Archive | 30 Tháng Tám, 2017

Bước đầu tìm hiểu chức năng của đồ gốm Việt (phần 2)

  1. Chức năng trang trí

Nếu tiếp xúc với đồ gốm mà không tìm hiểu sự khởi nguồn, khởi nghiệp, về lịch sử thăng trầm của nó, chúng ta sẽ nghĩ, chúng sinh ra dường như để làm đẹp. Ngay từ những mảnh gốm thô trang trí hoa văn lược hoặc văn chải tìm thấy trong di chỉ văn hóa Hòa Bình đã thể hiện một trong những đặc trưng và ưu thế của đồ gốm là tính trang trí, cho dù những hoa văn này được giải thích là mang tính công năng (tăng cường ma sát khi vận chuyển) nhiều hơn là tính thẩm mỹ. Những nhà nghiên cứu mỹ thuật thường nói, nghiên cứu lịch sử đồ gốm cũng là nghiên cứu lịch sử của những dạng, những loại hình hoa văn với những đồ án phong phú, đa dạng, phát triển từ thô sơ đến phức tạp, thể hiện trình độ tư duy và mỹ cảm của người đương thời. Cùng với khả năng sáng tạo ra đồ gốm, người Việt cũng sáng tạo ra những thủ pháp tạo hình và trang trí trên gốm, để loại vật dụng này ngày càng làm đẹp thêm cho cuộc sống.

Ngay từ thời Đại Việt, bên cạnh các chức năng là đồ dùng sinh hoạt hoặc vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm đã được bày đặt (ở một vị trí cố định) trong nội thất hoàng cung với chức năng làm đẹp, làm sang cho gia chủ như một bức tranh quý hay một vật trang sức. Ở vị trí này, chức năng thực dụng của đồ gốm dường như bị triệt tiêu, nhưng giá trị của đồ gốm được nâng cao, mang ý nghĩa như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này giải thích tại sao từ thời Lê sơ, đồ gốm đã được triều đình dùng làm cống phẩm và hàng hóa trao đổi trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và các nước khác. Cùng với các sản phẩm được chế tác từ kim loại quý như vương miện, ấn, ngọc tỷ, đồ trang sức (bằng vàng, bạc, kim cương), nhiều đồ gốm được sưu tầm, gìn giữ và trao truyền như những báu vật quốc gia. Bằng con đường này, gốm cổ của nước ta đang được tàng trữ tại nhiều bảo tàng trên thế giới. Continue reading

Bước đầu tìm hiểu chức năng của đồ gốm Việt (phần 1)

Khi nghiên cứu cách sử dụng đồ gốm trong những khối cộng đồng đương đại, quan sát xem việc sử dụng đó có liên quan như thế nào đến cách tổ chức của những khối cộng đồng này và từ chỗ đó đi ngược về quá khứ “để xem có thể nói gì về đồ gốm thời trước”, G.Solheim Wilhelm (1) cho rằng, đồ gốm ở Đông Nam Á đã đảm đương một số chức năng nhất định trong xã hội, “những chức năng ấy được phân loại ra ba bình diện khác nhau xét trên quan điểm của đồ gốm: chức năng của nó đối với người sử dụng, nghĩa là những chức năng vật chất của đồ gốm; chức năng của nó đối với người sản xuất, nghĩa là chức năng kinh tế và tâm lý; chức năng của nó đối với xã hội, cộng đồng, trong nội bộ khối cộng đồng cũng như bên ngoài khối, trong những mối quan hệ giữa khối này với khối khác…” và, “xét trên bình diện sử dụng, chức năng của đồ gốm phải được phân nhỏ hơn nữa…”.

G.S.Wilhelm đã phân chia chức năng sử dụng (chức năng vật chất) của đồ gốm thành hai tiểu loại là thực dụng và lễ nghi, nhưng sau đó, lại tỏ ra phân vân về cách chia này. Tác giả cũng thử đưa ra một cách phân chia khác với việc dùng hai thuật ngữ thế tục và linh thiêng thay cho thực dụng và lễ nghi, nhưng rồi tự loại bỏ và kết luận: “Ở mỗi bình diện phân chia tiểu loại đều có những khó khăn tương tự” và “… ta còn gặp những khó khăn khác khi cần xếp một chức năng loại biệt nào đó vào tiểu loại này haytiểu loại khác. Chẳng hạn, việc sử dụng đồ gốm như một vật phẩm biểu trưng cho sự sang trọng được xếp thành một tiểu loại trong nhóm nghi lễ vì ở Đông Nam Á, đồ gốm hay đóng vai trò quan trọng trong những dịp lễ lạc…”. Đúng như G.S.Wilhelm đã nhận định, ở những cấp phân loại mang tính trừu tượng, nhiều khi việc phân loại chỉ là sự võ đoán. Continue reading

Mây – biểu tượng tạo hình của mỹ thuật thời Lý – Trần

Môtip mây là biểu tượng không thể thiếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống. Sự xuất hiện hằng xuyên của môtip mây làm cho tác phẩm hay các công trình tôn giáo thêm giá trị thẩm mỹ, đồng thời cũng không làm mất đi tính dân tộc sẵn có. Chạm khắc môtip mây thời Lý – Trần không chỉ mang chức năng trang trí cho các công trình kiến trúc mà còn tạo điều kiện cho người đương thời và cả đời sau tiếp xúc và cảm nhận nghệ thuật chạm khắc này bằng mỹ cảm dân tộc, bằng sự duy trì phong cách tạo hình riêng biệt, tinh tế, khỏe, rõ ràng.

Mây là để chỉ hiện tượng thiên nhiên, mây với vai trò làm ra mưa nên liên quan đến hoạt động của trời. Đối với cư dân nông nghiệp, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc bởi mây là dấu hiệu, báo hiệu có mưa… Có lẽ từ những khái niệm về mây như vậy mà chúng ta thấy các nghệ nhân dân gian xưa ghép môtip mây vào cùng những đồ án trang trí mang tính linh thiêng như: mây – rồng, mây – tiên nữ, mây – phượng, mây – mặt trời, mây – lửa. Dân gian thường dùng hình tượng rồng, mây như rồng mây gặp hội (long vân khánh hội) để nói về cơ hội may mắn của con người, chỉ đến việc rồng gặp mây như sự đỗ đạt, vua sáng gặp tôi hiền. Continue reading

Hình tượng rắn trên gốm cổ Chu Đậu

Bấy lâu nay dòng gốm Chu Đậu luôn đem lại cho những người quan tâm, yêu thích gốm cổ nhiều điều thú vị về nguồn gốc, lai lịch cũng như sự hình thành, phát triển và lụi tàn một cách nghiệt ngã của nó. Điều gì khiến cho dòng gốm này trở nên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới vào những TK XV-XVI? Có lẽ, chính các đề tài trang trí cùng các hoa văn độc đáo đã đem đến cho gốm Chu Đậu một chỗ đứng không thể lẫn với các loại gốm cùng thời.

Trong rất nhiều đồ án trang trí của gốm Chu Đậu, ngoài những đề tài thực vật, kết hợp thực vật với động vật, phong cảnh, con người,…, còn có mảng đề tài động vật rất phong phú. Trong mảng này, bên cạnh đề tài tứ linh, những con vật trong cuộc sống đời thường đã được nghệ nhân Chu Đậu xưa khéo léo và tinh tế đưa vào sản phẩm bằng những cảm xúc chân thật của mình, lúc bay bổng, thoát tục, khi đơn sơ, mộc mạc trước cuộc sống, trước thiên nhiên tươi đẹp của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Continue reading

Giá trị tạo hình trên đồ đồng triều Nguyễn thế kỷ XIX

Là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trải qua hơn 143 năm với 13 triều vua với những biến cố thăng trầm, nhà Nguyễn đã để lại một kho tàng khá to lớn với chiều sâu nhân văn và những giá trị nghệ thuật chưa khai thác hết được. Một trong những giá trị tiêu biểu là đồ đồng cung đình Huế. Đây là những dấu tích góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa thời Nguyễn một thuở huy hoàng, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn hóa, kiến trúc cũng như tạo hình dân tộc từ TK XIX.

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác và đầy đủ về tất cả đồ đồng thời Nguyễn, tuy nhiên, trong góc độ đánh giá và nghiên cứu về những nét đặc trưng tiêu biểu của đồ đồng trong giai đoạn này, chúng ta thấy nổi bật là cửu đỉnh (Thế Miếu – Đại Nội), cửu vị thần công (Hoàng thành), đại hồng chung (chùa Thiên Mụ)… cùng một số đồ đồng hiện còn được lưu giữ tại kinh thành Huế.

Trở về đầu TK XX, khi tìm thấy những hoa văn trang trí trên đồ đồng đầu tiên của văn hóa Đông Sơn, một số nhà khảo cổ phương Tây đã vội kết luận rằng nghệ thuật Đông Sơn là nghệ thuật của những người di cư hay sự vay mượn các vùng Trung Á hoặc vùng Vân Nam (Trung Quốc)… Tuy nhiên, những luận điểm trên được xem là phi căn cứ khi mà ngành khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh nền văn hóa Đông Sơn là một đỉnh cao của thời tiền sử Việt Nam và những di vật bằng đồng thau được xem là tiêu biểu cho thời kỳ này. Với bề dày về văn hóa và lịch sử, đồ đồng Việt Nam và đồ đồng Huế đã tạo được một vị thế văn hóa, khảo cổ học trên bình diện văn hóa nghệ thuật khu vực. Tiếp nối những thời đại hoàng kim đó thì cửu đỉnh, cửu vị thần công, đại hồng chung… được xem như bảo vật của quốc gia mà Huế đang may mắn được sở hữu. Continue reading

Hoa sen trong nghệ thuật gốm Việt truyền thống

Không biết tự bao giờ, hoa sen, loài hoa đẹp có cốt cách trong sáng, xuất nê bất nhiễm, đã đi vào văn hóa của người Việt với nhiều ý nghĩa thâm thúy. Sen xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử đất nước như một biểu tượng cho phẩm chất thanh cao, tinh khiết và cao quý. Trong đời sống văn hóa của người Việt, hình ảnh hoa sen đặc biệt không thể thiếu trong trang trí các cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, trong nghệ thuật tạc tượng, trong những áng thơ văn… và riêng với nghệ thuật trang trí gốm sứ truyền thống, hoa sen dường như sống mãi với thời gian dù cho thế cuộc có trải qua bao bể dâu.

Qua mỗi giai đoạn của lịch sử phong kiến, hình họa hoa sen đã lưu lại những dấu ấn riêng, hơi thở riêng của thời đại trên những hiện vật gốm. Chúng luôn đánh dấu một sự kế thừa và sáng tạo không ngừng để luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc. Continue reading