Dị nhân đồ cổ – Đà Nẵng

Ông nói rằng mình đến với nghề sưu tập đồ cổ như một cơ duyên trời ban trong những ngày lang thang vì thất nghiệp. Đồ cổ mang đến cho ông và gia đình một cuộc sống đủ đầy và cả niềm vui.

Dị nhân đồ cổ

Ông Khánh bên bộ sưu tập cổ vật trong ngôi nhà của mình

Gần 30 năm theo nghề, ông có riêng cho mình một bộ sưu tập hàng trăm cổ vật quý hiếm có một không hai. Tuy nhiên, ông quan niệm những món đồ của mình bằng cách nào cũng phải giữ gìn trong nước và không bao giờ để nó bị bán ra nước ngoài.

Ông là Phạm Phú Khánh (sinh năm 1959, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Duyên nợ

Căn nhà to, rộng thênh thang của ông Khánh nằm trong một con kiệt nhỏ đường Ông Ích Khiêm rợp bóng cây xanh. Người chủ nhà ăn mặc đơn giản, thiếu tay phải nhẹ nhàng đẩy cửa mời khách vào nhà. Tôi nhìn ngôi nhà, ánh mắt ái ngại.

Như hiểu sự lo lắng của khách, ông Khánh trần tình: “Nhà cửa vậy thôi chứ đừng hòng có tên trộm nào dám mò vào ăn trộm cổ vật. Mấy con chó to trong nhà luôn thức canh sẵn.

Bà con hàng xóm ở đây cũng thương tình, cảnh giác giúp mình nên từ xưa đến nay chưa bị mất lần nào. Với lại, đồ cổ có thế giới riêng, đồ của mình mất thì cũng loanh quanh lại vào tay bạn bè, họ nhận ra là báo với mình để thu lại và bắt giữ kẻ trộm”.

Ông Khánh mời chúng tôi ngồi lên bộ bàn ghế kiểu cũ đã đượm màu thời gian mà ông giới thiệu mua được của một gia đình người Huế. Bộ bàn ghế có từ trước năm 1945.

Ông kể, thời trai trẻ của mình đắm chìm với u buồn vì tự ti tật nguyền. Ông không có việc làm nên suốt ngày chỉ biết ăn bám bố mẹ.

Một dịp tình cờ, người bạn của cha ông đến nhà chơi rồi khoe mấy món hàng mua được của đồng bào người Cơ Tu ở huyện Nam Giang. Ông thích thú lắng nghe từng lời kể của người bạn cha và giật mình không tin nổi khi biết giá trị thật của món hàng.

“Lúc đó là một cặp ché cổ có giá mấy chục cây vàng. Tôi nghe cũng không tin nên xin bác ấy đi theo xem tận mắt. Thấy tôi thích thú với nghề sưu tầm đổ cổ, bạn bố tôi nhận làm đồ đệ rồi truyền nghề cho”, ông Khánh nhớ lại.

Đó là lúc ông Khánh vừa tròn 25 tuổi. Ông rong ruổi 3 năm theo sư phụ để học nghề, học cách thẩm định đồ cổ và cả cách ứng xử với từng món đồ.

“Nghề này nguy hiểm lắm, sạt nghiệp như chơi nếu không đủ năng lực mà mua nhầm đồ giả cổ. 30 năm theo nghề, tôi may mắn chưa bị lừa như vậy lần nào. Vậy nhưng nhiều người chơi đồ cổ nghiệp dư dính quả lừa thì không ít”, ông Khánh cho hay.

Nói về nghề, ông Khánh chỉ tóm gọn lại trong vài từ ngắn ngủi: hiểu biết, nhiệt tình và có cái tâm.

Để mua được món cổ vật ưa thích, ông phải đích thân lặn lội đến tận nơi. Ông cho hay dù đó là ở Đà Nẵng, Quảng Nam hay từ Huế đến tận Hà Tĩnh hoặc ngược dòng đến tận Phú Yên, Khánh Hòa ông đều đặt chân đến.

“Tôi đi lại không tiện nên ở mỗi nơi đều có những mối xe ôm ruột. Chỉ cần tôi gọi trước là họ gác hết mọi công việc để đưa mình đi. Ở Quảng Nam, huyện nào tôi cũng có một người xe ôm như thế.

Cứ mỗi khi nghe ở đâu có món đồ quý là tôi lại lên đường ngay lập tức, vậy mà nhiều lúc mình chậm chân hơn người khác”, ông Khánh cười nói.

Vậy nhưng nhiều khi để mua được một món hàng, ông phải ăn dầm ở dề một nơi nhiều tháng trời. Ông Khánh vẫn nhớ mãi món đồ mà ông tốn gần 10 năm trời vẫn không thể mua được của một già làng người Cơ Tu ở huyện Nam Giang.

Ông Khánh kể đó là một cặp ché cổ, giá trị lên đến 60 cây vàng vào thời điểm đó. Rất nhiều tay sưu tầm đồ cổ khác cũng đến xin mua như ông Khánh nhưng chủ nhân nhất quyết không bán.

Con cái già làng người Cơ Tu thì luôn giục cha bán món đồ quý để lấy tiền mua sắm nhưng đều bất thành.

Suốt 10 năm liền, ông Khánh không hề nản lòng. Biết không mua được bằng bất cứ giá nào, ông Khánh thường tìm đến tâm sự với chủ nhân của báu vật. Hai người, một già một trẻ cứ say sưa nói chuyện bên ché rượu cần.

Già làng người Cơ Tu rồi cũng đến tuổi về với Giàng. Trước lúc chết, ông gọi điện kêu ông Khánh lên gấp để gặp mặt.

“Cặp ché quý đó cụ ấy chỉ lấy tôi 50 cây vàng để chia cho con cháu. Đó là kiểu vừa bán vừa cho. Trước lúc nhắm mắt, cụ ấy nói tôi có tâm với vật nên bán cho mình giữ chứ để lại cho con cháu thì trước sau họ cũng bán. Cụ ấy sợ đám con cháu bán cho người ra giá cao nhất mà lại thiếu cái tâm”, ông Khánh tâm sự.

Không bán ra nước ngoài

Ông Khánh không giấu nổi vui mừng, thẳng thắn khoe trong những lần trao đổi cổ vật quý, có những món đồ ông thu lãi không ít.

“Chuyện mua một món đồ nào đó với giá 2 đến 3 cây vàng nhưng bán lại giá 10 đến 15 cây không phải là hiếm. Tài sản tôi có được bây giờ cũng nhờ đó mà ra. Tuy vậy, tôi không bao giờ bán đồ cổ nước mình ra nước ngoài mà chỉ trao đổi với anh em trong nước mà thôi”, ông Khánh khẳng định.

14-26-17_nh-ong-khnh-ben-bo-suu-tp-co-vtÔng Khánh cho biết sẽ không bao giờ bán cổ vật của mình ra nước ngoài

“Thời gian gần đây có nhiều vụ lừa bán cổ vật giả cũng vì nhiều người đổ xô mua để kinh doanh nên bị kẻ xấu lợi dụng. Tôi nghĩ săn lùng cổ vật bằng mọi giá là không nên. Có nhiều người mua về để trang trí nhưng nếu như không có sự hài hòa trong ngôi nhà thì chỉ càng khiến món cổ vật lạc lõng mà thôi”, ông Khánh nhắn nhủ.

Theo ông Khánh, đã không ít lần những nhà sưu tầm cổ vật nước ngoài tìm đến nhà năn nỉ mua lại đồ của ông. Có khi đó là những nhà sưu tập châu Âu, Nhật Bản nhưng nhiều nhất vẫn là từ Trung Quốc.

“Đồ của mình, họ sẵn sàng trả cao gấp 3, gấp 4 lần nhưng tôi không chịu. Đây là tài sản của người Việt cớ gì lại bán ra ngoài. Quan niệm của tôi là vậy nhưng cũng có không ít người đang âm thầm tuồn cổ vật ra nước ngoài”, ông Khánh trầm ngâm.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay ông Khánh là một trong những nhà sưu tâm cổ vật có uy tín ở miền Trung. Bộ sưu tập của ông Khánh lên đến hàng trăm hiện vật quý hiếm.

Những dịp bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm, ông Khánh đều sẵn sàng cho mượn cổ vật nếu cần thiết mà không toan tính thiệt hơn.

Theo ông Khánh, bộ sưu tập của ông có nhiều niên đại khác nhau. Tuy nhiên, phương châm của ông là “nhất kỳ nhì cổ”. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất mà không phải ai chơi đồ cổ cũng dễ dàng hiểu được.

Có những người mấy chục năm săn lùng cổ vật nhưng không hiểu hết được giá trị của nó mà chỉ chăm chăm sưu tầm theo niên đại.

Ông Khánh cho hay một món cổ vật có giá trị đầu tiên phải dựa vào các hoa văn khác nhau do từng nghệ nhân khác nhau vẽ. Cùng một nghệ nhân vẽ những thời điểm vẽ vào sáng, chiều, tối thì lại có giá trị khác nhau. Chuyện niên đại của từng món đồ cổ là yếu tố xét đến cuối cùng.

“Trong cái nghề của mình, tôi nể nhất là khiếu thẩm mỹ của người Cơ Tu. Đồ cổ của họ bao giờ cũng đẹp và có giá nhất”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, những năm gần đây việc săn lùng và tìm mua cổ vật rộ lên. Người chuyên mua và tìm kiếm cổ vật chủ yếu là người miền Bắc trong khi đó người miền Nam chủ yếu là mua đi bán lại cổ vật để kinh doanh.

Hiện tại, pháp luật cũng đã nới lỏng quy định nên cổ vật có thể được thoải mái mua đi bán lại chỉ không được phép đưa ra nước ngoài.

“Vẫn còn rất nhiều món đồ cổ còn trong dân gian, nhất là ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình. Có thể họ không biết được giá trị món vật nên nhiều khi không bảo quản đúng cách khiến món đồ bị hư hại.

PHƯƠNG ĐIỀN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/di-nhan-do-co-post154031.html

5 thoughts on “Dị nhân đồ cổ – Đà Nẵng

Trả lời Nguyễn Đức Phong Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.