Trưng bày “Báu vật sông Hồng – Sưu tập Khảo cổ học từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” tại Bảo tàng Quốc gia Hermitage

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời, nền văn hoá phong phú. Từ thời tiền – sơ sử, con người đã có mặt và sinh sống trên đất nước Việt Nam suốt từ miền Bắc tới miền Nam, từ miền núi, đến đồng bằng, ven biển và hải đảo. Đây là những tiền đề quan trọng để hình thành những nhà nước đầu tiên vào hậu kỳ thời đại kim khí. Các nền văn hoá này đã để lại nhiều di sản độc đáo, giàu bản sắc với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng như các bảo tàng trong cả nước.

Bảo tàng Quốc gia Hermitage nằm ở trung tâm thành phố Saint Petersburg, LB Nga

Nhằm giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hoá và hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt tại một trong những bảo tàng hàng đầu thế giới như bảo tàng Hermitage, được phép của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hermitage phối hợp tổ chức một trưng bày có quy mô lớn với tên gọi: “Báu vật sông Hồng – Sưu tập Khảo cổ học từ Bảo tàng Việt Nam” với 299 hiện vật thuộc các nền văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo từ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng sẽ lần đầu tiên được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hermitage. Thời gian trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 17/5/2019 đến ngày 22/9/2019.

Bảo tàng Quốc gia Hermitage thành lập năm 1852, nằm ở trung tâm thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga, là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Trên 60.000 trong tổng số 3.000.000 hiện vật được trưng bày trong hơn 1.000 phòng trưng bày. Bên cạnh một số lượng lớn các cổ vật, Bảo tàng Quốc gia Hermitage còn sở hữu một bộ sưu tập hội họa giá trị bậc nhất thế giới. Với khoảng 4.000 nhân viên, mỗi năm Bảo tàng Hermitage đón khoảng 7 triệu lượt khách tham quan. Tòa nhà bảo tàng cùng trung tâm lịch sử Saint Petersburg đã được tổ chức UNESCO xếp hạng Di sản thế giới.

Với diện tích hơn 300m2, trưng bày “Báu vật sông Hồng –
Sưu tập Khảo cổ học từ Bảo tàng Việt Nam” 
giới thiệu những hiện vật đặc trưng nhất của 3 trung tâm văn hóa nối tiếng của Việt Nam vào thời điểm trước và sau Công Nguyên, đó là: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai, Óc Eo ở miền Nam. Đặc biệt, nhiều hiện vật còn thể hiện được mối giao lưu văn hóa giữa 3 trung tâm này: khuyên tai hai đầu thú của văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy tại Cần Giờ – TP. Hồ Chí Minh – địa bàn của văn hóa Đồng Nai.

Dựa vững chắc trên nền tảng của một xã hội nông nghiệp lúa nước, lại nằm trên con đường buôn bán quốc tế bằng đường biển, giai đoạn này quan hệ giao thương, buôn bán đã khá phát triển. Nhiều hiện vật có nguồn gốc hay kỹ thuật từ những nền văn minh lớn: Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập đã xuất hiện tương đối phổ biến ở giai đoạn này: đồ thủy tinh, kỹ thuật khắc axit trên đá quý, gốm văn in, đồ thiếc…

Các đỉnh cao văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo chính là cơ sở để hình thành những nhà nước cổ đại đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

1. Văn hóa Đông Sơn đến những thế kỷ đầu Công nguyên.

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa thời đại kim khí có nguồn gốc bản địa với địa bàn phân bố rộng và bao gồm nhiều nhóm di tích có niên đại sớm, muộn khác nhau. Cũng như hầu hết các nền văn hóa thời đại kim khí khác, văn hóa Đông Sơn có mối liên hệ cả về thời gian và không gian với các nền văn hóa khác trên đất nước ta. Đồng thời, văn hóa Đông Sơn vừa có mối liên hệ với các văn hóa thời đại kim khí ở Đông Nam Á lục địa, Nam Trung Hoa, vừa có mối liên hệ với các văn hóa thời đại kim khí ở Đông Nam Á hải đảo.

Trống đồng Sao Vàng, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

Trưng bày giới thiệu tập trung chủ yếu vào một số loại hình di vật tiêu biểu thuộc giai đoạn Đông Sơn điển hình. Mục đích chủ yếu là thông qua sưu tập nêu lên một cách đầy đủ, khái quát nhất sự phong phú, đa dạng mang nhiều sắc thái địa phương rõ rệt giữa các khu vực miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, đồng thời cũng hết sức thống nhất của những hiện vật nằm trong cùng một địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn; Hiện vật sử dụng gồm:

– Vũ khí: rìu, giáo, lao, dao găm, búa, mũi tên, hộ tâm, qua…

– Nông cụ: rìu, lưỡi cày, cuốc, nhíp…

– Đồ dùng sinh hoạt: thạp, thố, muôi, thìa, đèn…

– Nhạc khí: chuông đồng, trống đồng, sưu tập trống đồng minh khí.

– Đồ gốm: tập trung nhấn mạnh những nét đặc trưng của của gốm Đường Cồ –  một trong những tiêu chí để xác định di tích Đông Sơn loại hình sông Hồng. Gốm có màu trắng mốc, trắng hồng, xương gốm mịn màu đen có độ nung cao với các loại hình gồm nồi, bình, thạp, chõ…

– Đồ trang sức: vòng tay bằng đá, đồng, hạt chuỗi.

– Rìu có họng tra cán hình đuôi cá (đặc trưng Làng Vạc), lẫy nỏ.

– Muôi đồng, muôi cán có tượng voi.

– Mộ táng: Mộ thuyền còn có tên gọi khác là mộ thân cây khoét rỗng. Mộ thuyền được xem là thành tố văn hóa quan trọng của cư dân Đông Sơn, nhất là cư dân vùng đồng bằng trũng sông Hồng. Tài liệu mộ thuyền góp phần quan trọng phản ánh sức sống Đông Sơn trong những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trưng bày giới thiệu một trong các ngôi mộ thuyền phát hiện được ở khu mộ Việt Khê, Thủy Nguyên (Hải Phòng) cùng sưu tập hiện vật mà phần lớn là đồ đồng Đông Sơn điển hình như: lao, giáo, mũi tên,… cùng có một ít loại hình khác như nồi gốm, nêm gỗ 

Dao găm cán hình người, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

 

Thạp đồng, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

 Qua đồng, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

 

Quang đèn, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

Nồi gốm, văn hóa Đông Sơn, 2.500-2.000 năm BP

Văn hóa Đông Sơn là cội nguồn, là nền tảng vững chắc của sức sống Đông Sơn với nguồn lực dồi dào cả về vật chất và tinh thần. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Đông Sơn vẫn được bảo tồn, phát triển, bên cạnh việc tiếp thu những yếu tố văn hoá mới từ những tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa.

2. Văn hoá Sa Huỳnh.

Văn hoá Sa Huỳnh đư­ợc nhà khảo cổ học ng­ười Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, thuộc Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi một số lượng lớn quan tài bằng chum. Các cuộc khai quật  sau này của các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển văn hóa Sa Huỳnh. Xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào khoảng thế kỷ thứ I, văn hóa Sa Huỳnh kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trưng bày chủ yếu tập trung giới thiệu một số chum mai táng – đặc trưng và dấu hiệu nhận biết của văn hoá Sa Huỳnh, đồ gốm, đặc biệt là sưu tập đồ trang sức bằng đá quý, mã não được tìm thấy trong các ngôi mộ.

Mộ chum Động Cườm (Bình Định), văn hóa Sa Huỳnh, 2.500-2.000 năm BP

Khuyên tai có mấu, văn hóa Sa Huỳnh, 2.500-2.000 năm BP

Đèn gốm, văn hóa Sa Huỳnh, 2.000 năm BP

3. Văn hoá Đồng Nai.

Vùng đồng bằng Nam Bộ là một trong ba trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam. Kỹ nghệ đúc đồng ở đây đặc biệt phát triển, với số lượng khuôn đúc tìm được rất lớn. Sản phẩm đồng thau có những nét độc đáo như: rìu bản rộng, lưỡi cong lồi, qua dài và nhọn, dao gặt, lục lạc, tượng nghệ thuật,… Khoảng 2.500 năm cách ngày nay, công cụ sắt đã phổ biến, vàng bắt đầu được sử dụng làm đồ trang sức bên cạnh chất liệu đá và đồng. Đồ gốm thời đại kim khí ở Nam Bộ rất phong phú về kiểu dáng và trang trí, tạo nên diện mạo và sắc thái địa phương riêng trên nền tảng chung của văn hóa Đồng Nai.

  Bát bồng, văn hóa Đồng Nai, 2.500-2.000 năm BP

Khuyên tai hai đầu thú, văn hóa Đồng Nai, 2.500-2.000 năm BP

4. Văn hoá Óc Eo.

Nền văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Trong các di tích còn thu thập một khối lượng lớn cổ vật mang đặc trưng phát triển các ngành nghề sản xuất thủ công nghiệp như: nghề làm gốm, luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc và nghề kim hoàn với nghệ thuật khắc mịn trên đá, ngọc rất tinh tế; nghệ thuật tạc tượng cũng khá tinh xảo. Ngoài ra còn có số lượng lớn các loại hạt chuỗi, vật đeo bằng đá quý, thủy tinh, mã não, vàng, thiếc… Đáng chú ý là tìm thấy những bản bia đá, những bản minh văn, những hiện vật nhỏ như con dấu, đồ trang sức, bùa đeo bằng đồng, thiếc, vàng, mã não khắc nhiều chữ Hán, Mã Lai, La Tinh, Phạn. Trong đó chữ Phạn (Sanskrit) chiếm đa số với văn tự được dùng ở Ấn Độ từ thế kỷ II – thế kỷ V.

  Kendy, văn hóa Óc Eo, thế kỷ 6-8

 Tiền, văn hóa Óc Eo, thế kỷ 3-8

Mặt nhẫn vàng khắc chữ Sanskrit, văn hóa Óc Eo, thế kỷ 3-7

Trưng bày khai mạc vào ngày 17/5/2019 nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 19/5/1890 – 19/5/2019). Năm 2019 cũng là năm được lãnh đạo hai nhà nước nhất trí sẽ tiến hành tổ chức Năm chéo quan hệ Việt – Nga. Đặc biệt sau lễ khai mạc, ngày 21/5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ đến thăm trưng bày trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Liên bang Nga về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hoá, qua đó tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam với Bảo tàng Quốc gia Hermitage, thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga trong thời gian tới.

Đinh Ngọc Triển – Phan Tuấn Dũng
 
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/4091/70785/trung-bay-bau-vat-song-hong-suu-tap-khao-co-hoc-tu-bao-tang-lich-su-quoc-gia-viet-nam-tai-bao-tang-quoc-gia-hermitage.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.