Nghệ An, ngoài đồng lương ít ỏi, ông còn dành dụm tiền “săn lùng” cổ vật khắp mọi miền đất nước.

Tránh kẻ xấu đánh cắp, ông Đạm đã xếp gọn đồ đồng trong hòm sắt giấu kỹ trong hầm kín bởi hiện giờ, tường rào nhà ông không thể đảm bảo an toàn cho những hiện vật quý hiếm này.

Hơn 40 năm gìn giữ, sở hữu số lượng lớn bộ đồ đồng, ông Đạm rất tự hào và hãnh diễn về tài sản quý giá này. “Tôi không dám nói trong tay có tiền tỉ, hoặc hàng trăm triệu đôla. Tôi dám khẳng định rằng giá trị cổ vật đổi ra bằng tiền ít đại gia nào theo kịp tôi. Nhưng tôi không bao giờ bán hay đổi lấy một thứ gì”.

Hồ Tấn Phan – “Vua cổ vật” xứ Huế

Người dân xứ Huế gọi ông là “nhà nghiên cứu Huế”, hay “vua cổ vật”. Nhưng, ông chỉ nhận mình là “người tiên phong tìm đồ cổ trên dòng Hương Giang”… Ông “vua cổ vật” ấy là Hồ Tấn Phan, năm nay ngoài 70 tuổi, ở phường Phú Hiệp, TP Huế, người sở hữu một kho sách cùng hàng ngàn cổ vật quý có niên đại hơn 2.500 năm.

Ông Phan kể, cuộc hành trình đi tìm đồ cổ ấy khiến ông phải sớm chia tay với bục giảng. Năm 49 tuổi, cuộc truy tìm cổ vật được ông đầu tư công sức hơn bao giờ hết. Để có được những cổ vật như bây giờ, ông Phan phải săn lùng ở khắp nơi và nhiều khi bỏ ra số tiền lớn để có được cổ vật mong muốn.

Cổ vật mà mấy chục năm qua ông Phan cất công tìm kiếm đến giờ này đã chất đầy từ trong nhà ra đến ngoài vườn

Theo ông Phan, để sở hữu một kho tàng cổ vật không dễ chút nào. Riêng chuyện phải “đối phó” với những tay anh chị chuyên đi buôn đồ cổ đã rất khó khăn. Song, sau nhiều năm gắn bó với người dân vạn đò, khi vớt được thứ gì họ cũng đem bán cho ông với giá vừa phải.

Ông Phan khẳng định, mỗi khi tìm được cổ vật mới là ông phải thức ngày thức đêm để nghiên cứu giá trị của triết lý văn hóa và niên đại của cổ vật

Những cổ vật của ông được trưng bày khắp nơi, vì trong nhà không còn chỗ để nên ông đành để ngoài vườn. Ông Phan tiết lộ, hiện ông có nhiều loại cổ vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử và khoa học. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.

Ông Phan khẳng định, người chơi cổ vật không chỉ cần tiền, cần sự nhẫn nại mà còn cần cả cái duyên, cũng giống như trai gái yêu nhau, sống với nhau cũng cần cái duyên vậy.

Hoàng Văn Cường – “Vua cổ vật” Sài thành

Dòng máu của đại gia đình buôn bán đồ cổ giúp Hoàng Văn Cường sớm nhận biết giá trị của cổ vật. Từ rất sớm, ông đã đam mê thú chơi tao nhã nhưng đầy giá trị nhân văn trên. Những ngày còn làm thầu phế liệu, Hoàng Văn Cường có cơ hội được tiếp xúc với những bảo vật mà không phải ai cũng có thể nhìn ra giá trị không tưởng của chúng. Dần dần, Cường nhận ra rằng, trong đám phế liệu mình thu gom có những thứ không thể bán đi mà phải cất giữ.

Ông “vua” đồ cổ cùng chiếc long sàng dành cho vua chúa thời Nguyễn

Khi căn nhà nhỏ 3 tầng trên phố Đông Du, (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) của ông chật cứng cổ vật, ông mua một căn nhà mới ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh để lưu giữ cổ vật ở đó. Hiện căn nhà này đang chứa tới 2.000 cổ vật. Các món cổ vật gốm sứ, từ những vật dụng bé ly ti đến kích thước lớn đều có tuổi thọ lên đến cả mấy ngàn năm. Ngoài ra, còn có những tượng phật, ống điếu, bình vôi và vô số ngọc ngà châu báu vô giá như cành vàng lá ngọc, ngọc bội, bình ngọc, có tuổi đời không dưới mấy trăm năm.

Ông thường tâm niệm: “Cổ vật là những di sản văn hóa ngàn đời của dân tộc. Nó không phải để bán mà để ngưỡng vọng, lưu giữ như một minh chứng cho nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Căn nhà của ông bây giờ trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, trong đó có cả những vị nguyên thủ quốc gia của các nước.

Trần Quốc Đoàn – “Vua cổ vật” miền Tây

Giới chơi đồ cổ gọi Trần Quốc Đoàn, người đang sở hữu hàng trăm món đồ cổ quý giá là “Vua bình vôi cổ đất miền Tây”. Đặc biệt, ông có bộ sưu tâp bình vôi cổ độc nhất vô nhị.

Ở tuổi 54, ông Đoàn như một nhà nghiên cứu về các các món đồ cổ đủ loại: từ bình đất nung cho đến gốm men xanh, nâu, vàng, trắng, từ bình Bát Tràng cho đến bình Trung Quốc, bình Chăm,…

Hiện nay bộ sưu tập “ông bình vôi” của ông Đoàn có trên 230 cái với đủ loại kích cỡ, màu sắc và chất liệu, hầu hết được sản xuất từ thế kỷ 18 và 19 ở Việt Nam, Trung Quốc, Chăm, Khmer,… Hầu hết các “ông bình vôi” đều có quai xách, được chạm vẽ họa tiết nhiều loài hoa, long, lân quy, phụng, hổ,… Bình vôi nào cũng có cái miệng để đổ vôi vào và lấy vôi ra ăn bằng cây chìa vôi (được làm bằng đồng, phía trên có nút gù, vừa để cầm, vừa để bịt kín miệng bình vôi không cho gió lọt vào làm đông vôi).

Ngoài ra, ông Đoàn còn sở hữu trên 100 tấm Sắc phong là những tấm văn bản do vua chúa triều Nguyễn phong thưởng cho các vị quan thần, bộ men Lâm Quế trên 100 món gồm: tô, chén, đĩa, tách,… có từ thời vua Gia Long, cùng vài trăm món cổ vật khác từ các loại chóe rượu, bình hoa, mặt rồng, đèn Tây.

Ông Đoàn chỉ có một nguyện vọng là sưu tầm và lưu giữ lại những cổ vật, kỷ vật gia truyền của người Nam Bộ xưa, góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống để con cháu thế hệ sau này biết đến.

Nguồn: baomoi.com