Gốm Quảng Đức – một dòng gốm cổ bị thất truyền

Ngày 29/6/2009 vừa qua, tại nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, số 3 Tản Đà, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã khai mạc triển lãm Con đường đất nung và kéo dài 3 tháng. Đáng chú ý trong triển lãm này là bộ sưu tập gốm cổ Quảng Đức – một dòng gốm đã bị thất truyền, của nhà sưu tập Trần Thanh Hưng. Anh đã trò chuyện với TT&VH xung quanh bộ sưu tập của mình.

* Chơi cổ vật phải có niềm đam mê, nhiệt huyết, tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc, vậy cơ duyên nào anh đã đến với gốm cổ Quảng Đức?

– Nghề của tôi đi nhiều (Trần Thanh Hưng hiện công tác ở Trung tâm Truyền hình VN tại Phú Yên). Đầu năm 1993 một lần tôi về miền núi thuộc xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Tại nhà của một già làng, khi uống rượu cần, tôi phát hiện chiếc ché sành cổ màu xanh lục, dính nhiều vỏ sò trông thật lạ mắt. Hỏi ra già làng cho biết xưa kia gia tộc đã mua từ Lò Gốm, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi nghe điều này, tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi địa danh quá quen thuộc với tôi, vì quê tôi ở đó.

* Vậy anh phải đi từ đâu, để lần ra nguồn gốc gốm Quảng Đức?

– Sau khi trở về, tôi đến các làng ở Tuy An gặp các cụ già cao tuổi hỏi thăm. Hóa ra Quảng Đức là tên chữ của làng, còn tên dân địa phương thường gọi là bến đò Lò Gốm. Lò Gốm bây giờ chỉ toàn đồ đất nung mới, không có gốm tráng men. Linh cảm của một người mê đồ xưa mách bảo có thể sản phẩm độc đáo của Lò Gốm đã bị thất truyền. Cùng mùa lũ năm đó nước sông Cái thượng nguồn đổ về xói lở tả ngạn Lò Gốm hé lộ một mảng bờ sông ken dày mảnh vỡ của gốm, liền các ngày sau đó, tôi và anh Nguyễn Danh Hạnh chuyên viên bảo tàng Phú Yên đến hiện trường tìm hiểu xác định nhiều di chỉ lò dạng hầm ếch nằm rải rác dưới chân núi A Mang.

* Sưu tầm một dòng gốm cổ đã bị thất truyền có nhiều khó khăn không?

– Gốm cổ Quảng Đức xưa kia được bán khắp nơi trong cả nước nhưng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, và một số nơi khác như Bình Thuận, Khánh Hòa, Sài Gòn, Huế… Dân họ vẫn còn lưu giữ nhưng không nhiều, nằm rải rác nên công việc đi tìm mua lại cũng rất khó khăn. Giá trị vật chất không cao, chỉ có cực nhọc công sức và mất thời gian thôi. Bộ sưu tập của tôi khoảng 150 hiện vật các loại. Đáng chú ý có hai chiếc bình vôi, trước đây nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Đình Cẩn em trai ông Ngô Đình Diệm. Hai chiếc bình vôi này nước men còn cực tốt.

* Giữa gốm cổ Quảng Đức với các dòng gốm cổ khác, có gì khác biệt?

– Theo các nhà nghiên cứu cổ vật và hai cụ nghệ nhân Nguyễn Thịnh và Nguyễn Dần, gốm Quảng Đức có xuất xứ như sau: 300 năm trước, có một dòng họ Nguyễn từ Bình Định đã đi về Nam. Họ dừng chân lập nên làng Quảng Đức ngày nay. Nghề họ mang theo là làm gốm có xuất xứ từ làng gốm Gò Sành – Bình Định nổi tiếng dưới thời vương triều Vijya Chăm Pa và sau này là Đại Việt.

Nước men gốm Quảng Đức có màu xanh vừa là xanh dương vừa là xanh ngọc, vừa trắng, vừa lục. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa lửa và đất. Đất sét lấy ở vùng An Định, củi bằng lăng chặt từ vùng núi Kỳ Lộ huyện Đồng Xuân chở về bằng đường sông. Kết hợp với vỏ sò huyết vùng đầm Ô Loan. Khi gốm đem nung ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên, vỏ sò huyết xung quanh nóng lên tan chảy tạo thành nét men đặc trưng riêng biệt, so với gốm các nơi không thể lẫn vào nhau được.

Gốm cổ Quảng Đức không không giống gốm cổ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi – mỏng, độ bền thấp, cũng không giống gốm cổ Gò Sành, Bình Định – về màu sắc, nước men, chất liệu, và tính mỹ thuật. Gốm Quảng Đức có phần giản dị, mộc mạc, thô ráp, xù xì nhưng với màu men khác lạ, bí ẩn đã tạo nên nét riêng tư, hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và người xem.

Hiện tại còn hai nghệ nhân cuối cùng của gốm cổ Quảng Đức, đó là các ông Nguyễn Thịnh và Nguyễn Dần (đang sống tại bến đò Lò Gốm, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nay tuổi đã gần 80. Nhưng cả hai nghệ nhân này không truyền nghề được cho ai khác, nghĩa là sau khi hai ông qua đời, dòng gốm cổ Quảng Đức xem như biến mất khỏi thế gian.

* Anh có dự định gì với bộ sưu tập của mình?

– Tôi đang chuẩn bị triển lãm phục vụ hội thảo chuyên đề bảo tàng và sưu tập tư nhân do Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH,TT&DL tổ chức vào tháng 9/2009 tại Quy Nhơn, Bình Định. Đây là cuộc tổng diễn tập lần 2 của Con đường đất nung cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sắp tới. Nhất định tôi sẽ đưa gốm cổ Quảng Đức cho thế giới biết rằng vùng đất Aryaru Phú Yên xưa kia có một di sản văn hóa độc đáo cho dù năm tháng đã phai đi.

Trần Kim Tường (thực hiện)

Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/gom-quang-duc-mot-dong-gom-co-bi-that-truyen-n20090702031213240.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.