KHÁT VỌNG TRÊN MŨ CỦA HOÀNG TỘC TRIỀU NGUYỄN

Như tôi đã đăng lời cảm ơn đến lãnh đạo BTLSQG, đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận nghiên cứu chiếc mũ Kim Quan của Hoàng tử triều Nguyễn.

Ban đầu, phải nói là tôi rất tò mò bởi muốn biết ngay các trang sức bờm hổ, tai hổ như trong điển chế đã ghi về mũ Kim Quan, mặc dầu tôi đã phục chế thành công chiếc mũ Hổ Đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Thế nhưng, khi thoạt nhìn chiếc mũ đã cho tôi thật bất ngờ với trang trí ở dải mũ, phía trên là giao long đang lao xuống, phía dưới là cá chép đang phóng lên từ mặt sóng với thân mình cuốn vào một tia nước ở trên phun xuống và trông nó rất là thỏa mãn, có lẽ tia nước là giao long phun xuống nhưng đã bị gãy mất phần trên.

Dải mũ Kim Quan

Trang trí này rất giống ở bác sơn trên một chiếc mũ Cửu Long Thông Thiên của vua triều Nguyễn (cũng rồng phun nước, ở dưới là cá và sóng nước, ảnh 3, 4), và đã làm cho bao nhiêu kỷ niệm trong những ngày tháng phục chế mũ vua bỗng dưng ùa về trong tôi, nhất là việc mất nhiều thời gian mới tìm ra loại hình trang trí như ở bác sơn (vì bác sơn này đã bị tháo rời tất cả, chỉ còn lại như một tấm lưới vo cuộn lại, ảnh 5 sau khi đã nắn chỉnh sơ bộ).

Bác sơn ảnh 3 Bác sơn ảnh 4 Bác sơn ảnh 5

Quả thực hồi đó tôi chỉ chú trọng đến dấu vết kỹ thuật và trên phương diện hình học trong chế tác, như hình cá và sóng nước ở bác sơn mũ vua đã được các nghệ nhân xưa tính toán tỉ mỉ về kích thước để tránh viên ngọc ở bên cạnh (ảnh 3), và khi cài vào chúng hoàn toàn khớp với nhau, và từ đó tôi đã tìm ra loại hình rồng phun nước khác với loại hình rồng chầu hay vờn ngọc để trang trí cho bác sơn.

Như vậy, ngoài trang sức bờm hổ tai hổ mang ý nghĩa mạnh mẽ như hổ ra, mũ Kim Quan còn có loại hình giao long phun nước cùng với cá và thủy ba, đây là chủ đề phản ánh khát vọng mưa thuận gió hòa của người xưa. Chủ đề này được thể hiện rất phổ biến trên đồ sứ cổ, nhưng trên mũ thì trong thời gian phục chế mũ vua do lần đầu gặp phải nên vẫn làm tôi có chút lăn tăn, mặc dầu tôi cũng đã nêu ra trước Hội đồng khoa học. Nhưng đến nay thì sự việc đã hoàn toàn sáng tỏ, và mũ của hoàng tộc triều Nguyễn ngoài chức năng phân biệt địa vị đẳng cấp ra, nó còn mang cả khát vọng của đất nước và hoàng tộc trị vì thời bấy giờ.

TG: Nhà phục chế Vũ Kim Lộc

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=867343613462265&id=100005599038998&__tn__=-R

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.