Archive | 4 Tháng Sáu, 2017

Về gốm Đường Cồ – một loại gốm thuộc văn hóa Đông Sơn

Trong văn hóa Đông Sơn, chúng ta thường bắt gặp một thuật ngữ quen thuộc là “gốm Đường Cồ”. Vậy gốm Đường Cồ là gì? Tại sao lại gọi là gốm Đường Cồ?

Đường Cồ là một địa điểm khảo cổ học thuộc thôn Liệt Phương, xã Hoài Đức, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Từ kết quả khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã chú ý tới một loại hình gốm với những nét đặc trưng như kiểu miệng loe thành cong lòng máng, văn thừng thô, tạo thành những vết lõm như tổ ong, màu gốm trắng mốc, phớt hồng. Qua so sánh nhận thấy, đây là loại gốm phổ biến trong các di chỉ khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ, có sự khác biệt so với gốm ở lưu vực sông Mã, sông Cả. Từ đó, thuật ngữ “gốm Đường Cồ” bắt đầu được sử dụng để chỉ loại hình gốm địa phương tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng.

Gốm Đường Cồ trắng mốc và phớt hồng tại di chỉ khảo cổ học Đình Tràng, Đông Anh, Hà Nội (Nguồn: Lương Thị Hà)

Gốm Đường Cồ thể hiện sự tiến bộ rõ rệt về kỹ thuật chế tác gốm trong văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Đất sét pha cát tương đối mịn, đều để làm xương gốm được chọn, sàng lọc cẩn thận, ít tạp chất nên gốm tương đối đanh, cứng và ít thấm nước. Gốm được nung ở nhiệt độ khá cao, khoảng 900oC. Bề ngoài gốm có màu sáng: trắng đục ngả vàng, hồng nhạt hay trắng mốc. Bên trong gốm có màu xám đen đều.

Tuy nhiên, về kiểu dáng và hoa văn trang trí, nhìn chung gốm Đường Cồ có phần suy giảm đáng kể so với các giai đoạn trước. Có lẽ, những người thợ Đông Sơn đã tập trung thời gian, trí lực, công sức vào các loại hình đồ đồng nhiều hơn. Bởi lẽ, các loại hình và đồ án hoa văn đẹp mắt mà ta thấy trên đồ gốm của giai đoạn trước đều có mặt trên đồ đồng của văn hóa Đông Sơn.

Gốm Đường Cồ trong mộ Đông Sơn tại di chỉ khảo cổ học Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội

Gốm Đường Cồ phân bố chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, có nguồn gốc và phát triển trực tiếp từ giai đoạn văn hóa Gò Mun. Kết quả khai quật tại di chỉ Vinh Quang (Hoài Đức, Hà Nội) đã chứng tỏ điều này. Đồ gốm lớp dưới di chỉ này mang tính chất của gốm Gò Mun, càng lên các lớp trên, tần suất xuất hiện của gốm Đường Cồ càng nhiều, đến lớp trên cùng (thuộc văn hóa Đông Sơn), chỉ còn tìm thấy gốm Đường Cồ. Bên cạnh gốm Đường Cồ ở lưu vực sông Hồng, loại hình gốm địa phương của văn hóa Đông Sơn còn có gốm Đông Sơn ở lưu vực sông Mã, gốm Làng Vạc ở lưu vực sông Cả.

Như vậy, gốm Đường Cồ là một trong 3 loại gốm tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn tuy không được chú ý về hình thức như đồ đồng, song, gốm có chất lượng tốt, kỹ thuật cao hơn so với loại hình gốm lưu vực sông Mã hay sông Cả. Gốm Đường Cồ được phát triển trực tiếp từ loại gốm Gò Mun lên. Cùng với hiện vật đồng, trong văn hóa Đông Sơn, những hiện vật gốm đã phản ánh một cách khách quan đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt cổ giai đoạn này.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia