HOA SALA TRÊN GỐM*

Trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu gốm Việt cổ tôi thấy cùng với họa tiết hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn,…còn có một họa tiết hoa khác không rõ là hoa gì. Tôi cũng biết có 3 loại hoa gắn liền với văn hoá Phật giáo, trong đó có cây hoa Sala. Tuy vậy tôi cũng chưa nhìn thấy cây, hoa Sala bao giờ.Tình cờ, cách đây mấy hôm tôi sang quận 2 tpHCM khảo sát dự án của Cty Đại Quang Minh có tên SALA. Cứ nghĩ Sala chỉ đơn thuần là một tên thương mại của dự án, nhưng khi cô hướng dẫn viên chỉ hàng cây ven đường và giới thiệu đây là hàng cây Sala – cây đặc trưng mang tên dự án sẽ được trồng phổ biến ở đây.

Tôi thật sự thẫn thờ trước vẻ đẹp gắn liền với sự tích đản sinh của đức Phật mà lâu nay chỉ biết qua sách vở. Ngắm kỹ từng cánh hoa, nhuỵ hoa tôi giật mình vì nó rất giống với họa tiết hoa trên gốm cổ mà lâu nay tôi chưa rõ loài hoa gì. Tìm hiểu kỹ, cây Sala có rất nhiều tên khác như: vô ưu, đầu lân, hàm rồng, ngọc kỳ lân, thuộc họ lộc vừng. Lá giống lá lộc vừng, quả to bằng nắm tay da sần mầu nâu đất. Đặc biệt hoa mầu hồng, nhuỵ cái ở giữa màu vàng, nhuỵ đực hình vỏ sò úp phía trên nhuỵ cái có nhiều sợi lông. Nhìn thoáng qua phần nhuỵ như hai mảnh đối nhau, giữa có vệt hình dấu ngã có lông gai – đúng như hình tượng tôi từng thấy trên họa tiết gốm cổ.


Trong Kinh Phật, có hai loại cây được xem là linh thiêng là Bồ Đề và Sala. Dưới gốc cây bồ đề thái tử Tất Đạt Ma giác ngộ thành Phật sau 49 ngày đêm thiền định còn dưới gốc cây Sala vườn Lâm Tì Ni đức Phật đản sinh và Ngài cũng nhập diệt dưới gốc cây này tại Câu Thi Na ( Kusinara ). Nghe nói ở chùa Vĩnh Nghiêm và một số nơi khác tại TPHCM có cây Sala lớn cả người ôm. Thế mà bây giờ tôi mới biết.
Thật thú vị khi tình cờ khám phá về loài cây hoa tưởng như huyền thoại này!

 

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=238737509802914&id=100010000008701

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.