Di tích khảo cổ Xóm Rền thuộc địa phận xóm Rền – nằm cách thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh và quốc lộ số 2 khoảng 4km về phía tây. Khu di tích này gần phủ kín gò Đồng Rền, có diện tích trên 30.000m2 .
Trong 40 năm kể từ khi được phát hiện đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật xóm Rền 6 lần trên tổng diện tích gần 500m2. Quá trình khai quật và nghiên cứu di tích này gắn liền với quá trình khai quật và nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên.
Các di tích, di vật tìm thấy ở xóm Rền phong phú và cực kỳ đa dạng, bao gồm 2.032 di vật đá, 554 đồ gốm còn nguyên hoặc phục nguyên được, 361.658 mảnh gốm lớn nhỏ và 10 mộ táng. Đại bộ phận di tích và di vật đang được lưu trữ tại Bảo tàng Tổng hợp Phú Thọ và Bảo tàng Đền Hùng.
Hai cuốn sách của Phó Giáo sư Hà Văn Khẩn và một số hiện vật khai quật được. Ảnh: Dung Đoàn
Đánh giá tầm quan trọng của di tích khảo cổ Xóm Rền, PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế – nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – viết: “Một di tích khảo cổ mà nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là đặc biệt quý hiếm trong số gần trăm di tích văn hóa Phùng Nguyên. Tầng văn hóa dày và khá nguyên vẹn đã chỉ ra rằng con người nơi đây là một trong những cộng đồng cư dân biết đến đồng thau sớm nhất Việt Nam. Nơi đây cũng chứng kiến những bước đi tiên phong trong cách mạng luyện kim đồng và khai phá châu thổ sông Hồng để khai sinh một nền văn minh nổi tiếng – văn minh nông nghiệp trồng lúa nước”.
Tất cả các tư liệu, thông tin liên quan đến di tích này được PGS-TS Hà Văn Khẩn tập hợp và biên soạn thành cuốn “Xóm Rền – một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam” xuất bản năm 1999.
PGS Nguyễn Khắc Sử – nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ Việt Nam – nhận xét: “Cuốn sách đã cung cấp được nguồn thông tin, tư liệu sâu sắc nhất – kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ khảo cổ học từ trước tới nay một cách trung thực, khách quan và có độ tin cậy lớn”. Theo ông, PGS Khẩn tuy không viết nhiều sách so với các nhà khảo cổ khác, nhưng 2 tác phẩm quan trọng nhất của ông là “Văn hóa Phùng Nguyên” và sách về xóm Rền đã tổng kết một cách đầy đủ nhất giai đoạn đầu tiên trong phổ hệ Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun. Đây là phổ hệ chính dẫn đến văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ nên có ý nghĩa rất quan trọng.
Đoàn Dung
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/han-quoc-doc-suc-don-tien-phat-trien-in-3d/20170921112631p1c160.htm