SINH TỒN & SINH SÔI

Đại Việt Sử Ký toàn thư, sử thần Ngô Sỹ Liên viết “mùa thu, tháng bảy, năm Canh Tuất (1010), đức Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, thuyền tạm đỗ dưới thành,có rồng vàng hiện lên trước thuyền ngự rồi bay lên, nhân đó đổi tên thành Thăng Long”.

Nhà Lý tượng hình, mở ra hơn 200 năm cường thịnh,thảo phạt man di phương bắc, bình Chiêm,phá Tống, non sông dần thu về một mối, đời sống nhân dân ấm no, phật giáo hưng vượng, nghệ thuật lên ngôi, làng nghề, thợ khéo trăm hoa đua nở..

Nghề gốm thời Lý phát triển cực thịnh. Gốm tế tự và gia dụng đều trau chuốt tinh mỹ, thai cốt thuần nhã, màu men đa dạng, từ trắng hoa bưởi, mật cháy, men lục, men vàng dành cho hoàng gia đến loại hình gốm “hoa nâu” độc đáo đều vô cùng đẹp đẽ..

Xin được sẻ chia cùng quý hữu bộ ba món gốm hoa nâu bình dị mà..duyên thầm trên bước đường cổ ngoạn. Thạp dáng ống bương,đồ dùng sinh hoạt, men cốt mượt mà.

Thạp thứ nhất chạm khắc 5 chú chim hồng hạc đang săn cá tôm vô cùng sống động.

Thạp thứ hai thú vị hơn khi chạm đôi rắn lớn, có mào theo thế “long truy”, mỗi con rắn là ba con chim lớn đi kèm. Đồ án này gợi nhớ câu chuyện anh em Kim Sí Điểu Garuda và rắn Naga trong Phật môn..

 

Thạp thứ ba rất độc đáo ở đồ án đôi chim nước phồn thực đang tình tứ ( faire l’amour ) giữa đầm sen. Dưới nước là tôm cá lội bơi,xung quanh là ba cặp cò vạc phi-minh-túc-thực đang săn mồi…

Cả thế giới đồng quê ngàn năm Lý triều thâu thái, ngưng tụ, ánh xạ nơi ba món đồ giản dị rất đỗi gụi gần trong tâm thức Việt…

NST: Thành Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.