PGS-TS Trình Năng Chung: Tôi và nghề khảo cổ đã chọn nhau

Thuở còn sinh viên, PGS-TS Trình Năng Chung đã chọn nghề khảo cổ vì những lý do rất bản năng, với ước vọng được đi tới nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới lạ.

Cùng với ước vọng ấy được nhân lên từ sức hấp dẫn của những kiến thức khảo cổ qua các bài giảng của cố GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn, sau gần 40 năm gắn bó với nghề khảo cổ, thực hiện hàng trăm chuyến đi điền dã, khai quật, ông nghiệm ra rằng “tôi đã chọn nghề và nghề cũng đã chọn tôi. Mối cơ duyên đó ngày càng bền chặt bởi sự gắn kết từ hai chiều ngày càng sâu nặng”.

“Bao giờ con về hưu?”
PGS-TS Trình Năng Chung năm nay 63 tuổi nhưng trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật. Ấn tượng của tôi về ông là nụ cười tươi rói và giọng nói sang sảng. Xem những thước phim trong series chương trình “Nẻo về nguồn cội” hay “ Khám phá Việt Nam” mà ông tham gia với tư cách là chuyên gia để lý giải về các sự kiện, hiện tượng trong quá khứ, tôi thấy bước chân ông thoăn thoắt leo núi, vượt rừng ở Tuyên Quang, Hà Giang… tìm đến những hang động có khi đi mất nửa ngày đường.
“Mẹ tôi năm nay 96 tuổi, mỗi lần nhìn con trai đi điền dã về, đen và gầy lại xót xa hỏi: “Con ơi, bao giờ con về hưu?”. Tôi may mắn được trời cho một sức khỏe với cơ địa tốt. Lúc nào cũng có thể khoác balo lên đường đến những vùng đất mới, những khám phá mới luôn ẩn chứa sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi” – PGS Chung nói. Khi kể về chuyến đi Hà Giang mới kết thúc cách đây ít ngày, nhà khảo cổ học cười sảng khoái, tự nhận mình “lúc đó trông
giống dân cửu vạn vì thường làm việc trong hang động hay dưới hố sâu”.
PGS-TS Trình Năng Chung là chuyên gia về thời tiền sử- sơ sử, từ thời đồ Đá đến thời đại Kim khí (khoảng vài trăm nghìn năm về trước, cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay) với không gian nghiên cứu chủ yếu ở vùng núi phía Bắc. Tôi thắc mắc hỏi, điều gì đã khiến cho chàng thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội lại chọn một nghề nghe có vẻ “cổ điển” và vùng nghiên cứu xa xôi như thế? Hóa ra, lý do khiến ông bước chân vào nẻo đường nghiên cứu những câu chuyện của quá khứ thật “trẻ trâu” – như ông tự nhận.
“Hồi đó, trong các rạp chiếu ở Hà Nội thường chiếu những bộ phim về xác ướp Ai Cập, khai quật hầm mộ với những nhà khảo cổ học đa tài, dũng cảm, có khả năng thoát hiểm như siêu nhân, tôi mê lắm. Vào đại học, tôi may mắn được các GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn truyền thụ từ kiến thức đến phương pháp nghiên cứu. Nếu như thầy Vượng dạy tôi phương pháp điền dã và năng lực nhận diện các loại hình di tích thì thầy Tấn dạy tôi phương pháp nghiên cứu sử liệu trên hiện vật khảo cổ và trên văn bản. Chính được học những người thầy uyên bác nên tình yêu khảo cổ học đến với tôi như một lẽ tự nhiên, ngày càng sâu đậm”.
PGS-TS Trình Năng Trung tham gia khai quật ở Bắc Kạn. Ảnh: Văn Đức
Tôi quyết định chọn vùng miền núi phía Bắc- nơi khó khăn, gian khổ và không ít người ngại đến. Đó là vùng đất giàu tiềm năng khảo cổ học để tôi và một vài đồng nghiệp trẻ thỏa sức khám phá và nghiên cứu. Sau này, khi nghiên cứu khảo cổ học Nam Trung Quốc, tôi càng có thêm nhiều tài liệu để so sánh với khảo cổ học Việt Nam, đặc biệt là khu vực tôi nghiên cứu có vị trí không gian văn hóa liền kề”- PGS Chung kể.
Với những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu trên thực địa, trong các đợt khảo sát, PGS Chung không bỏ sót bất cứ thông tin dữ liệu khảo cổ nào từ các loại hình di tích khảo cổ khác nhau. Ví như năm 2003, khi đi khảo sát vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, ông cùng bạn đồng nghiệp trẻ phát hiện hàng loạt những di tích hang động tiền sử, những di tích cự thạch, những dấu tích đền chùa, những khu mộ cổ, và đặc biệt là hệ thống bia mộ bằng đá có khắc những chữ Nôm Tày cổ.
Cũng đôi khi, sự may mắn mỉm cười với ông bằng hàng loạt những phát hiện mới lạ như bãi đá cổ có hình khắc ở Xín Mần, ở Đồng Văn (Hà Giang), hay như chiếc cầu bằng đá thời Lê Cảnh Hưng ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) nằm sát ngay đường biên giới Việt- Trung, như di cốt người phụ nữ có một vạn năm tuổi được tìm thấy ở hang Phia Vài (Tuyên Quang) mà trong hốc mắt có để hai vỏ ốc biển chưa tìm thấy ở nơi nào trong khu vực châu Á.
“Từ chiếc sọ cổ Phia Vài, chúng tôi khai thác được nhiều thông tin sử liệu như, trong cộng đồng cư dân Phia Vài cổ, chế độ mẫu hệ được đề cao, thể hiện qua nghi thức người chết được chôn cất cẩn thận và sử dụng những vật gì quý giá nhất làm đồ tùy táng. Ngoài ra, việc xuất hiện ốc biển ở đây cho thấy, từ xa xưa cư dân vùng núi Tuyên Quang đã có mối quan hệ giao lưu với cư dân miền biển” – PGS Chung lý giải.
Đấy chỉ là một số trong những phát hiện khảo cổ có giá trị mà nhà khảo cổ học Trình Năng Chung cùng những đồng nghiệp của mình đóng góp vào nhận thức chung về văn hóa tiền-sơ sử Việt Nam.
Khai quật khảo cổ học ở Trường Sa
Kể về chuyến đi thú vị và ý nghĩa nhất cuộc đời mình, PGS Chung hồi tưởng lại thời gian năm 1999 khi là một trong những nhà khoa học được tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia khai quật khảo cổ tại Trường Sa.
“Thời gian cả đi và về xác định là 30 ngày. Chúng tôi đã khảo sát và khai quật khoảng gần 10 đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, phát hiện nhiều mảnh sứ, mảnh sành mang đặc trưng văn hóa Việt cổ. Có đồ gốm xuất xứ từ lò Bát Tràng, có cái ở lò gốm Bình Định, cái ở Biên Hòa, có gốm mang phong cách gốm Champa, có mảnh bát sứ thời Trần…” – PGS Chung không khỏi tự hào khi kể về chuyến đi năm ấy.
Từ kết quả của chuyến đi đó là các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều bằng chứng khẳng định, người Việt cổ có mặt ở Trường Sa khoảng hơn 1000 năm trước và cư dân Việt cổ đã có những phương tiện thuyền bè lớn cùng kỹ năng đi biển có thể thực hiện được những chuyến đi dài ngày trên biển.
Kết quả chuyên môn là vậy nhưng khi quay về đất liền, cả đoàn gặp bão lớn. làm tê liệt hầu như toàn bộ hệ thống thông tin vô tuyến điện trên tàu. Con tàu vật vã đi trong những cơn sóng phủ. Đoàn tàu phải sử dụng tất cả những phương tiện thông tin còn lại kể cả kỹ thuật đánh morse bằng cờ báo hiệu. Phần lớn anh em trên tàu đều say sóng mệt lử.
“Tôi đã miêu tả 3 ngày trên biển trong cơn bão trong cuốn nhật ký chi tiết đến từng giọt mồ hôi, từng hơi thở, thậm chí là từng tiếng thở dài của không ít thành viên trong đoàn lo lắng. Thật may, sáng sớm ngày thứ ba thì bão tan, mặt trời đỏ lựng lên từ phía chân trời, chúng tôi mừng rỡ hò reo khi nhìn thấy 3-4 tàu cùng tìm đón. Chúng tôi chuyển tàu, hướng trở về đất liền, chậm mất 5 ngày so với dự định”, vị phó giáo sư hồi tưởng lại.
Những chuyến đi gian khổ như vậy đã trở thành chất liệu quý giá để PGS Trình Năng Chung có thêm câu chuyện kể sinh động cho sinh viên trên bục giảng.
PGS-TS Trình Năng Chung (SN 1954) hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Khảo cổ học. Ông là chủ nhiệm của bốn công trình nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước. PGS Chung có hơn 100 bài công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước và hơn 270 bài nghiên cứu công bố trong các Tập san hay Kỷ yếu các Hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Ông cũng là tác giả và đồng tác giả của 20 cuốn sách. Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là Văn hóa Tiền sử và sơ sử Việt Nam, Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.
TS Nguyễn Tất Thắng – Khoa Lịch sử – ĐH Sư phạm Thái Nguyên:

PGS-TS Trình Năng Chung có nhiều công trình nghiên cứu về khảo cổ có giá trị, đặc biệt thầy có đóng góp quan trọng trong việc phát hiện, nghiên cứu di chỉ Mái Đá Ngườm (Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên) – di chỉ thuộc hậu kỳ đá cũ Việt Nam có niên đại cách ngày nay 30.000 năm, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Những nghiên cứu của thầy đã cung cấp thêm tư liệu để củng cố các thông tin về thời đại đá cũ và đá mới của Việt Nam, khẳng định tính phát triển liên tục của con người trên mảnh đất này từ thời đồ đá tới nay. Với các địa phương, di chỉ khảo cổ thời tiền sử và sơ sử khi được nghiên cứu đã được bảo vệ khỏi nguy cơ mai một do tác động của con người trong quá trình phát triển, giúp địa phương hoạch định kế hoạch, phát triển bảo tồn.

Về con người của PGS –TS Trình Năng Chung, tôi thực sự cảm phục tình yêu của thầy với công việc. Nhiều khi thầy trò trèo đèo lội suối, nhìn thầy lưng ướt đẫm mồ hôi vẫn bước đi không ngừng, tôi tự nhủ mình càng cần phải cố gắng không ngừng. Về chuyên môn, thầy là người tỉ mỉ, cẩn thận và chu đáo. Thầy dạy tôi từ những việc nhỏ nhất như chăng dây miệng hố để đào giám sát khảo cổ, phân loại hiện vật, đánh, rửa, phơi cho đến lấy mẫu để giám định C14.

Tuệ Minh
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/khao-co-hoc-duoi-nuoc-ra-doi-nhu-the-nao/2017121401150502p1c160.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.