CẢNH ĐẸP ĐÀNG TRONG QUA ĐỒ SỨ KÝ KIỂU & BÀI THƠ TAM THAI THÍNH TRIỀU*

Chiều qua, có anh bạn trẻ tới nhà…lục đồ. Trong một hộc tủ có một chiếc tô lớn, đường kính 19,3cm, bị sứt chút miệng, tôi cất giữ từ lâu chờ…sửa! Chiếc tô liên quan đến một vị chúa Nguyễn có tài thao lược, tầm nhìn và cũng rất giỏi văn chương…

NGUYỄN PHÚC CHU ( 1675-1725 ), lên ngôi lúc 17 tuổi, ở ngôi 34 năm. Ông là vị chúa Nguyễn thứ 6, có nhiều công lao tạo dựng cơ nghiệp non sông ở Đàng Trong…
Với vị tướng giỏi Nguyễn Hữu Cảnh và nhiều tướng sỹ khác, ông đã chinh phục nhiều vùng đất Chiêm Thành và Chân Lạp. Sài Gòn hơn 300 năm cũng được tính từ thời này! Ông cũng là người đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên năm 1711 ông đã cho đo vẽ địa đồ để xác lập chủ quyền quốc gia và khai thác hải sản quanh những quần đảo này…
NPC sùng đạo Phật, có nhiều công lao hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong. Ông cho tu bổ, mở mang cảnh trí chùa Thiên Mụ…
NPC còn là tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Do pháp danh của ông là Thiên Túng Đạo Nhân nên thơ văn của ông thường có ghi tên ĐẠO NHÂN THƯ ở cuối mỗi tác phẩm.
Đặc biệt, NPC từng đặt làm các món đồ ký kiểu, trên đó ông cho đề các thi phẩm do ông trước tác và được minh hoạ cảnh đẹp Đàng Trong. Nổi tiếng nhất là những chiếc tô lớn, đường kính khoảng 18cm, có đề các bài Thất ngôn bát cú, hiệu đề THANH NGOẠN lối chữ triện trong vòng tròn kép, minh họa cảnh sắc vùng Thuận – Quảng, theo lối Nhất thi – Nhất họa…
Một trong những bài thơ nổi tiếng đó là bài TAM THAI THÍNH TRIỀU ( Nghe sóng Tam Thai ), ca ngợi cảnh đẹp núi Tam Thai ( Thủy Sơn ) – một trong năm hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn trấn Quảng Nam xưa…


 

 

 

 

 

 

 

 

Được biết, hiện nay chỉ còn chưa tới chục chiếc tô loại này: 1 của ô. Nguyễn Hữu Hoàng ( Huế ), 1 của ô. Trần Đình Sơn ( TPHCM ), 1 của ô. Jochen May ( Đức ), và một vài nhà sưu tập khác, nhưng với hiệu đề khác nhau: THANH NGOẠN, NHÀN TÂM LẠC SỰ và chữ NHẬT.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thì đây là những món đồ ký kiểu thời Minh Mạng ( 1820-1841 ). Có người, và tôi thì cho rằng một số trong những chiếc tô đó được đặt chế tác sớm hơn vào đầu TK 18, khi chúa Nguyễn Phúc Chu còn sống ( ông mất năm 1725 ). Hình dạng và nét vẽ phần trôn đáy cũng nói lên điều đó!
Xin mời quý vị cùng thưởng ngoạn chiếc tô vào loại lớn nhất trong số này mà tôi vừa…khui ra!

 

Nguồn:  https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=543593462650649&id=100010000008701&pnref=story

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.