THỬ LÝ GIẢI HIỆN TƯỢNG ĐẶNG HUYỀN THÔNG!

Tại làng Hùng Thắng, xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương hiện vẫn còn ngôi đền thờ Đặng Huyền Thông, người được coi là hậu tổ nghề gốm ở Chu Đậu. Ông gốc ở Đào Xá, Ân Thi, Hưng Yên, di cư đến đây vào cuối TK15, đầu TK16. Tại đây ông cùng dòng họ Đặng đã xây lò, nung gốm, biến làng thành 1 điếm sx phụ của trung tâm gốm Chu Đậu. Từng đỗ sinh đồ, ĐHT là người hiểu biết nhiều, một phật tử có bàn tay khéo léo, có nét chữ rất đẹp, giúp ông trở thành một thợ gốm tài ba. Ông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh đã có công đức và quyên góp để XD chùa An Đinh gần nhà, khắc cả văn bia ghi lại chuyện đó…


Các tác phẩm gốm của ông không nhiều, không sản xuất hàng loạt mà chỉ sản xuất đơn chiếc hoặc theo bộ ( tam sự: lư hương + 2 chân đèn ), theo đặt hàng của phật tử và những quý tộc cung đình. Theo số liệu hiện có, những tác phẩm của ông được phát lộ cho đến nay cũng chỉ khoảng 30, trong đó số lư hương còn rất ít, chỉ khoảng 6-7 chiếc, do các bảo tàng lưu giữ hoặc trong các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Nhưng, những điều khó lý giải nhất là: tại sao những sản phẩm gốm đặc sắc của ông lại được chế tác vào những năm cuối thời nhà Mạc, dưới triều của vị vua tài đức không cao dẫn đến sự sụp đổ của nhà Mạc một thời rất huy hoàng? Và, tại sao ông chỉ tập trung chế tạo những đồ gốm mà phần lớn chỉ là các đồ thờ tự như lư hương và chân đèn?
Lật lại những tư liệu trước và trong giai đoạn lịch sử thời đó để đi tìm lời giải!
1- Thời Lê Sơ ( 1428 – 1527 ), Phật giáo và Đạo giáo bị hạn chế, Nho giáo chiếm độc tôn. Chùa chiền bị hạn chế xây mới và tu bổ, chưa kể nhiều chùa quán, cung điện bị quân Minh tàn phá khá nhiều. Nông nghiệp và nghề thủ công được khuyến khích, nhưng ngoại thương lại bị hạn chế do chính sách ” trọng nông, ức thương “. Nghề gốm vì vậy rất phát triển, đặc biệt khi nhà Minh cấm tư thương xuất khẩu đồ gốm sứ suốt gần 2 thế kỷ, từ 1371 đến 1567, tạo cơ hội thuận lợi cho gốm sứ Đại Việt mở rộng thị trường mà không gặp cạnh tranh ( một ngoại lệ may mắn cho thị trường gốm Việt )…
2- Thời nhà Mạc, 1527-1592. Sau khi vị anh quân Lê Thánh tôn mất năm 1497, nhà Hậu Lê suy yếu dần, đặc biệt từ thời Lê Uy Mục cho đến vị vua cuối cùng thời Lê Sơ là Lê Cung Hoàng, buộc phải nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung vào T6/1527. Nhà Mạc vẫn lấy Tống Nho làm tư tưởng cai trị, nhưng không hạn chế các tín ngưỡng khác, đặc biệt đạo Phật đã phục hồi trở lại. Quan lại, hoàng tộc và dân chúng đã cúng tiến nhiều đất đai, của cải để xây cất, tu bổ chùa chiền. Đặc biệt dưới thời Mạc Đăng Doanh, chính sách kinh tế và hệ thống luật pháp được cởi mở hơn, đưa đất nước trở lại thời thịnh trị. Lê Quý Đôn, trong sách ” Đại Việt thông sử, đã ghi: ” …Trong vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi không phải dồn vào chuồng, chỉ mỗi tháng 1 lần kiểm lại…”. Liên tiếp được mùa, dân tình no đủ, đất nước bình yên. Một nhà sử học nhà Lê, tuy không ưa nhà Mạc cũng phải ghi nhận công lao của Mạc Thái Tông:”…Đêm ngủ không phải đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi…” ( Đại Việt Sử Ký toàn thư ).


Như vậy, vào giữa thời Mạc, vua thì anh minh, luật pháp thì cởi mở, Kinh tế phát triển, Phật giáo phục hồi, đình chùa, miếu mạo được XD mới và chỉnh trang rất nhiều. Rất cần những đồ tế khí cung cấp cho các công trình này, trong đó có các đồ gốm như lư hương, chân đèn,…Trớ trêu thay, cũng giai đoạn này, năm 1567, thời Gia Tĩnh, triều Minh, bên Trung Hoa đã xoá bỏ ” bế quan tỏa cảng “, thương mại phát triển trở lại, đồ gốm sứ được sx và xuất khẩu ồ ạt, ảnh hưởng nặng nề đến nghề gốm VN. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà từ cuối TK16, nghề gốm VN bắt đầu mai một dần, sang TK 17 thì mờ nhạt hẳn, sang TK18 về sau thì từ triều đình đến quan lại và người dân nước ta đã rất sùng đồ sứ ký kiểu hoặc chính gốc Trung Hoa! Chỉ duy nhất một dòng gốm vẫn phát triển khá rực rỡ là các đồ tế khí với nét văn hoá khá thuần Việt và tín ngưỡng Phật giáo, mà đến nay vẫn còn tồn tại tuy không nhiều nhưng vẫn là một trong những niềm tự hào của gốm Việt!…
Vâng, chính vào thời điểm đó, nghệ nhân tài ba Đặng Huyền Thông, một Phật tử chính hiệu và thông thái đã lập một xưởng gốm riêng, rất gần với lò Chu Đậu, để chế tác và cung cấp cho các đền miếu, cung điện và phật tử trong cả nước. Chỉ tiếc rằng ông mất sớm vào lúc nhà Mạc cũng đến hồi suy vong, lò gốm của ông và hàng loạt các lò gốm khác trong vùng bị hủy diệt không thương tiếc bởi đội quân của Trịnh Tùng. May mắn, những sản phẩm tương tự nhưng với sắc thái khác vẫn tiếp tục ra lò tại gần Kinh kỳ – lò gốm Bát Tràng…
Tiện đây, cũng xin giới thiệu 2 hiện vật quý hiếm và đặc sắc của Đặng Huyền Thông, hiện đang lưu lạc ở xứ người. Hai chiếc lư hương đồ sộ, 1 của tiến sỹ Jochen May ( Đức ), nay đã chuyển vào tay một nhà sưu tập tư nhân người Mỹ; 1 của nhà sưu tập người Hàn Quốc ( chiếc này cao khác thường – 53 cm ) còn khá nguyên vẹn đáng kinh ngạc!

 

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=495698374106825&id=100010000008701

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.