THIÊN TRƯỜNG PHỦ, GỐM CUNG ĐÌNH & NHỮNG ĐIỀU CẦN LÝ GIẢI*

Năm 1239, vua Trần Thái Tông sắc chỉ cho xây hành cung ở quê mình. Năm 1262, khi đã trở thành Thái Thượng Hoàng, ông về đây, ban yến tiệc cho dân và thăng làng Tức Mặc lên thành PHỦ THIÊN TRƯỜNG, dựng tiếp Cung Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi về ở phía tây cung đình là chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm thái thượng hoàng…

Một điều đặc biệt là tại đây lại có một lò gốm không chỉ nổi tiếng về chất lượng siêu đẳng mà còn là loại gốm cổ Đại Việt duy nhất có ghi hiệu đề. Những hiện vật hiếm hoi còn sót lại và cả một số mảnh vỡ khai quật tại Tức Mặc có khắc ghi dòng chữ THIÊN TRƯỜNG PHỦ CHẾ!

Bản thân hiệu đề đã hé lộ đây là lò ngự dụng, quan diêu. Vị trí lò cũng cho biết đây không phải lò gốm thương mại. Vì sao? Một lò gốm phải hội đủ 5 yếu tố trong Ngũ Hành: Kim ( các màu men chế từ các ô xít kim loại ), Mộc ( chất đốt ), Thủy ( nước ), Hỏa ( lửa ) và Thổ ( cốt gốm ). Trong đó 3 yếu tố là Mộc, Thủy và Thổ tại Tức Mặc, Thiên Trường không phù hợp để lập các lò gốm lớn, gốm thương mại. Vì sao?
– Mộc: Thiên Trường rất xa rừng, nơi cung cấp loại than củi phù hợp cho việc nung gốm.
– Thủy: Tức Mặc không nằm sát dòng sông lớn, sông Hồng cách đó cả chục cây.
– Thổ : Là vùng hạ lưu sông Hồng, chủ yếu là đất bồi, đất phù sa, không có các mỏ cao lanh.
Vậy, các nguyên liệu chính phải chuyển từ nơi khác đến, khó để lò gốm phù hợp với tính thương mại như các lò gốm cổ khác tại VN thời đó. Rõ ràng, đây chỉ là lò gốm đặc dụng, sx với số lượng hạn chế, chủ yếu dùng cho vua và các quan trong PHỦ.
Một điều đặc biệt nữa là chất lượng gốm chế tác tại Thiên Trường Phủ rất cao. Nếu đem so sánh chiếc âu men ngọc hiệu đề Thiên Trường Phủ chế

và chiếc âu tương tự chế tác tại một lò gốm men ngọc cực kỳ nổi tiếng thời Nguyên ( lò Long Tuyền/ Longquan ) đang được trưng bầy tại bảo tàng Nghệ thuật Seikaido Bunko, Tokyo ( hình bên dưới),

ta sẽ thấy chiếc âu Thiên Trường Phủ Chế không hề thua kém, thậm chí đẹp hơn, chỉ thua lớp men kém dầy và độ nung kém nhiệt hơn! Sự ảnh hưởng của gốm Trung Hoa đến gốm Viêt, thậm chí gốm Xiêm La, Khơ Me…thời đó là đương nhiên, nhưng tay nghề thợ gốm Đại Việt quả đáng khâm phục! Có người lý giải, có bàn tay thợ gốm Trung Hoa! Tôi thì nghĩ khác. Lý do:
– Thời Trần luôn bị giặc Nguyên lăm le xâm chiếm, có tới 3 lần cuộc chiến quyết liệt, kéo dài, không khoan nhượng…Bang gíao tuy có lúc hòa hoãn nhưng luôn cảnh giác, kém thân thiện, người Trung Hoa sang Đại Việt đều là lính chiến…
– Thiên Trường Phủ là cung cấm của các vua Trần, không thể cho người ngoại bang vốn đang thâm thù xâm nhập và làm việc trong nội phủ. Vậy thợ gốm ở đây chỉ có thể là người Việt, nhưng là các thợ tuyển chọn từ các lò gốm khác trong nước…
Trước khi phát lộ các di tích lò gốm cổ, mọi người, kể cả các học giả nước ngoài vẫn nhầm lẫn giữa gốm Việt với gốm Trung Hoa, nơi tên nước ( China ) vốn có nghĩa là GỐM SỨ! Vậy thì GỐM ĐẠI VIỆT xếp…gần ngang hàng với đỉnh cao gốm sứ thế giới rồi!
KHÔNG TỰ HÀO VÀ GÌN GIỮ…MỚI LẠ!!!

Nguồn: NST Nguyễn Dòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.