Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Bảo tàng tỉnh Hoà Bình là bảo tàng khảo cứu địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở VHTT tỉnh Hòa Bình, có chức năng nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản văn hoá của tỉnh Hòa Bình.
Phòng trưng bày Di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh được chia thành 5 phần trưng bày và một phụ đề thể hiện đặc trưng tiêu biểu của di sản văn hóa tỉnh nhà gồm:

1. Văn hoá Hoà Bình là văn hoá thời đại đá – thời đại tiền sơ sử, phân bố chủ yếu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lục địa, do Colani – nữ khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1926. Niên đại, từ 18.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay, là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hoá Sơn Vi) và thời đại đá mới (Văn hoá Bắc Sơn). Nơi cư trú chính là các hang động và mái đá, ngoài ra có một bộ phận rất nhỏ cư trú ngoài trời và thềm sông suối. Họ sống theo chế độ mẫu hệ, kinh tế chủ yếu là săn bắt và hái lượm.

Đặc trưng nhất của nền văn hóa này là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội, bằng sự kết hợp các thủ pháp chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè – đẽo, mài – cưa tạo ra những công cụ như: công cụ hình đĩa, 1/4 viên cuội, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi… bên cạnh đó họ đã chế tác và sử dụng công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai và làm đồ gốm bằng khuôn đan. Đặc biệt, cư dân Văn hoá Hoà Bình cũng đã biết làm đẹp, có ý thức về nghệ thuật hội họa và chôn người chết ngay nơi cư trú theo tư thế nằm co bó gối.

2. Mộ táng tiền Đông Sơn phát hiện tại xóm Chũm, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có niên đại 3500 năm cách ngày nay. Hiện vật gồm: 1 thố gốm, một hộp sọ người, rìu đá, đục đá, công cụ xương và hai mảnh vỏ trai được mài nhẵn bóng.

3. Sưu tập đồ đồng cổ gồm: trống đồng và cồng chiêng. Đối với người Mường hai nhạc cụ này được xem như linh hồn bất tử của họ bởi ý nghĩa văn hóa nhân văn của nó.

Trống đồng (chủ yếu là trống loại II hay còn được gọi là trống Mường) xưa kia chỉ gắn với các hoạt động của nhà Lang, do nhà Lang tổ chức, nên ngoài là một nhạc cụ, nhạc khí nó còn được xem như một biểu tượng quyền lực. Niên đại của trống từ thế kỉ I cho đến XIX.

Trong xã hội Mường trước đây, một loại nhạc cụ đối lập với trống đồng là cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Nếu trống đồng chỉ được sử dụng trong lễ lớn, lễ trọng của nhà Lang thì cồng chiêng lại được sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt hàng ngày: từ đón em bé chào đời, đi săn, dựng nhà đến dón khách quý đến chơi bản. Bên cạnh đó tại Bảo tàng còn trưng bày một số cổ vật đồng khác như: xanh đồng, mâm đồng và ninh đồng (dụng cụ đồ xôi của người Mường).

4. Sưu tập gốm cổ trong mộ Mường: Tỉnh Hoà Bình không giống như những địa phương khác như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phú… là có các lò gốm cổ, mà gốm ở Hoà Bình đều do giao lưu thông thương mà có. Gốm cổ ở Hoà Bình rất phong phú và đa dạng. Ngoài gốm cổ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX qua các thời Lý, Trần, Lê còn có gốm Nhật Bản, Trung Quốc. Với nhiều hiện vật có giá trị như bát, đĩa thời Lý; thạp gốm hoa nâu, ấm, âu thời Trần; bình vôi thời Lê; đĩa hoa nhiều màu của Nhật Bản; lọ, thạp, bình hoa lam của Trung Quốc. Gốm cổ Bảo tàng chọn lựa trưng bày chủ yếu là gốm cổ trong mộ Mường, để minh chứng cho một tập tục bản địa nơi đây: tục chia của cho người chết, thân thế người chết càng có thế lực thì của chia theo càng nhiều, càng có giá trị. Trong những năm thập niên 80 của thế kỷ XX, hàng loạt các khu mộ Mường cổ lớn được khai quật với số lượng hiện vật lớn như: Dũng Phong, Ngọc Lâu, Kim Truy… Nhưng đặc biệt phải kể đến khu mộ Đống thếch, là thánh địa của dòng họ Lang Đinh, dưới triều Lê, nằm ở đầu thung lũng Mường động, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

5. Văn hóa Mường truyền thống và đương đại: Phần trưng bày này thể hiện một số hình ảnh về phong tục, tập quán bản địa và trưng bày hiện vật về một số nghề thủ công truyền thống của người Mường Hòa Bình như: nghề dệt, đan lát.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình còn trưng bày một phụ đề về các hiện vật cổ sinh học quý hiếm phát hiện được trên địa bàn tỉnh Hòa Bình như: 2 bộ di cốt đười ươi, xác con baba 300 tuổi, xương ống chân voi. Các phần trưng bày đều được thể hiện chân thực, sinh động, mang tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng trong và ngoài tỉnh.


Địa chỉ: Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Điện thoại: 0218.3852177

Nguồn: http://baotang.dsvh.gov.vn/vi-VN/Detail/Index/63

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.