Archive | 9 Tháng Sáu, 2017

Quốc hiệu Việt Nam qua các thời đại

Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Quốc hiệu khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các nước khác trên thế giới.

Từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lúc bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc người Việt sinh sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và người Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác.

Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên Nhà nước Văn Lang, xưng vua – mà sử cũ gọi là Hùng Vương – và con cháu ông nhiều đời sau vẫn nối truyền danh hiệu đó. Thời gian tồn tại của nước Văn Lang khoảng từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ III trước Công nguyên.

Năm 211 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng cho quân xâm lược đất đai của toàn bộ các nhóm người Việt, Thục Phán – thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Âu Việt được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống quân Tần. Năm 208 trước Công nguyên, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc (tên ghép hai chữ của hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt).

Năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà – vua nước Nam Việt, đưa quân đánh chiếm Âu Lạc, cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại. Suốt 7 thế kỷ sau đó, mặc dù các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ, chia Âu Lạc thành nhiều châu, quận với những tên gọi khác lạ, nhưng vẫn không xóa nổi cái tên Âu Lạc trong ý thức, tình cảm và sinh hoạt thường ngày của người dân.

Mùa Xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương, giải phóng được lãnh thổ. Tháng 2 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lấy tên hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân (Đất nước bền vững vạn mùa Xuân), khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đình Trung Quốc (từ năm 602). Quốc hiệu Vạn Xuân trải qua nhiều thăng trầm và được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng Đế, lấy tên hiệu Đinh Tiên Hoàng và cho đổi tên quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt cực lớn, lần đầu tiên yếu tố “Việt” được có trong quốc hiệu). Quốc hiệu Đại Cồ Việt duy trì suốt thời Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053).

Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý (Lý Thái Tông) liền cho đổi tên nước là Đại Việt (nước Việt lớn, yếu tố “Việt” tiếp tục được khẳng định), và quốc hiệu Đại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần.

Tháng 3 năm 1400, Hồ Quý Ly phế vua Trần Thiếu Đế lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Đại Ngu (“Ngu” tiếng cổ có nghĩa là “sự yên vui”). Quốc hiệu đó tồn tại cho đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).

Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Đại Việt (giống như tên quốc hiệu Đại Việt từ năm 1054 thời Lý đến hết thời Trần). Quốc hiệu Đại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1801).

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho đổi tên nước là Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt Quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”. Đây là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” được sử dụng với tư cách Quốc hiệu, được công nhận hoàn toàn về ngoại giao.

Tuy nhiên, hai chữ “Việt Nam” đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ XIV, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện lần đầu tiên ở tiêu đề cuốn sách “Việt Nam thế chí” (ghi chép về các đời ở Việt Nam) của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thế kỷ XIX).

Trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (soạn năm 1434) cũng đã nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam “vua đầu tiên (của nước ta) là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam, làm tổ Bách Việt”.

Hai chữ Việt Nam còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), như trong tập “Trình tiên sinh quốc ngữ văn” có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Trong tập “Sơn hà hải động thường vịnh” (Vịnh về núi non sông biển), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 4 lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. Rõ hơn, trong các bài thơ gửi trạng Giáp Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang lại/ Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam”, còn trong bài gửi trạng Nguyễn Thuyến có câu: “Tiền đồ vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị công danh trọng Việt Nam”.

Trên nhiều tấm bia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam”, như trên tấm bia khắc ở chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, có câu “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”, bia chùa Cam Lộ (Phú Xuyên, Hà Tây), năm 1590, có câu “Chân Việt Nam chi đệ nhất”.

Thời Lê Trung Hưng (1533-1787), nước ta (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) trở lại tên Đại Việt, song hai chữ “Việt Nam” xuất hiện khá nhiều trong văn bia có niên đại sớm như: Bia chùa Thiên Phúc (làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, soạn năm 1648), bia làng Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, soạn năm 1649), bia chùa Phúc Thánh (làng Mộ Đạo, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, soạn năm 1664) phần bài Minh có câu “Việt Nam cánh giới, Kinh Bắc thừa tuyên”, bia chùa Am Linh (làng Hà Lỗ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, soạn năm 1670).

Bia Thủy Môn Đình (soạn năm 1670) ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ tám (1670) có câu: “Việt Nam hầu thiệt trấn Bắc ải quan” (Cửa ải phía Bắc Việt Nam). Ngô Thì Nhậm (1746-1803), một tri thức lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII cũng nhận mình là “kẻ hậu học của Việt Nam”.

Tất cả các từ “Việt Nam” trên đây chỉ là danh xưng, thể hiện ý thức của các tầng lớp quan lại và nhân dân về sự tồn tại lâu đời và liên tục của một quốc gia của người Việt ở phương Nam. Đó chưa phải là quốc danh hay quốc hiệu. Chỉ đến năm 1804, danh xưng “Việt Nam”, mới trở thành quốc hiệu, bởi nó được hình thành một cách bài bản hay theo một quy định thống nhất. Điều này được Gia Long nêu rõ trong tờ Chiếu: Đặt Quốc hiệu là để khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam… “các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang (vùng đất nóng, khí hậu nhiệt đới gió mùa), gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước: nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng”.

Đặt quốc hiệu là quy luật của một thể chế “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ sự thống nhất”; là để khẳng định chính danh, chính phận của bậc đế vương “nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới”; có định ngày (17/2) có lễ thức đặt quốc hiệu (kính cáo Thái miếu) và lệnh cho triều thần bố cáo với nhân dân cả nước, với các nước láng giềng chính thức từ bỏ tên “An Nam” mà phong kiến Trung Quốc áp đặt.

Gia Long đặt quốc hiệu Việt Nam là sự thể chế hóa nguyện vọng lâu đời của các tầng lớp trí thức, quan lại và nhân dân; khẳng định tính pháp lý về chủ quyền của một Nhà nước Việt ở phương Nam; thể hiện ý chí, sức mạnh muôn đời của các cộng đồng cư dân Việt trên dải đất phương Nam, cũng là một sự khiêm nhường, đúng mực, “biết người biết ta”, trong quan hệ bang giao với nhà Thanh và các nước.

Đến đời vua Minh Mạng, quốc hiệu được đổi thành Đại Nam (năm 1838). Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội.

Việc đặt quốc hiệu Việt Nam tạo niềm tự hào cho các cộng đồng cư dân Việt. Đây chính là sức mạnh tinh thần lớn lao để nhân dân duy trì bền bỉ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong suốt 80 năm bị xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, để đến mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời một quốc hiệu mới, một thể chế mới. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 2/7/1976, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, toàn thể Quốc hội đã nhất trí lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quốc hiệu đó, đưa quốc hiệu Việt Nam trở thành chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.
Nguồn: http://www.dvs.daivietedu.org

Hai chữ “Việt Nam” trong thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu

Khi một người bạn báo tin cho tôi: “Nhà sưu tập Trần Đình Sơn vừa mua được một chiếc tô sứ ký kiểu, vẽ phong cảnh sơn thủy kèm bài thơ ‘Hà Trung yên vũ’. Cuối bài thơ có ghi ba chữ Hán ‘Đạo nhân thư’, là dấu hiệu cho thấy đây là thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu và món đồ này do chúa ký kiểu. “Rất quý hiếm”, tôi vội liên lạc với ông Sơn để xác minh. Ông Trần Đình Sơn gửi cho tôi hai bức hình chụp chiếc tô này, kèm lời “thẩm định”: “Đây đúng là món đồ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu. Bài thơ ‘Hà Trung yên vũ’ là bài thơ thứ năm và cũng là bài thơ mới nhất của chúa được phát hiện trên đồ sứ ký kiểu”.

1. Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Ông cũng là một người sùng mộ đạo Phật và có nhiều đóng góp cho việc hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong. Năm 1694, chúa cho người sang Quảng Đông mời hòa thượng Thạch Liêm sang Thuận Hóa thuyết pháp về đạo Phật và lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu và tịnh độ cho binh dân xứ Thuận Hóa. Ông quy y với hòa thượng Thạch Liêm, phát tâm thọ giới Bồ tát tại gia vào năm 1695 và được hòa thượng Thạch Liêm ban cho pháp danh Hưng Long, đặt hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Vì thế, khi sáng tác thi văn, ông thường ghi ba chữ Đạo nhân thư ở cuối các tác phẩm của mình.

Đặc biệt, Nguyễn Phúc Chu rất thích đặt làm các món đồ sứ ký kiểu ở Trung Hoa, trên đó, có đề các thi phẩm của ông, kèm hình vẽ minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đến nay, giới sưu tập đồ sứ ký kiểu đã sưu tầm được nhiều chiếc tô, hiệu đề Thanh ngoạn, có đề các bài thơ chữ Hán của chúa Nguyễn Phúc Chu vịnh các cảnh đẹp ở vùng đất Thuận – Quảng. Đó là những bài thơ ‘thất ngôn bát cú’, viết thành 10 dòng, gồm dòng tiêu đề, 8 dòng nội dung và dòng lạc khoản cuối cùng ghi ba chữ Đạo nhân thư. Cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh ‘sơn thủy – nhân vật’, vẽ cảnh sắc, địa danh mà bài thơ miêu tả. Đây là lối trang trí ‘nhất thi, nhất họa’ rất phổ biến trên đồ gốm sứ phương Đông lúc bấy giờ.

Đọc bài thơ Hà Trung yên vũ trên chiếc tô sứ, tôi bất ngờ nhận thấy ở đầu câu thơ thứ 7 có hai chữ Việt Nam. Đây là điều rất thú vị, bởi lẽ, trong 5 thi phẩm của chúa Nguyễn Phúc Chu viết trên đồ sứ ký kiểu được ghi nhận từ trước đến nay, thì đây là lần thứ hai có sự hiện diện của hai chữ Việt Nam: Lần thứ nhất là trên chiếc tô đề bài thơ Ải Lĩnh xuân vân (Mây xuân trên Ải Lĩnh). Toàn văn như sau: “Việt Nam xung yếu thử sơn điên. Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên. Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên. Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết. Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền. Duy nguyện hải phong xuy tác vũ. Chính nghi thiên lý nhuận tang điền” (Xung yếu nước Nam có núi này. Khác chi đất Thục điệp non xây. Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn. Người ở, nào hay mấy đỉnh mây. Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng. Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây. Chỉ mong gió bể đem mưa tới. Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày).

Tô sứ đề bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu

Ải Lĩnh là tên cũ của dải núi nằm giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng ngày nay. Trên núi có xây dựng cửa ải nên gọi là Ải Lĩnh. Dân gian thường gọi là Ngải Lĩnh vì trên núi này có mọc nhiều cây ngải, tương truyền đến mùa hoa nở, gió thổi bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây lại cửa ải, đặt tên là Hải Vân quan, từ đó, quen gọi là núi (hay đèo) Hải Vân. Sách Ðại Nam nhất thống chí, bản in thời Duy Tân (1907 – 1916) có khắc in bốn câu đầu của bài thơ này nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ so với bài thơ viết trên đồ sứ ký kiểu. Sách này cũng xác nhận tác giả bài thơ trên là Hiển Tông Hoàng Đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Chu.

2a,2b: Bài thơ Ải Lĩnh xuân vân trên tô sứ ký kiểu

Lần này, hai chữ Việt Nam lại xuất hiện trên chiếc tô đề bài thơ Hà Trung yên vũ (Mưa bụi ở đầm Hà Trung). Toàn văn như sau: “Hải khí sơn phong táp táp kinh. Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh. Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn. Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh. Thiền tụng bất văn u khánh vận. Hương tư nan xích cổ nhân tình. Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh. Dục thiến đan thanh tả vị thành (Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh. Mù tỏa dần tan mây trắng xanh. Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm. Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh. Phật kinh không vẳng dư âm khánh. Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình. Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh. Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành).


Tô sứ đề bài thơ Hà Trung yên vũ của chúa Nguyễn Phúc Chu

Bài thơ Hà Trung yên vũ trên tô sứ ký kiểu

Hà Trung là đầm nước lớn ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), nối thông với phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Đây từng là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Huế. Ngày trước, vua chúa nhà Nguyễn và các tao nhân mặc khách thường đi thuyền về Hà Trung, ngắm cảnh non nước, làm thơ đề vịnh và thưởng thức hải sản trong đầm.

2. Trước nay, các nguồn sử liệu chính thống đều khẳng định hai chữ Việt Nam được chọn làm quốc hiệu của nước ta vào năm 1804, dưới triều vua Gia Long. Theo sử liệu Trung Hoa, khi vua Gia Long phái sứ thần đi cầu phong và xin đổi quốc hiệu nước ta thành Nam Việt. Vua Gia Khánh của nhà Thanh đã không đồng ý, vì cho rằng “địa danh Nam Việt bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đều nằm ở trong đó… Nguyễn Phúc Ánh cầu phong quốc hiệu Nam Việt, rõ ràng tự thị võ công muốn đòi xin thêm đất”. Vì thế, trong tờ dụ các quân cơ đại thần của Thanh triều vào ngày 6 tháng Tư năm Gia Khánh thứ 8 (26/5/1803), vua Gia Khánh dụ rằng: “Việc xin đặt tên nước là Nam Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An Nam; vậy Thiên triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ Việt Nam; lấy chữ Việt để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ Nam để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ Nam Việt. Một khi tên nước đã chính, nghĩa của chữ cũng tốt lành; vĩnh viễn thừa hưởng ân trạch của Thiên triều”. (Hồ Bạch Thảo, Những sử liệu liên quan đến việc đặt tên nước Việt Nam, www.talawas.de, ngày 26.8.2005).

Trong khi đó, sách Đại Nam thực lục lại chép: “Tháng Hai (năm Giáp tí – 1804), ngày Mậu thìn, (vua Gia Long) xa giá đến kinh sư. Ngày Quý dậu vua yết ở Thái Miếu… đặt quốc hiệu là Việt Nam. Ngày Đinh sửu đem việc cáo Thái Miếu. Lễ xong vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo ở trong ngoài”. Chiếu có đoạn viết: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng, chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới nên định lấy ngày 17 tháng Hai năm nay (1804) kính cáo Thái Miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhất kỷ 1).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã công bố tư liệu cho thấy hai chữ Việt Nam đã xuất hiện trong các thư tịch cổ của nước ta sớm hơn nhiều thời điểm 1804. Cụ thể, hai chữ Việt Nam đã xuất hiện trên văn bia chùa Bảo Lâm (viết năm 1559), văn bia chùa Cam Lộ (viết năm 1590), văn bia đình Thủy Môn (viết năm 1670) ở Đồng Đăng (Lạng Sơn). Cách đây hơn 15 năm, PTS. Đỗ Bang cũng đã công bố một bản tuyên cáo về việc đổi quốc hiệu của nước ta từ An Nam sang Việt Nam trong tác phẩm Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích, ghi việc “vâng mệnh vua soạn thảo bản tuyên cáo về quốc hiệu mới”. Vì Phan Huy Ích là văn thần thân tín của vua Quang Trung nên PTS. Đỗ Bang cho rằng việc đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam có từ triều Tây Sơn (Đỗ Bang, Quốc hiệu nước ta có từ bao giờ, Thế Giới Mới, số 92, tháng 5/1994). Những phát hiện trên cho thấy từ lâu, hai chữ Việt Nam đã được ông cha ta dùng để chỉ cương vực của đất nước.

Trở lại với hai chữ Việt Nam viết bằng Hán tự trong hai bài thơ Ải Lĩnh xuân vân và Hà Trung yên vũ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trước nay, khi dịch hai chữ này trong bài thơ Ải Lĩnh xuân vân, phần lớn các nhà dịch thuật Hán Nôm đều cho rằng hai chữ Việt Nam này không chỉ quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ, vì đến năm 1804, vua Gia Long mới chọn hai chữ Việt Nam làm quốc hiệu nước ta. Vì thế, họ dịch hai chữ Việt Nam này là “đi/vượt về phía Nam” hay “vùng đất phương Nam của nước Việt”. Tuy nhiên, bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa, 1992) thì cho rằng hai chữ này chỉ tên nước Việt Nam, khi dịch câu: “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên” là “Núi này ải hiểm đất Việt Nam”.
Nay với việc xuất hiện bài thơ Hà Trung yên vũ của chúa Nguyễn Phúc Chu trên chiếc tô sứ ký kiểu mà ông Trần Đình Sơn vừa mới sưu tầm được, trong đó có câu: Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh (Việt Nam cũng có cảnh Tiêu Tương), tôi cho rằng chúa Nguyễn Phúc Chu đã không dùng chữ Việt Nam với ý nghĩa là “đi/ vượt về phía Nam” hay “vùng đất phương Nam của nước Việt” như nhiều người từng nghĩ. Một vị chúa đã chủ trương xóa tên nước Chiêm Thành để đổi làm trấn Thuận Thành (về sau đổi làm phủ Bình Thuận); chủ trương chia đất cũ của Chân Lạp thành hai dinh: Phiên Trấn và Trấn Biên, nhằm xóa bỏ tất cả những ảnh hưởng còn sót lại của hai vương quốc lân bang đã bị các triều đại Đại Việt thôn tính, thì việc đặt cho vùng đất do các chúa khai phá và cai quản ở Đàng Trong một quốc hiệu mới là Việt Nam, không phải là một khả năng không được tính đến.
Cũng cần nhắc lại rằng, vào năm 1701 chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa để cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách hẳn khỏi Đàng Ngoài, để thấy cái ước vọng lập cho mình một quốc gia riêng, có quốc hiệu riêng, đã hiện hữu mạnh mẽ trong tâm trí của Nguyễn Phúc Chu như thế nào!
Vậy thì đã đến lúc nên đặt lại vấn đề: Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? mà nhiều nhà sử học Việt Nam đã nêu ra và đã gây nên những cuộc tranh luận học thuật rất thú vị trên diễn đàn sử học nước nhà vào những năm 1990 của thế kỷ trước. Mong lắm thay!

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia